07:14 | 26/08/2011
Hoạt động của đại biểu dân cử là hoạt động đặc thù, vừa mang tính đại diện, vừa mang tính pháp lý; phạm vi hoạt động rộng, tính độc lập và tính chịu trách nhiệm cao. Vì vậy để đại biểu dân cử được “chính danh - định phận” rõ ràng cần có những tiêu chí về phẩm chất, năng lực làm thước đo.
Thiết nghĩ, đối với đại biểu dân cử phải dựa trên nền tảng đạo đức thân dân xây dựng nên ba trụ cột để làm tròn sứ mệnh đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Thứ nhất: phải am tường pháp luật
Pháp luật là công cụ để thực thi quyền lực nhà nước, thực hiện quyền lực chính trị của nhân dân. Đó là kết quả của một quá trình dân chủ. Trong nhà nước pháp quyền, pháp luật giữ vị trí tối thượng, có vai trò điều chỉnh mọi quan hệ của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại; bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân.
Người đại biểu dân cử thực hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân cũng phải bằng tư duy pháp luật. Mọi ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri đi qua bộ cảm biến pháp luật để nhận diện, phân loại, xử lý, trước khi thực hiện các kỹ năng hoạt động đại biểu là tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri để thúc đẩy giải quyết hay giải thích cho dân rõ về cơ sở pháp lý, mức độ đúng sai, tính phù hợp của các vấn đề mà cử tri đặt ra.
Khi thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương, người đại biểu dân cử phải nắm vững hiến pháp, pháp luật, nghị định, thông tư, hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung quyết định để xem xét tính hợp hiến, hợp pháp; có đúng phạm vi, đối tượng điều chỉnh; có đúng thẩm quyền của chủ thể quản lý hay không. Mặt khác, đại biểu phải có nhận thức sâu sắc về tình hình thực tế của địa phương; tính khách quan của sự cần thiết phải ban hành chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội để không rơi vào tình trạng cứng nhắc. Mọi việc đều chờ quy định của cấp trên, phương pháp luận về tính linh hoạt của nguyên tắc đòi hỏi việc tuân thủ pháp luật bao hàm cả tính ổn định, bắt buộc chung, đồng thời phải biết quyết định những vấn đề đúng thẩm quyền mà pháp luật không cấm để đưa tinh thần pháp luật vào cuộc sống.
Trình độ, kỹ năng pháp luật có được thông qua việc nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật. Phải nghiên cứu, nhận thức đúng đắn, sâu sắc các văn bản luật, nhất là các văn bản luật có liên quan trực tiếp đến thẩm quyền quyết định của HĐND các cấp như: Luật Tổ chức HĐND và UBND; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND… và các văn bản QPPL có liên quan khác.
Am tường pháp luật là yêu cầu rất quan trọng của đại biểu dân cử. Vì vậy phải được đưa vào tiêu chuẩn đại biểu HĐND, yêu cầu phải bồi dưỡng, tập huấn, kiểm tra các ứng cử viên đại biểu HĐND trước khi tổ chức bầu cử. Mặt khác, sau khi trúng cử các đại biểu HĐND phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, cập nhật nội dung mới của pháp luật, nhất là nghiên cứu sâu các luật liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ được phân công thì mới có thể bảo đảm được yêu cầu hoạt động.
Trong thực tế do không am tường pháp luật nên việc biểu quyết, quyết định các văn bản QPPL của một số đại biểu dân cử còn thiếu tự tin, dẫn đến tính khả thi và hiệu quả của một số chính sách còn hạn chế.
Thứ hai là tính trung thực
Người đại biểu dân cử coi tính trung thực là phẩm chất cao quý của mình. Tính trung thực của đại biểu biểu hiện ở một số khía cạnh sau:
Trung thực với dân: là người từ nhân dân mà ra, lại được dân bầu làm đại biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân thì trước hết phải trung thực với dân. Trung thực với dân là phải giữ vững lời hứa với dân. Muốn giữ lời hứa với dân thì phải nghĩ trước, nghĩ sau, trước khi hứa hẹn bất kỳ điều gì với dân. Không được hứa bừa, hứa cho qua chuyện, hứa cho xong để đó để dân phong cho tước ông hứa. Không phải cái gì dân nói ra đều đúng, vì mỗi người dân có một góc nhìn khác nhau, lợi ích khác nhau, người đại biểu làm sao tập hợp được ý kiến của mọi người thành ý chí chung, phù hợp với các quy định của pháp luật. Cái gì thuộc thẩm quyền giải quyết được thì hứa, cái gì không giải quyết được thì không hứa; vấn đề hứa chuyển ý kiến đến cơ quan chức năng giải quyết thì phải hẹn thời gian thông tin lại cho dân biết; cái gì không đúng chế độ, chính sách thì phải giải thích cho dân rõ, không được nói nước đôi làm cho dân dễ ngộ nhận.
