Sunday, May 29, 2011

27/05 Yến Linh: ‘Đi bước ngắn nhỏ trên con đường dài’


Chân dung
Thứ sáu, 27/05/2011, 10:18


Bắt đầu viết từ năm 16 tuổi, 17 tuổi ra tập truyện ngắn đầu tiên, 18 tuổi đã tập tành viết tiểu thuyết rồi… để đó, Yến Linh mang đầy đủ những đặc điểm của một người viết trẻ.

22 tuổi, sở hữu 6 đầu sách, Yến Linh là đại biểu dự Hội nghị những người viết văn trẻ TP HCM, chị cũng có tên trong danh sách đề cử dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc sắp tới.
Cứ viết, thời gian sẽ gạn lọc
- “Một phẩy sáu nhân hai” tập truyện ngắn mới nhất của chị vừa được in, có phải Yến Linh muốn có một cái gì đó để chào mừng Hội nghị những người viết văn trẻ TP HCM mà chị có tên trong danh sách đại biểu?
- Ồ không! Tất cả là sự trùng hợp thôi! Tôi gửi bản thảo “Một phẩy sáu nhân hai” đến nhà xuất bản cũng gần một năm. Sau đó, cô Bích Ngân bên nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ tập hợp, tuyển chọn thêm 4 tập bản thảo của các tác giả khác nữa để cùng ra chung một đợt. Cô Bích Ngân đã rất tận tâm khi thực hiện tuyển tập 8X này, để giới thiệu đến bạn đọc những người viết trẻ có tiềm năng. May mắn, tuyển tập 8x ra cùng thời điểm với Hội nghị những người viết văn trẻ TP HCM nên nó được quan tâm hơn thôi.
- Yến Linh của hiện tại khác gì so với cô bé được nhận tặng thưởng dành cho tác giả trẻ tuổi nhất tại cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ 2006 - 2007?
Hồi được giải thưởng báo Văn Nghệ, tôi đang học lớp 12, ngây ngô lắm. Lúc đó, tôi viết phần nhiều để giải tỏa những ẩn ức trong lòng mình, những điều mình không thể nói với ai, nên đôi khi mình trút cả oán giận, cả hằn học lên trang giấy mà không hề hay biết. Thời gian trôi qua, mỗi ngày ý thức mình đã một khác đi rồi. Mỗi năm tôi viết một khác nhau, cách kể câu chuyện và tình cảm trong mỗi trang viết cũng khác nhiều. Bạn bè tôi, có những người đọc và quan sát tôi từ những ngày đầu tiên, nhận xét rằng bây giờ văn tôi đã điềm tĩnh, nhẹ nhàng và “sáng” hơn quãng thời gian trước đó. Tôi cũng thấy Yến Linh bây giờ nhẹ nhàng, thanh thản hơn hồi đó rất nhiều rồi - cả viết và sống.
Tác giả trẻ Yến Linh.
Tác giả trẻ Yến Linh.
- Khi “Một phẩy sáu nhân hai” ra đời, nhiều người mới giật mình bởi Yến Linh đã in tới 6 đầu sách, trong khi chị còn chưa tốt nghiệp Đại học, chị đã hoàn thành số trang bản thảo khá lớn ấy như thế nào?
Suốt 4 năm đại học, tôi dành nhiều thời gian cho việc đọc và viết. Chỉ viết và viết. Lúc đó, xung quanh tôi, bạn bè cùng trang lứa bắt đầu đi làm báo, làm truyền thông, còn tôi vẫn cặm cụi viết mỗi ngày. Trong đầu, lúc nào cũng có những câu chuyện chực chờ hiện lên trang giấy, đến độ, khi ngủ những câu chuyện vẫn chập chờn, khiến tôi hai, ba giờ sáng phải thức dậy, viết ra. Nghĩ lại, tôi thấy mình may mắn vì đã có quãng thời gian không bị chi phối bởi những việc khác, toàn tâm toàn ý để viết.
- Chị từng viết tiểu thuyết từ năm 18 tuổi, bản thảo cuốn tiểu thuyết ấy bây giờ thế nào rồi?
- Đúng là tôi đã hoàn thành một cuốn tiểu thuyết từ cách đây mấy năm, nhưng vì một số lý do, nó đã không thể in được. Tôi vẫn giữ bản thảo cuốn tiểu thuyết đó và chờ đợi. Cho đến nay, đó là bản thảo mà tôi ám ảnh, mệt nhọc nhất.
- Nhiều cây bút tuổi hoa được đánh giá là có tiềm năng nhưng khi thi đại học đã kiếm một ngành học “an toàn” hơn cho tương lai nghề nghiệp. Còn chị vì sao lại chọn học đúng chuyên ngành Văn học?
Thật ra, tôi phải thú nhận là mình khá… dốt (cười). Tôi học không giỏi các môn tự nhiên, và biết sức mình chẳng thể nào thi đậu vào các ngành có… nhiều tiền đâu. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ sau này mình sẽ học Luật, sẽ trở thành luật sư. Nhưng rồi, tự nhiên, đến năm 16-17 tuổi, tôi bắt đầu viết. Tập truyện ngắn đầu tay viết về lứa tuổi mới lớn, tôi đã viết trong hai tuần. Tập sách đầu tay ra đời, khiến tôi nghĩ rằng mình có thể viết văn. Vì vậy, tôi chọn học Văn thay vì sẽ thi Luật, học Luật. Và may mắn, đến lúc này, tôi không hề hối hận vì sự lựa chọn của mình. Học ngành Văn học giúp tôi có hệ thống kiến thức nhất định về văn học, điều đó rất có ý nghĩa đối với quá trình viết.
- Chị nghĩ sao nếu như có ý kiến, “Yến Linh viết nhiều nhưng…”?
- À! Tôi nghe vài bậc đàn anh nhận xét như thế này rồi. Và lúc nào tôi cũng cười tít mắt. Mỗi người có mỗi cách nhìn nhận khác nhau mà. Vả lại, tôi chỉ mới viết vài năm thôi. Thời gian còn dài lắm. Thời gian sẽ gạn lọc, giữ lại những gì nên giữ.
Bảy mươi tuổi vẫn mộng mơ giữa đời
- Đọc truyện của chị, và nếu biết chị mới chỉ 22 tuổi sẽ thấy những câu chuyện, những trải nghiệm của Yến Linh khá… “già” so với tác giả của nó?
- Tôi mới 22 tuổi thôi, nhưng có nhiều trải nghiệm khá thú vị về cuộc sống, về mất mát, chia ly. Từ nhỏ tôi đã theo ba má đi khắp nơi, sinh ở một nơi, lớn lên, rồi đi học ở những nơi khác nhau, khi thì Biên Hòa, khi thì Tây Nguyên, lúc lại Quảng Ngãi. Tôi gặp gỡ, sống trong thế giới của nhiều kiểu người khác nhau. Đến khi tôi viết, những điều ấy trở thành tư liệu cho tôi. Cuộc sống không bình lặng, bắt buộc mình phải già dặn trong ý thức để tồn tại.

