Tuesday, January 17, 2012

‘Mỹ cần gia tăng hải quân ở Biển Đông’

Cập nhật 17/01/2012 06:03:00 AM (GMT+7)
Khi thế giới chú ý vào căng thẳng Mỹ - Iran xung quanh eo biển Hormuz, thì một tổ chức lại thúc giục Washington dành nhiều tâm trí hơn cho một tâm điểm quan trọng khác với thương mại quốc tế cách đó hàng nghìn km về phía đông.


TIN LIÊN QUAN:

Ảnh: AP


Trong báo cáo dài 115 trang, Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) kêu gọi Mỹ theo đuổi chính sách “hợp tác ưu việt” tại Biển Đông để vừa tránh được xung đột có thể xảy ra với Bắc Kinh, lại vừa duy trì được tự do hàng hải và sự độc lập của các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực.


Bản báo cáo mang tên “Hợp tác từ thế mạnh: Mỹ, Trung Quốc và Biển Đông” còn kêu gọi Mỹ gia tăng hạm đội hải quân từ 285 tàu chiến lên 346 chiếc những năm tới nhằm “đáp trả” nhận thức của khu vực rằng, nước này đang trên đà đi xuống.


"Sự can dự về ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc cũng như các nước khác sẽ tốt hơn khi được hỗ trợ bởi một tư thế quân sự đáng tin cậy”, báo cáo nhấn mạnh. Tác giả tham gia báo cáo này, Patrick Cronin, giám đốc cấp cao Chương trình châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh, bất kỳ sự tăng cường hải quân nào “đều phải phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế vững mạnh trong tương lai - một ưu tiên chiến lược với Mỹ”.


"Khi hệ thống các nguyên tắc trong nhiều thập niên được Mỹ bồi đắp bị hoài nghi trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, thì Biển Đông sẽ là hàn thử biểu chiến lược để xác định tương lai lãnh đạo của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, báo cáo cho biết.


Tài liệu trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Obama đã công bố chiến lược quốc phòng mới xác nhận mục tiêu “tái cân bằng” các lực lượng quân sự toàn cầu của Washington “hướng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.


Người đồng sáng lập CNAS là Kurt Campbell, trợ lý cấp cao phụ trách châu Á tại Lầu Năm Góc dưới thời chính quyền Bill Clinton và hiện là nhân vật hàng đầu phụ trách châu Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Một người đồng sáng lập khác là Michele Flournoy, từng đảm nhận vị trí hàng đầu về chính sách tại Lầu Năm Góc dưới thời Obama.


Xoay chiều


Giống như eo biển Hormuz, một nơi qua lại hẹp kết nối vịnh Ba Tư với Biển Ảrập và cả Ấn Độ Dương, chiếm khoảng 40% lượng dầu xuất khẩu chu chuyển qua đó, Biển Đông, một trong những vùng nước giá trị nhất, chiến lược nhất, có lẽ là lộ trình thương mại quan trọng nhất thế giới. Vùng biển này kết nối Ấn Độ Dương với Tây Thái Bình Dương thông qua eo biển Malacca. Được cho là có trữ lượng ít nhất 7 tỉ thùng dầu đã được chứng minh (Trung Quốc ước đoán khoảng 130 tỉ thùng) và 900 nghìn tỉ mét khối khí tự nhiên, Biển Đông là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á.


Trong hai năm qua, Trung Quốc ngày càng quả quyết hơn với việc tuyên bố chủ quyền bao trùm hầu hết Biển Đông. Cùng với việc nhanh chóng gia tăng các khả năng hải quân, hành động và mục đích của Bắc Kinh đã khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại. Khu vực này trở nên nóng hơn khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố trong một diễn đàn châu Á rằng, Washington có “lợi ích quốc gia” trong việc duy trì tự do hàng hải khu vực cũng như tự do thương mại. Bà cũng nói Washington có thể làm trung gian cho các cuộc đàm phán trong khu vực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ và Mỹ ủng hộ giải pháp đa phương cho vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc lại thiên về giải pháp song phương, hội đàm với từng nước liên quan.


Từ đó tới nay, Washington, cùng với nhiều bước đi khác, đã tăng cường các quan hệ quân sự và tiến hành những cuộc tập trận chung với các nước trong khu vực. Họ cũng đạt được thoả thuận với Singapore (để triển khai hai tàu tuần duyên) và với Australia (điều động lính thuỷ đánh bộ) nhằm củng cố sự hiện diện quân sự lâu dài của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.


Các tác giả của báo cáo CNAS đồng thuận với những bước đi trên nhưng nhấn mạnh, điều cần hơn là việc trấn an các nước nhỏ rằng, Washington sẽ luôn đứng bên họ kể cả khi Trung Quốc sẽ mở rộng quân đội và các khả năng hải quân ở tốc độ nhanh hơn.


"Chúng tôi muốn Mỹ duy trì sự tương quan hiện tại của các lực lượng”, Robert Kaplan, đồng tác giả của báo cáo trên cho biết. "Hãy nhớ rằng, việc họ chi phối Lòng chảo lớn Caribbea thế kỷ 20 đã giúp Mỹ vị trí vượt trội ở Tây bán cầu với sức mạnh ảnh hưởng tới cân bằng quyền lực ở Đông bán cầu. Điều tương tự có thể xảy ra khi Trung Quốc nắm giữ Biển Đông”, báo cáo nhấn mạnh.


Theo đó, để duy trì ưu thế của mình, Washington không nên chỉ đảo ngược sự sụt giảm hải quân, mà còn khuyến khích các đối tác và đồng minh trong khu vực tăng cường chính các khả năng quân sự của mình, cũng như thiết lập những đối tác an ninh mới để giảm bớt gánh nặng cho Mỹ.


Cùng lúc đó, Washington nên tôn trọng mong muốn của các nước về việc duy trì quan hệ tốt với Bắc Kinh. "Khi Trung Quốc phấn đấu để chi phối Tây Thái Bình Dương, thì các quốc gia Đông Nam Á hơn bao giờ hết muốn hợp tác với Mỹ”, báo cáo khẳng định. “Nhưng cùng lúc đó, họ lại muốn tránh xung đột với một cường quốc đang trỗi dậy như Trung Quốc - một đối tác thương mại chủ chốt”.


Thái An (theo Atimes)

No comments:

Post a Comment