Sunday, May 29, 2011

17/05 'Ngại va chạm thì đừng ứng cử vào Quốc hội'


Thứ ba, 17/5/2011, 12:10 GMT+7

2 khóa làm đại biểu Quốc hội liên tiếp, nổi tiếng với những chất vấn gai góc, trực tính với ngay cả người đứng đầu Chính phủ..., đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ với VnExpress về những trách nhiệm cần có của một người đại diện cho dân.

Qua 2 khóa làm đại biểu Quốc hội, từng chất vấn hầu hết thành viên Chính phủ, giờ nhìn lại, ông đánh giá ai cao nhất trong số những người trả lời chất vấn trước Quốc hội?

- Đúng là tôi đã chất vấn gần hết các vị lãnh đạo, từ bộ trưởng, trưởng ngành đến Thủ tướng, Phó thủ tướng. Tôi thấy mỗi vị có đặc điểm, phong cách riêng. Ví dụ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát luôn trả lời chân tình, tự nhận khuyết điểm, có lời hứa với Quốc hội, có chú ý thực hiện lời hứa dù kết quả có mặt tốt, chưa tốt. Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân nắm việc rất chắc, trả lời lưu loát, nhưng ít khi nhận khuyết điểm và không mấy khi chịu hứa gì (cười).

Với Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, khóa 11 tôi có chất vấn và thấy ông là một người hành động. Nói về phát biểu của ông trước Quốc hội thì có lần suôn sẻ, có lần không nhưng sau khi được chất vấn, ông thường chỉ đạo nghiên cứu, xử lý vấn đề đại biểu nêu ra ngay. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc là người rất thạo việc, đầy kinh nghiệm trong trả lời chất vấn. Ông rất hiểu biết, rất có kinh nghiệm nhưng cũng hay tránh nhận trách nhiệm và thường tiết kiệm lời hứa.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu trả lời bỗ bã một chút nhưng thú vị. Không thấy ở ông vẻ căng thẳng thường gặp ở một người bị Quốc hội chất vấn. Mới sang ngành nhưng ông nắm việc sâu sát, nhất là trong kỳ họp thứ 8, ông trả lời về chuyện người Việt Nam đi chữa bệnh ở nước ngoài, số giường bệnh... với những số liệu rất cụ thể.

Nhìn chung mỗi bộ trưởng một vẻ. Nhưng nếu nói thích thì tôi thích cách trả lời của ông Cao Đức Phát, chân tình, có khuyết điểm gì cứ nhận thẳng, rồi đôn đốc anh em sửa chữa.

Ảnh:
"Tôi tâm đắc việc Quốc hội khóa 12 tiếp thu đề xuất ra nghị quyết sau chất vấn". Ảnh: Nguyễn Hưng.
- Điều tâm đắc nhất của ông trên cương vị là đại biểu Quốc hội là gì?
- Suốt hai nhiệm kỳ, tôi luôn tích cực tham gia ý kiến về mọi vấn đề Quốc hội bàn thảo. Tôi rất vui mỗi khi ý kiến của mình được các đại biểu chia sẻ và được Quốc hội tiếp thu. Ví dụ tôi thấy trong các quyết định chưa thông qua như dự án đường cao tốc Bắc Nam, hay chưa thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã có phần đóng góp nhỏ bé của mình.

Tôi cũng là người nhiều lần kiến nghị Quốc hội ra nghị quyết sau chất vấn. Tôi thấy ngày càng ít người nói "tôi nhận khuyết điểm, tôi hứa ...", nếu Quốc hội không ra nghị quyết thì việc xác định trách nhiệm và việc cần làm sau chất vấn hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của người trả lời chất vấn. Rất mừng là Quốc hội đã tiếp thu kiến nghị này.

- Vậy còn điều gì ông thấy chưa hài lòng nhất?

- Điều tôi chưa hài lòng về mình là có những vấn đề quan trọng mình nêu ra chưa được chú ý hoặc có chú ý, nhưng chính sách sửa đổi ban hành rất chậm. Một điều nữa tôi không thể hài lòng là việc giúp đỡ cử tri giải quyết khiếu nại. Ngày nào tôi cũng nhận được vài đơn thư, mỗi lần đi công tác về là cả một chồng dày đơn khiếu nại mà chưa thể giải quyết hết được. Mà giải quyết các vụ việc cụ thể này thực sự là rất khó.

