Tuesday, October 25, 2011

25/10 Ba chủ thể chính phải được bảo vệ mới bảo đảm tính toàn diện và khả thi của luật

15:31 | 25/10/2011
Sáng nay, 25.10, QH thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tố cáo. Để luật có tính khả thi, thực sự đi vào cuộc sống và trở thành một trong những công cụ hữu hiệu để mọi người, cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền tố cáo không chỉ đơn thuần là chọn, tách các nội dung liên quan đến tố cáo trong Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành để biên tập thành Luật Tố cáo như dự thảo luật hiện nay mà phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để xây dựng một dự án luật bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện và phù hợp với điều kiện phát triển KT - XH của đất nước...
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): Quy định về bảo vệ người tố cáo vẫn thiên về hình thức
Về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo ở Điều 9, Điều 10 và Điều 11. Ở đây có một cơ chế là cơ chế bảo vệ bí mật thông tin đối với người tố cáo. Trong thực tế rất nhiều người muốn được giữ bí mật về thông tin khi thực hiện việc tố cáo, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp công khai tố cáo, thậm chí sẵn sàng lộ diện để thực hiện việc tố cáo đó. Vấn đề đặt ra ở đây là trong những trường hợp không muốn giữ bí mật thông tin thì có nên đặt vấn đề về việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo hay không? Theo tôi được biết, dự thảo luật trước đây cũng được soạn thảo theo hướng này, nhưng sau khi xin ý kiến của các Đoàn ĐBQH thì dự thảo luật lại được chỉnh lý theo hướng là phải giữ bí mật thông tin của tất cả những trường hợp tố cáo. Tôi đề nghị cân nhắc. Bởi khi công khai danh tính của người tố cáo thì giải quyết sẽ tạo rất nhiều thuận lợi. Đứng ở góc độ người bị tố cáo cũng muốn tự bảo vệ mình để tránh khỏi việc lợi dụng giải quyết tố cáo vi phạm đến quyền và bản thân. Trong thực tế có rất nhiều người khi bị tố cáo cũng nêu rằng phải cho biết tính xác thực cũng như tính hợp pháp của đơn tố cáo. Trong luật không công nhận việc tố cáo nặc danh cho nên người bị tố cáo cũng có quyền yêu cầu cho biết tính xác thực và hợp pháp của đơn tố cáo đó. Tôi nghĩ rằng nên chăng phải tính toán lại về việc ở Điều 10 có nên quy định yêu cầu, quyền đó của người bị tố cáo hay không? Trong điểm này tôi nghĩ nên quy định một cách nhất quán trong Điều 9, 11, 36 là bảo vệ bí mật và chỉ khi có yêu cầu của người tố cáo.
Đối với việc bảo vệ người tố cáo, thực ra đây là một chế định mới trong dự thảo luật, nhưng trong quy định vẫn thiên về hình thức mà không toát lên được cơ chế để bảo vệ một cách hữu hiệu đối với người tố cáo. Nếu đọc các quy định trong dự thảo luật nêu ra thì ý tưởng rất hay nhưng trong thực tế tôi thấy rất khó khả thi. Ví dụ Điều 37 trong việc bảo vệ người tố cáo ở nơi công tác có quy định bảo đảm vị trí công tác cũng như không phân biệt, đối xử ở nơi công tác. Trong trường hợp một lãnh đạo sở bị một nhân viên nào đó trong sở tố cáo lên lãnh đạo tỉnh và trong lúc lãnh đạo tỉnh còn đang xem xét việc giải quyết tố cáo đó của viên chức đó thì công chức đó vẫn đang làm dưới quyền của ông giám đốc sở. Do vậy, cũng có thể có rất nhiều lý do để thực hiện việc điều chuyển công tác hoặc không phân công hay phân công công tác như thế nào đó. Nếu như người ta làm kín kẽ thì tôi nghĩ cũng rất khó để có thể xác định đấy là hành vi trù dập hay có cái gì đó với người tố cáo.
Một điểm nữa ở trong Điều 38 là cơ chế bảo vệ người tố cáo ở nơi cư trú, trong Khoản 4 có nêu: người có thẩm quyền, có trách nhiệm phải bố trí lực lượng, phương tiện công cụ để trực tiếp bảo vệ an toàn, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, tài sản cho người tố cáo ở địa phương. Tôi nghĩ nếu làm được như thế này thì rất tốt, nhưng trong thực tế việc qui định như thế này rất khó khả thi.

