Tác giả: T/S ALAN PHAN, CHỦ TỊCH QUỸ ĐẦU TƯ VIASA
Ngành IT, đặc biệt phân khúc ứng dụng phần mềm, cần trí tuệ, sức sáng tạo và sự đam mê hơn là tư bản, kinh nghiệm, hay quan hệ chính trị và thương mại. Ngay cả trí tuệ, những khóa học kỹ thuật truyền dạy từ các trường đại học cũng không quan trọng hơn kỹ năng tự khám phá.
Trong bài viết lần trước về cơ hội đột phá cho nền kinh tế Việt Nam, tôi nói là một chương trình hiện đại hóa của nông nghiệp có thể tạo một lực đẩy mới nhờ lợi thế cạnh tranh thiên nhiênvà kinh nghiệm ngàn năm về canh tác.
Tôi cũng xác định là chánh sách kinh tế hiện tại, đầu tư tiền bạc và ưu đãi lớn lao vào các công nghệ cổ điển chỉ làm thâm thủng thêm cán cân thương mại, tạo nhập siêu và nợ công khủng.Các hậu quả khác của mô hình kinh tế Trung Quốc mà chúng ta rập khuôn là phải cung ứng nhân công rẻ, chấp nhận ô nhiễm môi trường và gia công sản xuất hàng xuất khẩu giá rẻ...để hấp dẫn các nhà đầu tư FDI nhỏ lẻ. Trải nghiệm 20 năm qua với mô hình này đã gây nên những vấn nạn xã hội và khó khăn ngột ngạt trong đời sống hàng ngày của đại đa số người dân.
Tuy nhiên, ngoài việc phát triển nông nghiệp, một lãnh vực khác mà tôi nghĩ Việt Nam cũng có một vài lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á là ngành công nghệ thông tin (IT). Dù đây là một ngành nghề gần như nằm ở một thái cực đối ngược với nông nghiệp nhưng các yếu tố để thành công cho thấy khá thuận lợi với các lợi thế kinh tế của chúng ta.
Trước hết, ngành IT cần một hệ thống hạ tầng như băng tần cáp quang hay vệ tinh rộng lớn, nhưng hạ tầng cho ngành này không tốn kém như một hệ thống xa lộ, cảng biển, đường sắt...khắp nước. Đầu tư vào phần mềm cho một video game như Grand Theft Auto IV tốn khoảng 20 triệu dollars và mất 8 tháng; nhưng đã đem lại một doanh thu hơn 500 triệu dollars trong tuần lễ đầu tiên. Dĩ nhiên, không phải game nào cũng thành công như vậy. Trong khi đó, mẫu xe ô tô bán chạy nhất như Toyota Camry cần 5 năm để thiết kế, một đầu tư khoảng 2 tỷ dollar khắp thế giới, một thương hiệu hàng đầu quốc tế; nhưng lơi nhuận chỉ xấp xỉ với Grand Theft Auto mỗi năm.
Tiếp đến, ngành IT, đặc biệt phân khúc ứng dụng phần mềm, cần trí tuệ, sức sáng tạo và sự đam mê hơn là tư bản, kinh nghiệm, hay quan hệ chính trị và thương mại. Ngay cả trí tuệ, những khóa học kỹ thuật truyền dạy từ các trường đại học cũng không quan trọng hơn kỹ năng tự khám phá. Bill Gates có lần mỉa mai là Steve Jobs thậm chí không biết viết codes để lập chương trình, nhưng Gates quên rằng chính ông ta và Mark Zuckerberg (Facebook) đã bỏ học nửa chừng vì giáo dục từ chương và bằng cấp không giúp gì trong những đột phá của IT.
Ảnh: tinkinhte.com |
Đây cũng là lợi điểm quan trọng của Việt Nam khi so sánh với 9 quốc gia khác thuộc ASEAN. Không nước nào có 3 triệu sinh viên đại học hay 4 triệu Việt Kiều khắp thế giới. Tính ham học của người Việt và những khôn khéo rèn luyện từ bao năm khó khăn là những chất xám tạo mũi nhọn. Một thí dụ có thể hơi phiến diện và chủ quan là tại thánh địa của IT, thung lũng Silicon ở California, người Việt chỉ đứng sau người Hoa và người Ấn (trong cộng đồng dân gốc Á Châu) về những thành tựu trong ngành IT thế giới.
