Wednesday, October 26, 2011

Doc ho-so cu: Nhan ky-niem Huy-nhat 48 TT ND-Diem (2)

Bắt đầu tuần lễ kỷ niệm "Huý Nhật" thứ 48 của cố Tổng Thống Ngô-Đình-Diệm (Nov. 1-1963);
Nhóm ACL xin được chuyển tới quý Thân Hữu và các bạn mỗi ngày một tài liệu trong xấp hồ sơ lưu trữ để mời đọc và suy ngẫm ... Lần này là một bài viết về Huyền-thoại và Sự thật về chế độ Ngô-Đình Diệm.
   NGUỒN: 1. ==> Một Góc Trời
                  3. ==> Tác giả bài ca Suy-tôn Ngô Tổng Thống (Ngọc Bích)
                  4. ==> http://www.dutule.com/D_1-2_2-111_4-1912_5-4_6-6_17-34_14-2/
Kính,
DalatNguyen
 
Mạn đàm với Vĩnh Phúc:
Huyền Thoại & Sự Thật Về Chế Độ Ngô Đình Diệm
Nguyễn Văn Lục
(2)

NVL: Phần tôi, tôi đặc biệt chú trọng đoạn Lê Châu Lộc, tùy viên của ông Diệm kể buổi sáng hôm ấy ông Diệm phải tiếp kiến đô đốc Felt tại Đàlạt. Ông có nhận xét gì về buổi gặp gỡ lịch sử này?
Đô đốc Harry Donald Felt, (1902—1992), Chỉ huy trưởng Hạm đội Thái Bình Dương từ 1958-1964, có ảnh hưởng sâu sắc đến hướng đi của chính sách Hoa Kỳ trong vùng
Nguồn: arlingtoncemetery.net
VP: Ông tinh ý lắm, nêu dẫn đoạn ông Diệm gặp đô đốc Felt là điểm thắt nút mối bang giao hợp tác giữa chính phủ Mỹ và ông Diệm trong suốt 9 năm. Buổi sáng hôm ấy, ông Diệm nôn nóng khác thường, tức giận đạp đổ ghế vì sĩ quan tùy viên tới chậm. Cái tức giận tùy viên chỉ là cái cớ thôi. Cái chính là lá bài sắp lật ngửa. Và tôi nghĩ rằng: Ván bài lương tâm và trả giá giữa người Mỹ và ông Diệm nằm ở buổi tiếp kiến hôm đó trước khi ông Diệm bị thảm sát. Đó là bản chúc thư giã từ sau 9 năm cầm quyền, một lần chót nói lên cái quan điểm khác biệt giữa người Mỹ và ông Diệm. Những kẻ viết sử sau này thường bác bỏ luận cứ này để biện hộ cho việc lật đổ ông ấy.

Không có người Mỹ, cuộc đảo chánh đó không có cơ thành tựu.

VP: Vừa rồi, ông đang hỏi tôi về con người ông Diệm. Tôi chưa nói hết, thì đấy, con người ấy có thể khoan dung ngay cả đối với kẻ thù. Nhưng cũng con người đó có thể nóng như lửa, mặt đỏ gay, hầm hầm, giộng ba toong thình thình trên sàn máy bay vì thấy treo cờ Vatican, vứt hồ sơ vào mặt ông Nhu mà không cho tùy viên lượm lại. Nhưng chỉ trong chốc lát, ông tổng thống nguôi giận.

Nhưng ngược lại, ông lại tỏ ra rất bình tĩnh khi dinh độc lập bị ném bom. Lê Châu Lộc nhận thấy ông Diệm vẫn ngồi đọc sách một cách bình thản hỏi:
- "Cái chi đó?"
- " Dạ người ta bỏ bom mình".
- " Thế à, mà ai bỏ bom vậy?"

