Sunday, May 29, 2011

21/05 Những phẩm chất của ứng viên được cử tri đánh giá cao


Thứ bảy, 21/5/2011, 10:43 GMT+7

"Phẩm chất nào là cần nhất của đại biểu Quốc hội, HĐND?" là câu hỏi mà VnExpress đặt ra với cử tri nhiều tỉnh, thành trước giờ bỏ phiếu. Nhiều cử tri cho biết, sẽ ưu tiên chọn những người dũng cảm, dám đấu tranh.
Đường phố rực rỡ trước ngày bầu cử Quốc hội'Ngại va chạm thì đừng ứng cử vào Quốc hội'

Ông Tăng Văn Ri. Ảnh: T.L.
Ông Tăng Văn Ri. Ảnh:T.L.
Ông Tăng Văn Ri (huyện Bình Chánh, TP HCM): "Chọn người dũng cảm đấu tranh vì quyền lợi của dân".
Phẩm chất quan trọng khi lựa chọn ứng viên đó là dám nói dám làm và dũng cảm đấu tranh. Tôi hy vọng các ứng viên khi đắc cử sẽ mạnh dạn nói lên tiếng nói cử tri. Những ứng viên ngại va chạm, sợ thiệt bản thân tôi không bao giờ bỏ phiếu cho họ. Trong các kỳ họp, đại biểu phải phát biểu nhiều, không thể ngồi im lặng gật gù theo kiểu ba phải, tát nước theo mưa.
Để biết các ứng viên có mạnh dạn đấu tranh, dám nói dám làm vì quyền lợi của người dân thì phải theo dõi quá trình công tác trước đây của họ. Tôi tin lá phiếu tôi chọn không nhầm người.
Một phẩm chất khác tôi lấy làm căn cứ để chọn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố là ứng cử viên đó phải có tài và đức. Không chỉ có tài về lĩnh vực chuyên môn mà còn có tài về khả năng quản lý và tầm nhìn xã hội sâu sắc. Trở thành đại biểu của dân phải là người hiểu sâu biết rộng, có tư duy mạnh lạc hoạch định chiến lược sắc sảo.
Bà Vũ Thị Loan. Ảnh: T.L.
Bà Vũ Thị Loan. Ảnh: T.L.
Bà Vũ Thị Loan (quận Bình Thạnh, TP HCM): "Tôi chọn người có tâm thương dân".
Phẩm chất tôi đặt lên hàng đầu là ứng viên phải có tâm, biết thương dân. Qua nhiều năm đi bầu cử, tôi thấy rằng đứng trước cử tri các ứng viên nói hay lắm, nào là lắng nghe ý kiến nhân dân, hứa sẽ sâu sát trong dân và gần dân. Nhưng khi đắc cử, cử tri bức xúc về một vấn đề gì đó thì không thấy họ đâu. Biết thương dân tức là phải đấu tranh vì quyền lợi của dân, đau với nỗi đau của dân và đấu tranh đến khi đạt được kết quả trước bức xúc của dân.
Đại biểu phải đặt mình vào hoàn cảnh của dân để suy nghĩ mới hiểu được nỗi khổ. Đường phố ngập lụt mà anh ngồi trên ôtô không lội xuống nước thì làm sao hiểu được dân khổ như thế nào và mong muốn điều gì? Nơi tôi đang cư trú (phường 12, quận Bình Thạnh) có nhiều tuyến đường thường xuyên kẹt xe, ngập nước, các ứng viên khi đắc cử phải kiến nghị lên thành phố có giải pháp khắc phục tình trạng này để dân bớt khổ.
Bà Nguyễn Hồng Thuyên. Ảnh: T.L.
Bà Nguyễn Hồng Thuyên. Ảnh: T.L.
Bà Nguyễn Hồng Thuyên (quận Bình Thạnh, TP HCM): "Tôi thích đại biểu thẳng thắn".
Trong các kỳ đại hội, nhiều vấn đề bức xúc của người dân không được đại biểu đả động đến. Họ sợ va chạm, mất cơ hội thăng tiến. Tiếp xúc cử tri, các ứng viên hứa nhiều lắm, nhưng ứng viên có dám chịu trách nhiệm trước lời hứa hay lại quên ngay sau khi đắc cử?
Tôi thích đại biểu thẳng thắn, không giả dối, dám đấu tranh trước những bức xúc của cử tri. Những vấn đề thành phố chưa giải quyết được, chậm tiến độ gây khó khăn cho dân, là đại biểu đại diện cho nhân dân, anh phải thay chúng tôi nói, chúng tôi không đứng trên nghị trường để mà nói được.
Ảnh: H.K.
Luật sư Nguyễn Trọng Điệp. Ảnh: H.K.
Luật sư Nguyễn Trọng Điệp (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Nghệ An): "Đại biểu phải có tiếng nói nhiều hơn trong các dự án luật".
