Monday, September 13, 2010

08/09 Học giả Mỹ kháo chuyện "ngáo ộp" hải quân Trung Quốc

Tác giả: Robert D. Kaplan
Bài đã được xuất bản.: 08/09/2010 06:00 GMT+7

Các nhà lãnh đạo hải quân Trung Quốc đang theo đuổi kiểu gây hấn như nhà chiến lược hải quân Mỹ Alfred Thayer Mahan vào thế kỷ 20.

LTS: Việc Trung Quốc hăng hái gia cường tiềm lực hải quân đang là đề tài bàn luận sôi nổi của giới học giả phương Tây. Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam lược dịch tiếp bài viết của Robert D. Kaplan để độc giả cùng suy ngẫm.

>> Học giả Mỹ bàn chuyện Trung Quốc ngấm ngầm mở rộng lãnh địa
>> Học giả Mỹ bàn về sức mạnh địa lý của Trung Quốc

Sức mạnh hải quân thông thường ôn hoà hơn sức mạnh trên đất liền: hải quân không thể tự mình chiếm giữ những khu vực rộng lớn mà còn phải làm nhiều hơn việc chiến đấu - định hình là bảo vệ thương mại. Vì thế, đã có người cho rằng, Trung Quốc cũng ôn hoà như các quốc gia hàng hải khác trước đây - Venice, Anh, Mỹ và với mối quan tâm số một, giống như các cường quốc biển từng làm, là duy trì một hệ thống hàng hải hoà bình, bao gồm hoạt động tự do thương mại.

Nhưng Trung Quốc không đủ tự tin như thế. Vẫn là một cường quốc biển bất an, họ nghĩ đại dương theo quan điểm lãnh thổ: khái niệm "chuỗi đảo thứ nhất", "chuỗi đảo thứ hai" (chuỗi đảo thứ hai gồm Guam và quần đảo Bắc Mariana Islands) cho thấy, Trung Quốc coi các đảo này như phần quần đảo nối dài từ lục địa của mình. Các nhà lãnh đạo hải quân Trung Quốc đang theo đuổi kiểu gây hấn như nhà chiến lược hải quân Mỹ Alfred Thayer Mahan vào thế kỷ 20. Nhà chiến lược này ủng hộ kiểm soát biển và trận chiến quyết định.

Tuy nhiên họ chưa có một lực lượng biển khơi thích hợp. Sự khác biệt lớn giữa tham vọng và phương tiện đã dẫn tới một số vụ việc lúng túng trong vài năm qua. Tháng 10/2006, một tàu ngầm Trung Quốc đã bám theo tàu USS Kitty Hawk và sau đó nổi lên trong tầm phóng ngư lôi. Tháng 11/2007, Trung Quốc không chấp nhận việc USS Kitty Hawk tiến vào Cảng Victoria cho dù tàu này đang kiếm chỗ neo đậu do thời tiết xấu. Tháng 3/2009, một số tàu hải quân quân đội Trung Quốc đã "quấy nhiễu" tàu đo đạc hải dương USNS Impeccable khi tàu đang hoạt động công khai bên ngoài giới hạn lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Đây là hành động thể hiện sự non nớt chứ không phải phản ứng của một cường quốc.



Nỗ lực khẳng định quyền lực trên biển của Trung Quốc cũng được thể hiện qua việc mua sắm trang bị. Bắc Kinh phát triển không cân xứng các khả năng tập trung vào việc ngăn chặn hải quân Mỹ tiến vào Đông Hải và các vùng ven biển khác được nước này xem là của Trung Quốc. Họ hiện đại hoá hạm đội khu trục và có kế hoạch mua một hoặc hai tàu sân bay. Trên thực tế, Trung Quốc tập trung vào việc xây dựng các lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân, tên lửa đạn đạo mới.
Theo Seth Cropsey, nguyên trợ lý thứ trưởng Hải quân Mỹ và Ronald O'Rourke thuộc Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, trong vòng 15 năm nữa, Trung Quốc có thể sở hữu lực lượng tàu ngầm lớn hơn hải quân Mỹ (hiện có 75 tàu ngầm đang hoạt động). Hơn nữa, Cropsey cho biết, hải quân Trung Quốc có kế hoạch sử dụng radar tầm xa, vệ tinh, mạng lưới dò âm thanh đại dương và chiến tranh ảo nhằm phục vụ khả năng hoạt động tên lửa đạn đạo chống hạm. Kế hoạch này cùng với sự phát triển đội tàu ngầm của Trung Quốc rốt cuộc là để ngăn chặn khả năng tiếp cận dễ dàng của hải quân Mỹ vào các khu vực quan trọng ở tây Thái Bình Dương.

Ngoài nỗ lực kiểm soát vùng biển ngoài khơi trong Eo biển Đài Loan và Đông Hải, Trung Quốc còn cải thiện khả năng chiến tranh địa lôi, mua sắm các máy bay chiến đấu thế hệ bốn từ Nga, triển khai khoảng 1.500 tên lửa đất đối không của Nga dọc bờ biển.

