Sunday, October 23, 2011

TRẦN BÌNH TRỌNG. Phần I

BY TRƯƠNG ĐÌNH TOE, ON JUNE 14TH, 2011
Tôi còn mấy đoạn của bài “An Nam ký sự”. Nhưng vì đề tài quan hệ Việt -Trung đương nóng, vậy sẽ gửi sau. Thay vào đó, mời các bạn đọc truyện viết về một anh hùng của nước Nam ta. Truyện không hay lắm, những một lần cũng có thể đọc được. (TĐT)
TRẦN BÌNH TRỌNG
(Phần I)
Trương Đình Toe
Trần Bình Trọng sinh năm kỷ mùi (1259), quê ở xã Bảo Thái, nay thuộc huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam, nguyên là dòng giõi Lê Đại Hành, nhưng vì ông nội có công dưới triều vua Trần Thái Tông, nên được phong quốc tích, mang họ vua. Bình Trọng mặt đẹp như ngọc, mắt sáng như sao, từ nhỏ đã theo võ nghiệp, sức mạnh siêu quần, không ai địch nổi. Năm mười bốn tuổi theo cha đi săn, từng đánh chết hổ ở núi Tản Viên. Ngài lại giỏi cả binh thư, lầu thông kinh sử, ngày sau có cơ trở thành cây cột chống trời. Gia đình mấy đời làm đại tướng. Đến đời Bình Trọng thì nước nhà chẳng may phải đương đầu với giặc Nguyên.
Từ khi đánh được nước Kim ở phía bắc và dứt được nhà Đại Tống ở phía nam Trung Quốc, vua Mông Cổ là Hốt Tất Liệt , cải quốc hiệu là Đại Nguyên, có ý muốn chiếm cả An Nam, nhưng còn chưa quyết. Sứ nhà Nguyên thường đi lại kinh thành Thăng Long hạch sách đủ điều, rất là phiền toái. Đình thần ai cũng tức giận, nhưng biết mình là nước nhỏ, nên đành phải chịu. Nghe tin thượng hoàng Trần Thái Tông mất, Thánh Tông mới nhường ngôi cho con, Nguyên chủ Hốt Tất Liệt sai Lễ bộ thượng thư là Sài Thung sang sứ An Nam. Đến Thăng Long, Thung kiêu ngạo hống hách, cưỡi ngựa đi thẳng vào điện Dương Minh. Vua Nhân Tông sai quan đại thần ra tiếp, Thung không thèm đáp lễ; vua bầy yến tiệc thết đãi cũng không thèm đến. Sau vua lại phải làm yến tiệc ở điện Tập Hiền, mời mãi y mới lại.

Trong lúc uống rượu, Sài Thung nói:
- Sao không xin phép triều đình nhà Nguyên mà dám tự lập? Vậy phải sang chầu “Thiên Triều” Hoàng đế mới xong.
Nhân Tông trả lời:
- Quả nhân xưa nay sinh trưởng ở trong cung, không quen phong thổ, không thể nào đi được.
Sài Thung về nước, Nhân Tông sai người Theo, đưa thư thoái thác Nguyên chủ việc không sang chầu. Năm nhâm ngọ (1282) Nguyên chủ cho sứ sang dụ rằng: „Nếu vua nước Nam không sang chầu được thì phải mang vàng ngọc sang thay, và nộp hiền sĩ, thày bói, thợ khéo mỗi hạng hai người”. Nhân Tông không nộp mà sai chú họ là Trần Di Ái thay mình sang chầu. Nguyên chủ không bằng lòng, liền đặt quan giám trị các châu huyện của An Nam, đưa sang. Quan nhà Nguyên sang đến nơi, Nhân Tông không nhận, đuổi về. Nguyên chủ giận lắm, phong ngay cho Trần Di Ái làm An Nam Quốc Vương và sai Sài Thung dẫn một nghìn quân đưa về nước. Trần Nhân Tông nghe tin, sai quân đón đường đánh. Sài Thung bị tên bắn mù một mắt, chạy về Tầu. Bọn Di Ái bị quan quân bắt cả, phải tội đồ làm lính. Nguyên chủ thấy dùng mưu không khuất phục được vua An Nam, bèn phong cho con là Thoát Hoan làm Trấn Nam vương, sai cùng với các tướng tài từng nổi danh ở đất Tống là A Lý Hải Nha, Lý Hằng, Áo Lỗ Xích, Trình Bằng Phi, Ô mã Nhi, Khoan Triệt…, dẫn quân cả thẩy năm mươi vạn sang xâm lăng, giả tiếng là mượn đường đi đánh Chiêm Thành.
Tại sao lại phải giả tiếng đánh Chiêm Thành? Nguyên hai năm về trước, Hốt Tất Liệt đã sai Toa Đô mang mười vạn quân đi đường biển xuống đánh lấy Chiêm Thành. Ấy cũng là kiểu cách bắn một mũi tên để được hai con chim. Chiếm được Chiêm Thành thì An Nam lọt vào giữa lãnh thổ nhà Nguyên, chẳng cần đánh cũng phải hàng. Nhà Trần biết mưu ấy, mật sai đại tướng mang hai vạn quân xuống giúp Chiêm Thành. Toa Đô đánh mãi cũng không thắng nổi, phải án binh chờ tiếp viện. Về phía An Nam thì danh chính ngôn thuận vẫn thần phục nhà Nguyên, hàng năm triều cống. Vả lại đã có lần (1261) Hốt Tất Liệt từng xuống chiếu cho vua Trần, nói rằng sẽ không cho quân mình xâm phạm bờ cõi An Nam. Vậy tự nhiên lại mang đại quân vào nước người ta, âu không được chính danh. Ngoài ra cũng là để lung lạc một số người An Nam không hiểu hoặc cố ý không hiểu vấn đề – đời nào chẳng có những kẻ hèn nhát hoặc bán nước cầu vinh – nên nhà Nguyên mới nói thác ra việc mượn đường đi đánh Chiêm Thành.