Đối với tỉnh Lạng Sơn, tôi tiếc một điều là có nhiều vấn đề bức xúc của địa phương đặt ra nhưng giải quyết chậm; nhiều việc cử tri gửi gắm, tôi cố gắng giúp nhưng chưa có kết quả, mong cử tri thông cảm. Ví dụ huyện Đình Lập có khoảng 60 km quốc lộ 31 chạy qua chỉ mới được rải đá cấp phối. Đường rất xấu, đi lại còn khó chứ chưa nói gì đến vận chuyển hàng hóa. Từ khi đại biểu Quốc hội khóa 8 tiếp xúc, cử tri đã đề nghị rải nhựa cung đường này.

Khi tôi về đã là khóa 11, anh chị em Nông trường chè Thái Bình tiếp tục kiến nghị làm đường. Cả đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh và cá nhân tôi đều tích cực phản ánh, đề nghị nhưng mãi gần cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12, Bộ Giao thông Vận tải mới thông qua dự án và có quyết định cấp vốn, nhưng có lẽ vốn cấp nhỏ giọt nên làm rất chậm. Đây là nhiệm vụ tôi chưa hoàn thành trọn vẹn trước cử tri.

- Là đại biểu từng chất vấn gai góc nhiều thành viên Chính phủ, ông đã phải chịu áp lực như thế nào?

- Với tôi, áp lực lớn nhất không phải từ phía những người mình chất vấn mà là từ cử tri, mặc dù áp lực này vô hình nhưng vô cùng lớn. Thứ hai là áp lực tâm lý trong những ngày đầu làm đại biểu. Làm sao thắng được tâm lý ngại ngùng để phát biểu trước gần 500 người, trong đó có nhiều người làm chính trị chuyên nghiệp, các vị lãnh đạo cấp cao và còn được giới báo chí và cử tri theo dõi.

Còn nói về phản ứng của người được chất vấn thì nhìn chung các bộ trưởng, trưởng ngành đều có thái độ đúng đắn, lịch thiệp. Có vị còn viết thư cảm ơn tôi như Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên. Đôi lúc tôi cũng gặp phiền phức, nhưng tôi cho là khi người ta chưa hiểu mình thì thôi cứ để thời gian trả lời. Thậm chí, nếu có nảy sinh mối quan hệ xấu khi mình nêu các vấn đề nhạy cảm thì vì trách nhiệm trước cử tri cũng phải chấp nhận thôi.

- Đã bao giờ người thân khuyên ông "hạ nhiệt" để tránh những va chạm bất lợi?

- Mọi người trong gia đình đều hiểu và chia sẻ với tôi trước áp lực của công việc. Con gái tôi đang làm việc ở nước ngoài cũng rất quan tâm và chia sẻ với công việc của tôi. Nhiều bạn quen biết, cử tri, bạn đọc thường nhắn tin, gọi điện thoại, viết bình luận trên blog bày tỏ ý kiến hoan nghênh, cổ vũ. Cũng có người lo lắng, khuyên nhủ này kia. Tôi rất cảm kích trước tấm lòng của người thân, anh em. Những sự quan tâm, lo lắng như vậy động viên tôi thêm cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ người đại biểu của dân.

Ảnh:
"Nếu đại biểu chỉ lo bảo vệ sự an toàn và thăng tiến của mình thì khó làm tròn trách nhiệm với cử tri, với Quốc hội". Ảnh: Nguyễn Hưng.
Trong gần 500 đại biểu khóa 12, ông ấn tượng gương mặt nào nhất?

- Thường thì từ trước đến nay, các vị lãnh đạo ủy ban và lãnh đạo địa phương rất ít khi tham gia các vấn đề Quốc hội bàn. Lãnh đạo địa phương có phát biểu thường cũng chỉ nêu khó khăn của địa phương và đề nghị Trung ương giúp đỡ. Có nhiều nguyên nhân, một là bản thân các vị cũng đã có chỗ khác để phát biểu. Thứ hai là tâm lý trong quan hệ công tác, nếu chất vấn thì dễ ảnh hưởng đến quan hệ công tác giữa cơ quan bị chất vấn với cơ quan, địa phương mình. Thứ ba là cũng có những vị ngần ngại bộc lộ mình trước Quốc hội, có thể là chưa tự tin.