Theo Lê Châu Lộc, làm tùy viên cho ông Diệm là khổ lắm. Theo ông đi kinh lý tối ngày, bất kể thì giờ, bất kể ngày đêm. Bằng máy bay, bằng trực thăng, bằng xe, bằng xuồng, "thăm dân cho biết sự tình". Có lần phải kê ghế bố mà ngủ trong khi bên dưới lõng bõng nước. Những chuyến đi vất vả và nguy hiểm như thế cũng không làm ông Tổng Thống nản lòng, vì ông muốn đến tận nơi hẻo lánh nhất, hoàn cảnh khó khăn nhất để đem lại nguồn an ủi cho binh sĩ.

Thử hỏi sau này có anh lãnh đạo nào làm được như thế không?

NVL: Tôi cũng nghĩ như vậy. Có ông lãnh đạo nào bỏ ra vài lần thăm dân, thăm trường học trong suốt những năm về sau này? Chữ kinh lý, tôi nghĩ là chữ đặc quyền dùng cho ông Diệm. Sau này chữ đó không còn có trong tự điển nữa. Vậy mà thời ông Diệm, ciné chỉ chiếu những chuyện gì đâu.

VP: Ông nhắc tôi mới nhớ. Tôi còn nhớ hồi đó, ciné hát xong bài chào cờ là hát bài suy tôn Ngô Thổng thống. Đáng nhẽ phải bỏ tù cái thằng cha nào đã nghĩ ra cái bài hát thối tha:
Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng Thống.(1) Bài đó giết ông Diệm từng ngày, từng giờ không cần gươm giáo đấy. Vứt bài hát đó vào sọt rác và chiếu lên hình ảnh ông Tổng Thống đi bốt, lội bùn, sắn quần lên tới đầu gối thì còn gì đẹp bằng nữa?(2)

NVL: Vâng, quả đúng như vậy.

VP: Nay thì đến lúc tôi hỏi ngược lại ông: Đọc lần tái bản này ông thấy thế nào ?

NVL: Phải nói bản cũ, tôi đọc nhiều lần, mỗi lần muốn viết điều gì về chế độ Ngô Đình Diệm. Tôi đều dở ra tham khảo. Nhưng chê trước đã. Thật ra, không phải chê mà ấm ức.

Thứ nhất, cuốn sách không có cái nhìn tổng thể lớp lang về chế độ ấy. Nó thiếu văn mạch của những chuỗi sự kiện nối tiếp nhau. Nó nêu ra đó rồi để cho độc giả tùy ý chọn lựa thái độ. Quả là có rộng lượng và tôn trọng độc giả. Sự kiện từng mảnh của chế độ ấy như chính ông nói với tôi, như đống gạch. Có viên lành lặn, viên vỡ. Rồi ông bày hàng ra, ông đẩy cái trách nhiệm đánh giá cho các nhà sử học, cho người đọc. Mà như chúng ta biết đấy. Nhà sử học nào đã làm được công việc ấy? Trong khi đó, đáng nhẽ là trách nhiệm của ông phải làm?

Thứ hai, về phương pháp làm việc, ông đã chọn cách viết chỉ dựa trên nhân chứng, một thứ Oral History, rất khả tín, thời thượng. Phải chăng, đó là lối làm việc theo thói quen từ BBC của ông? Nhưng lối viết nêu dẫn nhân chứng lại rất áp đảo, trấn áp người đọc. Chẳng hạn khi chính Lê Châu Lộc nói rằng, ông Diệm nghe tin phi công Phạm Phú Quốc ở trong tù bị bọn công an hành hạ đến nơi đến chốn. Ông Diệm không an tâm sai Lê Châu Lộc đến nhà giam xem thử. Lê Châu Lộc bằt Phạm Phú Quốc dơ tay cho xem có bị thương tích không. Không có. Chỉ nêu sự việc: Một người đã ném bom tính giết mình, đã không bị đưa ra tòa, không bị cho đi mò tôm là may, lại còn thăm hỏi. Chuỗi sự kiện đó dẫn đưa tới việc phải thừa nhận: Ông Diệm là người tốt. Không lạ gì, sau đó, Phạm Phú Quốc đã viết thư xin lỗi ông Diệm.

