Monday, October 3, 2011

03/10 Kịch bản tăng trưởng: “Không thể duy ý chí”

NGUYÊN HÀ
03/10/2011 07:48 (GMT+7)
pictureKhu vực trung tâm của Tp.HCM, nhìn từ phía sông Sài Gòn - Ảnh: Getty.
E-mailBản để inCỡ chữChia sẻ:facebooktwittergooglerss
Kinh tế thế giới diễn biến phức tạp khó lường, bất ổn vĩ mô trong nước đã ở mức nghiêm trọng, lạm phát quá cao và sản xuất có dấu hiệu đình trệ… đã khiến cho những dự báo, dự kiến về tính khả thi của các kịch bản tăng trưởng trở nên “chênh vênh” hơn.

Tại kỳ họp thứ hai khai mạc vào ngày 20/10 tới đây, Quốc hội sẽ quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2012 và cả giai đoạn 2011- 2015. Trong đó tăng trưởng GDP luôn nằm ở vị trí số 1 trong hệ thống chỉ tiêu của cả hai kế hoạch này.

Liên tục trong thời gian gần đây, ở nhiều hội thảo khoa học và các phiên họp thẩm tra tình hình kinh tế xã hội của các ủy ban chuyên môn của Quốc hội, mức tăng GDP như thế nào là phù hợp cũng đã được tính đếm nhiều chiều. Và các con số 6% cho năm 2012, 7% cho bình quân 5 năm 2011 - 2015 theo dự kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chưa nhận được sự tin cậy  cao của giới chuyên gia.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, 6% bình quân là con số hợp lý cho cả giai đoạn 5 năm tới, thậm chí có ý kiến cho rằng chỉ có thể đạt 5%, nếu nguồn lực không được phân bổ tốt hơn.

Không phủ nhận sự “có lý” của con số này, tuy nhiên, một số ý kiến khác nhìn nhận, nếu tăng trưởng dưới 6% sẽ ảnh hưởng đến lao động, việc làm, an sinh xã hội.

Băn khoăn, lưỡng lự khi thể hiện chính kiến về mức tăng GDP của kế hoạch 5 năm còn bởi con số này đã được Đại hội Đảng lần thứ 11 thông qua ở mức bình quân 5 năm từ 7 - 7,5%. Trong khi, tình hình thế giới và trong nước hiện nay và dự báo năm sau được cho là “cực kỳ khó khăn”.

Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên họp sáng 1/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cả năm 2012 và kế hoạch 5 năm đều có hai kịch bản tăng trưởng.

Mức tăng GDP của năm sau sẽ là 6,5% khi tình hình kinh tế vĩ mô dần đi vào ổn định và 6% với dự báo những khó khăn của kinh tế trong nước chậm được khắc phục.

Còn ở kế hoạch 5 năm, kịch bản 1 dành cho tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm 7% và kịch bản hai dự kiến chỉ đạt 6,5%.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết quan điểm của Chính phủ là năm sau chọn kịch bản tăng trưởng thấp và 5 năm thì ngược lại.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế tán thành với kịch bản 1 của giai đoạn 5 năm, một số ý kiến cho rằng bình quân giai đoạn này chỉ có thể đạt khoảng 6-6,5%, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết.

Cơ sở của nhận định này là, sự phát triển ổn định của nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực được mùa, được giá đã giúp đạt được một số kết quả tích cực trong năm 2011. Sang năm 2012, với dự báo về tình hình kinh tế thế giới và trong nước khó khăn hơn trước, sản xuất nông nghiệp nếu không có được thuận lợi như năm trước thì dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể khoảng 6%, thậm chí có thể thấp hơn. 

Đồng thời, theo cân đối vốn đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2006-2010 là 42,7% GDP, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7%/năm. Dự kiến giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chỉ khoảng 35% GDP thì bình quân 5 năm khó có thể là 7%. 

Cho rằng chúng ta chưa đủ điều kiện để vừa phát triển nhanh vừa phát triển bền vững nên lúc này cần chuyển sang quan điểm phát triển bền vững, vì thế  GDP trên 6% là chấp nhận được, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cân nhắc.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý hỏi thẳng, kịch bản của Chính phủ cao nhất là tăng GDP 7%, vậy ai đã trình ra Đại hội Đảng 11 cao nhất là 7,5%?

“Quốc hội mà thông qua nghị quyết hạ chỉ tiêu mà Đảng vừa quyết cách đây mấy tháng thì nhân dân sẽ không hiểu được tại sao, trong khi thành viên Chính phủ là đảng viên hết, là ủy viên Trung ương hết, tôi không hiểu được, tính nhất quán cần xem lại”, ông Lý gay gắt.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh giải thích: Thủ tướng Chính phủ lúc đầu cũng quyết là chỉ có bám theo chỉ tiêu của Đại hội. Nhưng sau khi nghe ý kiến nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế và phân tích thực tế, thì thấy việc xây dựng mục tiêu đưa ra trình Đại hội 11 không phải cách đây mấy tháng mà gần hai năm rồi. 

Từ cuối 2009 đầu 2010 đến giờ tình hình đã khác xa, tình hình thế giới biến đổi quá lớn, nếu không nhìn thẳng vào thực tế, nếu cứ bám sát, duy ý chí vào cái đó thì kịch bản điều hành chắc chắn là bị động, ông Vinh phân trần.

Đồng thời thể hiện chính kiến, “nhìn thẳng vào sự thật để điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, mục tiêu chung thì vẫn giữ nguyên, tôi cho đó là rất chính xác”.

Vì vậy, ông Vinh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội hai kịch bản tăng trưởng để Quốc hội thảo luận và dân chủ lựa chọn. Quốc hội quyết thế nào thì Chính phủ sẽ tiếp thu như vậy.

No comments:

Post a Comment