ĐBQH Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc): Phạm vi điều chỉnh của luật nên mở rộng hơn
Về phạm vi điều chỉnh của dự án luật, trên thực tế cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo không chỉ vì có hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ mà còn có thể là vi phạm vào các hành vi vi phạm khác như nghĩa vụ cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ở Điều 8; vi phạm về những việc cán bộ, công chức không được làm của Luật Cán bộ, công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng... Tuy nhiên, đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, phạm vi điều chỉnh của dự án luật như ở Điều 1 chỉ quy định về thẩm quyền, về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Như vậy nếu cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo về các hành vi vi phạm pháp luật khác sẽ được xem xét giải quyết theo trình tự, thủ tục nào? Ai là người có thẩm quyền giải quyết? Bên cạnh đó, người bị tố cáo ngoài cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Nhà nước còn có các cá nhân, tổ chức khác. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của dự án luật chưa đề cập đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đối với những trường hợp này. Do vậy, tôi đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật theo hướng quy định rõ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết toàn bộ các tố cáo có liên quan đến mọi hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm tạo cơ sở pháp lý xem xét giải quyết kịp thời, nghiêm minh, khách quan về các hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, tránh việc bao che, đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình tiếp nhận giải quyết. Đồng thời quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết tố cáo đối với cá nhân không phải là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước và đối với các tổ chức khác...
ĐBQH Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước): Xác định rõ quyền và nghĩa vụ của 3 chủ thể chính trong dự án luật
Trong các Điều 9, Điều 10 và Điều 11 đã quy định khá rõ, chi tiết về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo. Dự thảo luật còn dành nguyên một Chương V nói về bảo vệ người tố cáo, đây là điểm mới theo tôi nghĩ sẽ tăng cường được tính khả thi và tính hiệu lực, hiệu quả của luật. Song tôi cũng cho rằng cần phải bổ sung quy định để người giải quyết tố cáo cũng có quyền được bảo vệ như người tố cáo và người được tố cáo. Người giải quyết tố cáo cũng có thể bị đe dọa trả thù do thực thi quyền hạn và trách nhiệm được giao. Điều này rất có thể xảy ra trong thực tế và nhiều khi đây cũng là trở ngại trong quá trình giải quyết tố cáo. Ba chủ thể chính trong luật này đều được bảo vệ thì mới bảo đảm được tính toàn diện và tính khả thi của luật.
Mặt khác, trong những quy định về quyền và nghĩa vụ của ba chủ thể chính trong luật này cũng chưa thực sự đồng bộ. Cụ thể tại Điểm d, Khoản 1 Điều 9 nói về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, "người tố cáo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trù dập, trả thù". Quy định như vậy theo tôi chưa rõ, dễ đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan với nhau. Ở đây nói là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, theo tôi phải ghi thật rõ chỗ này, vì Chương V đã ghi rõ người giải quyết, ghi rõ là "người tố cáo có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo áp dụng các biện pháp bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù, trù dập". Nếu trong luật đã quy định là người ta được bảo vệ danh tính thì đương nhiên người ta chỉ biết người đang giải quyết tố cáo thôi, chứ tìm cơ quan thì rất khó. Bên cạnh đó, để quyền trên được thực thi thì trong Điều 11 cũng cần nói thêm là người giải quyết tố cáo cũng có quyền và nghĩa vụ thực hiện hoặc có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo khi có yêu cầu. Bởi vì nhiều khi trong quá trình giải quyết tố cáo cũng không hẳn có đủ khả năng để tổ chức áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Theo tôi, cần xác định rõ quyền và nghĩa vụ của 3 chủ thể chính này cũng làm tăng tính khả thi cho luật.
ĐBQH Trần Xuân Hùng (Hà Nam): Nên quy định chủ thể của Luật Tố cáo là công dân
Về chủ thể của Luật tố cáo, theo tôi nên quy định chủ thể của Luật Tố cáo là công dân như quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành. Bởi vì tố cáo là hành vi vi phạm pháp luật phát sinh có hậu quả pháp lý gắn với cá nhân, người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi tố cáo của mình, trong trường hợp tố cáo sai sự thật thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, không nên mở rộng chủ thể tố cáo là tổ chức vì không quy trách nhiệm cho tổ chức khi tố cáo sai. Điều này tôi nghĩ cũng hoàn toàn phù hợp với trách nhiệm hình sự trong pháp luật hình sự.
Vấn đề thứ hai, hình thức tố cáo quy định trong Điều 19, trong dự thảo luật cũng có quy định về các hình thức tố cáo như tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo bằng lời qua điện thoại, thư, fax... tuy nhiên cần phải quy định chặt chẽ hơn.
Về tố cáo nặc danh, quan điểm của tôi là dứt khoát không giải quyết vì chúng ta đã có những quy định rất cụ thể, có hẳn một chương quy định về bảo vệ người tố cáo.
Đối với quyền của người tố cáo, tại Điểm c, Khoản 1, Điều 9 có quy định: Được nhận thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thông báo kết quả giải quyết tố cáo khi có yêu cầu. Vấn đề này theo tôi tâm lý của người tố cáo hầu hết đều mong muốn đơn tố cáo của mình được giải quyết như thế nào, hay chuyển đơn thư đến đâu như thế nào. Vì vậy nên quy định trong quá trình tiếp nhận tố cáo cần phải thông báo cho người tố cáo biết kết quả giải quyết, hay việc chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền. Nên quy định cứng mà không cần phải nói vấn đề khi có yêu cầu...