Trần Nhân Tông hỏi các quan. Người bảo để cho quân Nguyên đi qua, kẻ bảo mang lễ vật cống để xin hoãn binh. Chỉ có Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và Trần Khánh Dư là kiên quyết chủ chiến.
Quốc Tuấn nói:
- Đấy chẳng qua chỉ là kế mượn đường diệt Quắc. Ngày xưa thời Xuân Thu bên Tầu, nước Tấn muốn mượn đường nước Ngu, đánh nước Quắc. Vua nước Ngu tham ngựa quý và ngọc bích của nước Tấn, không nghe lời can phải, cho mượn đường. Diệt xong nước Quắc rồi, Tấn diệt luôn cả nước Ngu. Xin bệ hạ lấy đó làm gương, đừng mắc mưu giặc.
Nhân Tông nghe theo, phong cho Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh toàn bộ binh mã chống nhau với quân Nguyên. Mùa thu tháng tám năm giáp thân (1284), Quốc Tuấn truyền hịch cho các vương hầu hội hết quân sĩ ở bến Đông Bộ Đầu để kiểm duyệt. Thuỷ bộ cả thẩy được hai mươi vạn. Rồi sai Trần Bình Trọng đóng quân ở Bình Than, Trần Khánh Dư mang thuỷ quân án ngữ cửa biển Vân Đồn, các tướng chia nhau giữ những nơi hiểm yếu, còn mình tự thống lĩnh đại quân đóng ở Vạn Kiếp để tiếp ứng các nơi.
Khi quân Nguyên đã hội tại Hồ Quảng, chuẩn bị tiến sang Lạng Sơn, Nhân Tông có ý lo quân mình không địch nổi, sai đem lễ vật sang Tầu xin Nguyên chủ hoãn binh để thương lượng lại. Nguyên chủ không nghe, lệnh cho Thoát Hoan cứ việc tiến. Mùa đông tháng 12 năm năm ấy (1284), Thoát Hoan xâm phạm biên ải An Nam, lại lần nữa sai người đưa thư sang nói cho mượn đường đi đánh Chiêm Thành. Nhân Tông tiếp được thư, trả lời rằng: “Từ bản quốc sang Chiêm Thành, thuỷ lục không có đường nào tiện”. Thoát Hoan liền thúc quân ùa sang mạn Lạng Sơn. Rồi sai quan Bả tổng tên là A Lý đến dụ rằng: “Bản suý chỉ nhờ đường Nam quốc sang đánh Chiêm Thành. Nếu mở cửa ải cho quân bản suý đi qua và giúp cho ít nhiều lương thực, phá xong nước Chiêm sẽ có hậu tạ. Nhược bằng không thì bản suý sẽ phá tan bờ cõi”. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn quát mắng, đuổi A Lý về, rồi phân binh giữ các ải Khả Li và Lộc Châu, còn mình tiến quân lên giữ núi Kì Cấp ở Lạng Sơn. Những chiến thuyền thì đóng ở Bái Tân giữ gìn mặt thuỷ.
Thoát Hoan tự mình tiến đánh núi Kỳ Cấp. Quân Nguyên tuy đông và mạnh, quân An Nam thì mấy chục năm hoà bình không quen chinh chiến. Nhưng Hưng Đạo vương khéo dùng binh, lại được các tướng giỏi như Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái… vào sing ra tử, xông pha tên đạn, nên hai bên đánh nhau mấy trận không phân thắng bại. Đến khi nghe tin hai ải Khả Li và Lộc Châu đều vỡ cả, Hưng Đạo vương lo quân mình bị vây, lui về cản giặc ở ải Chi Lăng. Thoát Hoan dẫn đại binh đến đánh Chi Lăng. Quân Nguyên ở Khả Li và Cự Lộc cũng kéo đến hội với Thoát Hoan. Hưng Đại vương lại càng yếu thế, định lui quân tiếp, sai Trần Bình Trọng đi đoạn hậu.
Tối đến Hưng Đạo vương sai các trại cắt người đốt đuốc, đánh trống canh như thường. Nửa đêm đại quân người ngậm tăm, ngựa khoá miệng, từ từ rút lui. Trần Bình Trọng thì kéo quân bản bộ đến trước mấy trại tiền tiêu của giặc, đánh trống, hò reo inh ỏi cho át tiếng quân hành. Quân Nguyên không ngủ được, tưởng quân An Nam đến cướp trại, nhưng vì trời tối, chẳng rõ địch nhiều hay ít, thực giả thế nào, nên chỉ giữ vững, không dám ra. Trần Bình Trọng chờ cho đại quân đi hết, cũng lục tục rút theo. Rạng ngày quân Nguyên mới kéo đến đánh đánh các trại An Nam thì thấy vắng tanh, chẳng có một người nào. Bọn lính đánh trống canh cũng kịp trèo qua núi mà tẩu tán cả rồi. Biết quân An Nam đã rút, Thoát Hoan liền tức khắc sai A Lý Hải Nha dẫn hai vạn quân đuổi theo. Hải Nha lại gọi viên phó tướng của mình là Nghê Nhuận đến dặn rằng:
- Quốc Tuấn lui binh thể nào cũng để lại hậu quân. Ngươi mang năm nghìn lính kỵ
đi trước. Gặp địch thì giao chiến. Nếu yếu thế thì chạy, nhử cho chúng đuối, nhược bằng thắng thì chỉ cần đánh cầm chừng kìm chân chúng lại. Ta sẽ dẫn đại quân đến tiêu diệt, không để một tên nào chạy thoát. Phải đánh cho vua tôi An Nam khiếp đảm, biết thế nào là oai danh của kỵ binh Thiên Triều.
Nghê Nhuận vâng lệnh đi ngay. Đi được khoảng hơn chục dặm đường thì vào một dẫy núi rất hiểm trở, cây cối rậm rạp hoang dã, đường lối chật hẹp khó đi, hai bên vách đá chênh vênh. Nhuận có ý lo ngại, liền hỏi quan hướng đạo người Tầu:
- Đây là nơi nào?
Viên quan giở bản địa đồ ra xem đi xem lại rồi nói:
- Chỗ này có thể là Quỷ Môn Quan.
- Sao lại gọi là Quỷ Môn Quan?
- Ngày xưa quân nhà Tấn sang Giao Chỉ chinh phạt, chết hại ở đấy rất nhiều, nên
mới đặt tên như vậy.
Nghê Nhuận cả kinh, nói:
- Đây đúng là Quỷ Môn Quan thật rồi!
Liền quát tháo thúc quân đi mau mau ra khỏi chốn này. Quân lính không hiểu gì cả,
đương nhốn nháo thì bất thình lình một hồi trống nổi lên. Quân An Nam hò reo ầm ỹ. Từ trên núi gỗ đá lăn xuống ầm ầm. Nhê Nhuận giật bắn mình vội vàng ra lệnh rút lui, nhưng lệnh chưa truyền khắp, lối về đã bị lấp mất rồi. Trên núi tên nỏ bắn xuống như mưa. Quân Nguyên không có lối thoát giày xéo cả lên nhau. Nghê Nhuận cũng bị một mũi tên cắm vào bả vai. Không quay về được, y đành dẫn quân chạy bừa xuống phía nam. Vừa ra khỏi đường hẻm thì gặp ngay Trần Bình Trọng cưỡi ngựa, cầm ngang đao, đứng chắn đường. Nhuận rụng rời hết cả chân tay, bị Bình Trọng cho một nhát, lăn quay xuống ngựa. Năm nghìn quân Nguyên bị giết sạch, không thoát một mống nào.
Diệt xong đám giặc rồi, Bình Trọng thu quân, cứ thong thả theo đường lớn mà đi.
Viên phó tướng là Lê Hâm lo ngại nói:
- Quân ta ít, đi bộ dềnh dàng thế này, nếu kỵ binh của giặc đuổi kịp, chẳng nguy
hiểm lắm ru? Sao tướng quân không cho đi đường tắt?
Bình Trọng nói:
- Tôi với ông cùng làm tướng của triều đình, ăn lộc nước mang ơn vua, lúc thái
bình thì mặc áo gấm, đến khi xã tắc lâm nguy, được Quốc công Tiết chế uỷ thác cho đi chặn hậu. Thế mà lại tránh giặc thì thử hỏi cánh ta còn dùng vào được việc gì? Nhưng ông đừng lo. Tiền quân của giặc bị giết sạch, tôi nghĩ nếu chúng là người thì cũng phải khiếp sợ, chưa chắc đã dám đuổi theo.
Lê Hâm chịu là phải. Mãi đến khi gặp thám mã báo là Hưng Đạo vương về đến Bái Tân đã có chiến thuyền của Yết Kiêu đón đi Vạn Kiếp rồi, Bình Trọng mới cho quân trèo qua núi đi đường tắt, cũng kéo về Vạn Kiếp.
Tướng Nguyên là A Lý Hải Nha dẫn quân đuổi đến Quỷ Môn Quan, thấy tiền quân của mình bị giết cả, thây xác nằm ngổn ngang, có chỗ chất thành đống, quả nhiên không dám khinh thường. Đường lối lại không thạo, nên Hải Nha không đuổi tiếp nữa. Trần Bình Trọng về đến Vạn Kiếp, điểm duyệt quân sĩ, thấy không thiếu một người nào. Hưng Đạo vương cho gọi đến hỏi han đầu đuôi, rồi khen ngợi hết lời:
- Tướng quân thật là thần dũng.
Đây lại kể đến vua Nhân Tông ở kinh thành nghe tin quân mình thua to, Hưng Đạo vương về Vạn kiếp, thì không kịp ăn sáng, ngự một chiếc thuyền nhỏ xuống Hải Đông, vời Hưng Đạo vương đến bàn việc.
Vua lo lắng bảo rằng:
- Thế giặc to như vậy mà chống với nó thì dân sự tàn tạ. Hay trẫm chịu hàng đi để
cứu muôn dân?
Vương trả lời:
- Bệ hạ nói câu ấy thì thật là lời nhân đức. Nhưng mà tôn miếu xã tắc thì sao? Bệ
hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã!
Vua Nghe lời trung liệt như vậy, trong bụng mới yên. Hưng Đạo vương lại tâu rằng, mấy trận vừa rồi các tướng đều thua cả, duy chỉ có Trần Bình Trọng là thắng giặc mà quân sĩ không tổn hại. Xem ra thì thấy giặc Nguyên tuy thiện chiến hùng mạnh, nhưng không phải là không đánh được. Nhân Tông mừng lắm, cho gọi Trần Bình Trọng đến, thưởng rất hậu, phong cho làm Kiến Đức hầu. Quân sĩ của Bình Trọng thì mỗi người được vua ban cho một tấm lụa và năm quan tiền. Các tướng khác cũng thu nhặt tàn quân dần dần kéo về Vạn Kiếp. Binh thế An Nam lại to.