Trung Quốc còn đang phát triển chiến lược tấn công nhằm vào biểu tượng sức mạnh hải quân Mỹ - đó là tàu sân bay.

Dĩ nhiên, Trung Quốc sẽ không sớm tấn công tàu sân bay Mỹ và họ vẫn còn một con đường dài phía trước trong việc trực tiếp thách thức quân đội Mỹ. Nhưng mục tiêu của nước này là phát triển các khả năng dọc vùng duyên hải để ngăn chặn hải quân Mỹ tiếp cận khu vực giữa chuỗi đảo thứ nhất và bờ biển Trung Quốc bất cứ khi nào mong muốn.

Một nghiên cứu RAND 2009 cảnh báo, tới năm 2020, Mỹ sẽ không còn khả năng bảo vệ Đài Loan khỏi một cuộc tấn công của người Trung Quốc. Theo nghiên cứu này, khi đó, Trung Quốc có thể đánh bại Mỹ trong một cuộc chiến tại Eo biển Đài Loan thậm chí Mỹ có F-22, tàu sân bay hay quyền tiếp tục sử dụng Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa, Nhật Bản. Trung Quốc ở gần Đài Loan còn Mỹ sẽ phải "trang trải" sức mạnh quân sự của mình tới nửa vòng trái đất và sẽ bị hạn chế việc tiếp cận các căn cứ nước ngoài hơn nhiều so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Chiến lược của Trung Quốc trong việc ngăn chặn hải quân Mỹ ở một số vùng biển quan trọng được đưa ra không chỉ giữ lực lượng Mỹ ở khoảng cách xa mà còn thúc đẩy ưu thế của Trung Quốc với đảo Đài Loan.

Bắc Kinh chuẩn bị "bao phủ" Đài Loan không chỉ về quân sự mà cả kinh tế cũng như xã hội. Khoảng 30% xuất khẩu của Đài Loan là sang Trung Quốc, có 270 chuyến bay thương mại mỗi tuần thực hiện giữa hai bên. 2/3 công ty Đài Loan đầu tư vào Trung Quốc trong năm năm qua, một nửa triệu khách du lịch đại lục tới hòn đảo này hàng năm...

Dĩ nhiên, nếu Mỹ đơn giản "bỏ rơi" Đài Loan thì sau đó Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Australia, và những đồng minh khác của Mỹ tại Thái Bình Dương cũng như Ấn Độ và thậm chí một số quốc gia châu Phi sẽ bắt đầu hoài nghi về sự bền vững từ các cam kết của Washington. Thực tế đó có thể khiến các quốc gia này xích lại gần hơn với Trung Quốc.

Đó là một lý do vì sao Mỹ và Đài Loan phải cân nhắc các biện pháp đối phó với quân đội Trung Quốc. Mục đích không phải là để đánh bại Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh tại Eo biển Đài Loan mà để chứng tỏ rằng, mức chiến phí đắt đỏ là quá sức với Bắc Kinh. Nhờ đó, Mỹ có thể duy trì được độ tín nhiệm với các đồng minh tại châu Á.

Quan hệ quân sự Trung - Mỹ trở nên căng thẳng khi đầu năm nay, chính quyền của Tổng thống Obama đã thông qua thoả thuận bán vũ khí trị giá 6,4 tỉ USD cho Đài Loan.

Ngoài việc tập trung lực lượng vào Đài Loan, hải quân Trung Quốc còn đang mở rộng sức mạnh ở Biển Đông - cửa ngõ để nước này tiếp cận Ấn Độ Dương và tuyến vận chuyển hydrocarbon của thế giới. Phần lớn tàu chở dầu, tàu buôn Trung Quốc đều phải vượt qua những thách thức như cướp biển, Hồi giáo cực đoan, sự gia tăng hiện diện của hải quân Ấn Độ dọc con đường này.

Xét về ý nghĩa chiến lược toàn diện, Biển Đông có thể trở thành như một số người nói là "vịnh Ba Tư thứ hai". Nicholas Spykman, học giả địa chính trị thế kỷ 20 nhấn mạnh rằng, xuyên suốt lịch sử, các quốc gia "đi theo đường vòng hay mở rộng hàng hải" để giành quyền kiểm soát các vùng biển lân cận. Hy Lạp tìm cách kiểm soát Aegean, Rome với Địa Trung Hải, Mỹ với Caribbea và hiện tại là Trung Quốc với Biển Đông. Spykman gọi Caribbea là "Địa Trung Hải của Mỹ" để nhấn mạnh tầm quan trọng của nó với Mỹ. Và, Biển Đông có thể trở thành "Địa Trung Hải của châu Á" cũng như tâm điểm địa chính trị trong những thập niên tới.

* Còn tiếp....

Thuỵ Phương dịch từ FP

No comments:

Post a Comment