Thứ ba, 27 Tháng 9 2011 18:10
Bài phân tích trên mạng thông tin tình báo Stratfor "India, Vietnam: Testing China's Patience" cho rằng, những rắc rối trong quan hệ ngoại giao Trung - Ấn trong vài tháng gần đây liên quan đến việc thăm dò dầu khí tại Biển Đông đã làm nổi bật lên việc Việt - Ấn tăng cường quan hệ. Mặc dù Biển Đông đối với Ấn Độ chỉ là vấn đề thứ yếu, tuy nhiên đây lại là một phần trong chính sách "Hướng Đông" của nước này nhằm đối chọi lại với Trung Quốc. Bên hưởng lợi chính là Việt Nam.
ÂĐ đã coi nhẹ sự phản đối của TQ đối với liên doanh thăm dò dầu khí ÂĐ - Việt Nam tại Biển Đông, nói rằng liên doanh đã hoạt động từ năm 1988 và không có kế hoạch ngưng hoạt động. TQ, thông qua báo chí của mình, coi liên doanh là sự khiêu khích nghiêm trọng. Thực tế là công ty dầu khí ÂĐ và PetroVietnam đã ký hợp đồng có hiệu lực 7 năm từ năm 2006 mà không có bất cứ sự phản đối ngoại giao đáng kể nào từ TQ. Căng thẳng ngoại giao giữa các cường quốc trong khu vực liên quan đến vấn đề thăm dò dầu khí và khoáng sản tại các vùng biển tranh chấp vẫn xẩy ra, đáng chú ý lần này là việc Việt - Ấn tăng cường quan hệ. ÂĐ dường như muốn hướng về Việt Nam nhằm tăng cường sự hiện diện tại ĐNÁ và nhằm chống lại ảnh hưởng của TQ tại khu vực, trong khi Việt Nam coi ÂĐ như một đối tác tự nhiên khi nước này muốn đảm bảo an ninh tại Biển Đông.
Việt - Ấn là đối tác chiến lược ổn định trong hơn một thập niên qua, tuy vậy, việc hai nước tăng cường trao đổi đoàn cấp cao trong tháng qua cho thấy cả hai bên dường như muốn thúc đẩy việc tăng cường quan hệ, đặc biệt trong vấn đề an ninh. Nguyên nhân có thể là do sự mạnh bạo gần đây của TQ tại Biển Đông và ý định của nước này muốn kiềm chế môi trường chiến lược của ÂĐ và Việt Nam.
Mặc dù Biển Đông có vai trò quan trọng chiến lược đối với Việt Nam nhưng nơi này hiện không có ý nghĩa chiến lược quan trọng với ÂĐ về mặt an ninh và năng lượng. Đối với ÂĐ, việc liên minh với Việt Nam thể hiện mong muốn can dự vào một vấn đề đang ngày càng được quốc tế hóa, qua đó có được một chỗ đứng trong khu vực và giúp cân bằng ảnh hưởng với TQ, qua đó xử lý nhiều vấn đề chiến lược khác của mình như tranh chấp lãnh thổ với TQ hoặc buộc TQ phải điều chỉnh chiến lược của mình trong các vấn đề tại Ấn Độ Dương, Nam Á… Ngoài ra, trong chính sách "Hướng Đông" của mình, quan hệ quốc phòng tay ba giữa ÂĐ - Mỹ và NB là nhằm kiềm chế TQ. Đưa Việt Nam vào mối quan hệ này sẽ giúp các nước tiếp cận được các căn cứ quân sự vùng bờ biển Việt Nam, cùng với chính sách tái can dự khu vực CÁ - TBD của Mỹ, việc ÂĐ tăng cường can dự vào vấn đề sẽ giúp ÂĐ có lợi ích về kinh tế cũng như mở rộng môi trường chiến lược của mình.
TQ, nước đặc biệt nhạy cảm với sự can dự của cường quốc bên ngoài với Việt Nam, đã đưa ra cảnh báo của mình. Sự kiện vụ đụng độ giữa tàu TQ - ÂĐ (nếu thực sự đã diễn ra) là một thông điệp không chỉ cảnh cáo ÂĐ mà còn nhằm tới Việt Nam. Tuy ÂĐ không có nhiều lựa chọn, nhưng việc gia tăng lợi ích của nước này tại các vấn đề khu vực ĐNÁ cũng như nhu cầu chiến lược để cân bằng ảnh hưởng với TQ sẽ giúp họ có được kết quả.
Tuy Việt Nam - ÂĐ cùng chia sẻ lợi ích chung và muốn tăng cường quan hệ quân sự, sự khác biệt trong các ưu tiên cũng như yếu tố TQ sẽ khiến hai nước không đi quá nhanh và quá xa.
Theo Stratfor
Trần Quang (gt)
==========================================================
http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/2090-2090-
Thứ năm, 29 Tháng 9 2011 08:11
Bài viết của TS. Ngô Triệu Lễ, Ban châu Á-Thái bình Dương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, đánh giá về động cơ của Ấn Độ trong việc can dự vào Biển Đông, quan hệ Ấn Độ - Việt Nam và Ấn Độ - Trung Quốc trong bối cảnh Công ty dầu khí quốc doanh Ấn Độ chuẩn bị vào khai thác dầu khí ở thềm ục địa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc phản đối.
Ngày 15/9/2011 trong thời gian Ngoại trưởng Ấn Độ Krishna ở thăm Việt Nam, báo Ấn Độ "Hindustan Times" đưa tin Công ty dầu khí quốc doanh của Ấn Độ (ONGC) có kế hoạch vào khai thác dầu khí trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông đồng thời cho biết kế hoạch đã được Việt Nam cho phép. Ngày 16/9 Ấn Độ và Việt Nam quyết định tăng cường hợp tác khai thác dầu khí, đồng thời quyết định sẽ tiếp tục dự án hợp tác ONGC.
Từ lâu nay thái độ của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông tương đối rõ ràng, nghĩa là ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông, hy vọng các bên tôn trọng "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông" ký kết năm 2002. Có thể nói, lập trường của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông là phù hợp với chủ trương nhất quán của Trung Quốc. Tuy nhiên phía sau nguyên tắc, Ấn Độ đã làm một "động tác nhỏ", đúng như báo chí Ấn Độ đã nói dự án ONGC là lần đầu tiên Ấn Độ nhảy vào vòng tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.
Việt Nam là trụ cột quan trọng cho "chính sách hướng Đông" của Ấn Độ
Tại buổi họp báo về việc Ngoại trưởng Ấn Độ đi thăm Việt Nam tổ chức ngày 15/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố đối với Ấn Độ, quan hệ với Việt Nam là một trụ cột then chốt và cực kỳ quan trọng. Có thể nói trong quan hệ với các nước ASEAN, cách xác định quan hệ như trên quả là có một không hai. Trong bối cảnh Ấn Độ thực thi "chính sách hướng Đông" và Việt Nam phát triển không gian sang phía Tây, hai nước Việt Nam-Ấn Độ trước đây vốn đã rất tâm đầu ý hợp, nay nhu cầu chiến lược cần nhau được tăng cường, lợi ích chung gặp gỡ tăng lên, cả hai đều xác định lại quan hệ song phương bằng góc nhìn chiến lược hoàn toàn mới. Nhất là trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng phát triển, thực lực không ngừng tăng lên, hai nước đều đang có tranh chấp lãnh thổ hoặc lãnh hải chưa giải quyết được với Trung Quốc, nay hình thành mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, nếu nói đó là mối quan hệ "đoàn kết nương nhờ nhau" cũng là điều hết sức bình thường.