Thoát Hoan lấy xong các ải ở Lạng Sơn, thừa thắng kéo xuống đánh Vạn Kiếp. Quân An Nam vẫn không địch nổi, bao nhiêu thuyền bè mất hết. Quốc Tuấn đành lui về bến Đông Bộ Đầu, lập trại ở bờ nam canh giữ. Vua tự mình mang chiến thuyền tiếp ứng, thấy quân Nguyên đến thì bắn pháo thách đánh. Thoát Hoan liền sai lấy súng đại bác bắn sang sông, phá tan cả các trại An Nam. Lại có thuỷ quân của Ô Mã Nhi kéo đến. Quân sĩ An Nam khiếp đảm bỏ chạy sạch cả. Quân Nguyên bắc cầu phao sang sông, kéo vào đến tận chân thành Thăng Long hạ trại. Hưng Đạo vương liệu cũng không thể giữ nổi kinh thành, liền để một số tướng ở lại, còn mình thì rước thái thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông cùng gia quyến lánh xuống phía nam. Trong số các võ quan đi theo hộ giá có Kiến Đức hầu Trần Bình Trọng.
Thoát Hoan vây hãm Thăng Long, biết thế quân mình áp đảo, chắc chắn thể nào cũng phá được thì rất là hả hê, sai Ô Mã Nhi dẫn thuỷ quân đi đường biển vào Chiêm Thành tiếp ứng cho Toa Đô, còn mình đích thân đôn đốc đánh thành. Đến khi hạ được Thăng Long, vào thành thấy cung thất trống không, chỉ tìm được trong tráp ít thư tín trao đổi với nhà Nguyên, bèn gọi bọn tả thừa Lý Hằng và hữu thừa Khoan Triệt đến bảo rằng:
- Quân ta thế mạnh đánh đâu thắng đấy. Cuộc bình Nam mười phần kể đã được tám chín. Nhưng hai vua Trần thì trốn mất. Ta nghe nói gần sông Thiên Mạc có phủ Thiên Trường, ngày xưa Thái Tông sai dựng để lúc về già ở. Hai vua Trần chắc cũng chỉ chạy về đấy mà thôi. Các ngươi điểm ngay hai vạn tinh binh đuổi theo mà bắt lấy. Ta sẽ đem đại quân đi sau tiếp ứng cho. Bắt được vua An Nam, công các ngươi không phải là nhỏ.
Hai tướng vâng lệnh dẫn thuyền chiến nhẹ và kỵ binh, thuỷ bộ hai đường cùng đuổi. Quân Nguyên bắt được lính An Nam, thấy ai cũng thích trên cánh tay hai chữ „sát Thát”, nghĩa là giết giặc Nguyên, thì tức dận đều đem giết cả, chỉ để lại mấy người, bắt dẫn đường xuống Thiên Trường. Thoát Hoan thống lĩnh đại quân lục tục kéo theo hai tướng .
Đây lại kể đến xa giá của hai vua Trần, quả nhiên đi về Thiên Trường. Đến nơi, nghe tin Toa Đô từ Chiêm thành đánh ra Nghệ An, thế mạnh lắm. Hai cánh quân của Trần Nhật Duật và Trần Kiện không đương nổi. Nhân Tông lo lắng hỏi Hưng Đạo vương phải làm thế nào? Vương tâu: thượng tướng Trần Quang Khải đóng quân Khoái Lộ gần đây, nên sai ngay vào Nghệ An chặn giặc. Vua nghe Theo. Quang Khải vừa đi, lại có thêm tin Thăng Long thất thủ. Quân Nguyên đông như kiến đương đánh tràn xuống phía nam, đi đến đâu đót phá, sát hại dân lành đến đấy, không ai ngăn được. Tình hình nguy ngập khó lòng cứu vãn. Quân giặc ngày một ngày hai thể nào cũng tiến đến Thiên Trường. Vua liền họp triều thần lại, bảo rằng:
- Hai mươi vạn hùng binh giờ đã tan nát cả. Ngoài này kinh đô thất thủ, trong kia
thì Nghệ An vỡ. Nghĩ đến cảnh nhân dân bị tàn sát, tông miếu xã tắc bị phá huỷ, mồ mả tổ tiên bị đào bới, xương cốt rơi vãi cả ngoài đồng, mà lòng trẫm đau như cắt. Trẫm từng nghe, làm một ông vua mà không giữ được nước thì cũng không nên để cho người ta bắt. Trẫm chẳng muốn hổ thẹn với tổ tông, định quyết một trận tử chiến với giặc. Các khanh nghĩ sao?
Các quan nghe vậy, nhiều người khiếp đảm. Riêng Hưng Đạo vương tâu:
- Mong bệ hạ chớ nản lòng. Quân ta dẫu thua, nhưng chưa đến nỗi bị diệt, chỉ tản
mát mỗi nơi một ít mà thôi. Trong nước nhân dân một lòng, triều đình vua tôi hoà hợp, bệ hạ còn thì xã tắc còn, nếu bệ hạ chẳng may có mệnh hệ nào, xã tắc tông miếu tất nhiên cũng sẽ mất. Xin bệ hạ suy xét lại.
Nhân Tông hỏi:
- Vậy bây giờ phải làm thế nào?
