Wednesday, October 26, 2011

26/10 Đi liền với tái cơ cấu đầu tư công cần quan tâm đến tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

07:17 | 26/10/2011
Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 và năm 2012. Đóng góp ý kiến vào nội dung này, nhiều ĐBQH cho rằng, năm 2012, cần khởi động mạnh việc tái cơ cấu đầu tư công. Đi liền với tái cơ cấu đầu tư công cần quan tâm đến tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Để có sự tính toán đầy đủ và căn cơ hơn, Chính phủ cần xây dựng Đề án Tái cơ cấu đầu tư công để trình QH trong thời gian tới.
ĐBQH Lê Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh): Dự toán ngân sách Nhà nước phải thể hiện được nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới, thông qua cơ chế chính sách cụ thể
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Chính phủ về việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011 đã thể hiện rất rõ quan điểm, nội dung này, trong đó tán thành nhiệm vụ đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế.
Như các chuyên gia kinh tế đã phân tích, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước ta đã đi được 2/3 chặng đường. Trong 1/3 chặng đường còn lại, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020, đất nước ta trở thành đất nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Xét dưới góc độ phân tích kinh tế, để trở thành một nước công nghiệp hiện đại, đất nước ta phải trải qua 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tiên là gia công lắp đặt. Nói như vậy để thấy, tuy đã đi được 2/3 chặng đường, nhưng đến nay chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu. Đây là vấn đề hết sức cấp bách đang đặt ra.
Về vấn đề chi ngân sách hiện nay, phải chăng, cơ cấu chi các lĩnh vực này có cái gì đó mang tính chất truyền thống? Tôi đề nghị, chi ngân sách phải thực hiện trên cơ sở quán triệt và thể hiện được nhiệm vụ chính trị của năm 2012 cũng như 5 năm sắp tới. Trong cơ cấu chi ngân sách của năm 2012 phải thể hiện được nhiệm vụ tái cấu trúc kinh tế đất nước. Nếu chúng ta nhất quán được quan điểm, chủ trương, định hướng trong Nghị quyết của Đảng nhưng không thể hiện được trong cơ chế chính sách, thể hiện trong việc đầu tư, thì sẽ không thể đạt được mục tiêu đã đề ra.
Chúng ta đã nói rất nhiều về sản xuất công nghiệp phụ trợ, có thể đi đến giai đoạn thứ hai của tiến trình công nghiệp hóa. Thực tế, khi bàn bạc với các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào khu công nghệ cao, chúng ta thường đề nghị đẩy nhanh việc nội địa hóa và nội địa hóa trong sản phẩm, trong khi chúng ta lại chưa có cơ chế, chính sách cho việc này. Để hướng cho nền kinh tế có giá trị gia tăng cao, hàm lượng chất xám trong sản phẩm cao, tăng được tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm thì việc này phụ thuộc vào cơ chế, chính sách của Nhà nước và phải được thực hiện thông qua chính sách đầu tư. Còn đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, họ không quan tâm đến việc sử dụng công nghệ nào mà họ quan tâm đến việc sản xuất ra cái gì có thể tiêu thụ tốt, đem lại lợi nhuận cao. Vì vậy, bất kể việc công nghệ thấp, miễn làm sao họ sản xuất được những sản phẩm tiêu thụ tốt và có lợi nhuận.
Dưới góc độ nhiệm vụ chính trị trong năm 2012 và 5 năm tới là tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, trong phân bổ nguồn chi ngân sách phải có hòm vốn. Đi liền với đó là cơ chế, chính sách của Nhà nước khuyến khích việc đầu tư đổi mới thiết bị trong sản xuất nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao và cùng với đó là sản xuất công nghiệp phụ trợ. Đề nghị bổ sung nội dung này vào dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012. Đây là vấn đề cấp bách giúp chúng ta thực hiện mục tiêu Nghị quyết của Đảng đã đề ra, nhằm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh): Phải thực hiện kỷ luật sắt trong điều hành ngân sách
Chúng ta còn nghèo nên chi tiêu ngân sách phải nhất quán quan điểm không được lãng phí. Hiện nay, nợ công đã ở mức báo động. Chính phủ phải khẳng định điều đó và kiên quyết thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt và thực hiện kỷ luật sắt trong điều hành ngân sách. Trong phân bổ ngân sách nhà nước cần chú trọng đầu tư thỏa đáng cho những tỉnh, thành phố có khả năng là đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội của cả khu vực. Gắn việc phân bổ ngân sách với vai trò và trách nhiệm của địa phương đó trong nền kinh tế của khu vực và cả nước. Bên cạnh đó, cần lưu ý đầu tư cho các khu vực một cách hợp lý. Hiện chúng ta có 3 khu vực đầu tư là: đầu tư công, đầu tư nước ngoài và đầu tư dân doanh. Bây giờ siết chặt đầu tư công rồi thì còn lại hai khu vực đầu tư nước ngoài và đầu tư dân doanh phải tính như thế nào? Khu vực đầu tư dân doanh nếu không có chính sách hỗ trợ thì cuối cùng sẽ dẫn đến tình trạng chúng ta sẽ nhường hết sân chơi cho khu vực đầu tư nước ngoài.
