Friday, January 13, 2012

Cần đẩy mạnh đầu tư vào ngành nông nghiệp


15:46 | 13/01/2012

 TS. Đặng Kim Sơn. Ảnh: PH 
(ĐCSVN) – Việt Nam là một nước có lợi thế đặc biệt tốt với nông nghiệp, mặc dù đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước vào lĩnh vực nông nghiệp cho đến nay còn thấp nhưng nếu chúng ta biết nắm bắt cơ hội, thay đổi cơ chế chính sách kịp thời, tiến hành nghiên cứu và có chính sách vận động đầu tư hợp lý, chúng ta sẽ thay đổi được thế cờ, thay đổi tình hình phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.


TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị tổng kết công tác năm 2011, triển khai nhiệm vụ năm 2012 của ngành nông nghiệp vừa diễn ra tại Hà Nội.



Phóng viên (PV): Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, theo ông, đâu là nguyên nhân cốt lõi của vấn đề này ?


TS. Đặng Kim Sơn: Khó khăn về thu hút đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn là khó khăn không dễ vượt qua. Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề này là do sự chênh lệch về cơ sở hạ tầng, về dịch vụ, về lao động có tay nghề cao và trình độ quản lý tốt…. Nếu chỉ áp dụng các biện pháp khuyến khích để đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp thì rất khó. Muốn thu hút đầu tư, tạo biến chuyển lớn trong đầu tư về nông nghiệp, nông thôn thì cần chính sách đột phá nhiều hơn nữa, tạo được tâm lý yên tâm cho doanh nghiệp, có như vậy, họ mới đi về với những vùng nông thôn địa bàn khó khăn và có rủi ro cao hơn so với thành phố.


PV: So sánh đầu tư trong nông nghiệp của Việt Nam với các nước khác, có thể nhận thấy sự đầu tư trong nông nghiệp của nước ta còn quá thấp, thưa ông?


TS. Đặng Kim Sơn: Về đầu tư trong nông nghiệp Việt Nam so với các nước khác phải xét ở hai khía cạnh. Cụ thể, nếu xét về mức độ tương đối thì đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam không thấp, nhưng nếu xét ở mức độ tuyệt đối thì mức đầu tư cho nông nghiệp ở nước ta là rất thấp. Vì thực tế, quá trình đầu tư cho nông nghiệp của các quốc gia trên thế giới đều đi theo đồ thị parabol. Giai đoạn ban đầu bao giờ cũng thấp. Khi công nghiệp và dịch vụ tích lũy được, nhà nước bắt đầu lấy thuế lại được thì mới có tiền để đầu tư cho nông nghiệp.


Nước ta đi chậm hơn. Cho nên chúng ta hiện đang ở giai đoạn đầu của quá trình đó, còn các nước khác đã đi đến giai đoạn bảo vệ nông nghiệp nên mới có trợ cấp rất cao cho nông nghiệp. Do đó, có không ít người cứ hỏi sao các nước khác trợ cấp cho nông nghiệp nhiều thế, còn ta thì ít thế. Có thể nói rằng, giai đoạn đầu họ cũng như chúng ta. Cái khó của chúng ta là chúng ta đi sau họ một bước. Đúng vào lúc sức dân ta cần được tiếp, nông thôn của chúng ta cần đầu tư phát triển để theo kịp đô thị thì chúng ta vẫn chưa có đủ lực để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đó là lý do tại sao chúng ta phải huy động sức dân tốt hơn, có chính sách thật đặc biệt để thu hút đầu tư về nông thôn.


PV: Vậy, ông đánh giá thế nào về cơ hội đầu tư đối với ngành nông nghiệp, trong thời gian tới?


Trong thời gian tới, việc đầu tư vào nông nghiệp có rất nhiều cơ hội lớn. Các dự báo của các tổ chức quốc tế đáng tin cậy cho biết, 30 – 50 năm nữa, giá nông sản thế giới vẫn tiếp tục tăng. Điều đó khiến nông nghiệp trở thành một lĩnh vực đầu tư có thể rất có hiệu quả trong tương lai.


Vì thế, hiện nay rất nhiều tổ chức xuyên guốc gia bắt đầu coi nông nghiệp là một ngành đầu tư có lợi và họ đã tính đến việc mua đất, thuê đất, hợp tác quốc tế… để đầu tư phát triển nông nghiệp bên ngoài quốc gia. Cùng với đó, rất nhiều nước đang phát triển cũng tăng tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp.


Việt Nam là một nước có lợi thế đặc biệt tốt với nông nghiệp, mặc dù đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước với lĩnh vực nông nghiệp cho đến nay còn thấp nhưng cái chúng ta đang nói là tình hình mới với cơ hội phát triển mới. Nếu chúng ta nắm được cơ hội này, thay đổi cơ chế chính sách kịp thời, tiến hành nghiên cứu và có chính sách vận động đầu tư hợp lý, chúng ta sẽ thay đổi được thế cờ, thay đổi tình hình phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.


PV: Nhân dịp cuối năm, ông có nhắn nhủ thông điệp gì đối với ngành nông nghiệp?


Đối với ngành nông nghiệp, trong thời gian qua đã làm được 3 việc vĩ đại. Trước hết, nông nghiệp là người lính xung kích, đi đầu trong quá trình đổi mới đất nước, là lực lượng chủ lực tạo nên nền tảng kinh tế vững bền để công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước. Hơn thế, mỗi khi đất nước lâm nguy, nông nghiệp lại luôn là người cứu hộ, bảo vệ, đỡ đần cho toàn bộ nền kinh tế… Tôi tin tưởng nếu những điều chúng ta vừa bàn mà bắt kịp, nắm được, thay đổi tình hình, nông nghiệp sẽ là hướng mới để đất nước chúng ta chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tiến vào công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước một cách vững bền.


Với nông dân, trong năm 2011 đã vượt qua rất nhiều gian nan, thử thách nhưng đã thành công. Trong thời gian tới, thách thức rất lớn, nhưng cơ hội cũng lớn, tôi tin tưởng chắc chắn nông dân Việt Nam với thái độ đối đầu thẳng thắn với thị trường, làm việc hăng say, ý chí sang tạo, người nông dân sẽ là người đầu tiên nắm lấy cơ hội này lớn đó, biến nó thành sức mạnh để đạt được những thành công lớn, mang lại lợi ích cho toàn đất nước.


Và một điều nữa tôi muốn chuyển tới người dân đó là chúng ta tiến hành Chương trình xây dựng nông thôn mới. Người nông dân hơn ai hết hiểu rằng đây chính là cơ hội của mình, để người nông dân thực hiện quyền làm chủ của mình, vươn lên bằng chính sức mình, không trông cậy vào sự hỗ trợ nào khác ngoài chính mình. Những giúp đỡ bên ngoài sẽ đến khi người nông dân làm chủ được chính mình và làm chủ nông thôn của mình.


PV: Xin cảm ơn ông! 

Các từ khóa theo tin:
Phạm Hằng

No comments:

Post a Comment