Tôi chỉ nói, lối viết đó có tác dụng thuyết phục, vì nó vượt lý luận, bịt miệng những ai muốn nói khác, muốn bôi nhọ.
Ở trên, tôi nói ấm ức, vì ông không sử dụng tài liệu. Ông cũng đã nêu ra những lý do khi ông cho rằng những hồi ký, những sách viết về chế độ ấy do các nhà văn, nhà chính trị, nhà báo viết bố láo, bố lếu, bóp méo lịch sử cho dù dùng tài liệu ngoại quốc viết cũng tào lao, rất là bôi bác. Nói chung là như thế.

Nhưng này, ông chê người ta viết bố láo, bố lếu. Vậy có thể nào ông cho biết đích danh một tác giả hay một cuốn sách viết bôi bảc?


VP: Cái này thì xin ông tha cho. Tôi chỉ nói được là nhiều lắm, tôi tránh nói ra. Độc giả đọc họ là biết rồi. Sau khi anh em ông Diệm bị giết, nhiều người đã viết quá sai sự thật chỉ nhằm mục đích câu độc giả. Sau 1975, cũng thế. Ngay cả những bầy tôi, sau này viết về chủ mình, cũng phản bội, viết bôi bác, nói trắng ra đen. Theo tôi, viết như thế không xứng đáng một người cầm bút.

Chính vì vậy, tôi chọn lựa không sử dụng tài liệu của bất cứ ai.

NVL: Chọn lựa như thế, đúng ra là chọn lựa tư cách là một nhà báo hay nhà sử?

VP: Nhà báo thì cung cấp thông tin, dữ kiện. Còn nhà sử cung cấp kiến thức. Nói như thế thì ông biết tôi là nhà gì rồi?

NVL: Cũng đúng, nhưng tôi xin bổ túc, Trần Trọng Kim kiến thức sử đâu có bao nhiêu, nhưng sự trung thực thì lồng lộng mà kẻ hậu bối chỉ biết cúi đầu khâm phục.

VP: Tôi cũng không nghĩ gi khác ông. Chúng ta cùng nói chung một thứ ngôn ngữ: Sự can đảm và lòng trung thực. Đó là những đức tính cần có của một người cầm bút.

NVL: Khi ông dùng chữ bày tôi viết về chủ mình thì gián tiếp người đọc như tôi cũng hiểu bầy tôi là ai rồi ?

VP: Ấy chớ, xin ông đừng diễn dịch xa quá.

NVL: Trong biến cố Phật giáo, mặc dầu ông đã cố gắng phỏng vấn một số người như cụ Quách Tòng Đức, TT Thích Tâm Châu và ngay cả ông Đặng Sỹ v.v... Phần trả lời của TT Tâm Châu chưa đầy đủ lắm. Phải nói về vai trò của TT ấy như thế nào, vai trò của TT Trí Quang có tính cách quyết định về đường lối đâu tranh chống chính quyền? Nguyên đo đưa đến sự đổ vỡ đến tách ra thành hai khối Phật giáo? Phần ông Đặng Sỹ thì tránh né trả lời. Chính tôi cũng liên lạc với ông được hai lần, nhưng ông cứ khất lần. Rất tiếc nay người nhà ông báo cho tôi biết ông mới qua đời. Thế là một dấu mốc lịch sử bị đứt quãng. Nhưng tôi vẫn thấy còn cần đào sâu thêm nữa để có thể khai thông một số vấn đề chưa sáng tỏ như vụ nổ đài phát thanh Huế v.v... Những người như đại úy Minh, văn phòng cố vấn chỉ đạo của ông Cẩn có thể đóng góp cho rõ thêm vai trò ông Cẩn và đặc biệt TT Trí Quang, sau 1975, ông rút vào bóng tối một cách khó hiểu như có điều gì không tiện nói. Im lặng ở đây là vàng. Ông cần lên tiếng và nên lên tiếng. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

VP: Thật ra những người như ông Ngô Đình Nhu đáng nhẽ phải để lại những Mémoires thì đỡ cho chúng ta biết bao nhiêu. Hình như các người làm chính trị ở Việt Nam không có thói quen viết nhật ký. Tôi cũng nghĩ đến trường hợp TT Thích Trí Quang nhưng quá khó gặp. Cả TT Hộ Giác một khuôn mặt đấu tranh nổi bật thời đó hiện còn sống ở Mỹ, tôi cũng cố tìm cách tiếp xúc nhiều lần mà không được. Tôi sẽ đặc biệt lưu tâm đến trường hợp này trong lần tái bản sau.