Sau cùng, các doanh nhân Việt Nam và thế giới thường than phiền về chi phí "phong bì" trong các hoạt động. Theo một tư liệu tôi đọc được từ Jetro (Nhật), họ ước tính là phí tổn này ở Việt Nam cao hơn Thái Lan hay Mã Lai chừng 6% và Indonesia chừng 3%. Một phát triền thiên về IT sẽ giảm thiểu tệ nạn này. IT không cần nhiều đất nên nạn trưng dụng đất nông dân làm đất công nghiệp sẽ giảm mạnh. Doanh nghiệp IT cũng không phải vận chuyển hàng hóa qua các trạm kiểm hay hải quan; và cũng không cần đến các quota hay giấy phép xuất nhập khẩu và thanh tra kiểm phẩm để "góp phần" vào tệ nạn này .
Quan trọng nhất là nếu kiếm được tiền từ IT, chánh phủ và người dân có thể bớt phá rừng, bán khoáng sản hay đem rác công nghệ về chôn cất dùm cho các láng giềng hữu hảo.
Tuy nhiên, tôi cũng muốn cảnh báo về ba nhươc điểm đáng kể của cơ hội IT trong nền kinh tế Việt Nam. Thứ nhất, IT chỉ có thể phát triển và sáng tạo được trong một tư duy và văn hóa tự do. Điều này có thể là một dị ứng mà chánh phủ và các thế lực bảo thủ của xã hội không thể "sống chung hòa bình" được. Thứ hai, chánh phủ và quốc hội không thể ban hành một nghị quyết là IT phải tăng trưởng theo tốc độ 15% hay gì đó trong 10 năm tới; hay giao cho các doanh nghiệp nhà nước quản lý điều hành. Roi vọt có thể hữu hiệu trong những công việc tay chân; nhưng trí tuệ thì bao giờ cũng là tự nguyện. Thứ ba, sự tôn trọng bản quyền và tài sản trí tuệ là yếu tố mấu chốt của động lực. Yêu nước là một chuyện; nhưng ít người như ông Alan Phan lại đem sản phẩm của mình tặng không cho thiên hạ (xin thú nhận là tôi có bán cũng chẳng ai mua).
Vượt qua ba rào cản này là tạo một môi trường thuận tiện để nền "kinh tế sáng tạo" trở nên hiện thực và đột phá. Tương tự như IT, những ngành nghề có thể tạo doanh thu và lợi nhuận đáng kể cho nền kinh tế là sinh hóa học (biotech), y dược đông và tây, năng lương xanh, phim ảnh và truyền thông v.v...
Những ổ chuột nhan nhản khắp các thành thị vì chánh sách đô thị hóa không kế hoạch cần được dẹp bỏ. Những chương trình đào tạo, giáo dục lỗi thời viết ra từ 100 năm trước cần được thay thế.
Những bộ máy hành chánh nặng nề quan liêu để ban phát quyền lộc cho một thiểu số nhóm lợi ích phải được đổi mới để tạo hiệu quả cho nền kinh tế.
Đây là ba đòi hỏi chính yếu cho nền kinh tế thị trường và tự do dựa trên nông nghiệp hiện đại và mũi nhọn IT. Một đời sống hài hòa trù phú tại nông thôn và một tăng trưởng IT năng động cho các thanh niên thành phố là một giao hợp lý tưởng trong sự phát triển quốc gia.
Với tư duy đột phá mới, chúng ta có thể thành công trên căn bản "sạch và bền vững" và chúng ta có thể đuổi kịp hoặc thậm chí, qua mặt các láng giềng ASEAN về GDP mỗi đầu người; hay tốt hơn, về chất lượng cuộc sống.
Thành công trong mục tiêu này thì Việt Nam có thể tự hào với chính chúng ta mà không cần những khẩu hiệu biểu ngữ nhan nhãn khắp nước nhắc nhở.
- T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan đã xuất bản 7 cuốn sách bằng Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các quốc gia mới nổi. Ông tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Email của ông là gocnhinalan@gmail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.
No comments:
Post a Comment