07:08 | 17/10/2011
Thu, phương Đông. Đúng vào mùa dễ chịu nhất trong năm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đến Thủ đô Bắc Kinh bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Tổng bí thư, Chủ tịch Nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào. Đây là hoạt động đối ngoại quan trọng trong năm 2011 của Tổng bí thư, đồng thời là chuyến thăm cấp cao theo thông lệ hàng năm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta.
Theo diễn biến của thời tiết, Bắc Kinh sau một tháng nữa thôi, khoảng trung tuần tháng 11, nhiệt độ trung bình có thể đã xuống tới 4,60C và mức thấp nhất có thể là âm 100C. Trung tuần tháng 10, gió và sương mù nhẹ, Bắc Kinh thật huyền ảo, đan xen hài hòa giữa những công trình hiện đại và những nét cổ kính đặc trưng của một Thủ đô hơn 3.000 năm tuổi. Trường An, đại lộ chính của Thủ đô Bắc Kinh có chiều dài 65 km2, dường như hội tụ đậm đặc những nét hiện đại và cổ kính ấy. Trên đường từ Điếu Ngư Đài tới nơi diễn ra lễ đón, hội đàm, hội kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Nước CHND Trung Hoa, chúng tôi bắt gặp Bảo tàng Lịch sử Trung Quốc, Khách sạn Bắc Kinh, Vương Phủ tỉnh, Quảng trường Thiên An Môn, Đại lễ đường nhân dân, Trung Nam Hải... và được nghe giới thiệu về những di sản văn hóa thế giới, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Bắc Kinh như Vạn Lý Trường Thành, Cố Cung, Di Hòa Viên, Thập tam lăng...
Bắc Kinh | Ảnh: Trí Dũng |
Trong khung cảnh đó, chuyến thăm của Tổng bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta tới Trung Quốc lần này đã thành công rất tốt đẹp. Hai bên đã ra Tuyên bố chung gồm 8 điểm thể hiện những nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về quan hệ hai Đảng, hai nước và những định hướng lớn để phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững.
Nhìn lại và tổng kết những thành tựu to lớn đã giành được trong quá trình phát triển quan hệ hai nước 61 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt là 20 năm gần đây kể từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay, hữu nghị, hợp tác và phát triển là dòng chảy chủ đạo trong quan hệ Việt – Trung. Các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước đã để lại dấu mốc rõ nét, thúc đẩy quan hệ hai nước lên một bước mới, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Năm 1999, trong chuyến thăm của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã xác định phương châm 16 chữ thúc đẩy quan hệ hai nước trong thế kỷ XXI là láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai. Sau đó một năm, năm 2000, nhân chuyến thăm của Chủ tịch Nước Trần Đức Lương, hai bên đã ký Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới, cụ thể hóa phương châm 16 chữ thành những biện pháp cụ thể phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên cũng đã thỏa thuận đưa quan hệ hai nước trở thành láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt (tinh thần 4 tốt). Cách đây 3 năm, năm 2008, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, hai bên nhất trí phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, đồng thời nhất trí thiết lập đường dây nóng giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, tạo cơ sở cho quan hệ hai nước phát triển ổn định, lâu dài trong thời gian tới.
Hiện thực và gần gũi hơn cả, năm 2011, năm đánh dấu 20 năm hai nước bình thường hóa, đồng thời cũng là giai đoạn được cho làâ nhạy cảm và khó khăn nhất trong quan hệ hai nước kể từ khi bình thường hóa, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 11 đến 15.10, hai bên đã chân thành, trao đổi thẳng thắn về quan hệ hai Đảng, hai nước trong tình hình mới cũng như các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm và đạt được nhận thức chung rộng rãi. Thành quả rõ nét và đầy đủ nhất của chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư lần này được thể hiện trong nội dung các cuộc hội đàm, hội kiến giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, trong các văn kiện hợp tác quan trọng được ký kết ngay trong ngày đầu tiên của chuyến thăm và trong Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc. Đáng chú ý, hai bên khẳng định tiếp tục kiên trì phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương laivà tinh thần láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt; từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn toàn cục, sẽ tăng cường giao lưu hữu nghị giữa hai nước, mở rộng hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực; trân trọng, giữ gìn, phát triển tốt quan hệ hai Đảng, hai nước Việt – Trung, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh và lâu dài. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến sâu sắc, phức tạp, việc hai Đảng, hai nước tăng cường hơn nữa sự tin cậy chiến lược, hợp tác chặt chẽ toàn diện, xử lý thỏa đáng những vấn đề còn tồn tại hay mới nảy sinh giữa hai nước, là phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho sự nghiệp chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Đối với vấn đề được dư luận hai nước cũng như thế giới quan tâm là Biển Đông, hai bên đã đạt được thỏa thuận quan trọng, xác định 6 nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển, trong đó có nguyên tắc lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Việc đạt được nhận thức chung rộng rãi và sự nhất trí ở tầm cao chiến lược, lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng của Lãnh đạo cấp cao hai nước là sự khẳng định chính thức, mạnh mẽ, góp phần làm tan những nghi ngờ cũng như sự kích động của bất kể thế lực thù địch nào có âm mưu phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Chẳng thế mà, trải qua những bước thăng trầm, vượt trên những khó khăn, thử thách, trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã nhấn mạnh, tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau, tin cậy lẫn nhau, hợp tác với nhau là kinh nghiệm quan trọng cho quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh. Tình hữu nghị đời đời Việt – Trung là tài sản quý báu chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước cần được không ngừng củng cố, phát triển, truyền mãi cho các thế hệ mai sau. Trong bối cảnh tình hình mới trong quan hệ hai nước hiện nay, sự đạt được nhận thức chung rộng rãi và sự nhất trí về nhiều vấn đề ở tầm cao chiến lược đó còn là điều kiệnnhân hòa trong quan hệ hai nước.
