Wednesday, March 7, 2012

Cô dâu Việt: Cầu nối hợp tác pháp luật Pháp-Việt

07/03/2012



Phóng viên TTXVN phỏng vấn bà Joële Nguyễn Duy Tân. (Ảnh: Lê Hà-Trung Dũng/Vietnam+)

"Tôi luôn nghĩ về Việt Nam và cố gắng làm tất cả những gì có thể cho Việt Nam, nhất là giúp cho các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam sang Pháp học và làm việc, cũng như cho sinh viên Việt Nam tại Nhà Pháp luật Việt-Pháp, nơi tôi đã từng tham gia giảng dạy, vì tôi là con dâu Việt Nam."


Đó chính là tâm tư, trăn trở của bà Joële Nguyễn Duy Tân, nhà giáo ưu tú, cựu giảng viên Đại học Paris 2 (Panthéon-Assas), trong lần gặp gỡ mới đây với phóng viên thường trú TTXVN tại Pháp.


Hiện đã nghỉ hưu, bà Joële luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai không chỉ vì mối quan hệ gia đình mà còn vì bà yêu mến và luôn hướng về đất nước này.



Đến thăm gia đình bà trong thành phố Cachan, chúng tôi cảm nhận bầu không khí ấm cúng, với cách bài trí cẩn thận, ngăn nắp và rất Việt Nam của bàn tay người phụ nữ luôn chăm chút và lo toan cho gia đình. Đúng như nhận xét của một số học trò từng theo học bà Joële những khóa đầu tiên tại Nhà Pháp luật Việt-Pháp: "bà là người phụ nữ Pháp mang nhiều tính cách của người phụ nữ Việt Nam."


Giới học giả tại Pháp biết đến bà Joële Nguyễn Duy Tân như một giáo sư luật nổi tiếng. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng bà thường xuyên có mặt trong các buổi hội thảo lớn về luật quốc tế và tham dự các hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp.


Với dáng người nhỏ nhắn, luôn tươi cười, bà luôn tạo một cảm giác gần gũi và thiện cảm đối với bất cứ người Việt Nam nào lần đầu tiên được gặp bà. Gia đình bà luôn mở rộng cửa đón những bạn trẻ cần sự giúp đỡ khi mới bỡ ngỡ đặt chân đến nước Pháp. Để rồi từ đó các bạn trẻ tự giới thiệu với nhau về bà và số lượng các bạn sinh viên đến với bà ngày một đông. Họ đã nhận được ở bà và chồng bà - ông Nguyễn Duy Tân, nhiều sự giúp đỡ chân tình từ việc giải thích những từ ngữ học thuật chuyên môn về luật đến việc tìm hiểu các phong tục tập quán, rồi thủ tục hành chính, luật pháp vốn dĩ rất phức tạp của Pháp như làm thẻ cư trú, mở tài khoản ngân hàng, làm thủ tục học thạc sỹ, tiến sỹ…


Bà thường xuyên sưu tầm những quy định luật pháp mới gửi cho các bạn học sinh, sinh viên để họ có thể cập nhật thêm những kiến thức mới tại nước sở tại.


Ngay từ những năm 1992-2000, khi còn là phó giáo sư Đại học Paris 2, bà được giao phụ trách sinh viên Việt Nam. Từ năm 1992-1998, bà phụ trách công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục, nhất là chương trình đào tạo cao học luật và tham gia thực hiện Hiệp định hợp tác liên chính phủ Pháp-Việt trong lĩnh vực này. Hiện nay, bà vẫn tham gia giúp đỡ, được mời là thành viên Hội đồng bảo vệ luận án tiến sỹ Luật cho rất nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam.


Bà đã nỗ lực không ngừng, là một trong những người đặt nền móng gây dựng Nhà pháp luật Việt-Pháp tại Hà Nội - một địa chỉ nghiên cứu, đào tạo có uy tín ở Việt Nam, với sự hỗ trợ của phía Pháp; đồng thời, là thành viên của Ủy ban hợp tác Pháp luật đại diện các trường Đại học của Pháp.


Bà Joële đã tham gia giảng dạy hai khóa đào tạo cao học Luật tại Đại học Luật Hà Nội, thực sự là "người thầy gần gũi và đáng kính" của nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam học và nghiên cứu về luật quốc tế.


Theo bà Joële, hợp tác pháp luật giữa hai nước còn tiềm năng để phát triển và cần phát huy hơn nữa. Bà luôn mong muốn và ấp ủ nhiều kế hoạch thúc đẩy hơn nữa hợp tác Pháp-Việt trong lĩnh vực này; bày tỏ trăn trở về những vấn đề của giáo dục tại Việt Nam, cũng như ở Pháp trong bối cảnh toàn cầu hóa.


Bà cũng mong muốn đảm bảo cho lớp trẻ được hưởng nền giáo dục cơ bản một cách công bằng và miễn phí nhiều nhất, để có thể tránh sự chênh lệch giàu nghèo lộ diện trong giáo dục; đồng thời phải làm sao để con cái trong những gia đình nghèo không phải chịu thiệt thòi hơn, vì các em không được hưởng giáo dục đầy đủ.


Hỏi về những tình cảm của bà đối với Việt Nam, bà bày tỏ không biết từ khi nào nhưng bà luôn tin rằng mình đã là người Việt Nam. Bà cũng đã kể say sưa về mối tình từ năm 1963 với một người đàn ông Việt Nam - ông Nguyễn Duy Tân - chồng bà hiện nay. Ông chính là người đưa bà đến với Việt Nam qua những câu chuyện ông kể về đất nước mình. Đặc biệt, bà đã làm Luận án tiến sỹ nghiên cứu về khía cạnh luật quốc tế trong cuộc chiến tranh phi nghĩa của Pháp và Mỹ tại Việt Nam.


Bà đã bảo vệ luận án tiến sỹ đúng vào ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam (30/4/1975). Đây cũng là bản luận án được giải thưởng "xuất sắc nhất" ở Paris trong năm đó. Từ khi làm việc nhiều về Việt Nam và sống bên cạnh người bạn đời, bà dần hòa nhập vào đại gia đình dân tộc Việt Nam. Mối ràng buộc sâu sắc giữa bà với Việt Nam đã hình thành và ngày càng trở nên vững chắc.


Vì đã có nhiều công lao đóng góp xây dựng ngành Tư Pháp Việt Nam và nỗ lực đáng kể của bà trong hợp tác pháp luật Việt-Pháp và giáo dục luật pháp, ông Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc đã tặng bà Huy chương vì sự nghiệp tư pháp vào ngày 22/2/2001 (Quyết định số 147/QD-KT)./.

Lê Hà-Trung Dũng (Vietnam+)
http://www.vietnamplus.vn/Home/Co-dau-Viet-Cau-noi-hop-tac-phap-luat-PhapViet/20123/129534.vnplus 

No comments:

Post a Comment