Trong việc quản lý chi đầu tư phát triển năm 2011 cũng còn một số tồn tại, trong đó còn nhiều dự án tiến độ triển khai chậm so với yêu cầu, nhiệm vụ; bố trí vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục; phân bổ vốn không đúng với cơ cấu, chương trình hỗ trợ được giao; một số cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương còn chần chừ, thiếu kiên quyết trong cắt giảm đầu tư công; khởi công dự án mới trái quy định. Ngay năm 2011 chúng ta triển khai Kết luận 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Chính phủ là thắt chặt chi tiêu mà còn xảy ra những tình trạng như vậy thì phải chỉ rõ địa chỉ cụ thể của những đơn vị, những dự án sai phạm đó thì mới có thể thực hiện triệt để tinh thần của Kết luận 02 và Nghị quyết 11 được.
ĐBQH Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế): Chủ trương về các chương trình mục tiêu quốc gia là đúng đắn và thiết thực, nhưng…
Dự toán phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2012 trích ra khoảng hơn 180.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác trong tổng số 900.000 tỷ đồng của ngân sách để phục vụ công tác đầu tư cơ bản, trong đó phần lớn là đầu tư xây dựng cơ bản. Có thể thấy, chủ trương tái cấu trúc chưa thể hiện rõ trong vấn đề này, do đó vẫn còn hiện tượng dàn trải vốn. Ví dụ tình trạng dàn trải vốn đầu tư dành cho các chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2011, tổng cộng chúng ta có 15 chương trình mục tiêu quốc gia. Đến năm 2012 con số này sẽ là 16 chương trình. Trong khi đó, nguồn vốn dành cho việc thực hiện các chương trình này rất ít, có những chương trình chỉ được phân bổ 70 – 80 tỷ đồng/năm, nếu chia ra để thực hiện chương trình này trên phạm vi cả nước thì không biết số tiền các địa phương nhận được là bao nhiêu? Điều này dẫn đến tình trạng là chủ trương của chúng ta về các chương trình mục tiêu quốc gia là đúng đắn và thiết thực, nhưng thực hiện thì không mang lại hiệu quả cao.
Tổng kết 5 năm qua về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên thực tế đã cho thấy nhiều mục tiêu không đạt. Có thực trạng là trong quá trình quyết định đầu tư, chúng ta không tính toán đầy đủ đến khả năng đầu tư mà thường quyết định đầu tư theo nhu cầu, thay vì theo khả năng, dẫn tới tình trạng dàn trải. Nói cách khác là dường như thấy có vấn đề gì bức xúc là kiến nghị và cứ kiến nghị là đầu tư. Ngay chương trình đầu tư quốc gia cũng thế, cứ thấy có vấn đề gì cần thiết phải có chương trình mục tiêu quốc gia để giải quyết riêng vấn đề đó là lại đưa ra một chương trình và quyết định đầu tư. Sau khi quyết định đầu tư theo nhu cầu nhưng đến khi thực hiện mới nhận ra rằng khả năng ngân sách không đủ.
ĐBQH Lê Thị Nga (Thái Nguyên): Chúng ta phải xác định một cách rõ ràng: nợ công đến ngưỡng nào là bảo đảm an toàn?
Một trong những vấn đề đáng bàn hiện nay là: nợ công. Khoảng 4 - 5 năm nay, ĐBQH đã bàn nhiều về vấn đề này. Chúng ta phải xác định một cách rõ ràng việc nợ công đến ngưỡng nào là bảo đảm an toàn? Không thể để tình trạng, có những năm chúng ta nói nợ công ở ngưỡng 32% là an toàn, rồi tiến tới 42% cũng chưa có vấn đề gì và hiện nay đã tăng lên ngưỡng 54,5% GDP. Tôi đề nghị, QH phải bàn bạc kỹ hơn về nợ công. Ủy ban Tài chính và Ngân sách cần có kiến nghị, trước hết là yêu cầu Chính phủ chấp hành đúng Luật về Quản lý nợ công, trình QH nắm rõ thông tin về tình trạng nợ công để quyết chỉ tiêu an toàn đối với nợ công cụ thể là bao nhiêu?  
ĐBQH Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa): Đi liền với tái cơ cấu đầu tư công cần quan tâm đến tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước
Năm 2012 cần khởi động mạnh việc tái cơ cấu đầu tư công và tái đầu tư doanh nghiệp theo tinh thần Hội nghị lần thứ Ba, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI.
Tái cơ cấu đầu tư và tái cơ cấu đầu tư doanh nghiệp phải thể hiện trong tái cơ cấu đầu tư công và thu chi ngân sách. Theo tôi cần có chương trình cho cả 5 năm. Trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2015 đã nêu tư tưởng tái cơ cấu đầu tư công, nhưng chưa rõ nét. Phải giảm đầu tư công hơn nữa để tạo điều kiện đầu tư của khu vực tư nhân tăng. Về cách thức, đi liền với tái cơ cấu đầu tư công cần quan tâm đến tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Các doanh nghiệp Nhà nước lấy tiền từ cổ phần hóa để bù vào đầu tư công, giảm bớt việc phải bội chi ngân sách hay việc Chính phủ phải vay trái phiếu, vay nước ngoài.
Tôi đề nghị Chính phủ cần xây dựng Đề án Tái cơ cấu đầu tư công để trình QH trong thời gian tới. Như vậy, sẽ có sự tính toán đầy đủ hơn, căn cơ hơn, phân tích sâu hơn với chủ trương đúng đắn này.
N. Vũ ghi, ảnh: Trí Dũng, Q. Khánh.


No comments:

Post a Comment