Monday, September 13, 2010

13/09 WB Việt Nam: Cần sáng tạo hơn trong chiến lược giảm nghèo

2:24 PM, 10/09/2010

(eFinance Online) - “Chương trình giảm nghèo của Việt Nam vẫn chưa hoàn tất. Những chính sách, chiến lược trong thời gian tới cần sáng tạo hơn, cần có thêm những cách tiếp cận khác chứ không chỉ thông qua cách thức cải thiện cơ sở hạ tầng và những chính sách đã quá rõ ràng, quen thuộc". Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh như vậy khi phát biểu khai mạc hội thảo “Đo lường và giám sát nghèo đối qua khảo sát mức sống hộ gia đình tại Việt Nam” vừa được Tổng cục Thống kê và WB Việt Nam phối hợp tổ chức sáng nay, 10/9/2010, tại Hà Nội.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: M.D.

Chung chung và trùng lặp

Thực tế thời gian qua, ở Việt Nam, vẫn còn rất nhiều trường hợp tái nghèo. Để giải quyết vấn đề nghèo đói kinh niên, theo bà Victoria Kwakwa, cải thiện cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội ở các vùng nghèo là điều kiện quan trọng nhất, thế nhưng Việt Nam cần những cách tiếp cận khác để giải quyết vấn đề chứ không chỉ thông qua cơ sở hạ tầng và những chính sách đã quá rõ ràng, quen thuộc.

Phân tích khía cạnh chiến lược giảm nghèo, bà Victoria Kwakwa đặt vấn đề: Việt Nam đã giàu kinh nghiệm và có những chiến lược tốt song chiến lược trong thời gian tới cần phải được xây dựng trên cơ sở sáng tạo hơn. Những chiến lược thời gian qua thường được trình bày chung chung, không rõ là với chiến lược rộng như thế thì sẽ làm như thế nào, cách thức để đạt được những mục tiêu chiến lược là gì(?)

Mặt khác, Giám đốc WB Việt Nam cũng lưu ý tới hiện trạng Việt Nam có rất nhiều chương trình mục tiêu quốc gia được quản lý bởi các cơ quan khác nhau, rất dễ dẫn tới việc có sự trùng lắp, lãng phí nguồn lực, không tạo được sức mạnh hợp lực giữa các chương trình, cơ quan với nhau.

Ông Ngô Trường Thi, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội cho biết cả nước hiện có khoảng 70 – 80 chính sách dự án về giảm nghèo.

Chưa hết nguy cơ “cú sốc”

Bà Victoria Kwakwa phân tích: Với bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã “chèo chống” rất tốt trong khi rất nhiều nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối diện với nguy cơ dễ bị tổn thương. Nếu xảy ra “cú sốc” kinh tế thì rất nhiều người lao động sẽ bị mất việc làm, các kết quả, thành quả về giảm đói nghèo sẽ không còn bền vững mà rất dễ bị thay đổi. Có rất nhiều hiện tượng có thể xảy ra như người lao động mất việc làm, không thể gửi tiền về quê cho gia đình, khi đó không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới tỷ lệ nghèo đô thị mà tỷ lệ nghèo ở nông thôn cũng bị liên đới như một hệ quả.

Ghi nhận việc Việt Nam đã có thể giúp cho rất nhiều người thoát khỏi đói nghèo, song bà Victoria Kwakwa cũng lưu ý hiện tượng mức độ bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Một bộ phận dân số trở nên giàu có rất nhanh, bộ phận dân số khác được cải thiện đời sống hơn thời gian trước, nhưng cũng có những bộ phận dân số ngày càng nghèo đi.

“Chương trình giảm nghèo của Việt Nam chưa phải đã được hoàn tất. Đây vẫn là nhiệm vụ rất to lớn của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới”, Giám đốc WB tại Việt Nam nhận định.

(Mỹ Dung)

No comments:

Post a Comment