Thursday, May 19, 2011

18/05 Không cấm tự vận động bầu cử

Thứ Tư, 18/05/2011, 08:39 (GMT+7)

Ông Đinh Xuân Thảo - Ảnh: V.V.Thành
TT - Vẫn còn thời gian để các ứng cử viên đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trình bày chương trình hành động. Nhưng họ có thể tự tổ chức các cuộc tiếp xúc hay không? Phóng viên Tuổi Trẻ phỏng vấn ông Đinh Xuân Thảo - viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội - xung quanh vấn đề này.

* Là đại biểu Quốc hội khóa XII và là người ứng cử vào Quốc hội khóa XIII, ông có nhận xét gì về hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ giữa người ứng cử với cử tri?

- Hoạt động này ngày càng được tổ chức tích cực hơn, đúng luật và dân chủ. Sau hiệp thương lần thứ ba lập danh sách chính thức những người ứng cử, nhìn chung ở các đơn vị bầu cử cho thấy trình độ tương đối đồng đều nhau giữa các ứng cử viên. Các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ giữa người ứng cử với cử tri mà tôi tham gia với tư cách người ứng cử được tổ chức nghiêm túc, không khí rất sinh động, cử tri (Hà Nội) nêu nhiều vấn đề ở tầm vĩ mô đúng với chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội.

Theo quy định chung, mỗi ứng cử viên được tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ mười cuộc với các cử tri ở đơn vị bầu cử mà mình tham gia, nhưng lần này ngoài bầu cử đại biểu Quốc hội còn có bầu cử đại biểu HĐND các cấp, quỹ thời gian có hạn nên một số địa phương có giảm bớt số lần tiếp xúc cử tri.

* Theo ông, việc tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc giữa người ứng cử và cử tri như hiện nay đã đảm bảo cho cử tri lựa chọn đúng người đủ đức, đủ tài?

- Lần này thời gian tiếp xúc cử tri khá dài, từ ngày 3 đến 18-5 các nơi tổ chức chung cho người ứng cử tiếp xúc cử tri, ngoài ra còn có thêm hai ngày 19 và 20-5 để các ứng cử viên có thể sử dụng các hình thức tiếp xúc cử tri khác nếu phù hợp và trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Thời gian như vậy có thể đủ để trao đổi thông tin qua lại giữa ứng cử viên và cử tri.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là người ứng cử có quyền sử dụng hết mười cuộc tiếp xúc cử tri theo quy định chung hay không. Giả sử ban bầu cử đã tổ chức cho các ứng cử viên trong một đơn vị bầu cử nào đó ba cuộc tiếp xúc cử tri, vậy bảy cuộc còn lại nếu địa phương không có điều kiện tổ chức thêm trong khi ứng cử viên vẫn muốn tiếp tục gặp gỡ cử tri thì sao? Tôi nghĩ rằng nên để người ứng cử chủ động trong việc này sẽ giúp cử tri có thêm thông tin lựa chọn. Hiện nay vì luật chưa có quy định cụ thể nên ứng cử viên cũng ngại ngần, không hiểu mình có nên làm không và nếu làm thì có đúng luật hay không.

Trong hai ngày 19 và 20-5, các ứng cử viên được tiếp tục vận động bầu cử nhưng bằng hình thức nào, trực tiếp gặp gỡ cử tri hay qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng chưa có quy định rõ. Hiện nay truyền hình, Internet phát triển rất mạnh mẽ, nên phát huy thế mạnh của các kênh thông tin này để đưa thông tin của người ứng cử đến các cử tri.

* Ông cho rằng cần quy định rõ hơn khuôn khổ pháp luật việc tự vận động bầu cử của mỗi ứng cử viên?

- Đúng vậy. Tôi đơn cử là tổng thư ký Hội đồng bầu cử có trả lời trên báo chí rằng người ứng cử được mở blog hoặc in tờ rơi giới thiệu về mình... nhưng bản thân các ứng cử viên cũng băn khoăn là làm như thế có nên không, vì trong luật quy định là phải đảm bảo bình đẳng giữa các ứng cử viên. Như vậy khi luật không cấm hình thức tự vận đồng bầu cử nào đó thì nên có hướng dẫn cụ thể để tạo sự công khai và bình đẳng giữa các ứng cử viên.

VÕ VĂN THÀNH thực hiện

Triển lãm tranh cổ động bầu cử

Các tác phẩm tranh cổ động bầu cử được triển lãm tại công viên 23-9 - Ảnh: N.TRIỀU

Sáng 17-5 tại công viên 23-9, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) TP.HCM phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL khai mạc triển lãm tranh cổ động chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Triển lãm giới thiệu 23 tác phẩm xuất sắc được tuyển chọn từ 580 tác phẩm dự thi sáng tác tranh cổ động toàn quốc tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức từ ngày 2-11 đến 31-12-2010. Ngoài ra còn có tám tác phẩm chất lượng tốt nhất được tuyển chọn từ cuộc thi sáng tác tranh cổ động do Sở VH-TT&DL và Hội Mỹ thuật TP.HCM vừa tổ chức mới đây.

Ông Lê Tôn Thanh, phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM, cho biết cuộc triển lãm như một điểm nhấn nhằm góp phần tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của đợt bầu cử sắp tới. Cuộc triển lãm kéo dài đến hết ngày 24-5.

NGUYỄN TRIỀU

_______________________

Đại biểu Quốc hội ở Kiên Giang:

Tiếp công dân 2 ngày/tháng

Ở đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang nơi tôi ứng cử trước đây, có quy định mỗi tháng dành ra hai ngày tiếp công dân, nhưng cách làm đó chưa có quy định trong luật mà theo sự chủ động của từng đoàn. Tôi nghĩ rằng cơ chế để đại biểu Quốc hội gắn bó chặt chẽ hơn với cử tri hiện nay cần bắt đầu từ việc hoàn thiện các quy định tiếp xúc cử tri đến điều kiện bảo đảm để đại biểu thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, nhất là đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

No comments:

Post a Comment