ĐBQH Phạm Văn Hà (Nghệ An): Quyền tố cáo tiếp của công dân cần được tôn trọng và phải được thực hiện theo trình tự pháp luật

Về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ tại Điều 1 của dự thảo luật nêu rõ luật này quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ công vụ... Tuy nhiên, tại Điều 17 dự thảo luật lại quy định: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp, người được giao thực hiện một số nhiệm vụ công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người đó trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ. Quy định như vậy có sự mâu thuẫn về phạm vi điều chỉnh của luật. Đề nghị xem xét lại bởi vì phạm vi điều chỉnh của luật tại Điều 1 chỉ có 3 đối tượng đó là cán bộ, công chức, viên chức, nhưng điều này quy định có một lĩnh vực là không phải cán bộ, công chức, viên chức.
Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 27 quy định trường hợp việc tố cáo tiếp không có căn cứ rõ ràng và việc giải quyết của người đứng đầu cơ quan cấp dưới trực tiếp là đúng pháp luật thì người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp không giải quyết, đồng thời thông báo cho người tố cáo về việc không giải quyết lại và yêu cầu họ chấm dứt việc tố cáo đối với vụ việc đó. Theo tôi, quyền tố cáo tiếp của công dân cần được tôn trọng và phải được thực hiện theo trình tự pháp luật. Trong trường hợp công dân tố cáo tiếp thì dù có căn cứ hay không, người có thẩm quyền cũng không được từ chối giải quyết mà phải thụ lý và tiếp tục xác minh, kết luận nội dung tố cáo theo trình tự thủ tục chung. Trong kết luận giải quyết có thể xác định việc tố cáo tiếp là có căn cứ hay không, việc giải quyết của người đứng đầu cơ quan cấp dưới trực tiếp là đúng hay trái pháp luật, nếu đúng pháp luật thì yêu cầu công dân chấm dứt việc tố cáo đối với vụ việc đó. Vì vậy, đề nghị bỏ Điểm a Khoản 2 Điều 27 của dự thảo luật đồng thời bổ sung thêm một điểm với nội dung nêu trên.
Minh Vân lược ghi

No comments:

Post a Comment