Lần đầu tiên đến Bắc Kinh, nhưng tôi không hề có cảm giác xa lạ. Với Quảng Đông, Quảng Châu, Đông Quản hay Thâm Quyến – những điểm dừng chân của Tổng bí thư và Đoàn trong chuyến thăm Trung Quốc lần này – cũng vậy. Có chăng đó là sự ngỡ ngàng trước cơ sở hạ tầng đồ sộ và mạng lưới hạ tầng giao thông quá hiện đại nơi đây. Đúng với câu nói của người Trung Quốc – đại lộ đại phát, tiểu lộ tiểu phát – mạng lưới giao thông của bạn được quy hoạch bài bản, khoa học và thuận tiện. Hệ thống đường cao tốc đạt tiêu chuẩn quốc tế được bố trí hợp lý với hệ thống tàu cao tốc, tàu điện ngầm... Xe bus có làn riêng, không chen lấn vào làn đường của các loại xe khác. Còn trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta thường nghe thấy, tắc đường, kẹt xe là một trong những vấn đề của Bắc Kinh hiện nay. Đúng là Bắc Kinh có tắc đường, nhưng là tắc đường trong kỷ luật và trật tự. Không hề có chuyện bấm còi inh ỏi, chen chúc để lấn từng milimet đường. Ai ở làn đường nào ở nguyên làn đường đó, kiên nhẫn chờ đợi.
Với tính cách và tinh thần kỷ luật cộng với ý chí vươn lên mạnh mẽ dường như đã lý giải phần nào cho thành công vượt bậc của Trung Quốc sau 30 năm thực hiện cải cách mở cửa. Trong đó, thành tựu lớn nhất và quan trọng nhất là đã đưa Trung Quốc chính thức vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2010. Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này, trong các cuộc hội đàm, hội kiến với Lãnh đạo cấp cao cũng như các cuộc tiếp xúc, tham quan, khảo sát thực tiễn tại một số địa phương, doanh nghiệp của Trung Quốc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chúc mừng những thành tựu vĩ đại, toàn diện mang tính lịch sử mà nhân dân Trung Quốc đã đạt được. Cũng như bạn đã chúc mừng và tin tưởng, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu và nhiệm vụ mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra, xây dựng Việt Nam thành nước xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong cuộc tiếp Bí thư thành ủy Thâm Quyến Vương Vinh - thành phố được xem như mô hình thu nhỏ về thành công của công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc - Người đứng đầu Đảng ta chỉ rõ, khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã, chế độ xã hội chủ nghĩa không còn, chỉ có Trung Quốc, Việt Nam và một số nước tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Thành công của Trung Quốc cũng như của Việt Nam chứng minh rằng, chủ nghĩa xã hội đang còn sức sống và đang vươn lên rất tốt đẹp nếu như có nhận thức đúng và có cách làm đúng.
Nếu có thể đánh giá về thành công của chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này của Tổng bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta. Với tôi, xin được bày tỏ cảm nhận về thành công của chuyến thăm là sự hội tụ ở tầm cao chiến lược của các điều kiện thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Sự hội tụ ở tầm cao chiến lược và tầm nhìn toàn cục đó góp phần quan trọng vào việc tiếp tục đưa quan hệ hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước phát triển ổn định, lành mạnh. Sâu xa và rộng lớn hơn là vì chủ nghĩa xã hội, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
Điều muốn nhấn mạnh thêm về chuyến đi xin mượn suy nghĩ của W.Duiker – học giả Hoa Kỳ, tác giả của Hồ Chí Minh xuất bản ở New York năm 2001, đại ý: Tôn Tử cha đẻ của lý luận về nghệ thuật đàm phán là người Trung Hoa, nhưng người thực hành vĩ đại nghệ thuật đàm phán là một người Việt Nam ở thời đại chúng ta – Hồ Chí Minh và các học trò xuất sắc của Ông.
Không nghi ngờ gì nữa W.Duiker hoàn toàn có lý. Chỉ muốn nói thêm: - An nhiên trong giông tố có lẽ là phẩm chất ngàn năm để lại. Hiển hiện trong một con người. Hiển hiện trong một chuyến đi. Hiển hiện trong một đất nước, một dân tộc Việt Nam.
Ta vì ta hơn tám mươi triệu con người, cũng vì một tỷ ba trăm triệu nhân dân Trung Hoa sống trong hòa bình và hữu nghị.
Thanh Tâm
No comments:
Post a Comment