Bìa cuốn sách của Yến Linh.
Bìa cuốn sách của Yến Linh.
- Khi bộ sách của 5 tác giả trẻ trong đó có chị được NXB Văn hóa - Văn Nghệ TP HCM cho ra mắt, có nhận định về bộ sách này rằng, nó sa đà vào những chuyện cá nhân, thiếu hơi thở thời đại, chị nghĩ gì trước nhận định đó?
- Tôi không hiểu “hơi thở thời đại” mà người ta đang nói ở đây là gì? Thế hệ chúng tôi sinh ra sau chiến tranh, đa phần sống cuộc sống ở những đô thị lớn. Mà cuộc sống đô thị thì anh biết rồi đó, quần quật cả tuổi trẻ của mình trong những tòa cao ốc, 8 tiếng mỗi ngày, quần quật kiếm tiền. Khi mệt mỏi thì đi du lịch, rồi lại trở về, lao vào cái vòng luẩn quẩn đó. Bế tắc, cô đơn khủng khiếp. Mất đi sự can đảm, dũng cảm lẫn lý tưởng sống. Đời sống công nghiệp, sự bế tắc tinh thần mà chúng tôi đang trải qua không phải là “hơi thở thời đại” sao? Sự bế tắc giữa vòng quay đô thị mỏi mệt này không phải là vấn đề chung của con người sao? Tôi biết, ý kiến khen chê là rất cần thiết với các tác giả trẻ, nhưng chúng tôi chỉ mới đi những đoạn đường rất ngắn thôi, hãy cho chúng tôi thời gian.
- Trong tập truyện ngắn mới nhất của chị, những cái chết diễn ra với mật độ khá dày ở các truyện khác nhau, có thể hiểu đó là một ẩn dụ cho sự bế tắc về tinh thần của những người trẻ hay đó là cách giải quyết tình huống chuyện mà chị “quen tay” sử dụng?
- Hai khía cạnh anh nói đến, có lẽ đều đúng cả. Tôi thường nghĩ về cái chết, bị ám ảnh bởi nó. Có cảm giác mình chỉ cần buông tay thôi là cái chết ập đến liền. Thế hệ chúng tôi, đa phần bị bế tắc trong chính bản thân mình, tự mình nhốt mình. Biết là vậy, mà không thoát ra được, cứ quẩn quanh, lầy lội. Đôi khi nghĩ tiêu cực, chỉ có cái chết mới giải thoát được mình.
- “Một phẩy sáu nhân hai” có lời đề từ “Cho quãng đời đã từng mơ và mộng”, như vậy có thể hiểu quãng đời đó đã… khép lại?
- Cũng có thể quãng đời đó đã khép lại ở khía cạnh nào đó. Hồi hai mươi (nói cái này nghe giống người già đang ngồi ôn chuyện quá, nhưng quả thật là vậy!), tôi mơ mộng nhiều về cuộc đời lắm, cứ nghĩ mình có thể làm thay đổi nhiều thứ, thay đổi nhiều người, cứ nghĩ về tương lai, về cuộc đời mình, tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu...
- Thế còn hiện tại?
- Là đi làm, đọc sách, viết, thực tế hơn, nhìn nhận nhiều mặt của cuộc sống, trải nghiệm nhiều hơn và… vẫn mộng mơ. Cho tới 70 tuổi, tôi chắc chắn rằng tôi vẫn là kẻ đứng một chân ở giữa cuộc đời. Tôi mơ mộng nhiều lắm. Nhưng không phải kiểu mơ mộng… sến mà người ta hay mường tượng về nhà văn, nhà thơ đâu. Sự mộng mơ chông chênh, muốn được thay đổi mình mỗi ngày, muốn được giải thoát. Bây giờ, có đêm tôi vẫn nằm nhắm mắt và mơ mình thành cá, thành chim, bơi và bay đấy!