Tính đến nay, hai nước đã cùng tổ chức 6 lần "Đối thoại chiến lược quốc phòng", 2 lần "Đối thoại chiến lược" và 5 lần "trao đổi ngoại giao". Đặc biệt sau khi hai nước ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng vào tháng 11 năm 2009, giao lưu hợp tác quân sự song phương tăng lên rõ rệt. Tháng 7/2010 Tư lệnh lục quân Ấn Độ lần đầu tiên sau 10 năm đi thăm Việt Nam; Tháng 7/2011, Việt Nam mời tàu tấn công đổ bộ "INS Airavat" đến Việt Nam. Ủng hộ nhau về chính trị, dựa vào nhau về an ninh trở thành đặc điểm nổi bật nhất trong quan hệ Ấn Độ-Việt Nam. Việt Nam là sợi dây nối quan trọng để Ấn Độ phát triển quan hệ với các nước ASEAN.
Quan hệ Trung - Ấn có cả cơ sở lẫn lo ngại
Từ năm 2011 đến nay quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Ấn Độ phải nói tương đối bình lặng. Trên cơ sở cùng tổ chức "Tết Trung Quốc" tại Ấn Độ và "Tết Ấn Độ" tại Trung Quốc năm 2010, hai bên lại đã xác định năm 2011 là "Năm giao lưu Trung-Ấn". Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế thương mại phát triển nhanh chóng, kim ngạch thương mại song phương năm 2010 đạt 61,7 tỉ USD, trên cơ sở đó trong 8 tháng đầu năm nay đã đạt 48,16 tỉ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy thế, giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng có lo ngại. Việc giữa Trung Quốc và Pakixtan hình thành mối quan hệ đối tác "trong mọi điều kiện" trong bối cảnh Ấn Độ và Pakixtan đối đầu nhau đã bị Ấn Độ giải thích là Trung Quốc dựa vào Pakixtan đối đầu với Ấn Độ, nhất là giải thích việc Trung Quốc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước Đông Á là nhắm vào quy hoạch chiến lược của Ấn Độ, cho rằng Trung Quốc thực thi "chiến lược chuỗi ngọc trai" bao vây Ấn Độ. Hơn nữa, những tác động tiêu cực từ những vấn đề hiện thực như vấn đề biên giới, Đạtlai Lạtma, mất cân bằng thương mại và hiện đại hóa quân đội còn tồn tại giữa hai nước là không thể xem thường. Mức độ tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa Trung Quốc và Ấn Độ thấp, giao lưu phi chính thức có hạn khiến cho chiều sâu hợp tác trong khuôn khổ song phương giữa hai nước bị hạn chế, còn tồn tại cạnh tranh, thậm chí còn đối đầu ở mức độ nhất định.
Mục đích của việc Ấn Độ thúc đẩy dự án ONGC là không những có thể khéo léo ủng hộ Việt Nam, nước hiện nay đang có quan hệ "keo sơn" với Ấn Độ, mà còn có thể dựa vào đó để tỏ cho Trung Quốc thấy rằng trong vấn đề liên quan đến quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Ấn Độ cũng có "con bài" khác để chơi. Một số chính khách Ấn Độ cho rằng cần phải cảnh giác trước biện pháp ngoại giao khéo léo mà cứng rắn của Trung Quốc. Có học giả còn đề xuất chủ trương phải thành lập "Tổ chức hợp tác Hà Nội" với Việt Nam và một số nước khác để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Một số nhân vật "diều hâu" trong quân đội cho rằng Ấn Độ không thể đối phó thách thức của Trung Quốc bằng thái độ mềm yếu và biệt lập, Ấn Độ cũng có quyền tổ chức "chuỗi ngọc trai" của riêng mình bao vây Trung Quốc.
Có tương đối nhiều học giả Ấn Độ đã biết rõ rằng "Việc Ấn Độ đâu đâu cũng bố trí phòng vệ trước Trung Quốc sẽ làm cho họ sắp trở thành người thua cuộc, nếu xét về lâu về dài", nhưng Ấn Độ muốn thấy mình ở vào một ưu thế chiến lược nào đó trong khi xử lý quan hệ với Trung Quốc. Ấn Độ cũng đang lợi dụng tâm lý lo lắng của một số nước trước việc Trung Quốc thể hiện thực lực sau khi họ đã lớn mạnh để phát triển không gian chiến lược cho bản thân mình. Trên thực tế, Việt Nam dùng Ấn Độ để tìm điểm cân bằng, Ấn Độ cũng dựa vào Việt Nam để "nhìn về hướng Đông"; Việt Nam coi Ấn Độ là lực lượng quan trọng để cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc, Ấn Độ muốn lợi dụng vị trí địa lý của Việt Nam để mở rộng sự có mặt và ảnh hưởng của mình ở khu vực Đông Nam Á. Ấn Độ xem Việt Nam là một tiếp điểm then chốt để phá vỡ cái gọi là "chiến lược chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc.
Biển Đông không phải là "trà trong cốc" của Ấn Độ
Việc Ấn Độ bước vào Biển Đông hoàn toàn không có nghĩa là họ đã làm tốt công tác chuẩn bị từ các phương diện tâm lý và vật chất để đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông. Học giả Ấn Độ Raman cho rằng trong vấn đề về các đảo tranh chấp ở Biển Đông, đến Mỹ là nước có thực lực hải quân vượt xa Ấn Độ cũng giữ lập trường trung lập. Trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, Việt Nam không có khả năng bảo vệ Công ty dầu khí của Ấn Độ, trong khi các đảo tranh chấp lại ở xa Ấn Độ, nhưng lại gần Trung Quốc, hải quân Ấn Độ trước mắt cũng không có khả năng bảo vệ cho Công ty dầu khí của Ấn Độ. Raman thậm chí cho rằng dù có nhằm để yêu cầu Trung Quốc "ngừng các hoạt động kiểm soát vùng Casơmia ở Pakixtan" thì Ấn Độ cũng không nên có ý đồ đối kháng Trung Quốc ở Biển Đông, vì Biển Đông không phải là "trà trong cốc" của Ấn Độ./.
Theo báo "Quốc phòng Trung Quốc" (ngày 20/9/2011)
Viết Tuấn (gt)
====================================================
Thứ bảy, 01 Tháng 10 2011 08:55
Miles Yu
28-09-2011
Bài báo hàng đầu trên Hoàn Cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm thứ Ba có lời kêu gọi gây hoang mang về tuyên bố chiến tranh chống Việt Nam và Philippines, hai nước mà trong các tuần gần đây đã có những lời phản đối to nhất, chống lại các tuyên bố chủ quyền toàn bộ trên biển Đông (nguyên văn: Nam Hải) của Trung Quốc.
Tựa đề "Đã đến lúc sử dụng vũ lực ở biển Đông; Hãy tiến hành chiến tranh với Philippines và Việt Nam để ngăn chặn có thêm chiến tranh", bài báo của tác giả Long Tao, một bút danh có thể dịch theo nghĩa đen là "Lời giáo huấn của rồng". Cái tên này muốn ám chỉ đến chương thứ ba trong tác phẩm cổ điển quân sự cổ đại Trung Quốc nổi tiếng: "Sáu giáo lý bí mật quân sự", rằng ngoài những thứ khác, thúc đẩy ý tưởng về cách tốt nhất để tạo ra sự kinh hoàng trong quân sự là tiêu diệt những kẻ bất đồng cao cấp nhất.
Việt Nam được Trung Quốc coi như một nước có khả năng quân sự nhất, đất nước mà chính phủ kiên quyết nhất về chính trị, liên quan đến thách thức tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Đông.
Gần đây, Philippines đã chọc tức Trung Quốc rất nhiều vì gần gũi với Nhật Bản, và hành động thành công và khó chịu [của Philippines] hồi tuần trước là tổ chức các cuộc hội đàm với ASEAN mà không mời Trung Quốc, hợp tác và làm rõ các tuyên bố tranh chấp, cũng như đồng thuận về vấn đề biển Đông.
