Sunday, May 29, 2011

25/05 Nhập khẩu và xuất khẩu văn học


Đời sống văn nghệ
Thứ tư, 25/05/2011, 11:28


Chính việc "chưa mở cửa" cho tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài khiến các nhà văn Việt Nam và giới xuất bản Việt Nam chịu rất nhiều thiệt thòi cả về kinh tế, tinh thần và vị thế trên thị trường xuất bản quốc tế.

Nhân "Hội nghị các nhà văn trẻ TP HCM" lần 3 diễn ra vào ngày 27-28/5, dịch giả Nguyễn Lệ Chi chia sẻ với eVan.VnExpress.net bài tham luận của chị tại hội nghị.
Có lẽ chưa bao giờ những người làm công tác dịch thuật, đặc biệt là những dịch giả trẻ lại thấy được an ủi như trong Hội nghị các nhà văn trẻ TP lần này, bởi việc mời tham dự và đọc lên những suy nghĩ của mình (dẫu vậy số lượng đại biểu làm công tác dịch thuật được mời vẫn rất ít ỏi, vỏn vẹn có 2 người).
Tại sao vậy? Phải chăng những người làm công tác dịch thuật không thuyết phục được những người sáng tác rằng họ cũng đồng hành song song cùng các nhà văn, cũng tích cực lao động và làm việc trí óc không thua kém? Hay lượng công việc của các dịch giả vẫn quá ít ỏi trong thị trường xuất bản ở nước ta suốt nhiều năm qua cũng như hiện nay? Câu trả lời tất nhiên là: Không. Tuy nhiên, tôi - một người cũng làm công tác dịch thuật - chỉ xin được nhắc tới một chức năng nhỏ mà các tác phẩm dịch đã, đang và vẫn tiếp tục làm được: đó là: Quảng bá văn học - ở cả hai chiều nhập khẩu và xuất khẩu.
1. Thổi nền văn học nước ngoài vào nội địa (nhập khẩu):
Hãy cùng điểm lại số lượng các tác phẩm nước ngoài được mua bản quyền, dịch và xuất bản ra tiếng Việt ở nước ta từ khi Việt Nam ký Công ước Berne về việc tôn trọng bản quyền tác giả, trong đó, số lượng tác phẩm văn học dịch phải chiếm tới 50%. Dĩ nhiên con số này còn nhiều hơn nữa khi nước ta chưa ký công ước Berne và thả sức khai thác khi không bị bất cứ ràng buộc và hạn chế nào.
2/3 công việc của các công ty xuất bản tư nhân và ít nhất là trên 1/2 đầu sách xuất bản của các NXB lớn cũng đều là tác phẩm văn học dịch, trong đó tác phẩm văn học dịch nước ngoài vẫn luôn chiếm ưu thế áp đảo.
Bên cạnh việc góp phần to lớn vào việc đảm bảo đủ nguồn sách xuất bản hàng năm, đáp ứng đủ nhu cầu của độc giả trong nước, các tác phẩm văn học dịch còn góp một phần to lớn vào việc giới thiệu nền văn hóa của các nước bạn với độc giả Việt Nam. Nhờ đó, người đọc Việt Nam mới hiểu được một cách cặn kẽ và cụ thể từng dòng sách văn học như: dòng văn học Ling Lei (Trung Quốc), dòng văn học fantasy (Mỹ), dòng văn họcchicklit (Mỹ, Anh)... Việc giới thiệu rất nhiều tác phẩm văn học dịch nước ngoài suốt nhiều năm qua khiến chúng ta đã xóa bỏ được khoảng cách với thị trường xuất bản thế giới. Phần lớn các tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng đều được dịch và phát hành nhanh chóng sau bản sách gốc chỉ vài tháng, thậm chí còn tiến hành phát hành song song như các seriesHarry Potter (tác giả Anh J.K. Rowling), Percy Jackson (tác giả Mỹ Rick Riordan), series truyện về ma cà rồng như Chạng vạng, Trăng non, Nhật thực, Hừng đông (tác giả Mỹ Stephenie Meyer)... được đông đảo bạn đọc nước ta đón nhận nồng nhiệt và rất yêu thích.
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Việc phát triển mạnh mẽ về số lượng tác phẩm văn học dịch nước ngoài không chỉ rút ngắn về mặt thời gian, kịp thời và nhanh chóng đưa tới cho khách hàng (bạn đọc) những sản phẩm mới nhất, nổi tiếng nhất, được đảm bảo về mặt chất lượng mang tính quốc tế, đồng thời còn thúc đẩy tính kích thích giải trí trong đời sống tiêu dùng của dân chúng. Điều này khiến các nhu cầu giải trí trong văn hóa đọc của người Việt Nam cũng phát triển hơn, được đòi hỏi đa dạng hơn và vô hình chung gắng đi nhanh, đi kịp với thị trường và nhu cầu giải trí, nhu cầu thưởng thức của văn hóa đọc quốc tế. Như vậy tác phẩm văn học dịch nước ngoài vô hình trung đã mang tính xã hội hóa và tính quốc tế hóa rất cao.