NVL:
Tôi xin góp ý thêm về vấn đề tài liệu. Tôi được biết là TT Trí Quang có viết về biến cố Phật giáo 63, gần như không phổ biến. Cho dù có được phổ biến, với lối viết Oral History của ông, dĩ nhiên ông sẽ không xử dụng. Thật tiếc. Cũng vậy, tôi thấy có những tài liệu từ phía cộng sản như của cán bộ Cộng sản Mười Hương chẳng hạn. Rất là hữu dụng, một cái nhìn từ phía bên kia, đưa ra một quan điểm đánh giá hoàn toàn trái ngược với phía VNCH. Mười Hương viết về thân phận những cán bộ nằm vùng bị chính quyền VNCH bắt, sau 1975 lại bị cộng sản nghi ngờ không xử dụng. Mười Hương đã nhận xét về kẻ thù số 1, không đợi trời chung là ông Ngô Đình Cẩn như thế nào, trong đó đánh giá rất cao vai trò ông Cẩn trong việc tiễu trừ cộng sản nằm vùng. Đọc Mười Hương để thấy rằng kể cả ông Diệm, ông Nhu cho đến người dân miền Nam, nhất là miền Trung đã đánh giá quá thấp con người Ngô Đình Cẩn.

Một cán bộ Cộng Sản thứ gộc như Mười Hương đánh giá cao Ngô Đình Cẩn thì cũng là điều để chúng ta suy nghĩ chứ. Cũng như luật sư Quan rất khinh ghét ông Cẩn, nhưng lúc biện hộ cho Ngô Đình Cẩn, nhận ra con người ấy đáng nể, đáng kính, đáng thương và đã khóc khi nghe Ngô Đình Cẩn bị lên án tử hình và đã viết hồi ký về vụ án này.
(3)

Ông Cẩn không vô tích sự đến như thế, ông không ngu dốt đến như thế. Cách hành xử của ông có thể do lối dùng người không chính thống, không hành chánh, nhưng hiệu quả thì có. Miền Trung yên áng một phần nhờ ông Cẩn. Quét sạch bọn Cộng Sản nằm vùng do một tay ông. Đối với Phật giáo, thử hỏi ai là người bao che ông Thích Trí Quang, ai tiến cử các TT Trí Quang, Thiện Minh gọi là "đồng chí" Trí Quang, Thiện Minh như chính ông đã viết trong sách trang 76. Ai khuyến cáo các tướng vùng phải giúp đỡ các khuôn hội Phật Giáo, ai giúp đỡ tiền bạc sửa chữa Từ Đàm, ai đã ngăn chặn việc hạ cờ Phật giáo sau khi người dân Huế đã lỡ treo rồi mới có lệnh nhắc nhở từ Saigon? Vâng, ai?
Trân Kim Tuyến (1925—1995), Cambridge, UK, 2 tháng trước khi qua đời
Nguồn: Vĩnh Phúc

Tôi phải nói rằng, Ngô Đình Cẩn nhạy bén chính trị, dù ít học đã làm chính trị theo bản năng. Chưa chắc gì ông đã thích Phật giáo, nhưng đã biết cách thức hành xử thế nào đối với cái nôi Phật giáo miền Trung mà Thiên chúa giáo chỉ vỏn vẹn có 4%.

Vậy mà con người ấy theo tôi đã bị đời khinh rẻ, bị oán hận, bị gán ghép nhiều thứ, bị chính những người mà mình hết lòng giúp đỡ hận oán nhất.

Tôi thì không. Khẳng định là không, vì hiểu một con người không hẳn là dễ.

Lịch sử còn đó để thấy điều tôi nói cần được suy nghĩ lại. Có thể chính ông cũng không đồng ý, bởi vì ông chỉ chú ý nhiều đến ông Diệm, ông Nhu, nhất là ông Tuyến.

