Căn cứ nhận định về tình hình trong nước và quốc tế trong vòng 5 năm tới, Chính phủ đề ra 2 kịch bản phát triển kinh tế với mức tăng GDP lần lượt là 6,5% và 7%, nhưng vẫn ưu tiên lựa chọn phương án tăng trưởng cao hơn.
Ở kịch bản kém lạc quan hơn, Chính phủ cho rằng kinh tế thế giới sẽ diễn biến phức tạp, tăng trưởng thấp trong năm 2011 và 2012. Thách thức đối với những năm sau đó thậm chí còn lớn hơn với nguy cơ khủng hoảng nợ công và suy thoái kép. Sự suy giảm về ODA cũng như thị trường xuất khẩu gây ảnh hưởng xấu đến kinh tế Việt Nam.
> ‘Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được thắt chặt’
Chính phủ vừa hoàn thành và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Báo cáo Tình hình kinh tế xã hội 5 năm 2006 - 2010 và dự kiến kế hoạch 2011 - 2015. Đáng chú ý trong Báo cáo này là 2 kịch bản tăng trưởng được Chính phủ xây dựng để điều hành trong 5 năm tới.
Chính phủ vẫn ưu tiên lựa chọn mục tiêu tăng trưởng cao hơn cho 5 năm tới. Ảnh: WSJ |
Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ cho rằng tăng trưởng trong 5 năm tới của toàn nền kinh tế sẽ ở mức 6,5%. GDP năm 2015 sẽ tương đương gần 180 tỷ USD trong khi thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt khoảng 1.965 USD. Tại thời điểm đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) phấn đấu chỉ tăng 7%.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường khi kinh tế suy giảm nhưng Chính phủ dự kiến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trung bình 12% trong vòng 5 năm tới. Nhập siêu đến năm 2015 kiểm soát ở mức 12% kim ngạch xuất khẩu, trong khi bội chi ngân sách ở mức 4,5%.
Cũng theo phương án này, nợ công đến cuối 2015 của Việt Nam không quá 65% GDP (trong đó, nợ Chính phủ không quá 55%, nợ quốc gia không quá 50% GDP). Với số liệu tương ứng cuối năm 2010 là 57,3%, 45,7% và 42,2% GDP, kế hoạch này khá phù hợp với tuyên bố gần đây của Chính phủ về chủ trương tiếp tục gia tăng nợ để phục vụ nhu cầu phát triển.
Cũng xuất phát từ dự báo tương tự kịch bản một, nhưng với kỳ vọng kinh tế sáng sủa hơn vào cuối nhiệm kỳ, các nhà điều hành đề ra kịch bản thứ 2 với mức tăng trưởng bình quân 5 năm khoảng 7%. Đây là phương án được Chính phủ ưu tiên lựa chọn.
Với kịch bản này, GDP 2011 của Việt Nam vẫn sẽ có mức tăng khoảng 5,8-6%, phù hợp với các thống kê hiện tại. Tuy nhiên, đến năm 2012, con số dự kiến có thể đạt khoảng 6,5% và cao hơn trong giai đoạn 2013 - 2015. Tính bình quân trong 5 năm, có thể tăng khoảng 7%, đáp ứng được chỉ tiêu mà Đại hội XI của Đảng đề ra (7-7,5%).
GDP năm 2015, nếu căn cứ theo lộ trình này, có thể tương đương 184 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.000 USD. Kim ngạch xuất khẩu bình quân 5 năm đạt khoảng 14% và nhập siêu chỉ tương đương 10% xuất khẩu. Các chỉ tiêu về lạm phát, bội chi ngân sách và dư nợ cơ bản tương đương kịch bản thứ nhất.
Theo Chính phủ thì điểm chung trong điều hành kinh tế 5 năm tới, dù theo kịch bản nào, vẫn là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đó là duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Đây là luận điểm được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao tại Báo cáo thẩm tra về kế hoạch của Chính phủ. Ủy ban Kinh tế cũng tán thành với việc lựa chọn tốc độ tăng GDP trung bình 5 năm ở mức 7% là phương án ưu tiên. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng Chính phủ cần có giải pháp cụ thể và căn cứ vào tình hình thực tế để đề xuất phương án điều hành hợp lý.
Về vấn đề lạm phát, Báo cáo thẩm tra cho rằng cơ quan điều hành cần có giải pháp để lập tức đưa tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng về mức một con số ngay trong năm 2012. Giai đoạn 2013 - 2014, con số này phải đạt dưới 6% và giảm về khoảng 5% vào năm 2015. Nợ Chính phủ và nợ công cũng phải thấp hơn khoảng 5% so với đề xuất của cơ quan điều hành.
Riêng về xuất khẩu, Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ cần có quyết tâm cao hơn nữa nhằm giảm dần nhập siêu hàng năm, kiểm soát ở mức khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu và không quá 5 tỷ USD vào năm 2015. Kết quả này sẽ giúp cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam, tiến tới kim ngạch xuất khẩu bằng nhập khẩu vào năm 2020.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng đề xuất với Chính phủ một số giải pháp nhằm ổn định các cân đối vĩ mô khác như đưa nguồn vốn trái phiếu Chính phủ vào cân đối ngân sách từ năm 2013 (để cải thiện hoạt động quản lý nợ), có báo cáo chi tiết về cán cân thanh toán quốc tế (dự kiến thặng dư 19 tỷ USD trong vòng 5 năm tới). Cuối cùng, Ủy ban cho rằng Chính phủ cần bố trí vốn đầu tư hợp lý để phát triển ngành điện (dự kiến nhu cầu tăng 15-16% mỗi năm) cũng như các nguồn năng lượng khác của quốc gia để phục vụ tốt các mục tiêu phát triển.
Đánh giá về giai đoạn 2006 - 2010, Chính phủ cho rằng nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn thách thức, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Tốc độ GDP bình quân 5 năm ước đạt 7%, thấp hơn so với kế hoạch (7,5-8%) nhưng cao hơn mức bình quân khu vực. GDP tính theo giá so sánh năm 2010 gấp hơn 2 lần so với năm 2000 và đạt 101,6 tỷ USD theo giá thực tế năm 2010. Xuất khẩu bình quân 5 năm tăng 17,3% một năm, vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, do nhập khẩu (chủ yếu là nguyên liệu sản xuất) tăng nên nhập siêu bình quân cũng tăng lên 22,4% tổng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm. Thu ngân sách đạt kết quả tốt, tỷ lệ huy động thuế và phí vào ngân sách đạt 22,4% GDP. Bội chi bình quân 5 năm khoảng 5,5% GDP, cao hơn giai đoạn trước do chi mạnh để chống suy giảm kinh tế giai đoạn 2009 - 2010. Cán cân thanh toán quốc tế trong giai đoạn 2006-2008 thặng dư cao nhưng thâm hụt vào năm 2009 - 2010 do xuất khẩu giảm và vốn đầu tư từ bên ngoài giảm. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2001-2005, đạt 42,7% GDP. Cũng trong khoảng thời gian này, vốn FDI thực hiện đạt gần 45 tỷ USD, vượt 77% so với kế hoạch đề ra. ODA cam kết đạt trên 31 tỷ USD (gấp hơn 1,5 lần mục tiêu), giải ngân đạt 13,8 tỷ USD, vượt 16% kế hoạch. |
Nhật Minh
No comments:
Post a Comment