Lời nói bốc lửa trong bài viết "Biển Đông là nơi tốt nhất để Trung Quốc tiến hành chiến tranh" là vì "hơn 1.000 giàn khoan dầu ở đó, không có cái nào thuộc về Trung Quốc, bốn sân bay ở quần đảo Trường Sa, không sân bay nào thuộc về Trung Quốc, một khi tuyên bố chiến tranh, biển Đông sẽ là một biển lửa [đốt giàn khoan dầu]. Ai sẽ gánh chịu nhiều nhất từ một cuộc chiến? Một khi chiến tranh bắt đầu ở đó, các công ty dầu phương Tây sẽ chạy khỏi khu vực, ai sẽ chịu thiệt thòi nhất"?
Bài viết này tiếp tục tính toán rằng, "các cuộc chiến tranh nên tập trung tấn công vào Philippines và Việt Nam, là hai nước gây rối nhiều nhất, để đạt được hiệu quả của việc giết một con gà để dọa con khỉ".
Về khả năng có thể có sự can thiệp của Mỹ khi Trung Quốc bắt đầu một cuộc chiến ở biển Đông hay không? Theo như bài báo thì, không có gì phải lo, vì Mỹ hoàn toàn không thể mở một mặt trận thứ hai ở biển Đông để đánh Trung Quốc vì Mỹ bị sa lầy trong cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông.
Hoàn Cầu Thời báo là tờ báo lớn nhất của Trung Quốc, tập trung vào tin tức quốc tế, dưới sự bảo trợ trực tiếp từ Trung ương Đảng Cộng sản.
Ngọc Thu dịch từ Washington Times
==============================================
http://www.seasfoundation.org/news-about-south-east-asia-sea/actions-from-other-countries/1367-nht--ngh-thanh-lp-din-an-an-ninh-bin
Thứ sáu, 30 Tháng 9 2011 11:47
TT - Ngày 29-9, kết thúc Hội nghị quốc phòng ASEAN - Nhật Bản cấp thứ trưởng lần 3 diễn ra hai ngày tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), các đại biểu đều cho rằng đối với các tranh chấp trên biển Đông cần phải giải quyết hòa bình dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, cần có cách hiểu thống nhất và thực hiện nghiêm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982.
Theo TTXVN, tại hội nghị, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh - thứ trưởng Bộ Quốc phòng VN - nêu rõ đối với các vấn đề an ninh khu vực nói chung cũng như vấn đề an ninh biển nói riêng, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ và tích cực tham gia trên cơ sở luật pháp quốc tế và trong khả năng của mình. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cũng đã có cuộc tiếp xúc với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Kimito Nakae để thảo luận việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong thời gian tới.
Cùng ngày, báo Yomiuri Shimbun cho biết Chính phủ Nhật kêu gọi thành lập diễn đàn an ninh biển trong Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) diễn ra ở Indonesia vào giữa tháng 11-2011.
Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và các nước ASEAN sẽ có mặt trong EAS, Mỹ và Nga sẽ tham gia lần đầu tiên.
theo TTO
==================================================
http://www.seasfoundation.org/news-about-south-east-asia-sea/actions-from-china/1366-nnc-dng-danh-dy-qchuyen-gia-trung-quc-thi-c-dung-v-lc--bin-ong-a-chin-muiq
Thứ sáu, 30 Tháng 9 2011 11:13
Nguồn: Mạng Nhân Dân, Mạng Chinacom.. và một số mạng chính thức khác cùng đăng tải ngày 27 tháng 9 năm 2011
Trước những năm 70 của thế kỷ trước, không có vấn đề Biển Đông, mọi nước trên thế giới đều không dị nghị đối với đề xuất chủ trương chủ quyền "đưòng lưỡi bò" trong Biển Đông. Biển Đông sở dĩ thành "vấn đề" nguồn gốc là ở chính quyền Nam Việt và sau này, sau khi Việt Nam độc lập, xâm phạm các đảo bãi Nam Sa. Trung Quốc và đề xuất yêu cầu chủ quyền đối với Tây Sa Trung Quốc. Trung Quốc ngoài việc trị tội chính quyền Nam Việt trong cuộc phản kích Tây Sa và tiến hành đánh trả tự vệ Việt Nam trên đất liền ra đã không kịp thời tiến hành kiềm chế ngăn chặn hành vi ngang nhiên xâm lược của Việt Nam tại Biển Đông, để đến nỗi hôm nay ôm lấy di chứng. Một là khêu gợi rồi lôi kéo các quốc gia khác tiến hành "tranh cướp" đảo bãi Nam Sa của Trung Quốc; hai là bây giờ Việt Nam dẫn Mỹ tới, đồng thời lôi kéo các nước nhỏ khác với toan tính đe doạ Trung Quốc, quốc tế hoá những tranh chấp song phưong của Trung Quốc.
Trung Quốc tập trung tinh lực phát triển kinh tế, cấp bách mong mỏi xung quanh hài hoà ổn định, không mong muốn quốc tế hoá Biển Đông, không muốn vì điều này mà mang lại hy sinh quốc gia cực lớn và tai hoạ quốc tế, đã thể hiện lòng chân thành trên thế giới không hề có. Quốc tế hoá vấn đề Biển Đông đã rất rõ ràng, nhưng vẫn còn chưa thành hình. Bây giờ đang là lúc Trung Quốc phải bình tĩnh phân tích, nắm chắc cơ hội, nhanh chóng sử dụng thời cơ tốt hành động quả đoán.
Hiện nay các nước ở Biển Đông đều đang tiến hành chạy đua vũ trang mua thêm binh khí hải quân, không quân hạng nặng tầm xa, ngay Singapor không liên quan gì tới Biển Đông cũng chuẩn bị mua máy bay chiến đấu tàng hình mũi nhọn; kế hoạch vũ trang của Australia và Ấn Độ v.v.. đều là để chuẩn bị cho chiến tranh cấp thế giới. Nhật Bản càng không chịu ngồi yên. Nước Mỹ một mặt ra sức bán vũ khí, một mặt lửa cháy đổ thêm dầu đồng thời chuẩn bị dính líu về quân sự.
Có nước nhỏ cá biệt thấy Mỹ tuyên bố "trở lại châu Á" cho rằng đã có chỗ dựa, ra sức kêu gào, có nước động dao động súng, tiến hành hăm doạ vũ lực. Điều này rất có mùi vị khôi hài. Thế năng chiến tranh tại Biển Đông đang được tích luỹ. Thời gian không ở phía Trung Quốc, Trung Quốc nên giữ tư thế người chủ đạo trong hợp tác và phát triển khu vực và dùng điều kiện càng ưu đãi hơn cạnh tranh với các công ty dầu mỏ phương tây, tham gia khai thác dầu khí, đồng thời tiến hành khuyên can ngăn chặn tiên lễ hậu binh đối với những hành động lấy dầu xâm phạm vùng biển của ta. Đừng lo lắng cho những cuộc chiến tranh qui mô nhỏ, bởi vì đó là phưong thức tốt nhất để làm thế năng chiến tranh xì bớt. Đánh mấy trận nhỏ, thì trận đánh lớn có thể tránh được.
Dưong Danh Dy (dịch)
theo Viet-studies
======================================
http://www.seasfoundation.org/research-documents/military/1365-vit-nam-trc-hinh-thai-chin-tranh-mi Thứ sáu, 30 Tháng 9 2011 10:52
Lê Ngọc Thống
Bất kỳ một quốc gia nào nếu như muốn Tổ Quốc không bị bất ngờ thì phải biết được nguy cơ thách thức an ninh từ đâu đến? Lực lượng bao nhiêu? Đến bằng cách nào? Nhằm vào đâu? Và chuẩn bị để đón nó ra sao. Việt Nam cũng vậy thôi. Khi một láng giềng vốn hùng mạnh lại tăng cường lực lượng quân sự vượt khỏi giới hạn phòng thủ, không minh bạch, kèm theo thái độ nước lớn nghênh ngang, đe dọa dùng vũ lực; hành động ngang ngược, chèn ép bắt nạt… thì đó là vận hội hòa bình hay là nguy cơ chiến tranh? Dù không muốn thì Việt Nam cũng bắt buộc phải có ứng xử và hành xử với nguy cơ này. Bài phân tích và nhận định của Lê Ngọc Thống – nguyên sỹ quan Hải quân Việt Nam.