Cười.

Dám ông cũng bất công lắm.

Nay thì phải nói một điều. Cuốn sách của ông viết, tất cả giá trị nó nằm trong tinh thần muốn tôn trọng sự thật. Thấy trắng nói trắng, thấy đen nói đen. Đọc là thấy. Nhiều lần trong lúc nói chuyện, ông cũng nhấn mạnh tới điều này và chỉ điều này thôi. Như trong lời mở đầu, ông tặng vợ con và không quên tặng những người yêu sự thật.

Hy vọng là tôi có trong số những người ấy.

Cùng cười.

Nay cuộc đàm đạo giữa tôi và ông có thể hướng vào nhân vật chính của cuốn sách: Con người ông Diệm với tất cả cái xấu, cái tốt, cái bất cập, cái sai trái khuyết điểm, cái bị vu oan, cái bị người đời oán ghét, nguyền rủa.
Theo ông, ông nghĩ gì về ông Diệm?


VP: Trước hết, mình không phải là người ở cạnh ông Diệm để có thể đưa ra những nhận xét trực tiếp về ông ấy. Nhưng qua những người đã từng sát cánh với ông Diệm thì phải nhìn nhận như sau:

Ông Diệm là một người đạo đức, sống như một nhà tu hành, không có tham vọng vật chất và thật sự có lòng yêu nước, thương dân. Ông tự tin vào lương tâm trong sáng của mình nên muốn bắt mọi người phải nghe theo. Cứ như Lê Châu Lộc, tùy viên của ông Diệm kể lại thì hằng ngày, ông xem lễ vào sáng sớm. Nếu không có lễ thì cầu nguyện. Ông quỳ gối giang hai tay ra, cầu nguyện. Sau đó, tắm rửa, thay đồ, rồi làm việc.

NVL: Thế thì đi tu cho rồi

VP: Xưa nay người ta chỉ làm được một việc nếu muốn giỏi. Không thể vừa đi tu vừa làm chính trị. Được việc này thì hỏng việc kia. Làm chính trị, mà đạo đức như nhà tu, không biết lừa lọc tráo trở thủ đoạn nên mới bị phản và mất mạng. Nhưng cũng phải nói anh em ông Diệm có óc "tỵ quyền", nghĩa là bảo vệ quyền thế của mình.

Những Bùi Văn Thinh, Lê Quang Luật, Trần Văn Tuyên, Trần Văn Lý… đều không được dùng chỉ vì tỏ ra nổi quá. Năm 1996, ông Như Phong kể lại với tôi rằng, ông Lê Quang Luật đã đưa ra nhận xét:
"anh em nhà ấy họ chỉ nghĩ tới họ trước." Rồi nặng tình họ hàng quá. Thấy anh em làm bậy mà không dám ngăn cản vì quá nể nang. Ví dụ để cho ông Cẩn, bà Nhu lộng hành. Để ông Thục tổ chức lễ Ngân khánh linh đình, với ông Chủ tịch Quốc hội Trương Vĩnh Lễ làm chủ tịch ban tổ chức…

Riêng về buổi lễ tổ chức mừng Ngân khánh Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, tôi xin nói rõ thêm.

Có một chi tiết về ông Ngô Đình Nhu, xin nói ra đây. Thứ nhất, tôi được nghe kể lại từ một người bạn dạy đại học Huế cho biết rằng, theo cha Luận kể lại, khi được biết có việc tổ chức lễ ngân khánh ông Ngô Đình Thục. Ông Nhu rất khó chịu và không dám nói thẳng ra, ông bèn kêu Linh Mục Cao Văn Luận, viện trưởng viện đại học Huế vào Sàigòn gấp. LM Luận vội vào và không biết có chuyện gì. Ông Nhu cho cha Luận hay nhờ cha Luận, nói với Đức cha hủy bỏ việc tổ chức lễ ngân khánh, hoặc làm một cách khiêm tốn, nho nhỏ thôi. Dĩ nhiên chẳng ai nghe và bọn bầy tôi đã tổ chức rềnh rang buổi lễ ấy đến chướng mắt mọi người. Những kẻ nịnh thần chính là những kẻ giết chết gia đình họ Ngô. Ông Nhu là người chống giáo trị — anti–clérical — theo nghĩa đạo ra đạo, đời ra đời tách biệt nhau. Nhưng mình ông làm được gì?