Nhưng ở khóa 12 này, nhiều lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các tỉnh có những ý kiến phát biểu, chất vấn rất thẳng thắn, sâu sắc như đại biểu Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh; đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; đại biểu Vũ Hoàng Hà, Bí thư tỉnh ủy Bình Định...
Tôi cũng rất tâm đắc với những ý kiến bản lĩnh, trí tuệ của các đại biểu Lê Văn Cuông, Nguyễn Đình Xuân, Phạm Thị Loan, Dương Trung Quốc, Ngô Văn Minh, Danh Út, Vũ Quang Hải.

- Theo ông, phẩm chất nào là quan trọng nhất đối với một đại biểu Quốc hội?

"Những ai coi ứng cử là cách xây dựng thương hiệu, làm PR thì rất dễ phản tác dụng. Nếu vào Quốc hội chỉ để có điều kiện thuận lợi xây dựng quan hệ làm ăn, phát triển thì như vậy là lạm dụng lòng tin của người dân. Cử tri bầu đại biểu vào Quốc hội để làm việc chung chứ không phải tranh thủ làm việc cá nhân" - ông Nguyễn Minh Thuyết nói.
- Quan trọng nhất là chữ "Tâm". Trước hết là có tâm với cử tri, thực sự đặt mình vào hoàn cảnh của cử tri để nói lên được tiếng nói của họ. Những vấn đề như thu mua lúa gạo, cà phê bị ép giá... nếu đặt mình vào vị trí của nông dân thì mới hiểu được. Rồi giải phóng mặt bằng, nếu nhà mình cũng bị "giải phóng" với giá rẻ như bèo thì mình sẽ nghĩ thế nào? Thứ hai là có tâm với công việc. Nếu cả nhiệm kỳ không phát biểu, không làm gì thì dù vì nguyên nhân gì cũng là chưa làm tròn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu cũng cần dũng cảm. Đã là đại biểu thì không ngại va chạm. Nếu đại biểu chỉ lo bảo vệ sự an toàn và thăng tiến của mình thì khó làm tròn trách nhiệm với cử tri, với Quốc hội. Nếu có những ứng cử viên như vậy thì cử tri không nên bầu và ứng cử viên đó cũng không nên nhận nhiệm vụ. Phải dám làm thì hãy ứng cử. Các phẩm chất khác như có tài, có đức... thì đương nhiên đại biểu phải có, vì đó là phẩm chất chung của cán bộ rồi.

- Ông kỳ vọng gì ở các đại biểu khóa 13?

- Từ ngày đổi mới đến nay, hoạt động của Quốc hội ngày càng thực chất, không khí sinh hoạt này càng dân chủ, được nhân dân đồng tình. Quốc hội khóa 12 được dư luận đánh giá có nhiều quyết sách quan trọng, để lại nhiều ấn tượng. Nhưng là một đại biểu khóa 12, tôi tự thấy vẫn có nhiều việc chưa làm được.

Tôi hy vọng các đại biểu khóa 13 sẽ không nghĩ rằng mình bắt đầu từ "con số 0" mà nghĩ rằng mình bắt đầu bước từ "cây số 101" trở đi. Với tư cách một cử tri, tôi mong các đại biểu nghiên cứu lại những chặng đường Quốc hội khóa trước đã trải qua xem vấn đề gì còn treo, vấn đề gì giải quyết chưa phù hợp với lòng dân, nguyên nhân là gì… để sắp tới có những quyết sách đúng đắn và hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Minh Thuyết, sinh năm 1948, giáo sư, tiến sĩ ngữ văn, từng nhiều năm công tác tại ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn Hà Nội. Ông là Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên Quốc hội khóa 12. Trên cương vị đại biểu Quốc hội, ông thường xuyên có những chất vấn, góp ý sắc sảo và thẳng thắn.
Đọc các bài phỏng vấn ông Nguyễn Minh Thuyết trên VnExpress:
>'Quốc hội thiếu quyền để chịu trách nhiệm về Vinashin'>'Sự cố bùn đỏ ở Hungari là cơ hội thuận lợi để ta bàn bạc lại'>'Bác dự án đường sắt cao tốc là quyết định lịch sử' "Xén tiền Tết dân nghèo là biểu hiện của hào lý xấu thời xưa"
'Chính phủ cần kiểm tra chất lượng dự án đại lộ Đông Tây'
'Làm rõ trách nhiệm bộ trưởng về ngập lụt, ô nhiễm'
'Chính phủ vội vàng trong việc trình đề án mở rộng Hà Nội'
'Bộ GD&ĐT nên dừng ngay thí điểm phân ban'
>'Chấp hành luật giao thông, tôi bị mắng là lão già hâm'
Hồng Khánh - Nguyễn Hưng thực hiện

Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND 2011-2016 (24/05)
Một tổ bầu cử ở Hà Nội phải tổ chức bầu lại HĐND (24/05)
Kiểm phiếu bầu cử ngay trong đêm 22/5 (23/05)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện quyền công dân (22/05)
Ký ức ngày tổng tuyển cử đầu tiên (22/05)
Hơn 60 triệu cử tri đi bầu cử (22/05)
Xem tiếp
Ý kiến bạn đọc ()Sắp xếp theo: 
Mong có nhiều bác Thuyết
Nhân dân mong có nhiều bác Thuyết, bác Cuông, bác Quốc những đại biểu Quốc hội có tâm có tầm vì dân vì nước.
(hải hà)

Khâm phục ông
Qua chất vấn của ông tại các kỳ họp tôi thất sự khâm phục ông. Mong sao có nhiều đại biểu như ông.
(phan minh nguyen)

Cảm ơn bác Thuyết
Xin cảm ơn bác Thuyết, chúc bác Thuyết cùng gia đình luôn khỏe mạnh, mong sao cho nhiều đại biểu Quốc hội cũng sáng suốt, suy nghĩ và hành động được như bác.
(Tuan Anh)

Cảm ơn bác, người đại biểu ưu tú của nhân dân
Là một công dân cháu theo dõi rất thường xuyên những lần chất vấn của bác. Cháu thật sự khâm phục sự thẳng thắn, trách nhiệm của bác ở cương vị một đại biểu Quốc hội. Chúc bác và gia đình sức khoẻ để ngày càng có nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa cho sự phát triển chung của đất nước.
(Thanh Chung)

Mong Quốc hội có được nhiều người như ông Thuyết
Ông Thuyết là đại biểu Quốc hội tâm huyết với nhân dân, với đất nước, là nhân tố năng cao chất lượng đại biểu và hiệu quả hoạt động thực tiễn của Quốc hội. Chúng tôi mong Quốc hội có được ngày càng nhiều đại biểu như ông.
(Văn Lâm)

Thật xứng đáng
Ông là đại biểu có tâm huyết, có trách nhiệm với công việc và cử tri, được nhiều người yêu mến, tin tưởng. Ông xứng đáng là đại biểu Quốc hội, tiếc rằng những người như ông không có nhiều.
(Đinh Nhật)

Một người dám nói!
Trong thời gian vừa qua tôi phần nào quan tâm chính sự, một điều dễ nhận thấy ở các đại biểu là không dám nói quan điểm, ngại va chạm. Thử hỏi một người đại diện cho nhân dân để định hướng phát triển, giải quyết những vấn đề của đất nươc, bảo vệ quyền lợi cho nhân dân thì được bao nhiêu % người làm được điều đó, hay chỉ vì mục đích khác, sợ va chạm, không thăng tiến...
Trong thời gian qua có nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia, nhưng tại sao trong Quốc hội vẫn còn một tỷ lệ đại biểu không có ý kiến? Phải chăng họ không quan tâm, hay không dám nói? Tôi nghĩ một đại biểu Quốc hội cần dám nói, dám làm, dám bày tỏ quan điểm với vấn đề bàn thảo.
Tôi rẩt tâm đắc với những ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết về những vấn đề như: dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, hay bôxít Tây Nguyên vì những ý kiến này dựa trên những lập luận, nghiên cứu thực tế... Hy vọng bài phỏng vấn này được những người đại biểu tương lai suy nghĩ.
(Đinh Xuân Hồng)

Mong chờ ở khóa mới
"Đại biểu cũng cần dũng cảm. Đã là đại biểu thì không ngại va chạm. Nếu đại biểu chỉ lo bảo vệ sự an toàn và thăng tiến của mình thì khó làm tròn trách nhiệm". Ông Thuyết đã nói một câu khá thực tế. Hy vọng trong khóa này có nhiều đại biểu mới có tài có đức, vì dân vì nước hơn để cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước.
(Thành Tâm)

Đã là đại biểu Quốc hội thì phải như ông Thuyết
Nếu tất cả các đại biểu đều như ông Thuyết thì chắc chắn các tệ nạn tiêu cực, tham nhũng, tham ô hối lộ, nhũng nhiễu người dân sẽ giảm; quyền lợi chính đáng của người dân sẽ luôn được tôn trọng và bảo vệ.
(Lê Đức Lợi)