Đối tượng và khu vực tác chiến
Từ xưa tới nay dân tộc Việt trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh. Lúc thì phải thực hiện chiến tranh giải phóng Tổ quốc; lúc thì thực hiện chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tuy nhiên những cuộc chiến này chủ yếu xảy ra trên Lãnh thổ. Vùng biển, vùng trời thời đó con người cả 2 phía chưa đủ khả năng để nhận thức được vị trí, lợi ích của nó nên được bỏ qua. Ngày nay tình thế đã khác, khi mà lãnh thổ đã "rành rành định sẵn ở sách Trời" rồi thì Vùng biển và Hải đảo con người có đủ khả năng để làm chủ, khai thác nó thì dù có được bảo vệ bằng Công ước LHQ về biển, Luật biển Quốc tế năm 1982 thì nó vẫn trở thành mục tiêu quan tâm của những kẻ có dã tâm bành trướng
Việt Nam là một quốc gia có 3260km bờ biển với hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ trong đó có 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa (bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1974) và Trường Sa. Theo Công ước của LHQ về biển và Luật biển năm 1982 thì Việt Nam có chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển với diện tích khoảng 1 triệu km2. Như vậy biển, đảo của Việt Nam thực sự là "Trời cho" và những kẻ có dã tâm bành trướng thì nhìn vô với ánh mắt thèm muốn, chờ cơ hội là hành động. Vấn đề đặt ra trước tình hình hiện nay là ta phải làm gì để "giữ lấy nó" như lời Bác Hồ dạy.
Quả thật, "Bảo vệ vững chắc vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc" mà Quân đội nói chung và Hải quân Việt Nam nói riêng gánh vác nghe có vẻ như là chức năng và nhiệm vụ thường xuyên muôn thuở của mình nhưng thực tế hết sức mới mẻ. Bởi lẽ để thực hiện tốt nhiệm vụ, nếu khi có kẻ xâm lược vùng biển và hải đảo thì quân QĐNDVN mà nòng cốt là HQNDVN phải tiến hành chiến tranh trên biển, nghĩa là có rất nhiều trận hải chiến sẽ xảy ra. Mà hải chiến thì Việt Nam quá ít kinh nghiệm. Từ xưa tới nay dù chỉ là quy mô nhỏ, lịch sử ghi nhận có 5 trận hải chiến mà cha ông thực hiện. Trận thứ nhất ở cửa biển Vân Đồn do ông tướng thủy quân được gọi là giỏi nhất Đại Việt thời bấy giờ-Trần Khánh Dư chỉ huy. Sử sách không ghi diễn biến cụ thể, chỉ biết là đối đầu với hơn 400 thuyền chiến của Ô Mã Nhi, "hải quân bờ" của Trần Khánh Dư đại bại. Trước khi tự trói chịu tội ông tướng nhà Trần phát hiện lẻo đẻo đằng sau có một đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ do không kịp theo đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi, vậy là gom góp "tàn quân" Trần Khánh Dư diệt gọn đoàn thuyền này. So với trận trước thì đây chỉ là trận thắng danh dự nhưng hậu quả thì vô cùng khủng khiếp với nhà Nguyên… Trận thứ hai là của hải quân của Chúa Nguyễn tiêu diệt 2 tàu chiến của Hà Lan xâm phạm lãnh hải. Trận thứ 3 là Hoàng Sa 1974 và 2 trận còn lại (mang hơi hướng của chiến tranh hiện đại một chút) là của HQNDVN gồm 3 tàu phóng lôi đánh đuổi tàu Maddox và trận ngày 19/4/1972 gồm 2 máy bay MIG21 hợp đồng tác chiến với 3 tàu phóng lôi đánh nhau với Hạm đội 7 Hải quân Mỹ gồm 01 tuần dương hạm, 02 khu trục hạm và 01 hộ tống hạm tại vùng biển Quảng Bình. Lần xung đột trên biển năm 1988 không tính vì HQNDVN lúc đó chỉ có tàu vận tải, không có tàu chiến tham gia.
Liệt kê ra những điều này để chúng ta biết rằng hải chiến chưa phải là sở trường của ta (và càng không phải là sở trường của Trung Quốc, với Nhật Bản thì họ đã, đang là cường quốc biển không ai có thể phủ nhận). Vì thế xây dựng thế trận, cách đánh, vũ khí trang bị … phải tích hợp với nhau và theo kiểu Việt Nam để giữ biển, giữ đảo đòi hỏi rất nhiều trí tuệ, rất nhiều công sức tiền của, tâm huyết của QĐNDVN và dân tộc Việt Nam.
Tình hình hiện nay Việt Nam khẳng định chắc chắn rằng nếu như có quốc gia nào đó xâm phạm vùng biển và hải đảo của mình thì quốc gia đó không ai khác ngoài Trung Quốc. Và đương nhiên đối tượng tác chiến của Việt Nam trong sự nghiệp giữ biển đảo không phải là Mỹ, Nhật Bản hoặc Nga mà phải là Trung Quốc.
Vậy giả sử khi Trung Quốc không còn đe dọa sử dụng vũ lực như đã từng đe dọa nhiều lần nữa mà dùng vũ lực thật thì mục tiêu họ cần đạt được là gì, không gian, khu vực tác chiến xảy ra ở đâu? Chẳng quá khó khi trả lời câu hỏi này. Rõ ràng đó là các sân bay bến cảng trên bờ; quần đảo Trường Sa và khu vực dầu khí. Nhưng lực lượng nào sẽ tham gia? Trung Quốc sẽ bung toàn lực hay chỉ sử dụng một hạm đội nào đó có tăng cường để gây chiến với Việt Nam?
Lật lại trang chiến tranh Việt Nam – Mỹ. Việt Nam thắng nhưng trên phương diện là làm cho Mỹ không leo thang chiến tranh; làm cho Mỹ phải rút quân về nước; làm cho chế độ mà Mỹ dựng lên sụp đổ để Việt Nam thống nhất. Thời điểm đó Mỹ có khả năng thực hiện một lúc 2 cuộc chiến tranh rưỡi và còn cả khối NATO nhưng Mỹ không thể tập trung toàn bộ lực lượng dù chỉ 1/4 sức mạnh bởi lợi ích ở Việt Nam của Mỹ không là gì so với lợi ích toàn cầu của Mỹ. Mỹ thất bại tại Việt Nam là sự thật, là do không hiểu Việt Nam nhưng cho rằng Mỹ yếu kém, hèn nhát, nhu nhược, thì chẳng khác nào "nghé không sợ cọp". (Giá như hồi đó Việt Nam đối xử với Mỹ như Lê Lợi-Nguyễn Trãi đối xử với nhà Minh; như Nguyễn Huệ đối xử với nhà Thanh thì lịch sử ít nhất cũng không lùi lại 20 năm. Nhưng lịch sử thì không có "giá như", đúng không?)