Phẩm chất của một đại biểu Quốc hội bên cạnh những yếu tố như đủ đức, đủ tài còn phải là người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân. Thực tế có nhiều đại biểu được nhân dân kỳ vọng, nhưng sau khi trúng cử hầu như không thể hiện được nhiều và bị mất hút. Vì vậy, người dân rất cần những đại biểu dám đứng lên nói thẳng, nói thật, có khả năng hùng biện, thuyết phục nhân dân và tuyệt đối phải bảo vệ quyền lợi cho nhân dân, dân tộc.
Bản thân tôi nói riêng và giới luật sư nói chung mong muốn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp cần quan tâm nhiều hơn nữa đến hệ thống văn bản pháp luật của đất nước, thực hiện cải cách tư pháp, nâng cao tranh tụng tại các phiên tòa; tạo điều kiện cho luật sư trong các hoạt động hành nghề một cách kịp thời.
Một số văn bản pháp luật hiện chưa theo kịp với sự phát triển kinh tế xã hội vì vậy các đại biểu phải có tiếng nói nhiều hơn trong việc hoàn thiện các dự luật.
Ảnh: H.K.
Ông Nguyễn Hữu Thuông. Ảnh: H.K.
Ông Nguyễn Hữu Thuông (Nghi Lộc, Nghệ An): "Chọn đại biểu gần dân".
So với trước đây, việc tiếp xúc cử tri và các phương pháp vận động bầu cử của ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND diễn ra thuận lợi, dân chủ và mang nhiều nét mới. Vì vậy, toàn thể nhân dân hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình được những đại biểu ưu tú.
Thực tế sau rất nhiều lần bầu cử, có hiện tượng đại biểu trúng cử bắt đầu xa dân, không thực hiện lời hứa với cử tri, thậm chí nhiều người không hoàn thành trách nhiệm của một đại biểu trúng cử. Tôi cũng như nhiều cử tri mong muốn người trúng cử thực sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân.
Khảo sát được thực hiện trong một tháng, từ cuối tháng 3.
Khảo sát được trên VnExpress.
Bà Phạm Hồng Sim, cử tri phường Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội): "Mong đại biểu nói ít làm nhiều".
Bầu đại biểu Quốc hội là thể hiện sự ủy nhiệm của dân. Do đó, các đại biểu phải có trách nhiệm với dân hơn nữa, đặc biệt là quan tâm đến những nguyện vọng mà dân gửi gắm. Các vấn nạn tham nhũng, lãng phí... trong cơ quan hành chính còn nhiều.
Tôi mong mỏi các ứng viên hãy biết lắng nghe ý kiến dân, nói ít làm nhiều và dũng cảm đề xuất những kiến nghị mà dân bức xúc. Đặc biệt là đề xuất những giải pháp tích cực có liên quan đến lợi ích của nhân dân, xứng đáng là đại biểu được nhân dân tín nhiệm, gửi gắm.
Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND vào cùng một ngày. Cả nước có hơn 91.000 khu vực bỏ phiếu. Cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội (từ 827 ứng viên); hơn 3.200 đại biểu HĐND cấp tỉnh, thành phố, hơn 21.000 đại biểu cấp huyện và hơn 280.000 đại biểu cấp xã.
Do đặc thù, một số nơi đã tổ chức bầu cử sớm như huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), huyện Mường Tè (Lai Châu), vùng biển DK1, một số xã miền núi ở Quảng Bình, Quảng Nam. Tổng kinh phí dành cho bầu cử trên 700 tỷ đồng.
Nhóm phóng viên
Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND 2011-2016 (24/05)
Một tổ bầu cử ở Hà Nội phải tổ chức bầu lại HĐND (24/05)
Kiểm phiếu bầu cử ngay trong đêm 22/5 (23/05)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện quyền công dân (22/05)
Ký ức ngày tổng tuyển cử đầu tiên (22/05)
Hơn 60 triệu cử tri đi bầu cử (22/05)

No comments:

Post a Comment