Tiếp xúc với dân phải trung thực để cho dân biết người đại biểu HĐND trước hết cũng là một công dân, một cử tri. Không phải ông ta từ trên trời rơi xuống và có đủ thẩm quyền giải quyết mọi việc cho dân. Trung thực tiếp thu ý kiến đúng đắn, hợp lý của dân để đề đạt lên HĐND, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Trung thực với dân còn có ý nghĩa là khi tiếp xúc với dân, thông tin, truyền đạt đường lối, chính sách, pháp luật cho dân phải trung thành, trung thực. Nhận thức rõ vấn đề, cung cấp thông tin chính xác, nhất là những vấn đề về cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến người dân. Thực tế không ít đại biểu khi tiếp xúc với dân, do không nắm vững chế độ, chính sách nên khi trao đổi chính sách này thì lại trích dẫn văn bản khác, hay khi dân hỏi thì trả lời sai chính sách, gây thêm rắc rối cho việc thực hiện các chính sách của nhà nước tại cơ sở. Để rèn luyện được tính trung thực với dân đại biểu phải tự rèn luyện tính trung thực của bản thân.
Trung thực với bản thân là cái khó nhất vì trong bản thân con người là sự thống nhất đối lập giữa cái chung và cái riêng; cái tốt và cái xấu; cái trung thực và cái giả dối, nó luôn luôn vận động, chuyển hóa lẫn nhau trong không gian, thời gian mà thủ phạm gây nhiễu loạn, chi phối cái trung thực đó chính là lợi ích cá nhân. Vì vậy, trung thực với bản thân là điều cực kỳ quan trọng, cực kỳ khó khăn, phức tạp. Làm đại biểu là điều kiện cần và đủ để đảm nhận các chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước. Khi xã hội mà hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, thì người có trong tay nhiều quyền lực, cũng dễ dàng sử dụng quyền lực cho các mục đích cá nhân. Một bộ phận không nhỏ trong số họ trở thành lực lượng xa dân, đối lập với dân khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do dân uỷ quyền và đã chịu sự trừng trị của pháp luật.
Thứ ba là bản lĩnh
Tính trung thực phải luôn luôn gắn với bản lĩnh của đại biểu dân cử. Thuộc tính trung thực thôi thúc đại biểu phải có bản lĩnh trong việc thực hiện nhiệm vụ dân cử. Tính trung thực và bản lĩnh thống nhất biện chứng trong hoạt động của đại biểu. Tính trung thực càng cao đặt nền móng cho bản lĩnh càng cao. Người có bản lĩnh thực sự phải là người trung thực thật sự, luôn đặt lợi ích chung, lợi ích của nhân dân lên trên hết để phản ánh, bàn định, dám đấu tranh, dám phản biện, dám chất vấn, dám đương đầu với chủ nghĩa cá nhân, dám bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của công dân và nhà nước.
Không ít đại biểu HĐND không dám nói, không dám bàn, không dám chất vấn. Do thiếu trung thực với bản thân và với dân. Cũng có đại biểu phải kiêm nhiệm nhiều công việc, có đụng chạm đến các quan hệ trên dưới trong hệ thống hành chính-chính trị thì càng khó trong phát biểu chính kiến của mình.
Văn hóa chính trị của đại biểu dân cử đòi hỏi phải có lập trường, quan điểm, có tính kiên định và bản lĩnh trong hoạt động. Đây là yếu tố đánh giá năng lực và hoạt động của đại biểu.
Bản lĩnh của đại biểu thể hiện tính dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đấu tranh bảo vệ chân lý, bảo vệ lẽ phải trong hoạt động của đại biểu tại kỳ họp, thể hiện rõ quan điểm, thái độ của mình đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND. Dám nêu vấn đề, chất vấn, yêu cầu làm rõ, chứng minh làm sáng tỏ vấn đề. Bản lĩnh đại biểu là khâu quyết định chất lượng hoạt động của HĐND.
Trong hoạt động giám sát, bản lĩnh của đại biểu thể hiện ở thái độ dám đi vào những vấn đề gai góc, nổi cộm, những việc bức xúc mà cử tri quan tâm trong quản lý KT-XH. Dám đấu tranh với tệ quan liêu, nhũng nhiễu, tiêu cực trong hoạt động của bộ máy nhà nước.
Bản lĩnh của đại biểu dân cử được hình thành qua quá trình rèn luyện trong thực tiễn cả về trình độ chính trị, chuyên môn, đạo đức, phẩm chất năng lực và sự trải nghiệm trong công tác, trong quan hệ gần gũi và mật thiết với nhân dân.
Trong giai đoạn hiện nay, việc rèn luyện để các đại biểu dân cử có năng lực pháp luật, trung thực và bản lĩnh ngày càng được đề cao và cần được tập trung xây dựng. Đó là yêu cầu tự thân cả trước mắt và lâu dài để thực hiện mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.
Nhất định, cần phải quan tâm đổi mới về thể chế, tạo ra cơ chế, chính sách và điều kiện cần để nâng cao chất lượng và kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử.
Nguyễn Đức Dũng
Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị
Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị
No comments:
Post a Comment