19/01/2012 | ||
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có Chỉ thị 03/CT-TTg yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ, mười năm qua, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là công tác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thường xuyên và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DNNN hoạt động trong những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa phải chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực kinh doanh chính. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được giao; quản trị doanh nghiệp chưa theo kịp yêu cầu phát triển trong cơ chế thị trường. Việc quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN còn bất cập.
Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2011-2015 là phải đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN nhằm tạo ra khu vực DNNN có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và sức cạnh tranh cao hơn, thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách đối với DNNN, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho đổi mới tổ chức hoạt động, quản lý, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN; trong quý I/2012, các Bộ trình Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính quy định về quản lý tài chính, đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại các DNNN; quy chế quản lý, giám sát tài chính đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác; cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp còn vốn nhà nước sau khi thực hiện cổ phần hóa.
Đồng thời, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18-7-2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Bộ Tài chính có nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung quy định phù hợp để đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mà Nhà nước không cần nắm giữ, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có hiệu quả, theo cơ chế thị trường và thu hút cổ đông chiến lược có kinh nghiệm quản lý và năng lực tài chính, công nghệ; để đẩy nhanh việc giảm vốn nhà nước tại những doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ vốn chi phối.
Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại Việt Nam; quy định về tổ chức, hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong tháng 1-2012 hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa DNNN của các Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Các Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể và quyết liệt chỉ đạo để thực hiện cho được các phương án đã được phê duyệt.
Đồng thời, trong quý I/2012, các Bộ quản lý ngành và tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91 trình Thủ tướng Chính phủ; tổng công ty 90 và doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trình Bộ quản lý ngành, UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt phương án tái cơ cấu từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để thực hiện.
Trong đó, cần chú ý cơ cấu lại ngành, nghề kinh doanh tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính và nhiệm vụ được giao; chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2015 có tính đến năm 2020; phương án tổ chức lại sản xuất, kinh doanh; kế hoạch đầu tư phát triển, tái cơ cấu các đơn vị thành viên và nguồn nhân lực; kế hoạch thoái vốn đã đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính theo các hình thức bán vốn, chuyển vốn, chuyển giao doanh nghiệp.
Chỉ thị cũng nêu rõ, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa hoặc chuyển đổi thuộc đối tượng chuyển giao cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước; nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển vốn nhà nước tại một số công ty mẹ, tổng công ty đã cổ phần sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước.
Các Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện tái cơ cấu công ty nông, lâm nghiệp (nông, lâm trường quốc doanh), theo hướng tiếp tục duy trì và tổ chức thực hiện khoán theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 8-11-2005 đối với các nông, lâm trường quốc doanh trồng cao su, cà phê, chè, cây ăn quả và trồng rừng sản xuất, rừng nguyên liệu.
Duy trì Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được chuyển đổi từ lâm trường quốc doanh quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Chuyển công ty lâm nghiệp (lâm trường quốc doanh) quản lý rừng tự nhiên thành đơn vị sự nghiệp và thực hiện khoán chăm sóc, bảo vệ cho người dân. Nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện để cổ phần hóa các công ty nông, lâm nghiệp trồng cao su, cà phê, chè, cây ăn quả và trồng rừng sản xuất, rừng nguyên liệu sau khi đã hoàn thành việc rà soát đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển sang thuê đất.
Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ được giao làm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại nhiều doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nghiên cứu việc thành lập một đầu mối thuộc Bộ để tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Bộ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN.
Nam Khánh (VGP)
|
Thursday, January 19, 2012
Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Labels:
doanhnghiep,
Nguyen Tan Dung,
Restructuring,
SaigonGiaiphong,
SOE
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment