Sunday, September 19, 2010

Viết tiểu thuyết chính trị phải có "máu chính trị"

Tác giả: Lê Nhung
Bài đã được xuất bản.: 16/09/2010 06:00 GMT+7
"Viết tiểu thuyết chính trị cũng phải có máu chính trị (chứ không phải làm chính trị). Rồi mạo hiểm. Tôi chấp nhận tỷ lệ rủi ro 50/50" - tác giả Lửa Đắng, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn trải lòng.

LTS: Gặp gỡ và Đối thoại thứ Năm tuần này là cuộc trò chuyện thú vị với nhà văn Nguyễn Bắc Sơn.

Ông từng nói tiểu thuyết chính trị phải có một chỗ đứng cần thiết trên văn đàn. Tại thời điểm này nếu để dựng tiếp một cuốn tiểu thuyết chính trị, ông quan tâm đến những vấn đề thời sự nào của đất nước?

- Dân chủ vẫn là một trong những vấn đề bức xúc nhất. Phải là dân có quyền quyết định chứ không chỉ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Vấn đề này tôi cũng đã đặt ra trong Lửa Đắng qua đoạn bà con bán hàng tham gia ý kiến việc phá chợ xây siêu thị.

Như vậy, đã đến lúc phải có Luật trưng cầu dân ý. Là phương thức để nhân dân bày tỏ chính kiến trước những vấn đề hệ trọng quốc gia.

Vậy còn dân chủ trong chuyện lựa chọn cán bộ thì sao? Tiểu thuyết Lửa Đắng của ông phản ánh một phiên ĐH, giới thiệu nhân sự lãnh đạo nhưng có vẻ chưa đi đến tận cùng?

- Đấy là màn hoạt kê mang tính phê phán lối bầu hình thức giới thiệu một, bầu một như vẫn làm: Đảng cử, dân bầu.

Ta đang thí điểm ĐH bầu trực tiếp bí thư. Dù không có quy định nào là chỉ được giới thiệu một người nhưng về nguyên tắc khi chuẩn bị nhân sự tổ chức chỉ giới thiệu một người. Nhất là lại dùng cách bỏ phiếu hở (giơ tay) thì việc bầu chỉ là hình thức hợp pháp hoá. Vì thế khi ra ĐH, QH hay HĐND nếu có ai giới thiệu một ai thì người đó cũng khôn hồn mà rút.

Vì có nguyên tắc không ai nói ra lúc ấy nhưng ai cũng biết là đã là người của tổ chức thì khi tổ chức không giới thiệu anh mà anh lại không rút thì sẽ trở thành nhân vật bi kịch ngay sau đó.

Hai nạn nhân kiểu này vẫn nhớ đời sự dại dột của mình.

Trong Lửa Đắng, tôi cũng tả như vậy. Không những thế tôi còn đưa ra hai giải pháp. Một là giới thiệu hai, bầu một. Tốt nhất là giới thiệu ba để bầu qua hai vòng.

Vòng một bầu người giỏi nhất, nhưng không xong vì ai cũng cho mình nhất. Vòng hai bầu người giỏi nhì. Thế tất sẽ có 1 người được hai người kia chọn.



Nhà văn Bắc Sơn, Ảnh Lê Nhung
Thứ hai là thi thể hiện mình trước một BGK được bầu ra. Viết như thế là đi đến tận cùng đấy chứ.

Tiểu thuyết Lửa Đắng của ông viết về chuyện tha hoá quyền lực. Riêng nhân vật Tổng Bí thư được xây dựng không tì vết, đẹp về lý tưởng và luôn trăn trở với vận mệnh đất nước. Đó là một hình mẫu ông lấy từ cuộc đời hay phải viết như vậy do sức ép tiểu thuyết có thể không được xuất bản?

- Áp lực thuộc về cá nhân tôi. Tôi tự kiểm duyệt. Vì là nhân vật đầu tiên xuất hiện trong tiểu thuyết VN nên phải thận trọng cân nhắc. Nếu không rất dễ rơi vào tình huống bi kịch.

Có hai cách lựa chọn. Một là phê phán hiện tại. Hai là xây dựng nhân vật lý tưởng. Vậy thì lựa chọn đi?

Cách thứ nhất rõ là không ổn và chắc gì đã được hoan nghênh. Chi bằng dùng cách thứ hai.

Đoạn viết thể hiện sâu sắc nhất tính lý tưởng của nhân vật là khi nhân vật TBT trả lời phỏng vấn báo chí, ông nói: "Luật pháp phải như sợi dây điện trần. Ai sờ vào cũng bị giật. Chứ có những người không có năng lực siêu nhiên gì mà sờ vào không bị giật thì nguy to rồi. Về chuyện này tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân và trước cả pháp luật".

Một nhà nước pháp quyền phải là như thế.

Khi nhân vật TBT nói tất cả những sai lầm của đất nước đều mang tính hệ thống, thì có nghĩa là ông đã nhận ra điểm yếu nhất của thiết chế này. Muốn phát triển phải đổi mới tất cả.

Lần đầu tiên trong tiểu thuyết VN xuất hiện nhiều nhân vật gồm những người ở vị trí lãnh đạo cao cấp, ông có lường hết những sức ép sẽ đến với mình khi cuốn sách ra đời?

- Tôi giữ kín khi xây dựng các nhân vật này.

Việc gì không định làm thì hãy đem ra bàn. Một nhân vật của tôi đã hành động theo nguyên tắc ấy nên sức ép lại chính ở bản thân mình.

Độc giả nhiều người cũng hỏi tôi là trong sách có quá nhiều những đoạn "nhạy cảm": như việc Tổng biên tập một tờ báo bị tạt axit vì phanh phui vụ lấy một vùng đất thiêng xây thủy cung thần tiên mà cơ quan bảo vệ pháp luật vô trách nhiệm không chịu tìm manh mối kẻ thủ ác, việc "nhất thể hóa" bộ máy lãnh đạo thì có bị tác động gì không.

Việc bảy NXB từ chối chẳng nói lên điều gì sao? Việc NXB Lao Ðộng không chấp nhận cái tên Thành phố đau đẻ buộc tôi phải đặt là Lửa đắng, việc hoạ sĩ Thành Chương vẽ đến bốn bìa sách chẳng nói lên điều gì sao?

Dẫu sao cũng phải biết ơn nhà văn Trần Dũng, quyền GĐ kiêm TBT NXB Lao Ðộng. Hoá ra mọi người sợ cho mình hơn cả mình. Còn hai cái mà bạn gọi là nhạy cảm, thật ra còn mấy chỗ nhạy cảm hơn nhiều như cảnh chào cờ hoặc cuộc giao ban ở quận Lâm Du. Nhưng hoá ra lại chẳng sao. Hoá ra không khí xã hội cũng cởi mở nhiều rồi.

Chúng ta ngày càng đi đúng quy luật. Chuyện sắp xếp lại các ban của Đảng, chuyện nhất thể hoá như tôi dự liệu (bản thảo xong cuối 2006) đã trở thành hiện thực đó thôi.

Ông nghĩ sao về hiện tượng gần đây trí thức khi phản biện vấn đề nào đó thường dựa phần lớn vào ý kiến các vị lão thành cách mạng. Khiến cho các vị ấy, hoặc các cựu cán bộ cao cấp khác trở thành người phát ngôn cho tư tưởng của mình có thể hiện sự bất an, lung lay niềm tin hay sự thiếu hụt điểm tựa tinh thần hay không?

- Lịch sử luôn mang tính kế thừa. Đời luôn có chuyện vẫn ý kiến ấy nhưng người này nói thì nghe, người khác nói thì không.

Thế thì phải nhờ người có uy tín, có ảnh hưởng xã hội lớn nói tiếng nói đầu tiên là phải rồi. Vậy mà không phải việc gì cũng được đâu, đáng suy nghĩ là ở chỗ ấy.

Chất liệu tiểu thuyết thường được ông lấy từ đâu?

- Từ cuộc sống, từ thông tin báo chí. Một câu trả lời chất vấn trước QH đã giúp tôi xây dựng được một tình huống tiểu thuyết hấp dẫn và rất có ý nghĩa, đó là cuộc họp của nhân vật Tổng Bí thư với các ngành bảo vệ pháp luật chứ tôi thì làm sao có điều kiện tiếp cận các nhân vật ấy hay các cuộc họp như vậy. Tôi lẩy ra các chi tiết thật để hư cấu tình huống.

Nhưng như vậy sẽ không phải là chất liệu thô sơ nhất, nguyên chất nhất vì báo chí ta đi lề bên phải, nhiều trường hợp các thông tin phản ánh trên báo đều đã qua một vài bộ lọc nhất định. Và lấy chất liệu từ đó, liệu ông có chạm được đúng mạch thời sự, đi trúng bản chất vấn đề?

- Cái khó là làm sao hiểu sau câu nói ấy là cái gì. Thông tin ấy có bao nhiêu sự thật. Vì thế, việc xử lý thông tin là khâu quyết định việc có nhìn đúng bản chất vấn đề hay không. Đọc lắm đi nhiều mà không nghĩ tốt thì làm sao viết cho giống như thật, cho hay được.

Cái khó của người viết tiểu thuyết chính trị là gì? Văn chương luận đề, minh hoạ sẽ khó bán chạy, hay là....?

- Làm chính trị khó. Tiểu thuyết hoá một vài đề tài chính trị còn khó hơn nhiều. Tai nạn như bỡn. Gần ba mươi bài báo về Lửa Đắng chứng tỏ nó không rơi vào im lặng.

Có một băn khoăn là tại sao dòng tiểu thuyết chính trị ở ta chưa phát triển, ngoài Lửa Đắng hầu như ít nhà văn chọn đề tài này?

- Cũng có người kỳ công thử rồi nhưng chưa thành. Phải có máu chính trị (chứ không phải làm chính trị), nghĩa là luôn day dứt băn khoăn các vấn đề về thể chế này.

Cũng phải mạo hiểm đấy. Tôi chấp nhận tỷ lệ rủi ro 50/50 cơ mà.

Ông nghĩ sao trước nhận xét rằng các nhà văn Việt Nam đang dành quá nhiều thời gian cho những công việc "ngoài văn chương" như làm phim, làm báo chưa kể một thời gian "không nhỏ" dành cho những tranh cãi, đấu đá? Hay là chất liệu thời điểm này cho tiểu thuyết chính luận chưa nhiều?

- Một là cơm áo không đùa với khách văn. Có mấy nhà văn sống được bằng nhuận bút. Họ phải viết báo, viết kịch bản để sống.

Chuỵên tranh cãi, đấu đá nếu có với ai đó cũng là tự nhiên.

Ở ta, vô cùng nhiều thứ không rành mạch. Lỗi mang tính hệ thống mà. Chất liệu, nguyên liệu cho tiểu thuyết chính trị thì vô vàn.

Ông Hữu Thọ có nói với tôi, thời đại này là thời đại của Tiểu thuyết. Mở cửa sổ ra đã thấy không khí của tiểu thuyết. Cuộc đời mỗi một người đều là một nhân vật tiểu thuyết, chưa viết ra thôi. Nhưng có dám viết hay không lại là chuyện khác.

Chơi dao hai lưỡi rất dễ bị đứt tay.

Một ông kêu gọi các nhà văn hãy tự cởi trói cho mình. Nghĩa là thực ra các nhà văn đang bị trói vào nhiều quy định sai quy luật.

GS Ngô Bảo Châu nói, muốn sáng tạo phải có bình đẳng và tự do tuyệt đối chắc là với ý nghĩa đó.

Dĩ nhiên không có tự do tuyệt đối rồi. Chỉ cần tự do tương đối như thiên hạ thôi đã là tốt lắm rồi.

Ông có cho rằng mình nên chọn chất liệu khác như trào phúng "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng hoặc Azit Nexin thì sẽ dễ dàng hơn?

- Mỗi người một tạng. Nexin có chuyện châm biếm chính trị sâu cay: trong ĐH phẫu thuật thế giới, có ngươì đã cắt amidan qua đường hậu môn cho một nhà báo để phê phán vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Tôi có màn một vị bác sĩ vô luân chữa vô sinh cực giỏi, chỉ một nhược điểm là bọn trẻ sinh ra đều giống anh ta như đúc.

Về sau, để tự trừng phạt, anh ta tự bóp cổ mình. Không ai tự sát bằng cách tự bóp cổ mình mà chết được. Đấy chính là tác giả gợi cho người đọc nghĩ đến vấn đề tam quyền phân lập đấy.

Giai đoạn hiện nay được xem là một bước chuyển tiếp theo của đất nước. Theo ông, các nhà văn cần làm những gì để có được tác phẩm đi trước mở đường như thế hệ tiền bối đã làm được cách đây mấy chục năm? Làm thế nào đó để nhà văn hòa nhập làm một với dòng chảy của đời sống hôm nay?

- Mỗi người có triết lý sống, cách sáng tạo riêng.

Khi thở bằng hơi thở đời sống chính trị ngày hôm nay tôi thấy mình ham sống hơn và tôi truyền đến mọi người lòng ham sống ấy.

PGS. TS nhà văn Nguyễn Đăng Điệp và nhà văn Trần Huy Quang đều có chung nhận xét là đọc Lửa Đắng thấy trách nhiệm công dân của mình nóng lên.

Tới đây ông có định sẽ viết thêm cuốn tiểu thuyết chính trị nào nữa không?

- Trời còn cho thở, còn viết. Xin cho tôi được giữ bí mật của riêng mình.

No comments:

Post a Comment