Vương nói:
- Tôi cũng đã tính cả rồi. Nếu Thăng Long thất thủ, phải sai một tướng ở lại giữ
Thiên Trường cản giặc, còn xa giá thì hãy lánh tạm về Hải Đông. Quân Nguyên sang ta đường xa dặm thẳng, núi sông cách trở, lương thảo vận tải khó khăn, mùa hè đến khí hậu sẽ lam chướng, không thể mạnh mãi được. Bấy giờ ta sẽ liệu.
Nhân Tông nghe ra, hỏi các tướng:
- Có ai dám vì trẫm mà ở lại giữ Thiên Trường được không?
Trần Bình Trọng xin ở lại. Nhưng vì Bình Trọng là chồng của công chúa Thuỵ Bảo,
nên vua có vẻ ngần ngại. Nguyên Thuỵ Bảo công chúa là con vua Trần Thái Tông, em Thánh Tông, tức cô ruột của Nhân Tông, trước đã goá một đời chồng là Uy Văn vương Toại rồi, vì thế Nhân Tông cảm thấy xót xa.
Bình Trọng biết ý, nói:
- Nhà tôi mấy đời chịu ơn nước, chưa làm được gì nên công trạng. Tôi quyết
mang sức khuyển mã báo đền, dẫu chết cũng không có gì là ân hận. Xin bệ hạ đừng ngại.
Vua vẫn chưa quyết, hỏi các tướng:
- Ngoài Kiến Đức hầu ra, không còn ai ở lại được nữa hay sao?
Bọn gia tướng của Hưng Đạo vương là Phạm Ngũ Lão, Yết kiêu, Giã Tượng, Nguyễn
Địa Lô đều xin ở lại. Trong số họ có Phạm Ngũ Lão là người cực khoẻ, nhưng vì mới quy phục, Hưng Đạo vương sợ có điều gì sơ suất, không muốn để lại, nên bảo rằng:
- Bình Trọng dũng mãnh lại nhiều mưu trí, các ngươi không bằng được.
Rồi xin vua chuẩn y. Nhân Tông không biết làm thế nào, đành phải nghe theo. Vua
lại thấy Bình Trọng cưỡi con ngựa hơi gầy thì bảo:
- Người võ tướng dẫu hùng mạnh đến đâu cũng phải nhờ sức ngựa.
Liền sai người dắt một con ngựa trắng cực đẹp ra ban cho. Con ngựa bụng thon,
chân cao hơn hẳn ngựa thường, đuôi dựng lên như bông lau, bờm tung bay trước gió, dáng có vẻ băng sông vượt núi. Thật là thiên lý mã, trong nước có một không hai. Bình Trọng biết đấy là con ngựa của Nhân Tông do vua nước Chiêm Thành cống mấy năm về trước nhân dịp lên ngôi, nên không dám nhận.
Nhân Tông nói:
- Tướng quân xung trận mới cần ngựa khoẻ, chứ trẫm đây thì ngựa nào mà chẳng
được. Không phải câu lệ đến thế.
Hưng Đạo vương cũng nói:
- Bệ hạ đã ban cho, Kiến Đức hầu không nên từ chối.
Khi ấy Bình Trọng mới nhận. Theo hộ tống vua có một vạn quân thánh dực tinh nhuệ.
Vua truyền chia cho Bình Trọng một nửa. Bình Trọng điểm duyệt binh sĩ, ai không tình nguyện ở lại, những người ốm yếu hoặc nhà con một đều cho đi hộ tống vua cả. Quân số để lại chỉ còn khoảng gần ba nghìn bộ binh và mấy trăm khinh kỵ. Dời phủ Thiên Trường, vua nhìn Bình Trọng ngậm ngùi, không sao cầm được nước mắt.
Nguyên phủ Thiên Trường chỉ là nơi cho các thái thượng hoàng về già ở, thành quách thấp bé, hào nông toèn toẹt, bốn bề trống trải, không phải là chỗ có thể cố thủ được. Tiễn xa giá đi rồi, Bình Trọng dẫn mấy tên lính kỵ đi quan sát địa hình trong vùng. Đà Mạc ở phía bắc phủ là một vùng đầm lầy hoang dã, cây cối um tùm, trên trời chim chóc từng đàn bay mỏi cánh, dưới nước cá và các loài thuỷ tộc cực nhiều, kênh lạch lại chằng chịt rất khó đi lại. Quân ít thì tốt nhất là tìm chỗ hiểm yếu ở ngang đường mà chặn giặc. Mùa đông nước cạn, cạnh khúc sông Thiên Mạc trơ lên một bãi cát rất rộng. Bình Trọng vào bãi, đi một vòng xem xét, thấy đây có thể chứa được hàng vạn người, phía đông sông nước mênh mông, phía tây là bùn lầy, lau sậy mọc tốt như rừng, phía nam và phía bắc có lối vào, nhưng đều rất rất chật hẹp. Đoán biết quân Nguyên từ Thăng Long đến Thiên Trường thể nào cũng qua đường này, Bình Trọng bèn chọn làm nơi cản giặc.
Linh tính là quân Nguyên sắp đến, sáng hôm sau khi gà rừng vừa gáy, Bình Trọng cho quân sĩ nấu nướng, ăn uống no nê, rồi kéo ra bãi Đà Mạc. Mỗi người đều mang theo cung tên, một ngọn giáo dài, một thanh gươm sắc, bộ binh còn phải khoác thêm lá chắn. Ra gần đến nơi, đã thấy tiếng ngựa hý ầm ỹ. Một toán giặc khoảng vài trăm tên chặn đường. Bình Trọng dẫn kỵ binh tiến lên, chém giết được mấy tên thì chúng bỏ chạy. Bình Trọng biết ý, không đuổi theo, kéo quân vào bãi bầy trận. Quả nhiên khoảng nửa giờ sau, kỵ binh của giặc kéo đến đông nghìn nghịt. Tướng đi đầu là Khoan Triệt.
