Friday, August 26, 2011

26/08 Tái khẳng định một số định hướng chính sách tiền tệ



▪  
MINH ĐỨC

26/08/2011 19:14 (GMT+7)
 
Phía trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội. Kết quả cuối cùng của cuộc họp không như mong đợi ở tính cụ thể - điều mà thị trường đang chờ đợi.
Cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng lớn đã kết thúc với sự tái khẳng định một số định hướng điều hành chính sách tiền tệ.

Sáng nay (26/8), Ngân hàng Nhà nước có cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng thương mại lớn tại Hà Nội.

Đây là cuộc họp được thị trường trông đợi bởi đã có thông tin kế hoạch từ tuần trước, và nội dung của nó được cho là tập trung vào định hướng giảm lãi suất cho vay VND xuống 17% - 19%/năm vào tháng 9 tới, như Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra trước đó.

Cuộc họp kéo dài đến tận trưa, nhưng kết quả cuối cùng lại không như mong đợi ở tính cụ thể - điều mà thị trường đang chờ đợi ở đáp án của bài toán hạ lãi suất.

“Về cơ bản thì không có gì mới và cụ thể ở các quyết sách điều hành hay điều chỉnh trong thời gian tới. Các thông tin thảo luận tại cuộc họp gần như lặp lại những gì Thống đốc vừa phát biểu trước đó, mà tinh thần chung vẫn là thực hiện theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ, đại ý là góp phần ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội…”, nguồn tin của VnEconomy cho hay.

Tuy nhiên, tại cuộc họp này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tái khẳng định thông điệp hạ lãi suất cho vay nói trên. Nhưng giải pháp cụ thể để thực hiện vẫn chưa được đưa ra để thảo luận chi tiết với đại diện các thành viên thị trường.

Thứ hai, tại đây, định hướng sửa đổi Thông tư 13 và Thông tư 19 về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng tiếp tục được đề cập, dù không nêu cụ thể ở các điều, khoản, trong khi nhiều thông tin trên thị trường vẫn đang hướng về khả năng sửa đổi giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn huy động để cho vay.

Thứ ba, như thông tin tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh chiều qua (25/8), Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì cơ chế trần lãi suất huy động VND 14%/năm như từ tháng 3/2011 đến nay.

Về điều này, một số lãnh đạo ngân hàng thương mại phát biểu tại buổi họp cho rằng, trần lãi suất trong những tình huống là cần thiết, nhưng về lâu dài Ngân hàng Nhà nước nên sử dụng các công cụ, các biện pháp kỹ thuật để điều tiết lãi suất, thay vì can thiệp bằng hành chính.

Cũng tại cuộc họp trên, về tinh thần chung, đại diện các ngân hàng thương mại cùng đồng thuận với định hướng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra, hướng tới giảm lãi suất cho vay, cùng chia sẻ khó khăn chung với nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc thực hiện giảm lãi suất thực tế như thế nào trong thời gian tới vẫn tùy thuộc vào các động thái của Ngân hàng Nhà nước, mà điều này hiện vẫn còn ở phía trước.
 
Thảo luận (1 ý kiến)
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
 
Pvd 13:42 (GMT+7) - Thứ Bảy, 27/8/2011
Cần có sự trả giá trước khi có thể gặt hái những thành công từ các biện pháp chính sách.

Mục đích cuối cùng của “siết” tiền tệ nhằm cơ cấu lại nền kinh tế để giảm lạm phát và phát triển kinh tế ổn định với hai biện pháp quan trọng: giải tỏa vốn đọng trong BĐS và triệt tiêu đầu tư kém hiệu quả trong nền kinh tế.

Như vậy chỉ khi nào hàng tồn kho của BĐS được giải tỏa. Tức là chỉ khi nào giá BĐS phải giảm và đã giảm tới mức người tiêu dùng thực sự chấp nhận mua, đồng nghĩa với việc tích trữ trong dân (hoặc vốn nước ngoài) bắt đầu được đưa vào thị trường thông qua kênh BDS thì mục đích giải tỏa vốn đọng trong BĐS mới dần thành hiện thực.

Và chỉ khi nào. Các tổ chức kinh doanh kém hiệu quả, trước sự sống còn của mình, đang mọi cách thu hút vốn mà không cần cân nhắc hiệu quả sử dụng vốn, buộc phải chấp nhận rút khỏi thị trường hoặc phá sản. Nghĩa là đối tượng vay tín dụng bằng mọi giá không còn nữa, thì khi đó lãi xuất cao mới không thể tồn tại và lãi xuất tín dụng mới có thể giảm.

Chỉ khi cả hai điều kiện trên cùng trở thành hiện thực thì dòng vốn tín dụng mới thực sự có thể và buộc phải giảm và đến với các doanh nghiệp KDSX dùng vốn luôn cân nhắc đến hiệu quả. Chỉ đến lúc ấy kinh tế mới bắt đầu tăng trưởng ổn định trở lại.
Muốn đạt được mục đích lớn, không thể không có những hy sinh nhất định.

Nếu bây giờ không kiên quyết loại bỏ (cho dù không phải là ít) các tổ chức kinh tế làm ăn kém hiệu quả để dồn sức hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế làm ăn có hiệu quả, dừng tay lại là ta chịu thua cái “bẫy thu nhập trung bình” đang chờ phía trước rồi!

No comments:

Post a Comment