Friday, January 13, 2012

Xuất khẩu thủy sản: Thách thức và triển vọng


23:44 | 13/01/2012

Ảnh minh hoạ
(Nguồn: xttm.agroviet.gov.vn)



(ĐCSVN) - Năm 2012, Việt Nam phấn đấu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6,5 tỷ USD, tăng gần nửa tỷ USD so với năm 2011 (đạt 6,1 tỷ USD). Đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu con số này là 10 tỷ USD, trở thành một trong bốn quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thuỷ sản trên thế giới.

Để đạt được mục tiêu này, ngành thuỷ sản cần phải vượt qua những thách thức như thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu; vấn đề về chất lượng, vệ sinh an toàn thực thẩm và năng lực cạnh tranh; vấn đề phát triển thị trường xuất khẩu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới được dự báo có những diễn biến khó lường.


Nhìn chung, chế biến thuỷ sản của Việt Nam là ngành công nghiệp có tốc độ phát triển nhanh và khá ổn định, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tăng liên tục qua các năm với mức tăng trưởng khoảng 15-20%/năm. 10 năm qua, thuỷ sản Việt Nam liên tục tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 3 lần, từ 2 tỷ USD năm 2002 lên 6,1 tỷ USD vào năm 2011. Đây là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam hướng tới con số 10 tỷ USD vào năm 2020 theo mục tiêu chiến lược phát triển xuất khẩu thuỷ sản giai đoạn 2010-2020 của Chính phủ, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong bốn quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thuỷ sản trên thế giới.

Hiện nay, ngành thuỷ sản Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn: 

Thứ nhất,
 thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Năm 2011, tổng khối lượng thuỷ sản xuất khẩu ước đạt trên 1,5 triệu tấn, được chế biến chủ yếu từ nguồn nguyên liệu trong nước, trong đó 70% từ nuôi trồng, 30% từ khai thác tự nhiên. Sản lượng tôm nuôi ước đạt 500.000 tấn, trong đó tôm chân trắng có sản lượng trên 200.000 tấn phục vụ xuất khẩu. Diện tích nuôi cá tra khoảng 6.000ha với sản lượng đạt khoảng 1,3 triệu tấn cá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu… Tuy vậy, hiện nay, chi phí đầu vào cho hoạt động khai thác và nuôi trồng thuỷ sản tăng quá nhanh, nguồn cung cấp nguyên liệu khan hiếm, thiếu ổn định. Các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản vẫn đang trong tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng. Năm 2011, các doanh nghiệp đã nhập khẩu trên 500 triệu USD thuỷ sản để chế biến xuất khẩu, đáp ứng các đơn hàng của khách hàng. 

Thứ hai,
 càng ngày, các thị trường nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam càng yêu cầu thêm nhiều quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, việc đảm bảo kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm toàn chuỗi sản xuất của doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cũng như các bên tham gia chuỗi nhằm đạt chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và năng lực cạnh tranh cao đang là thách thức lớn. 

Thứ ba, mặc dù thuỷ sản Việt Nam đang có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng những biến động kinh tế thế giới khó lường có thể ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng thuỷ sản trong thời gian tới. Bên cạnh đó, trước sức ép suy giảm kinh tế toàn cầu, các nước gia tăng bảo hộ sản xuất trong nước, đưa ra ngày càng nhiều các rào cản thương mại, kể cả việc tuyên truyền làm mất uy tín, thương hiệu của sản phẩm thuỷ sản Việt Nam. Việc tiếp tục củng cố và gia tăng thị phần tại các thị trường cũng đang là thách thức lớn cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam.

Để vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu năm 2012 đạt kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản 6,5 tỷ USD và 10 tỷ USD vào năm 2020, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp, đó là:

Thứ nhất, đảm bảo đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu theo hướng nâng cao sản lượng và mức độ chế biến trong nước; tăng cường nhập khẩu nguyên liệu.

Đối với vấn đề nâng cao sản lượng và mức độ chế biến trong nước, cần quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản cùng với bảo vệ môi trường và quản lý đồng bộ về chất lượng các khâu con giống, thức ăn, thuốc thú y... trong hoạt động nuôi tôm và cá tra cũng như các loại thuỷ sản khác nhằm bảo đảm yêu cầu chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Giảm thất thoát sau thu hoạch từ 10-20%, giúp cho nguồn nguyên liệu thuỷ sản chất lượng hơn, làm gia tăng lượng nguyên liệu cung ứng cho chế biến. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại nhằm tăng năng suất và chất lượng, giảm tỷ trọng trong giá thành nguyên liệu, phát triển nhanh tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng có giá trị kinh tế cao theo nhu cầu thị trường xuất khẩu.

Về vấn đề tăng cường nhập khẩu nguyên liệu, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thu hút khách hàng mang nguyên liệu tới Việt Nam để chế biến. Tăng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thuỷ sản từ mức 500 triệu USD như hiện nay lên 2,5-3 tỷ USD vào năm 2020 để tận dụng năng lực chế biến lớn (trên 2,5 triệu tấn/năm) với điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tốt nhất khu vực, phí gia công thấp,… Bên cạnh việc nhập khẩu các loại hải sản đánh bắt trong nước đang thiếu (như mực, bạch tuộc, tôm biển, cá biển,…), cần nhập khẩu các loại thuỷ sản nuôi (như tôm, cá,…) từ một số nước chưa có khả năng cạnh tranh về công nghiệp chế biến. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, bảo quản nguồn nguyên liệu ở nước ngoài, sau đó chuyển về Việt Nam để chế biến và tái xuất.

Thứ hai, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhà nước cần hỗ trợ và thiết lập hệ thống kiểm soát chuỗi, đảm bảo tính đồng bộ của các tiêu chuẩn, quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu từ sản xuất nguyên liệu, thu gom, vận chuyển, chế biến đến xuất khẩu. Đẩy mạnh các biện pháp xã hội hoá để nâng cao hiệu quả và trách nhiệm trong quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của mỗi doanh nghiệp, mỗi người nuôi trong chuỗi sản xuất. Giảm thiểu các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí kiểm tra bắt buộc lô hàng xuất khẩu do cơ quan Nhà nước thực hiện. Chính phủ cần đảm bảo hơn hệ thống tài chính, tín dụng ổn định hơn để hỗ trợ ngư dân nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời góp phần hạ giá thành sản xuất, ổn định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nguyên liệu thuỷ sản.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu. Chính phủ cần đầu tư hơn nữa và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động quảng bá thuỷ sản Việt Nam ra nước ngoài thông qua nhiều hình thức. Cụ thể như, hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu đầy đủ thông tin về hệ thống khai thác, nuôi trồng, chế biến được kiểm soát tốt bằng các hoạt động tiếp thị chuyên nghiệp. Các cơ quan chức năng cần tăng cường giúp đỡ các doanh nghiệp chủ động vượt qua các rào cản thương mại, tìm kiếm mọi cơ hội hợp tác nhằm hạn chế những tác động của các vụ kiện; phối hợp cùng các nhà nhập khẩu trong công tác truyền thông để phản bác những thông tin sai lệch về thuỷ sản Việt Nam; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản nhằm nâng cao uy tín, sức cạnh tranh và giá trị của thuỷ sản Việt Nam…

Các từ khóa theo tin:
Đ.H

No comments:

Post a Comment