(Còn nữa)

23 comments to TRẦN BÌNH TRỌNG. Phần I



23 comments to TRẦN BÌNH TRỌNG. Phần I

  • hong van MonsterID Iconhong van
    Anh Toe, toi da doc truyen TBT cua anh lan thu hai roi day, van thich.
  • Trương Đình Toe MonsterID IconTrương Đình Toe
    Viết ra, chỉ cần được một người cho là hay thì tác giả đã cảm thấy vinh hạnh rồi. Cám ơn Hồng Vân.
  • RongChoi MonsterID IconRongChoi
    Truyện rất hấp dẫn, cảm ơn tác giả!
    Tôi có một thắc mắc nhỏ. Tôi nhớ khi đọc về quân Mông Cổ đi xâm chiếm các nước, người ta mô tả quân số của họ thường chi bằng 1/10 của đối phương, nhưng do cưỡi ngựa siêu phàm, bắn tên siêu chính xác nên họ thường giành ưu thế. Điều này cũng hợp lý vì dân số MC không nhiều, lại đi đánh khắp đông tây.
    Cái thành ngữ “đông như quân Nguyên” phải chăng chỉ là ấn tượng khi họ lao đến như tên bắn, vó ngựa ào ào gây hoang mang?
    Có lẽ khi sang đánh Việt nam lần thứ 2 thứ 3 là sau khi họ đã chiếm được TQ, và do vậy đội ngũ chủ yếu là người Hán đã bị thu phục chứ ko phải là Mông Cổ?
    Không biết các con số về lực lượng trong bài có thật chính xác?
    Mong anh giải thích thêm.
    RC
  • Trương Đình Toe MonsterID IconTrương Đình Toe
    Chào bạn RongChoi.
    Đầu tiên phải nói rằng, tác giả không phải là nhà sử học, và đây không phải là bài nghiên cứu lịch sử, mà là một tiểu phẩm văn học, mang nhiều hư cấu. Tuy vậy trước khi viết truyện này, trong chừng mực có thể, tôi cũng cố gắng tham khảo các tài liệu về lịch sử. kể cả các tài liệu của người châu Âu (nhà tôi có cuốn “Lịch sử Mông Cổ” bằng tiếng Ba Lan dầy gần 500 trang). Nhưng cuối cùng thì viết chủ yếu dựa theo “Đại Việt Sử ký Toàn thư” do Ngô Sĩ Liêm chủ biên và “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim. Những dữ kiện lịch sử nào trong hai sách kể trên có thể dùng được, đều cố gắng đưa vào truyện.
    Về quân đội Mông Cổ, như bạn đã biết, giỏi cưỡi ngựa và bắn cung. Khi xung trận không cần cầm giây cương, mà điều khiển ngựa bằng chân! Đi viễn chinh, mỗi hiệp sĩ có đến vài con ngựa, mấy bộ cung tên. Tên cũng nhiều lọai, loại phát ra âm thanh, loại dùng bắn xa, loại bắn gần… Họ có thể bắn trúng đích ngay cả khi ngồi trên ngựa phi nước đại. Sức sát thương cung tên Mông Cổ hơn nhiều so với cung tên phương tây cùng thời. Tuy vậy đấy chưa phải là những ưu thế duy nhất.
    Quân đội Mông Cổ tổ chức hiện đại, chia thành các đơn vị biên chế theo hệ số 10, kỷ luật cao, sức chịu đựng kham khổ phi thường, giỏi chiến lược chiến thuật, biết dùng đủ các mẹo mực, nghi binh, quỷ kế, tàn ác, gây tâm lý hoang mang rối loạn đối phương… Họ chịu khó học. Đánh sang Trung Đông và Trung Quốc mới biết dùng chiến hạm, chế tạo máy công thành, máy bắn đá, máy ném lửa…
    Về quân số Mông Cổ. Đàn ông từ 15 đến 60 tuổi đều phải đi lính. Thời trung cổ không có xã hội nào có thể tổng động viên được như vậy. Cho nên dân số của họ không phải nhiều, nhưng quân đội không phải là ít. Đọc các tài liệu bên châu Âu, chỉ thỉnh thoảng thấy quân Mông Cổ đông hơn, chứ chưa thấy viết bằng 1/10 đối phương bao giờ. Khi đánh sang ta lần thứ hai và thứ ba. Quân đội của họ đã pha với quân Trung Quốc rồi, có bộ binh, có thủy binh và tất nhiên là cả dân phu đi theo phục dịch. Số lượng phải rất đông. Nhưng liệu có đến 50 vạn không? Tôi cho là không thể đến. Song bởi vì cả “Đại Việt Sử Ký…” và “Việt Nam sử lược” đều viết thế, tôi không có chứng cớ gì phản biện, nên cũng chép theo. Như đã nói ở trên, đây chỉ là một tiểu phẩm văn học.
  • hong van MonsterID Iconhong van
    Anh Toe, toi co doc (quen mat nguon) la quan Mong co la quan doi dau tien su dung vu khi vi trung: truoc khi vay thanh ho quang xac chet truoc thanh de chuot chay vao thanh mang benh dich. Trong quyen suc anh doc co viet nhu vay khong?
  • ayz MonsterID Iconayz
    Cũng thành thật mà nói tôi không(chưa) đọc các bài văn học dã sữ anh Toe,nhưng thực sự phấn khích khi đọc các bình luận(comments)của anh Dag(Toe?!)trên trang này.
