Hội nghị Thượng đỉnh Bali là dịp để ASEAN tỏ ra có khả năng tìm giải đáp cho một loạt câu hỏi nghiêm trọng, từ tranh chấp biên giới Thái Lan - Campuchia, tranh cãi chủ quyền trên biển của một số nước ASEAN với Trung Quốc và cuộc bầu cử mất uy tín tại Miến Điện.
Kể từ hội nghị tại Hà Nội một năm trước, tình hình tranh chấp biển đảo tại Đông Nam Á ngày càng trở nên căng thẳng, khiến ASEAN có hy vọng dùng diễn đàn khu vực năm nay để đạt được một bản chỉ dẫn (guidelines), tìm ra một giải pháp chung.
Cùng lúc, Hoa Kỳ cũng muốn chương trình nguyên tử của Bình Nhưỡng được nêu ra bàn thảo.
Báo chí Trung Quốc trong khi đó nhấn mạnh đến hợp tác kinh tế sẽ đem lại lợi cho các bên.
BBC xin giới thiệu cách đánh giá các vấn đề này trên một số báo quốc tế và khu vực.
Trang Jakarta Post của Indonesia 16/7:
Tờ báo Indonesia, nước chủ nhà cho hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này tại Bali đề nghị các bộ trưởng của Khối "tăng khả năng ngăn ngừa, xử lý và giải quyết các xung đột".
Những thách thức lớn mang tính khu vực và quốc tế được Jakarta Post nêu ra cho ASEAN gồm có:
"Căng thẳng xung quanh tranh chấp biên giới Thái Lan - Campuchia, cuộc tranh cãi giữa Trung Quốc và các nước ASEAN về chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa, căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên, và cuộc bầu cử bị khắp nơi coi là mất uy tín tại Miến Điện."
Tờ báo nhắc rằng hồi tháng 5, tại hội nghị Jakarta, ASEAN đã đồng ý lập ra Viện Hòa bình và Hòa giải ASEAN (AIPR) để tạo ra bước mở đầu đi đến chỗ có một cơ quan nặng ký hơn nhằm giải quyết xung đột xuyên khu vực.
Riêng về Biển Đông, bài báo viết, các bộ trưởng ASEAN đã cam kết sẽ thuyết phục Trung Quốc cùng lập ra một Quy tắc Ứng xử (Code of Conduct -COC) có hiệu lực hơn là Tuyên bố về quy tắc ứng xử (Declaration of code of conduct - DOC), vốn bị ngưng trệ từ 2002.
Báo Jakarta Globe của Indonesia hôm 18/7:
Tờ báo tiếng Anh này có bài bình luận của Simon Tay, Chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế Singapore, nơi sẽ tổ chức một hội thảo liên quan Asean vào đầu tháng Tám.
Theo ông Simon Tay, có ba điều mà Asean có thể làm để ngăn các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông biến thành xung đột:
"Trước hết, Asean cần nhắc Việt Nam và Philippines rằng cả tổ chức không thể và không nên được trông chờ sẽ mù quáng theo đuôi quyền lợi quốc gia của hai nước.
Thứ hai, Asean phải đặt ra bối cảnh cho quan hệ chung với Trung Quốc. Quan hệ kinh tế đã phát triển sâu sắc hơn, rộng hợn và được dự đoán sẽ còn tăng trưởng nữa.
Thứ ba, Asean không được chỉ nghĩ về việc cân bằng sức mạnh với sức mạnh, ngay cả khi giơ tay ra cho Mỹ. Mặc dù sự có mặt quân sự của Mỹ đã là yếu tố giúp ổn định, nhưng nhu cầu cấp thiết là phát triển quy tắc và thói quen để hợp tác hòa bình."
Báo Singapore, tờ The Straits Times điện tử hôm 18/7:
Dù Trung Quốc luôn phản đối sự can dự bên ngoài vào tranh chấp biển Đông Nam Á, Ngoại trưởng Hillary Clinton có thể vẫn nêu vấn đề tại cuộc họp Diễn đàn Khu vực
Báo Nhật
Bài viết cho rằng nhìn từ góc độ của Bắc Kinh thì chủ đề gây xích mích là Biển Nam Trung Hoa sẽ trở thành đề tài nóng tại cuộc họp về an ninh ở Bali nhưng các chuyên gia không tin rằng sẽ xảy ra bão tố ngoại giao như năm ngoái.