Trung Quốc thì khác Mỹ. Nếu như Mỹ không thể thì Trung Quốc là không dám đem hết toàn bộ lực lượng để "dạy cho Việt Nam một bài học" như họ từng nói. Bởi thứ nhất là: Ngay như Việt Nam năm 1975 mặc dù phải tung hết lực lượng vào miền Nam nhưng Tướng Giáp vẫn kiên quyết để lại Sư 308 – sư đoàn thiện chiến nhất của Việt Nam lúc bấy giờ làm nhiệm vụ "Cận vệ". Dù đã có đủ cơ sở để khẳng định "có cho kẹo Mỹ cũng không can thiệp trở lại Viêt Nam" nhưng Tướng Giáp và Bộ Chính trị Đảng CSVN vẫn dự kiến tình huống xấu nhất xảy ra cho miền Bắc trước một thế lực khác ngay khi chưa lộ mặt. Huống chi ngày nay Trung Quốc không có bạn, thời gian gần đây lại đi gây thù chuốc oán thêm nên xung quanh chỉ có cựu thù, họ nhìn Trung Quốc với con mắt cảnh giác, họ tăng cường tiềm lực quân sự để sẵn sàng đối phó với Trung Quốc mà Trung Quốc lại đi "dốc hết túi cho một kênh bạc chưa đâu vào đâu" thì quả là mạo hiểm về chiến lược và ngu xuẩn về chiến thuật. Điều thứ hai là tình hình chính trị xã hội Trung Quốc rất bất ổn. Có lẽ đây là điều nguy hiểm nhất. Bởi không phải ai trong giới cầm quyền Bắc Kinh cũng muốn đánh Việt Nam và nếu dùng hết toàn bộ lực lượng hiện có tấn công (với giả thiết các nước láng giềng xung quanh là bạn và không có nguy cơ nào thách thức đến an ninh quốc gia từ bên ngoài) thì kết quả bắt buộc phải thắng nhưng thắng nhanh. Không thắng coi như tự sát, nhưng thắng không nhanh cũng gây nên thảm họa trong nước (nội bộ thì đấu đá hạ bệ nhau, bạo loạn, ly khai…) cũng coi như tự sát (hình như cư dân mạng của Trung Quốc cũng sợ chuyện này nên mới vạch ra kế hoạch nổi tiếng táo bạo 31 ngày thì phải).
Giá như giới quân sự Trung Quốc trả lời chắc chắn được câu hỏi có "thắng nhanh" hay không? Nhưng rất tiếc, câu trả lời là của phía Việt Nam.
Vậy là đã rõ, lực lượng mà HQNDVN phải đối mặt nếu như không nhầm thì là Hạm đội Nam Hải được tăng cường lực lượng không quân và tên lửa đạn đạo. Có thể nói lực lượng, trang bị vũ khí của Hạm đội này cũng áp đảo, vượt trội so với Hải quân Việt Nam chứ không phải là chuyện đùa. Đây là Hạm đội chủ lực mạnh nhất, hiện đại nhất của Trung Quốc và duy nhất trong 3 hạm đội của Trung Quốc được biên chế 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ. Điều này cũng chứng tỏ nhiệm vụ và đối tượng tác chiến của Hạm đội Nam Hải là ai rồi.
Một trang sử mới với một hình thái chiến tranh mới – chiến tranh trên biển trong sự nghiệp giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc của chúng ta bắt đầu.
Nếu Mỹ tấn công Việt Nam với mục đích đạt được như Trung Quốc, theo kịch bản mà Mỹ từng sử dụng ở Irắc, Coxovo, Apganixtan thì Mỹ sẽ sử dụng đòn tấn công tên lửa, pháo hạm từ tàu ngầm, tàu nổi, cùng với máy bay cường kích tên lửa chiếm lĩnh bầu trời đồng loạt vào các vị trí sân bay, bến cảng, các trạm radar của Việt Nam. Mỹ có thể làm chủ cuộc tấn công nếu như Mỹ với hàng trăm máy bay trên tàu sân bay làm chủ được vùng trời. Đây cũng là ưu thế quyết định nhất của các trận hải chiến. Bởi vì lực lượng không quân hải quân là lực lượng nguy hiểm nhất để áp chế, khống chế hoặc tiêu diệt nhanh nhất lực lượng tàu nổi, lực lượng tên lửa bờ, sân bay, bến cảng. Và tất nhiên kết quả phụ thuộc lớn về việc không quân hải quân Việt Nam có giằng co được với đối phương trên vùng trời của vùng biển xảy ra tác chiến hay không. Nếu giằng co được thì có cơ hội phản công, nếu không thì chấp nhận trở về thời kỳ trước năm1975 thực hiện chiến tranh du kích.
Nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam cũng có kịch bản tương tự Mỹ thôi nhưng ưu thế quyết định nhất của các trận hải chiến thì Việt Nam nắm giữ bởi lẽ không quân hải quân Trung Quốc chưa đủ cơ để vươn ra đến khu vực xảy ra tác chiến. Trung Quốc lại không có khả năng tấn công từ xa ngoài "tầm với" của đối phương như Mỹ, vì thế bắt buộc họ phải tiếp cận gần hơn, mà gần hơn thì nằm trong tầm hỏa lực của các lực lượng phòng thủ biển Việt Nam. Vì vậy dù lực lượng tàu ngầm, tàu nổi, tên lửa hiện đại của Trung Quốc không kém Mỹ là bao nhưng do không khống chế làm chủ vùng trời nên tạo điều kiện cho tàu ngầm, tàu mặt nước, không quân hải quân Việt Nam "nhở nhơ" tha hồ lựa chọn phương án đáp trả. (Có lẽ bây giờ ta mới hiểu vì sao Trung Quốc lại có mơ ước khát khao cháy bỏng là làm sao để có tàu sân bay đến thế. Họ đã có nó, tuy nhiên chờ đến lúc được như Mỹ bây giờ là một khoảng thời gian dài).
Lối đánh và NMD Made in Vietnam
Ngày nay, hoạt động tác chiến để giữ biển đảo của Viêt Nam hiện nay xảy ra trong một không gian rộng và sâu bao gồm trên không, trên biển, trong lòng biển và dưới đáy biển. Tương ứng với nó là các lực lượng không quân hải quân; tàu mặt nước; tàu ngầm; thủy lôi, mìn và lực lượng phòng thủ bờ biển.
Hải chiến ngày xưa thì các lực lượng này của hai bên thường tìm cách tiếp cận nhau, gặp nhau là bắn nhau như vãi đạn. Hải chiến hiện đại ngày nay thì khác, các lực lượng này hiếm khi đối mặt nhau mà chỉ tiêu diệt nhau khi khoảng cách còn rất xa. Vì thế kẻ nào nhìn xa hơn, vũ khí có tầm bắn xa hơn, độ chính xác cao hơn là kẻ đó thường chiếm ưu thế (nói là thường vì trong trận hải chiến tháng 10/1973 giữa hải quân Israel với Ai cập và sau đó là Syria thì tàu tên lửa của hải quân Ai Cập và Syria tầm bắn lớn hơn tàu tên lửa của Israel gấp 2,5 lần. Nhưng do chiến thuật và gây nhiễu tốt nên khi tàu tên lửa của Ai Cập và Syria tấn công ngoài tầm hỏa lực của tàu tên lửa Israel mà không trúng mục tiêu thì lập tức tàu tên lửa Israel vận động tiếp cận đến đúng tầm hỏa lực của mình phóng tên lửa diệt gọn) Tuy nhiên có một điều cần hiểu là khoảng cách còn rất xa đó là xa bao nhiêu? Đây là vấn đề tuyệt mật quân sự. Bạn có thể biết tàu này, máy bay kia trang bị vũ khí này nọ nhưng bạn không thể biết tầm bắn có hiệu quả của nó là bao nhiêu km ngoài người làm chủ phương tiện đó ra. Vì thế hải chiến, không chiến hiện đại vẫn phải có các hành động đợi cơ, phục kích, hoặc vận động tiếp cận mục tiêu làm sao có lợi nhất để phát huy hỏa lực của mình. Như vậy không có nghĩa những tàu chiến hiện đại nhất được trang bị hỏa lực phòng, chống đầy mình là miễn bị tiêu diệt, tấn công.