  • RongChoi MonsterID IconRongChoi
    Cảm ơn bác Toe. Bài của bác hấp dẫn và tôi rất thích. Chỉ là sau khi đọc thì muốn hiểu thêm chút ít kỹ hơn về lịch sử nên hỏi thêm thôi.
    Trên tinh thần đó ta trao đổi tiếp nhé, coi như ngoài lề bài của bác, và để hiểu thêm về giai đoạn lịch sử đó.
    Con số 1/10 như tôi nói là tôi nhớ thôi. Tôi hồi trước thỉnh thoảng chán học/làm việc trốn đi nghe các bài giảng về lịch sử cho công chúng (rất nhiều ở Paris, như ở Collège de France) và tôi có nhớ trong 1 bài người giảng có đưa ra con số đại khái đó. Tôi cũng không đọc nhiều lắm về các tài liệu lịch sử, nhưng tra google thì thấy có cái này
    http://www.stuy.edu/badgley/html_docs/mongol_lecture.htm
    ko biết có hoàn toàn chính xác không. Nhưng theo đó thì dân số Mông cổ chỉ tầm 200 nghìn, còn của TQ khi đó là 100 triệu, tức tỉ lệ là 1/500. Tất nhiên khi đánh thì đánh ở 1 điểm và tỉ lệ dân số ko hoàn toàn phản ánh tỉ lệ quân đội, nhưng từ 1/500 về dân số đến 1/10 về quân số trong 1 trận là hoàn toàn có thể.
    Bạn nào biết kỹ hơn về tỉ lệ quân trong các trận đánh của quân MC thì nói nhé.
    Bàn sang vấn đề là quân mang sang đánh nhau với ta. Quân MC chiếm được TQ năm 1279, chỉ 6 năm sau mang quân sang đánh với ta.
    Có lẽ đúng là hầu hết quân là người TQ (nếu con số 50 vạn là đúng thì phần lớn quân là TQ, vì toàn bộ dân số gốc MC cũng chỉ 20 vạn, khi đó còn phải rải đều từ Âu tới Á, ko thể dồn nhiều sang VN). Sau 6 năm thì người TQ là nước lớn bị nước nhỏ MC chiếm thì chắc còn căm hờn lắm. Vậy khi dùng người TQ mang đi đánh ở nước ngoài xa xôi khó khăn hiểm trở thì liệu quân TQ có hết mình phục tùng sự chỉ huy của quân MC? Chẳng hạn khi thế trận yếu đi thì liệu quân TQ có còn nghe chỉ huy MC và liệu có nhân đó làm phản? Không biết các tướng của ta có khai thác điểm yếu này của quân Nguyên? Chẳng hạn có bác nào thổi sáo kiểu Trương Lương khuyên quân TQ làm loạn hay đào ngũ, đại loại như
    “hỡi những anh hảo Hán
    phận quân tử sao nỡ làm phu dịch
    cho quân mọi trên thảo nguyên phương bắc
    dân tộc anh 3000 năm lịch sử
    hơn quân Mông đến 500 lần dân số
    sao nỡ chịu phận làm nô lệ
    hỡi những anh hảo Hán
    hãy đứng lên, trở về cố quốc
    và giữ gìn tổ quốc các anh
    như chúng tôi
    nước nhỏ hơn đang làm”
    Có lẽ các tướng như Trần Bình Trọng có lẽ cũng khai thác điểm yếu đó, vì thấy khi thua quân Nguyên chạy tán loạn.
    Không biết bác Toe hay bạn nào có tài liệu nói về điểm này không?
  • Trương Đình Toe MonsterID IconTrương Đình Toe
    @ Hồng Vân.
    Năm 1346, quân Mông Cổ nước Kim Trướng vây thành Kaffa, nay là Fiedosija trên bán đảo Krym, bị bệnh dich hạch hoành hành, phải rút lui. Trước khi rút, dùng máy ném đá (katabunt) ném những xác người chết dịch vào thành. Đấy là vũ khí và chiến tranh vi trùng theo đúng nghĩa, nhưng không phải đầu tiên.
    Thời thượng cổ đại, Aleksander đại đế có chính sách rút quân thì không chôn cất binh lính và ngựa bị chết dịch.
    @RồngChơi.
    1)Mình không có thông tin về dân số Mông Cổ và Trung Hoa thời ấy, nhưng trong sách mà mình có thấy chép: Quân đội của Thành Cát Tư Hãn trước lúc tấn công nước Kim năm 1211 chia thành các đơn vị. Đơn vị cơ bản gọi là “migan” gồm 1000 người, migan chia thành 10 đội mỗi đội 100 người, đội này lại chia ra 10 đội 10 người. Chỉ huy những migan là những tướng lĩnh và con cháu được Hãn tin cậy, tổng cộng 95 người. Ngòai ra Hãn còn có một vạn quân ngự lâm. Vậy tổng số quân Mông Cổ bấy giờ khoảng trên 10 vạn. Sau càng ngày tất nhiên càng ngày càng đông hơn.
    2)Trung Quốc bị nước nhỏ chiếm thì nhiều người căm hờn. Theo “Việt Nam sử lược”, trận Hàm Tử năm ất dậu (1285), Trần Nhật Duật đánh nhau với Toa Đô, có bọn Triệu Trung là tướng nhà Tống đánh giúp. Nhưng chắc không phải ai cũng căm hờn. Dân Trung Hoa vốn mê tín, vẫn coi người được lên ngôi hoàng đế là do thiên mệnh. Vả lại người Mông Cổ không phải bao ờ cũng tàn ác. Marco Polo viết (nhờ người viết)trong hồi ký: Nguyên chủ HốtTất Liệt(Kubilaj)cũng hành xử như một vị chân chúa, lúc hạn hán thì sai đào giếng, năm được mùa tích chữ lương thực, lúc mất mùa đem ra phát trẩn hoặc bán rẻ cho dân.