- Nhiều người viết trẻ thầm ghen tị trước những ưu ái của giới văn chương TP HCM dành cho lực lượng viết trẻ. Được nằm trong cái nôi ưu ái ấy, chị có cho đó là một may mắn?
- Quả thật, tôi rất vui khi được tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ TP HCM lần này. Tôi chắc nhiều bạn viết bằng tuổi tôi, như tôi bây giờ cũng có chung cảm nhận như mình. Lâu nay, dường như “người ta” rất ít chú ý đến những người viết trẻ chưa có “danh” như chúng tôi. Bây giờ thì khác rất nhiều rồi, Hội nghị những người viết văn trẻ TP HCM đã mở ra nhiều cơ hội cho những bạn mới tập tành viết, đang đi những bước ngắn và nhỏ trên con đường văn chương rất dài.
- “Những người sống bằng ký ức thì không thể thực sự sống”, chị đã viết như thế trong truyện ngắn “Phù vân”. Nghe có vẻ như một lời tự vấn?
- Tôi có một đoạn ký ức khá buồn, và suốt một quãng thời gian dài, tôi cứ hay nghĩ về nó, đến mức ám ảnh. Có giai đoạn suốt nửa năm tôi không ngủ được, phải dùng thuốc an thần. Tôi nhốt mình trong những ký ức buồn bã, trong dằn vặt, trong oán giận. Cứ chìm đắm trong ký ức đó, thì làm sao mà sống cho trọn vẹn được? Thành ra cứ vật vờ, như đang trôi lờ đờ, không kiểm soát được mình. Bây giờ thì khác rồi, tôi không nghĩ nhiều về ký ức hay về tương lai nữa, tôi biết rằng tôi chỉ có hiện tại này, phút giây này thôi. Và phải căng hết các giác quan ra, đón nhận nó. Có điều, sống như vậy thì khá… bản năng và đi ngược với số đông, phải không? (Cười)  
- Bạn đọc có thể hình dung thế nào về con đường văn chương phía trước của Yến Linh?
- Trời ơi! Tôi còn chưa mường tượng được trong đầu rằng mình sẽ đi về đâu, như thế nào, thì tôi biết chia sẻ gì với bạn đọc? Những chuyện thuộc về tương lai, mình không bao giờ nói trước được. Nhất là chuyện viết. Có thể mình đặt ra kế hoạch nhưng rồi bỗng dưng ngày mai, mình không viết được bất cứ chữ nào. Cứ để mọi chuyện tự nhiên đến thôi. Tôi nhận ra, tôi đang thiếu vốn sống, nên điều tôi cần nhất bây giờ là thực sống, là quăng quật với cuộc đời này. Sống cho đủ đầy, trọn vẹn.
Yến Linh sinh ngày 26/11/1989 tại Biên Hoà, Đồng Nai. Hiện gia đình chị sống tại Quảng Ngãi. Yến Linh là sinh viên năm cuối Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Các tập sách đã xuất bản:Dù thế nàoAdam cũng sinh trước Eva (2006), Mọi người đều đặc biệt (2007), Tôi vẫn chỉ là con nít (2008), Ngày thôi không chờ đợi(2008), Nụ cười hồn nhiên (2010) và Một phẩy sáu nhân hai(2011).
Yến Linh đã được Tặng thưởng dành cho tác giả trẻ trong cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ (2006 - 2007); năm 2010 chị cũng đã đoạt Giải nhì cuộc thi truyện ngắn “Tuổi thanh xuân” của Tập san Áo Trắng.
  Dương Tử Thành thực hiện
Ý kiến của bạn
Tên :
E-mail :
Tiêu đề :
 Đề nghị gõ tiếng Việt có dấuOff Telex VNI VIQR 
Các bài khác:

No comments:

Post a Comment