NVL: Theo tôi thì chế độ Ngô Đình Diệm bị rất nhiều người thù hận. Sau cái chết của họ và cho đến bây giờ, qua sách vở, qua những hồi ký, qua những tiếp xúc với giới Phật tử. Xin lỗi ông nhé — hình như sự oán hận đó vẫn còn. Theo ông, điều gì đã làm cho người ta oán hận đến như thế và về phần những người như ông Diệm, ông đối xử ra sao với Phật giáo? Có chính sách tiêu diệt người Phật giáo hay không? Có những sách vở tài liệu đưa ra con số 300 ngàn người bị tù đầy hoặc bị ám hại?

VP: Người nào đưa ra con số 300 ngàn người thì cứ đưa ra bằng cớ, nhưng người ở đâu mà lắm thế? Người nào còn nghi ngờ, xin làm ơn cho biết có bao nhiêu, mấy trăm, mấy ngàn? Có những trường hợp cấp dưới nó làm mà ông Tổng Thống, ông Nhu có thể không biết, xin cũng cứ nêu ra, cụ thể là những nhân vật đối lập như ông A hay ông B, v.v…

Riêng tôi, với tư cách người cầm bút, tôn trọng sự thật, tôi biết có những người chủ tâm ám sát ông Diệm như cụ Hà Thúc Ký, phi công Phạm Phú Quốc và tên Cộng Sản Hà Minh Trí. Vậy mà họ được đối xử đàng hoàng. Ngay ở các nước dân chủ Tây Phương, tội ám sát người sẽ bị xử ra sao? Nhất là ám sát một Tổng thống?

Hà Minh Trí ám sát hụt ông Diệm ở Ban Mê Thuột, chỉ bị tù, sau 1975 được thả. Một mật vụ thời ấy cho tôi biết họ đề nghị đẩy tên Hà Minh Trí từ trên lầu xuống cho chết, rồi bảo là là tai nạn. Ông Nhu không cho, bảo cứ giam lại.

Cụ Hà Thúc Ký, nay ở bang Maryland. Chính tôi đã phỏng vấn cụ và cụ cười kể rằng:
"Hồi xưa tôi định ám sát ông Diệm. Nhà tôi ở đường Công Lý, gần trường Quốc Anh, tôi chủ tâm đào một đường hầm ra đến đường Công Lý, cách khoảng 50 thước và chôn 20 kg chất nổ rồi chờ xe ông Diệm đi qua, sẽ giật mìn để ám sát ông Diệm".
Tôi hỏi rằng khi cụ bị bắt họ đối xử ra sao. Cụ trả lời:

Lạ nhất là không bao giờ họ đánh đập.Tôi lúc nào cũng nghĩ rằng hễ bị ông Diệm bắt là bị giết liền chứ không thể sống được, vì tôi làm cho ổng mệt lắm.

Còn ông Phạm Phú Quốc thì theo lời tôi phỏng vấn ông Lê Châu Lộc, ông cho biết như sau. Một đêm Tổng Thống Diệm gọi Lê Châu Lộc hỏi:.
-"Anh có nghe cái đó không?" (Nghe Quốc bị tra tấn dã man không).
– Dạ không
– Thấy báo cáo vậy. Xuống thăm nó nghe. Coi có vậy không, về cho tôi biết.

Lê Châu Lộc đi gặp Phạm Phú Quốc theo lệnh Tổng Thống:
– Tổng thống sai tôi tới, hỏi xem anh có bị hành hạ không .
– Không có.
– Anh dơ tay tôi coi, anh có bị rút móng tay không?
– Không, nhưng tôi có viết một lá thư, nhờ anh đem về được không?
– Tôi không có nhiệm vụ đó. Anh để mấy người điều tra họ lo chuyện đó.

