10:42 | 17/01/2012 | |||
| |||
Tuy số lượng còn khiêm tốn, nhưng trong số 101 HTX, gần 50% hoạt động tốt, còn lại là trung bình, hoạt động kém hiệu quả. Ðiều đáng ghi nhận là tuy các HTX đứng trước những khó khăn, nhưng kể từ khi có Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, các HTX ở Bến Tre đã có sự chuyển hướng tích cực.
Các HTX có nhiều cố gắng trong việc khai thác tiềm năng như huy động vốn, tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, góp phần tăng tỷ trọng khu vực kinh tế tập thể trong GDP của tỉnh, từ 0,6% (2001) lên 1,07% (2009) và 2% (2010). Các HTX cũng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tỉnh theo hướng nâng cao tỷ trọng cung ứng dịch vụ và giá trị gia tăng. Các HTX nộp ngân sách ngày càng tăng, nếu như năm 2001 nộp khoảng 500 triệu đồng, thì 2009 nâng lên hơn năm tỷ đồng...
Tuy nhiên, sau 10 năm nhìn lại, phát triển kinh tế tập thể ở Bến Tre còn nhiều hạn chế. Số HTX làm ăn có hiệu quả còn ít; vốn và quy mô hoạt động của các HTX còn nhỏ bé; trình độ cán bộ quản lý thấp; chưa có mô hình HTX tiên tiến; giá trị sản xuất của kinh tế tập thể chiếm tỷ trọng thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Những yếu kém trên từ lâu chưa được khắc phục triệt để, do nhận thức của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên về kinh tế hợp tác chưa đúng mức. Công tác tuyên truyền, vận động về chủ trương của Ðảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể chưa được quan tâm đúng mức. Người dân còn chưa mặn mà với làm ăn tập thể.
Hiện nay, phong trào hợp tác ở Bến Tre đã và đang gặp phải không ít những khó khăn, bất cập. Ði qua các HTX Ðồng Tâm, Rạng Ðông ở huyện Bình Ðại, các HTX nghêu ở Thạnh Phú, HTX cây giống Cái Mơn (Chợ Lách) và HTX nông nghiệp xã Hữu Ðịnh (Châu Thành) cho thấy nhiều điều. Ai cũng nói là cần HTX, nhưng tham gia chủ yếu là để được hỗ trợ và hưởng các quyền lợi khác, chứ không thấy hết nghĩa vụ và trách nhiệm đối với HTX. Nhiều chính sách ban hành nhưng đến nay HTX chưa được hưởng lợi. Trong điều kiện ở Bến Tre, phát triển HTX theo hướng bền vững không chỉ bảo đảm đạt hiệu quả kinh tế lâu dài vì nó gắn với bảo vệ môi trường, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người mà còn có tác dụng trực tiếp giảm nghèo. Từ thực tế các HTX cho thấy vấn đề cần nhất hiện nay chính là củng cố phát triển trong dài hạn với một mô hình HTX phù hợp. Phát triển đa dạng hóa các loại hình sản xuất và dịch vụ trong HTX và liên kết các HTX sẽ giúp từng HTX chủ động mở rộng hoạt động sản xuất và kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường. Xã viên từng loại hình HTX sẽ an tâm hơn trong việc chuyên sâu từng mảng để nâng cao tay nghề, mà không sợ đầu ra bị ép giá hoặc ế ẩm. Phát triển thương hiệu sản phẩm cũng là vấn đề cần phải quan tâm. Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, vấn đề thương hiệu sẽ là điều kiện tác động rất mạnh đến sản phẩm và dịch vụ từ HTX. Nhưng để có một thương hiệu đòi hỏi phải có thời gian và sự hợp tác nhiều phía. Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương là không thể thiếu, như công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, dịch vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vốn và cơ sở vật chất ở từng HTX là rất yếu kém. Trừ quỹ tín dụng nhân dân, các loại hình HTX khác phổ biến là sau khi chuyển đổi chỉ có khoảng 500 triệu đồng, nhưng đa phần là tài sản cố định, vốn lưu động còn rất ít, thường là không đến một phần năm, thậm chí có HTX sau khi chuyển đổi không còn tiền mặt, phải đi vay.
Theo khảo sát của Liên minh các HTX tỉnh Bến Tre tại 15 HTX vừa qua, vốn bình quân của mỗi HTX sau khi chuyển đổi chỉ gần 200 triệu đồng, nhưng bị chiếm dụng đến 69,4%, không ít xã viên nợ HTX chưa giải quyết xong nợ cũ thì nợ mới tiếp tục phát sinh. Mặt khác, tài sản cố định sau khi đánh giá chủ yếu là các công trình cũ, công nghệ lạc hậu, bị xuống cấp. Vốn lưu động ít, hoạt động gặp khó khăn, không mở rộng hoạt động, khả năng đáp ứng yêu cầu bị hạn chế là không tránh khỏi.
Trình độ cán bộ quản lý các HTX còn nhiều bất cập. Nhìn chung, hoạt động của cán bộ theo kinh nghiệm, nhiệt tình là chủ yếu, chưa được bồi dưỡng phù hợp điều kiện kinh tế thị trường. Cán bộ có năng lực, đủ kinh nghiệm luôn là vấn đề đặt ra trong HTX. Theo thống kê của Liên minh các HTX tỉnh Bến Tre, cán bộ quản lý tại các HTX nông nghiệp không có trình độ đại học, chỉ có bốn người có trình độ trung cấp, số còn lại chỉ học phổ thông, trong đó có cả tiểu học. Cán bộ HTX trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, trung cấp và đại học chỉ có bảy người, chiếm 14,3% so cán bộ quản lý các HTX trên lĩnh vực này... Trước những yếu kém, bất cập này, các cấp, các ngành tỉnh Bến Tre cần đề ra, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Các từ khóa theo tin:
(Theo Báo Nhân dân)
No comments:
Post a Comment