Nhắc lại cuộc họp tại Hà Nội năm 2010 khi Trung Quốc bị bất ngờ trước12 quốc gia ASEAN nêu ra tại bàn hội nghị chủ đề Biển Đông, báo Singapore trích lời tiến sĩ Trương Minh Lượng từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, ĐH Jinan nói lần này sẽ không có chuyện đó.
Nhà nghiên cứu này cho rằng đó là vì "Giới quân sự Hoa Kỳ và Trung Quốc đã trao đổi với nhau nhiều lần về chủ đề này trong năm qua".
Nhờ vậy, Trung Quốc đã có sự chuẩn bị để nói chuyện với ASEAN về Biển Đông.
Được biết bà Hillary Clinton tới ngày 22/7 mới đến Bali nhưng sự hiện diện của Hoa Kỳ luôn là yếu tố không thể thiếu, thậm chí quyết định cho việc thành bại của các sáng kiến chung mà ASEAN đưa ra.
Về lịch trình, ngày thứ Năm tuần này sẽ là Đối thoại ASEAN +3 nhưng đến thứ Bảy hội nghị thượng đỉnh sẽ gồm 27 nước với cả Hoa Kỳ và Nga.
Báo Mainichi của Nhật 18/7:
Từ báo Nhật đăng bản tin quốc tế của hãng Kyodo từ Jakarta cho rằng nước chủ nhà Indonesia, trước ngày họp tại Bali 21/7 đề nghị ASEAN và Trung Quốc đồng ý về bộ khung để áp dụng hợp tác nhằm giảm căng thẳng biển đảo.
Tuy nhiên, truyền thông Nhật trích lời các nguồn ngoại giao cho rằng dù Trung Quốc luôn phản đối sự can dự của các nước bên ngoài vào vùng biển Đông Nam Á, Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton có thể vẫn nêu vấn đề tại cuộc họp Diễn đàn Khu vực ASEAN vào ngày 23/7 này.
Cho tới nay, Trung Quốc luôn muốn đối thoại song phương, khiến nhiều nhà quan sát nghi ngờ về khả năng có bước đột phát về tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nhanh chóng.
Trang Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc, bản tiếng Anh 18/7:
Trước hội nghị Bali, bài báo nêu ra số liệu của phía Trung Quốc rằng trong nửa đầu năm 2011, trao đổi thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đạt 171.1 tỷ USD, tăng 25.5% so với cùng thời gian năm trước.
Đặc biệt, theo Nhân dân Nhật báo, trao đổi thương mại Trung Quốc - Indonesia tăng 41%, Trung Quốc - Việt Nam tăng 40.9%.
Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa tổng trị giá 80 tỷ USD sang ASEAN và nhập về hàng hóa trị giá 91 tỷ USD trong cùng thời gian.
Trước đó, hôm 12/7, vẫn tờ báo này có bài ca ngợi việc xây dựng cảng Hà Khẩu là cách để Trung Quốc và Việt Nam "giải quyết tranh chấp tại Biển Nam Trung Hoa".
Nhắc lại quan điểm của lãnh đạo Trung Quốc, tờ báo viết về công trình này cho thấy "theo đuổi chính sách hợp tác kinh tế cùng có lợi (win-win economic cooperation) là dòng chính trong quan hệ Trung - Việt, và cách tốt nhất cho quyền lợi của hai bên là gác tranh chấp để cùng nhau khai thác nguồn tài nguyên ở biển Nam Trung Hoa.
Thông tấn xã Việt Nam 18/7:
Các báo trong nước trích bản tin của Thông tấn xã Việt Nam viết rằng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm sẽ đến dự hội nghị Bali.
Ông Phạm Gia Khiêm sẽ cùng Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và các bên Đối thoại bàn các biện pháp, định hướng đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN, gia tăng liên kết, thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Tuy nhiên, bản tin này không nói rõ vấn đề Biển Đông có được ông Khiêm nêu ra tại Hội nghị hay không.
Báo chí Việt Nam cũng trích lại các nguồn tin Hoa Kỳ nói rằng Tổng thống Barack Obama có lịch trình sẽ tới Bali nhưng để dự cuộc họp cao cấp tiếp theo vào tháng 11/2011.
No comments:
Post a Comment