Cũng theo Lê Châu Lộc, chính ông Võ Văn Hải là người đưa ông Nguyễn Chánh Thi ra máy bay để trốn sang Nam vang. Nếu không có lệnh của ông Diệm, liệu ông Hải có dám làm chuyện này không?

NVL: Nhưng còn những trường hợp các ông Tạ Chí Diệp, Nguyễn Bảo Toàn, Hồ Hán Sơn, Vũ Tam Anh thì sao? Họ bị giết, bị thủ tiêu ?

VP: Phải nhìn nhận, đây là vết đen của chế độ Ngô Đình Diệm. Ông Hà Thúc Ký kể rằng đảng viên Đại Việt bị tra tấn hay bị thủ tiêu. Nhưng cần lưu ý là những vụ này đều xảy ra vào cuối triều Ngô Đình Diệm, năm 1963, lúc mà ông Tuyến đã bị cho ra rìa và do đó đám mật vụ công an lộng hành dưới quyền Đại tá Nguyễn Văn Y, Tổng giám đốc Cảnh sát Công an, và Nguyễn Văn Hay, Dương Văn Hiếu làm phó tổng giám đốc. Theo ông Cao Xuân Vỹ , ông có hỏi Đại tá Nguyễn Văn Hay khi ông này vào trình hồ sơ cho ông Diệm. Ông Diệm phê:
"Thanh toán cho xong."
Tụi bộ hạ là Khưu Văn Hai và đàn em hiểu thanh toán là đem giết". Thế là Nguyễn Bảo Toàn và Tạ Chí Diệp bị giết oan. Còn Hồ Hán Sơn thì Trần Kim Tuyến cho là các phe của Cao Đài diệt nhau. Ông Cao Xuân Vỹ cũng có lần hỏi thẳng ông Ngô Đình Nhu về vụ Tạ Chí Diệp, ông Nhu bảo Accident.

NVL: Xin ngắt lời ông một chút. Tôi nhận thấy chế độ hành chánh thời ông Diệm quá tập trung về dinh Độc Lập. Chẳng hạn một chuyện treo cờ Phật giáo cũng phải trình TT, đáng lẽ tỉnh trưởng phải lo chuyện này. Nhất nhất chuyện gì từ tướng vùng đến các bộ trưởng đều đợi lệnh TT. Ông Nhu trở thành thứ Thủ tướng bất đắc dĩ.

VP: Nhận xét của ông, nhiều người cũng nghĩ như thế.

NVL: Lại còn những tiếng đồn về lãnh chúa miền Trung với những vụ thủ tiêu người nữa.

VP: Cái này tôi chỉ có thể viết lại theo lời cụ Võ Như Nguyện thôi. Theo cụ Nguyện, ông Cẩn là người có máu tham lam, tham nhỏ thì rồi đến lúc tham lớn. Chẳng hạn như việc mua lại khách sạn Morin? Mua bằng gì? Khách sạn này do ông Nguyễn Văn Yến làm chủ. Ông bị bắt giam đến nỗi chết trong tù. Phần tôi – Vĩnh Phúc – vẫn còn thắc mắc là có phải ông Yến chết là do mật vụ ông Cẩn đánh cho chết không? Rồi đến nhà thầu khoán Phương cũng bị chết. Tiền đâu mà ông Cẩn mua khách sạn Thuận Hóa? Chủ Hotel Embassy trong Sài Gòn để tên Lê Văn Hiệp. Cái Hotel Maxim ở Paris cũng để tên Lê Văn Hiệp nhưng thực sự là của ông. Còn đất đai ngoài miền Trung thì để tên Lê Trọng Quát.

(Còn tiếp)
Copyright © 2006–2007 DCVOnline
(1) Dưới thời Bộ trưởng thông tin Trần Chánh Thành, ông đã phát động sự hình thành Phong trào Cách Mạng Quốc Gia, đồng thời cho phổ biến bài hát trên trong các rạp ciné. Thoạt tiên là bài Quốc ca, tiếp đến là bài suy tôn Ngô tổng thống. Năm 1975, ông Thành tự tử bằng cách uống thuốc độc chết tại nhà.
Trích Lâm Lễ Trinh, 9 năm bên cạnh TT Ngô Đình Diệm.