Cảm ơn bác Thuyết
Xin cảm ơn bác Thuyết đã đưa nguyện vọng của nhân dân lên Quốc Hội, chúc bác luôn mạnh khỏe để cùng nhân dân xây dựng Việt Nam giàu mạnh. Mong Quốc hội có thêm nhiều người như bác Thuyết, bác Nguyễn Lân Dũng hay bác Dương Trung Quốc, Trần Du Lịch.
(Nguyễn Trung Nghĩa)

Đại biểu suất sắc
Ông Thuyết là đại biểu suất sắc nhất mà tôi từng biết. Tiếng nói của ông là tiếng nói của cử tri.
(Cu tri)

Mong bác tiếp tục đóng góp
Từ đáy lòng, cháu luôn mong bác khỏe mạnh và đóng góp tài trí nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước ngay cả khi không còn là đại biểu Quốc hội.
(nguyễn trung)

Đại biểu của dân
Làm đại biểu Quốc hội là người có kiến thức và kinh nghiệm hiểu và nắm được luật giữa lý thuyết và thực tế, biết lắng nghe ý kiến của dân, giải thích những gì dân chưa rõ, đem tiếng nói phải của dân lên diễn đàn, làm được thật là khó. Mong Quốc hội có nhiều đại biểu như bác Thuyết. Những người làm đại biểu phải có trình độ kiến thức và gương mẫu sẽ làm cho đất nước phát triển, dân chủ và tiến bộ. Mong rằng Quốc hội tới có nhiều đại biểu như bác Thuyết.
(ngoc son)

Tiếc vì sự vắng mặt của những người như ông
Tôi thật sự khâm phục những người đại diện tiếng nói của dân như ông. Thật tiếc khi nhiệm kỳ Quốc hội tới ông không còn là đại biểu Quốc hội. Chỉ mong sao tâm huyết của những người như ông không bị "bỏ qua" và Quốc hội sẽ ngày càng có nhiều người đại biểu "vì dân" như ông.
(Mai Lân)

Mong có nhiều đại biểu như vậy
Bác là một đại biểu của mọi người dân. Tất cả vì mọi người, hết lòng vì mọi người. Kính chúc bác và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc. Mong rằng Quốc hội ngày càng nhiều nhiều người làm việc có tâm như bác Thuyết.

(Thuy Nga)

Cảm ơn ông Thuyết
Tôi là một trong những cử tri bầu đại biểu Thuyết. Là công dân của tỉnh Lạng Sơn tôi thấy mình thật là may mắn khi được trực tiếp bầu những đại biểu của nhân dân như ông. Rất cảm ơn đại biểu Thuyết đã nói được nhiều bức xúc trong xã hội hiện nay. Chúc ông cùng gia đình luôn luôn mạnh khoẻ và mong sao có thật nhiều người như ông Thuyết trong Quốc hội.
(Ha)

Ông đúng là người của dân
Ông là người của dân, vì nhân dân, mong rằng sẽ có nhiều người dũng cảm như ông trong Quốc hội khóa 13 này, dám nói thẳng nói thật, không ngại va chạm... Chúc ông mạnh khỏe!
(Công Lý)

Một ngôi sao sáng trên diễn đàn Quốc hội
Tôi rất khâm phục ông trên diễn đàn Quốc hội khi đưa ra mổ xẻ những vấn đề gai góc mà không ngại va cham, tránh né. Ông thực sự chiếm trọn tình cảm, sự tin yêu của của cử tri. Mong Quốc hội khoá mới sẽ có nhiều người có được phẩm chất đó.
(nguyen hoa)

Tâm và tài
Là một đại biểu Quốc hội đúng như ông Thuyết nói phải đặt chữ tâm lên đầu, dám nói không sợ va chạm. Nếu nói đúng ý dân thì không sợ bất cứ thế lực nào vì sau người đại biểu đó là hàng triệu người dân. Đó là tấm lá chắn vững vàng nhất mà không ô dù nào có thể bằng được. Trong 500 đại biểu Quốc hội chỉ cần 5% trong số đó được như ông Thuyết, ông Cuông thì nước Việt ta khác rồi.
(Ba truong)

ĐBQH ai cũng được như ông
Mỗi kỳ họp Quốc hội, chúng tôi luôn muốn xem những ý kiến đóng góp, chất vấn của đại biểu có thể hiện được tâm tư nguyện vọng của người dân không. Thật mừng là vẫn còn có những người như ông! Chúc ông luôn khỏe mạnh và cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước và nhân dân!
(Đỗ Trọng Tấn
)

No comments:

Post a Comment