Từ kinh nghiệm chiến tranh với Mỹ, như trong trận hải chiến ngày 19/4/1972 Lực lượng Hạm đội 7 Mỹ mạnh như vậy, bầu trời, vùng biển Việt Nam bị khống chế, phong tỏa như thế mà hải quân và không quân Viêt Nam vẫn hợp đồng tập kích làm cho 4 tàu chiến hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ bị bất ngờ, rối loạn, lúng túng đối phó và bị dính đòn đau. Vì thế, để chống lại một lực lượng hải quân mạnh, hiện đại tầm cỡ như Trung Quốc, Mỹ thì nguyên tắc sống còn trong tấn công đối phương là cơ động nhanh, bí mật, tập kích bất ngờ với các đòn dồn dập, nhiều hướng, nhiều chiều, nhiều phương tiện hỏa lực vào một mục tiêu làm cho đối phương lùng túng, rối loạn dễ bị tiêu diệt hoặc bị thiệt hại nặng nề. Tình thế hôm nay Việt Nam càng thuận lợi, dễ dàng hơn rất nhiều lần so với thời đánh Mỹ, do đó nguyên tắc sống còn trong tấn công trên biển này càng phát huy uy lực. Các tàu, xuồng phóng lôi, tên lửa loại nhỏ tốc độ cao Việt Nam đang đóng hàng loạt có thể đợi cơ phục kích ở bất cứ nơi đâu trên cửa sông, luồng lệch và gần 3000 hòn đảo lớn nhỏ của bờ biển Việt Nam được sự hỗ trợ của không quân, lực lượng trên đất liền tùy theo tình hình tác chiến sẽ là một mối nguy hiểm cực lớn, tiềm tàng rất khó đối phó. Bất kỳ lực lượng tuần dương hạm, khu trục hạm nào dù hiện đại đến đâu mà "mon men" vào vùng biển và hải đảo của Việt Nam thì ngoài việc phải tập trung đối phó tương xứng với các máy bay, tàu chiến hiện đại của Việt Nam còn bị nguy cơ tiêu diệt rất cao bởi những con tàu "đặc nhiệm" này. Sự phối hợp bộ 3 giữa tàu tên lửa, phóng lôi loại nhỏ tốc độ cao và tàu ngầm với không quân phục kích hay tập kích có vẻ như trở thành loại hình tác chiến cơ bản, sở trường của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Hải chiến hiện đại với vũ khí công nghệ cao thì ngư lôi, tên lửa là hỏa lực chủ yếu mà bên này dùng để tiêu diệt bên kia và ngược lại, trong đó tên lửa là hỏa lực chính. Đến đây một bài toán hóc búa đặt ra là làm thế nào để cho tên lửa, ngư lôi của ta phóng ra là trúng đích và làm gì để vô hiệu hóa hoặc ít ra là hạn chế tên lửa, mgư lôi của đối phương?
Việt Nam nghèo không có cơ sở vật chất kỹ thuật để bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa như Mỹ, điều đó không có nghĩa là chỉ biết trương mắt nhìn tên lửa bay vào lãnh thổ mà chịu. Để đánh chặn các đòn tấn công bằng tên lửa hành trình, đạn đạo, máy bay tàng hình tầm thấp của đối phương, Việt Nam phải xây dựng, bố trí các tổ hợp phòng không nhiều tầng nhiều lớp nghĩa là các vùng lưới lửa như thời chống Mỹ với các cỡ nòng từ 12ly7 trở lên ở những hướng mà tên lửa, máy bay có thể xuất hiện. Các vị trí quan sát bằng kỹ thuật ở bờ biển, hải đảo sẽ thông báo cho tổ hợp phòng không biết tên lửa bay theo hướng nào, độ cao bao nhiêu, thời gian bao lâu để đồng loạt khai hỏa. Máy bay tuy tốc độ thấp nhưng đường bay không cố định; tên lửa có tốc độ cao thì đường bay lại cố định. Thuận lợi và khó khăn khi đánh chặn 2 loại này như nhau nhưng cũng lưới lửa này Việt Nam đã từng tiêu diệt máy bay F111 cánh cụp cánh xòe tốc độ siêu thanh thì ngày nay mọi điều đều có thể. Ngoài ra Việt Nam cũng phải học cách rải nhiễu, gây nhiễu của B52 Mỹ trong chiến dịch Linebacker; tạo ra các khu vực nhiễu loạn điện từ để tên lửa bay qua vùng đó thì mất điều khiển tự nổ hoặc ít nhất cũng phải hạn chế tối đa độ chính xác của tên lửa đến mục tiêu…
Như vậy, căn cứ vào nội lực và động thái chuẩn bị của Việt Nam thì bất kỳ một quốc gia nào trừ Mỹ mở một cuộc chiến tranh trên biển với Việt Nam, chẳng hạn Trung Quốc đang coi Trường Sa của Việt Nam và 80% diện tích biển Đông là lợi ích cốt lõi thì điều đó (gây chiến tranh) có thể xảy ra thì nên bây giờ hoặc không bao giờ. Nhưng với nhãn quan của mình tôi cho rằng điều đó đã qua và ngay bây giờ cũng là quá khó. Không những Việt Nam đã mạnh lên rất nhiều mà tình hình khu vực đã thay đổi chóng mặt không có lợi cho Trung Quốc tý nào. Trung Quốc đã như hay bị coi như Liên Xô trước kia? Liệu một cuộc chiến tranh lạnh có xảy ra nữa không? Phản ứng của Trung Quốc nói lên điều gì? Chúng ta chờ xem.
Lê Ngọc Thống
==============================================
Chủ nhật, 25 Tháng 9 2011 12:29
Lê Vĩnh Trương (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông)
1- Dẫn nhập
Biển và đại dương ngày càng quan trọng hơn trong đời sống nhân loại vì nhiều lý do ngoài không gian sinh tồn, nguồn nguyên nhiên liệu và cơ hội thông thương. Quốc gia nào nắm sức mạnh trên biển sẽ có cơ may hạn chế nguy cơ chiến tranh trên bộ cho mình. Các cuộc đối đầu thay bậc đổi ngôi trong suốt chiều dài lịch sử cận đại đã đầy dẫy những trận đánh trên bộ long trời lở đất, tuy nhiên, hầu hết đều đã được quyết định bằng sức mạnh hải quân[1]. Nhiều cuộc chiến chống xâm lược của Việt Nam từ thời Ngô Quyền đến thời nhà Trần, Lê, Nguyễn và cả các cuộc chiến về sau của Việt Nam đều bắt đầu và kết thúc phần lớn với vai trò của hải chiến và hải quân. Các chiến lược gia có tầm nhìn thế giới như Sa Hoàng Peter Đại Đế, Thống Chế Sergey Georgiyevich Gorshkov( Liên Xô), Alfred Thayer Mahan (Mỹ), Minh Trị Thiên Hoàng (Nhật) đều dành nhiều tâm huyết cho sức mạnh trên biển. Thủ Tướng Ấn Độ Nehru cũng đã xác định"Để được an ninh trên lục địa, chúng ta phải thống lãnh biển khơi"[2] 2- Cường quốc biển và cường quốc hải dương
Giới quan sát hải dương thường dùng cả hai thuật ngữ sea power (cường quốc biển) và maritime power (cường quốc hải dương) để chỉ quốc gia có sức mạnh trên biển. Tuy nhiên cường quốc biển thường được hiểu là nước có sức mạnh hải quân mà thôi. Tuy vậy đôi lúc hai thuật ngữ này cũng được dùng tương đương nhau. Theo Mahan, chiến lược gia hải dương của Mỹ, cường quốc biển (sea power) là nhằm mô tả một quốc gia "có năng lực nhà nước nhằm sử dụng biển khơi. Điều này tùy thuộc vào số lượng tàu hải quân, đội thương thuyền, đội tàu ngư nghiệp và khám phá hải dương, hệ thống tiện ích cảng, công nghệ đóng tàu, hệ thống tài chính và bảo hiểm hàng hải."