Nguyễn Ngọc Bích và Trần Đại Việt, tác giả bài "Suy tôn Ngô Tổng Thống"
Nguồn: vi.wikipedia.org
(2) Tác giả bài Suy tôn Ngô tổng thống là nhà văn Thanh Nam (Trần Đại Việt, 1931-1985) và nhạc sĩ Ngọc Bích (Nguyễn Ngọc Bích, 1924-2001). Khi Ngô Đình Diệm đòi phế truất Bảo Đại, cũng như đa số những thanh niên có cảm tình với Ngô Đình Diệm, Ngoc Bích soạn bài Vè Bảo Đại. Sau khi Ngô Định Diệm thành công làm tổng thống, Ngọc Bích cùng nhà văn Thanh Nam, có sửa lại lời bài Vè Bảo Đại và trở thành bài Suy tôn Ngô Tổng Thống. Cũng cần đặt bài hát vào bối cảnh thời đó. Thời cực thịnh của chế độ nên có bài hát đó không cói gì là lạ. Nhưng cứ hát mãi đâm nhàn chán, khôi hài. Nguồn: vi.wikipedia.org

(3) Dư Văn Chất viết cuốn sách "Người chân chính" hay Bản kiến nghị "Bội phản hay chân chính". Trong sách, Chất nói rằng Đoàn công tác đặc biệt miền Trung của ông Cẩn họat động rất hữu hiệu ở miền Trung và cả Sài gòn. Ông Cẩn đã phá tan màng lưới gián điệp của Cộng Sản Hànội. Ở miền Trung, cán bộ nào còn sống sót, phải rút vào rừng, lên núi. Miền Trung, CS bị xóa trắng. Họ rất nể phục ông Cẩn. Bị bắt được đối xử tử tế, không bị giam, được di lại thoải mái, ngay cả đi dạo phố Sài gòn. Bố bảo cũng không dám trốn, sợ bị theo dõi. Nhiều người Hồi chánh. Nhiều cán bộ CS đựợc dùng nếu họ muốn. Họ chỉ có hai con đường: sống hoặc chết. Tiếng cậu Cẩn ác ôn cứ thế đồn ra. Lãnh Chúa miền Trung. Họ xác nhận đã bị ĐCTĐBMT của ông Cẩn mua chuộc. Sau 1963, kẻ nào còn bị giam được thả ra. Họ hoạt động trở lại. Thả hổ về rừng. Sau này Lê Đức Thọ xếp họ vào loại có vấn đề, nghi ngờ họ đã đầu hàng VNCH, không dùng. Đám này sinh bất mãn, viết kiến nghị gửi bộ chính trị.

20-01-2007
======================================================================== 



----- Forwarded Message -----
From: DN <dalatnguyen@yahoo.com>
To: DD-Apchienluoc <apchienluoc@googlegroups.com>
Cc: DD-CVA59 <cva59@yahoogroups.com>; DD-K16VB <k16vbqgvn@yahoogroups.com>; DD-Huyet-Hoa <HUYETHOA@yahoogroups.com>; DD-CVA-xagan <cvaxagan@yahoogroups.com>; DD-PhoNang <PhoNang@yahoogroups.com>; DD-ThaoLuan9 <thaoluan9@yahoogroups.com>; DD-VBOR <csvsqtvbqgvn-oregon@yahoogroups.com>; DD-DHVanKhoa <DaiHocVanKhoaSG@yahoogroups.com>; DD-DanTocViet <DANTOCVIET@yahoogroups.com>; DD-NuocViet <Nuoc_VIET@yahoogroups.com>; DD-TNLT_Group <tu-nhan-luong-tam@googlegroups.com>; DD-ChinhNghiaViet <ChinhNghiaViet@yahoogroups.com>
Sent: Wednesday, October 26, 2011 2:39 PM
Subject: [HUYET-HOA] Doc ho-so cu: Nhan ky-niem Huy-nhat 48 TT ND-Diem (2)

FYI
Để Kính Tường

__,_._,___


No comments:

Post a Comment