    3)Tôi nghĩ các tướng của ta không làm được cái việc như Trương Lương thổi sáo, do hàng rào ngôn ngữ, khác văn hóa, khó mà hiểu được người ta.
  • hoc MonsterID Iconhoc
    Cốt truyện vứa quá sức hấp dẫn lại hợp lẽ với tình thế hiện tại. Rất cảm ơn tác giả!
  • Truyện rất hay, cảm ơn tác giả! Xin hỏi giòng họ Trương Đình nhà bác còn những ai nữa ạ.


  • shakhi MonsterID Iconshakhi
    Bác Toe có nhận xét gì về hành động của Thoát Hoan khi biết bị lừa, đã giết Trần Bình Trọng, bêu xác, nhưng lại không hại công chúa An Tư, kể cả sau này phải chui ống đồng. Có tính “mã thượng” trong đó không?
  • Trương Đình Toe MonsterID IconTrương Đình Toe
    Chào Shakhi.
    Về công chúa An Tư sử sách nguyên bản viết rất ít. “Đại Việt Sử ký toàn thư” viết: “Ất Dậu, Thiệu Bảo năm thứ 7, tháng 2…sai người đưa công chúa An Tư đến cho Thóat Hoan, là muốn làm thư giãn nạn nước vậy”. Sách “An Nam Chí lược” của Lê Tắc (hoặc Trắc) viết về Thoát Hoan: “Thái tử lấy người con gái nhà Trần, sinh được hai con”. Nhiều người phỏng “người con gái nhà Trần” ấy chính là công chúa An Tư. Nhưng cái đó cũng không lấy gì làm chắc chắn. Cả hai sách trên tôi đều có. Theo tôi biết, các tài liệu cũ khác cũng không cho thông tin gì hơn về công chúa. Những người nói kiểu khác đều là đoán mò cả. Nhưng tôi viết truyện chứ không phải viết sử. Những câu hỏi như: “Khi đó công chúa nghĩ gì? Nói gì? Phản ứng thế nào? Có tự nguyện sang trại giặc để cứu nước hay bị bắt buộc?”…, không thể để trống được. Tuy vậy cái gì không ảnh hưởng đến chủ đề tư tưởng của truyên thì tôi không khảng định, cẩn thận thêm từ “có thể” trước, “công chúa vô sự” sau. Bản thân câu này cũng có thể hiểu theo hai cách: “Có thể công chúa vô sự”/ hoặc “Có thể (vì) công chúa vô sự, (nên vua không nhắc đến)”.
    Nhưng liệu Thoát Hoan bị Đào Kiệm lừa, điên loạn mà lại không hại công chúa An Tư? Liệu có tính “mã thượng” như bạn hỏi hay không? Tôi nghĩ là rất có thể, vì Thoát Hoan là người Hồ!
    Thành Cát Tư Hãn thủa hàn vi gọi là Thiết mộc Chân (Temoudijne), bị kẻ thù là bộ lạc Markit đến cướp trại. Môc Chân và thủ hạ chạy thoát thân. Bao nhiêu đàn bà và gia súc bị cướp mất sạch. Trong số những đàn bà bị cướp có người vợ của Mộc Chân vừa mới cưới về là Borte. Tất nhiên người ta cướp con gái trẻ về không phải để mà ngắm. Vinh quang lớn nhất của người chiến binh Mông Cổ là tước đoạt được thê thiết và cưỡi ngựa của kẻ thù. Khi Mộc Chân có viện binh giúp, cướp lại được Borte thì nàng đã có mang. Sau sinh con trai là Joji. Người con ấy gần như chắc chắn không phải là con của Mộc Chân (bấy giờ chưa biết thử máu và DNA!). Nhưng Mộc Chân không bao giờ nói đấy không phải con mình, hơn nữa vẫn để Borte làm chính cung – việc mà ở Trung Quốc hay Việt Nam không tưởng tượng nổi. Sau Borte còn sinh cho Thành Cát Tư Hãn ba con trai nữa. Trước khi chết, Hãn chia thiên hạ làm tư cho bốn con. Vùng đất phía tây là phần của Joji. Nhưng vì ông này chết sớm, nên con là Batu thừa hưởng, lập nên nước Kim Trướng, cũng xưng Hãn và tiến đánh châu Âu…
    Xem ra thì thấy người Hồ ngày xưa bao dung đối với phụ nữ, đâu có như lũ đàn ông nước Tầu hay nước Nam ta. Có thể theo cách nghĩ của Thoát Hoan, công chúa An Tư chẳng có tội tình gì. Vua bắt đi thì phải đi. Chưa kể là người con gái trẻ đẹp, khôn ngoan đối với kẻ mày râu có lợi thế đến mức độ nào? Vậy cho rằng Thoát Hoan không hại An Tư công chúa cũng không có gì là thiếu lô gich cả.
  • putin MonsterID Iconputin
    Bác thích nguồn chích dẫn thì đầy trong viện lịch sử ra ấy, đọc cuốn nào chả có. đề nghị bác Toe sang anh mua 2 bức tượng đó về. ” mặc dù biết họ sẽ không bán đâu bác toe a!” đây không phải là vấn đề tiền bạc có thể mua được.


http://zung.zetamu.net/2011/06/tr%E1%BA%A7n-binh-tr%E1%BB%8Dng-ph%E1%BA%A7n-i/

No comments:

Post a Comment