Theo Mahan, để nắm ưu thế trên biển thì một cường quốc hải dương sẽ phải bảo đảm ba yếu tố hải quân mạnh, thương mại phát triển và hệ thống các căn cứ. Tuy nhiên triết lý để thống trị biển của Mahan về sau phát triển thành các nhân tố: 1) vị trí địa lý, 2)thực lực vật chất,3)độ kéo dài của lãnh thổ,4) dân số (độ lớn và đặc tính dân chúng, tinh thần hướng biển và khả năng hấp thu khoa học kỹ thuật biển), 5)đặc điểm dân tộc và 6) đặc điểm chính quyền. [3]
Tác giả Vijaya Sakhuja phát triển đẳng thức Ray S.Live[4]
Pp= (C+E+M)(S+W)
lên một mức khác gắn liền với sức mạnh hải dương là
Pmp=(G+E+M+T)(S+W) với các thành phần như sau
Pmp= perceived maritime power (sức mạnh hải dương)
C= Critical Mass=Population+Territory (Số đông quyết định= Dân Số+ Lãnh Thổ)
E= Economic capability (năng lực kinh tế)
M=Military capability (sức mạnh quân sự)
S= Strategic purpose (mục tiêu chiến lược)
W= Will to pursue national strategy (ý chí mưu cầu chiến lược quốc gia)
P= Power =S+W (sức mạnh =mục tiêu chiến lược +ý chí mưu cầu)
Và G= Geographical factors (Địa thế)
Sức mạnh của một cường quốc hải dương sẽ là một sức mạnh tổng hợp của đòan kết nhân dân, của nền kinh tế, sức mạnh võ trang, của mục tiêu chiến lược và ý chí thực hiện các mục tiêu ấy.
Các tác giả còn có những phân tích đối với các nước không phải là các cường quốc biển nhưng hưởng lợi tối đa từ kinh tế biển và không tập trung phát triển năng lực hải quân. Có những quốc gia bậc trung (medium power) kết liên minh với các cường quốc hải dương để tận thu các nguồn lợi hải dương, tìm kiếm lợi cho nền kinh tế đất nước.
3- Tầm quan trọng của SLOC và các hiểm lộ trên biển (chokepoints)
Các tuyến thông thương biển (Sea-lines of communication SLOC) là những con đường hàng hải chính yếu nối các cảng thương mại, cảng tiếp vận và quân cảng. Các con đường này dễ bị phong tỏa vào thời chiến.
Trong cách mạng Mỹ và trong các cuộc chiến Napoleon, hầu hết các SLOC nằm trong tay Hải quân Anh và khi lực lượng này mất kiểm soát các SLOC, họ bị thất thủ Yorktown và sau đó quân đoàn lớn nhất bị đánh tan và rồi thua trận. Trong thời kỳ Napoleon, người Anh phong tỏa các quốc gia liên hệ với Napoleon, làm gia tăng khó khăn đời sống dân Pháp khiến họ mất hết niềm tin vào hoàng đế Pháp.
Vào Thế chiến 1 và 2, hải quân Đức cố gắng kiểm soát các SLOC từ Bắc Mỹ đến và đi Anh quốc bằng tàu ngầm khiến quân Đồng minh phải mang hộ tống hạm và các đoàn convoy ra mở lối khai thông SLOC. Trong Thế chiến thứ 2, Hải quân Mỹ đã phong tỏa thành công các SLOC đến Nhật và bóp nghẹt đường sống của đảo quốc nghèo tài nguyên này.
Trong Chiến tranh Lạnh, châu Âu đã phải nhờ cậy nhiều đến Bắc Mỹ do Liên Xô sử dụng chiến thuật đóng chặt các SLOC đến châu Âu để phát huy thế mạnh số đông của họ tại khu vực này.
Hình 1: Các SLOC châu Á Thái Bình Dương
Các hiểm lộ biển (chokepoints)[5] Trên thế giới có khoảng 200 eo biển (vùng nước hẹp nối hai vùng nước rộng) hoặc kênh đào, tuy nhiên chỉ có một số ít trong đó có thể được xem như hiểm lộ. Một hiểm lộ là một eo hay kênh có vị trí chiến lược và có thể đóng kín để ngăn cản giao thông thủy cho tàu dầu, tàu buôn, tàu khách hay tàu chiến. Những cuộc phong tỏa này sẽ gây ra khủng hoảng tầm thế giới.[6]
Những eo như eo Gibraltar đã được UNCLOS 1982 bảo vệ để bảo đảm cho tàu bè và phi cơ được tự do thông thương cho tất cả cộng đồng thế giới.
Eo Gibralta
Hình 2. Eo Gibralta
Nằm giữa Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, với một bên gắn với đất liền là thuộc địa Gibraltar của Anh và Tây Ban Nha ở bờ Bắc còn ở bờ Nam là Morocco. Phi cơ quân dụng của Mỹ đã phải bay ngang qua nút cổ chai này (với quyền bay do UNCLOS 1982 quy định) để tấn công Libya vào 1986 vì Pháp không cho Mỹ sử dụng không phận.
Nhiều lần trong lịch sử nhân loại, eo Gibraltar đã bị nghẹt, không thông thương được vì những hoạt động địa chất đến mức nước không thông từ Đại Tây Dương qua khiến cho Địa Trung Hải phải cạn nước. Nhiều tầng muối dưới đáy biển đã chứng minh hiện tượng này đã xảy ra vào nhiều thế kỷ trước.
Kênh đào Panama |
Hình 3. Kênh đào Panama
Kênh đào Panama được hoàn thành năm 1914, dài 50 dặm Anh, nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương và tiết giảm 8000 hải lý cho tàu thuyền đi từ bờ Đông sang Tây Hoa Kỳ. Có khoảng 12 nghìn con tàu băng ngang qua kênh này hàng năm. Hiện nay, kênh thuộc quyền quản hạt của Cộng hòa Panama. |
Eo Magellan
Hình 4. Eo Magellan
Trước khi kênh Panama hoàn thành, tàu thuyền đến và đi hai bờ Đông Tây châu Mỹ phải đi vòng xuống cực nam châu Mỹ. Nhiều nhà hàng hải đã phải bỏ thuyền chạy lấy người khi ngang qua các dòng nước hiểm trở len lỏi giữa các doi đất liền của Chile và Argentina.
Eo Malacca |
Hình 5. Eo Malacca
Eo Malacca nằm trong Ấn Độ Dương, hải lộ quan trọng này là con đường tắt cho các tàu dầu từ Trung Đông đến các quốc gia khát dầu ở vòng cung Thái Bình Dương (đặc biệt là Nhật), băng qua eo biển hẹp mà hai bên là Indonesia và Malaysia. Tổng cộng có gần 60 nghìn[7] tàu thông thương qua đây hàng năm. Tại đây có thông tin cho rằng Hải Quân Việt Nam đã có một căn cứ tàu ngầm khiến Trung Quốc bày tỏ quan ngại. [8] Nếu eo này chẳng may đóng cửa thì gần 50% tàu thuyền thế giới sẽ phải đi vòng Indonesia xuống eo Lombok, giữa Bali và Lombok hoặc eo Sunda, giữa Java và Sumatra.
Eo Bosphorus và Dardanelles |
Hình 6. Eo Bosphorus và Dardanelles
Con đường yết hầu trên biển này nối liền Hắc Hải có các cảng của Ukraina và Địa Trung Hải do Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ. Hơn 50 ngàn tàu thuyền trong đó có 5 ngàn rưỡi tàu dầu đi ngang qua eo này hàng năm.
|
Kênh Suez Hình 7. Kênh Suez Dài 103 dặm Anh, nằm toàn bộ trong đất Ai Cập và là con đường nối biển duy nhất giữa Hồng Hải và Địa Trung Hải. Đi cùng các căng thẳng Trung Cận Đông, con kênh này là miếng mồi cho nhiều nước dòm ngó kể từ khi hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1869 bởi nhà ngoại giao Pháp Ferdinand de Lesseps. Anh quốc làm chủ kênh này từ năm 1882 đến 1922. Ai Cập quốc hữu hóa vào năm 1956. Trong cuộc chiến Sáu Ngày 1967, Israel chiếm giữ kênh này nhưng sau đó đã lui binh để thương lượng hòa bình.
|
Eo Hormuz Hình 8. Eo Hormuz
Địa danh cổ họng này đã trở nên quen thuộc trong cuộc chiến Vùng Vịnh 1991. Eo Hormuz là một điểm xung yếu trên con đường SLOC vận chuyển dầu lửa huyết mạch ra khỏi vịnh Ba Tư. Eo biển này hiện được Hoa Kỳ và đồng minh kiểm soát. Eo biển này nối Vịnh Ba Tư và Biển Ả Rập và được bao quanh bởi Iran, Oman và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập. Eo này là hiểm lộ quan trọng nhất của thế giới vì mỗi ngày có 15,5 triệu thùng dầu đi qua vào 2009 còn đỉnh điểm là năm 2008 với 17 triệu thùng dầu đi qua, chiếm khoảng 33% dầu đi biển và 17% dầu được mua bán toàn thế giới.
|
Eo biển Bab el Mandeb Hình 9. Eo biển Bab el Mandeb
Tiếng Ả Rập có nghĩa là Cổng nước mắt. Eo biển này kết nối Hồng Hải và Ấn Độ Dương, eo Bab el Mandeb một hoa dung đạo cho vận tải hàng hải giữa Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương được bao quanh bởi Yemen, Djibouti, và đất nước non trẻ Eritrea.
|
Tại Đông Nam Á, nếu kênh đào Kra được cho phép sử dụng như một lựa chọn thay thế cho eo Malacca, các khả năng ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường cũng cần được xem xét để tận dụng cao nhất lợi ích cho hòa bình và phát triển khu vực.
Nói về các hiểm lộ trong lịch sử Việt Nam, người Việt đã từng xử lý các trận chiến lớn bằng quân bộ như tại nút thắt cổ chai Chi Lăng năm 1427, hoặc bằng thủy hải quân tại yếu huyệt Bạch Đằng (938,981 và 1288), Xoài Mút (1785), hoặc bằng thủy bộ kết hợp trong chiến thắng phòng tuyến Như Nguyệt (1077)- điểm then chốt chặn mọi nẻo tiến quân vào Thăng Long. Đáng lưu ý là hải quân Trung Quốc với thuyền lớn đều đi từ của biển vào, còn quân Đại Việt những lần trên đều dựa vào thế trận nửa nước nửa bờ.
Cũng tại một chokepoint khác của biển Việt Nam, quân Nguyễn Ánh và Tây Sơn đã có một trận thư hùng quyết định chiến trường vào năm 1801 tại cửa Thị Nại mà người đời sau gọi đó là Xích Bích của Việt Nam.[9] Hiểm lộ Thị Nại cũng là nơi vua Trần Duệ Tông tử trận trong trận phạt Chiêm năm 1377. Hình 10. Hiểm lộ chiến tranh đường thủy Xoài Mút
4- Biển Việt Nam- vùng biển vì hòa bình
Biển Việt Nam, tức biển Đông Nam Á bao bọc đất nước Việt Nam và gắn liền với dân tộc từ khi lập nước ngay cả trong tên gọi đất "nước". Để là một cường quốc hải dương và thực hiện thành công mục tiêu 2020, 55% GDP là từ biển, người Việt sẽ phải thực hiện nhiều việc hơn đẳng thức của Vijay, nhiều việc hơn bộ ba hay bộ sáu của Mahan. Quan hệ hữu hảo của hải quân và nhân dân các nước Ấn, Nhật, Nga, Mỹ với Việt Nam trong thời gian gần đây là những võ khí bảo vệ SLOC, khai thông hiểm lộ và chính là đóng góp to lớn của Việt Nam vào tự do giao thông hàng hải và hòa bình khu vực. Bảo vệ biển Đông sóng êm gió lặng và chuẩn bị tinh thần tận dụng những cuộc va chạm không mong muốn trên biển trên bộ để trở thành một cường quốc biển tương lai là điều mong muốn của người Việt Nam.
Xét khía cạnh quân sự, các trận hải chiến của Việt Nam thường diễn ra tại cửa sông thông ra biển, với sự kết hợp của lục quân và hải quân. Hải quân Việt Nam hiện nay đang xây dựng một hạm đội tàu ngầm để bảo vệ vùng biển Việt Nam[10] cũng trên tinh thần lấy đất liền làm điểm tựa. Tác giả Lê Ngọc Thống đã so sánh các tàu ngầm của Việt Nam như những con "hổ Việt Nam chỉ rình mồi ở những vị trí mà con mồi hay đi qua và bắt buộc phải đi qua. Và khi con mồi đã trong "tầm vồ" thì ... mới gọi là Chúa sơn lâm."[11]Tuy nhiên, quyết định các cuộc chiến lớn là ở chiến tranh trên biển chứ không phải trên bộ, song quyết định các trận hải chiến không do tàu ngầm mà là tàu trên mặt nước và chiến đấu cơ[12]. Những đúc kết của thế giới về SLOC và hiểm lộ cho thấy có nhiều cách thức để cân bằng lực lượng trên biển nhằm vãn hồi, duy trì hòa bình và phát triển giàu mạnh chứ không phải dựa vào số đông quân lực, số nhiều trang thiết bị, độ dài của hàng không mẫu hạm, độ to của dàn khoan. Trớ trêu của lịch sử là những khẩu đại bác khổng lồ không cứu vãn thế trận của phát xít Đức[13]. Việt Nam có một SLOC đi ngang và có nhiều hiểm lộ để vươn tầm ngoài Malacca vì độ quan trọng của SLOC sẽ quyết định số lượng của các điểm trọng yếu khác, ngoài hiểm lộ.
Tiến hành xây dựng hơn 3000km bờ biển cùng tất cả các đảo trong quyền kiểm soát trở thành những địa điểm văn hóa, du lịch, trung tâm ngư nghiệp có giá trị kinh tế biển cao đồng thời với bảo đảm khả năng phòng thủ là nâng cao sức mạnh Việt Nam. Sức mạnh mềm của một "eo Việt Nam" tương lai[14] sẽ là một phần quan trọng trong sức mạnh tổng hợp của đất nước. Trong nỗ lực vì hòa bình như tên gọi của đại dương này, những thông tin về SLOC và các hiểm lộ có lẽ cũng cần thiết cho ngư dân, cho giới kinh doanh và những ai quan tâm đến công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc.
[1] Jurgen Schwarz, Wilfried A. Herrmann, Hank Frank Seller- Maritime Strategy in Asia- White Lotus- 2002, trang 19 [2] Arthur Hellman,"The Eagle and the Elephant", Wall street Journal, 7 March 2006 [3] Vijay Sakhuja- Institute of South East Asian Studies- Asian Maritime Power in the 21 st Century- 2011, trang 21,24 [4] Jurgen Schwarz, Wilfried A. Herrmann, Hank Frank Seller- Maritime Strategy in Asia- White Lotus- 2002, trang 24 [5]Jean-Paul Rodrigue, Straits, Passages and Chokepoints [12] Jurgen Schwarz, Wilfried A. Herrmann, Hank Frank Seller- Maritime Strategy in Asia- White Lotus- 2002, trang 19 và 39
No comments:
Post a Comment