Bên cạnh những câu chuyện, những nhân vật tưởng tượng trong các tác phẩm văn học dịch, bạn đọc còn có thể mường tượng được phần nào về bối cảnh xã hội chung, con người hiện đại và cuộc sống xã hội của họ nói chung, và vài nét văn hóa, địa lý... của nước xuất bản tác phẩm đó. Điều này đặc biệt được thể hiện rất phong phú ở những tiểu thuyết đương đại nước ngoài được viết theo lối tả thực truyền thống, dẫu bút pháp có châm biếm hoặc đả kích. Chẳng hạn tiểu thuyết Tôi là Lưu Nhảy Vọt, Điện thoại di động của nhà văn Trung Quốc Lưu Chấn Vân đã khắc họa được bức tranh xã hội hiện đại ở nước này dưới ngòi bút hài hước châm biếm. Trong đó con người hiện đại chạy theo những sản phẩm hiện đại như điện thoại di động... để rồi phụ thuộc vào chúng và trở thành nạn nhân của chúng cùng bao hệ lụy lúc nào không hay. Những mối quan hệ ràng buộc và tác động lẫn nhau trong xã hội dù vô tình hay hữu ý cũng được tác giả miêu tả rất khéo léo và sinh động. Hoặc qua các tác phẩm văn học của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn, chúng ta có thể hiểu được phần nào con người, cuộc sống và đặc trưng nổi bật ở vùng đất Cao Mật quê hương ông... Vì vậy bên cạnh tính giải trí, xã hội hóa, tác phẩm văn học dịch còn mang tính tả thực, tra cứu, thậm chí mang tính quảng bá du lịch cũng như đất nước và con người.
Bên cạnh đó, xét về mặt chuyên môn, các tác phẩm văn học dịch được giới thiệu thường xuyên và đầy đủ sẽ cung cấp cho các nhà chuyên môn (nhà văn, nhà phê bình văn học, các độc giả trí thức...) những cái nhìn khái quát về từng dòng văn học cùng những đặc điểm rõ nét của chúng. Không có gì thực tế hơn việc tìm hiểu từng dòng văn học qua chính những tác phẩm thuộc dòng này. Việc được thưởng thức nhiều tác phẩm của cùng một tác giả cũng giúp chúng ta có được một cái nhìn toàn diện, tổng quát và không phiến diện về phong cách sáng tác cũng như văn phong của từng tác giả. Không thể phủ nhận rằng thông qua chính các tác phẩm văn học dịch nước ngoài, các tác giả Việt Nam, đặc biệt là các tác giả trẻ sẽ có được một nguồn tham khảo vô tận về việc học hỏi cách kết cấu tác phẩm, cách phát triển đề tài và tiếp cận tới từng dòng văn học, từ đó có thể tìm được cho mình một con đường sáng tác chính xác mà mình muốn đi theo và cảm thấy phù hợp với khả năng của mình.
2. Truyền bá văn học Việt Nam ra quốc tế (xuất khẩu):
Tuy không thể so sánh với số lượng, cũng như đề tài và thể loại của tác phẩm văn học dịch nước ngoài đã và đang được xuất bản ra tiếng Việt ở nước ta, song các tác phẩm văn học Việt Nam cũng dần dần được dịch ra tiếng nước ngoài và xuất bản, phát hành ra thị trường văn hóa đọc quốc tế với số lượng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Việc xuất khẩu các tác phẩm văn học Việt Nam này từ trước tới nay vẫn chưa có một lộ trình chính thức chuyên nghiệp và một kế hoạch cụ thể, dài hơi 5 năm, 10 năm, 20 năm... cũng như chưa có một hoạch định cụ thể từ phía các cơ quan chức năng nhằm quảng bá văn học Việt Nam đúng lúc, đúng chỗ, đúng người, đúng thời điểm.
Việc dịch các tác phẩm văn học Việt ra các ngôn ngữ khác trước đây phần lớn chỉ được thực hiện một cách đơn lẻ, mang tính chủ quan vì quen biết, vì mối quan hệ cá nhân với các nhà xuất bản nước ngoài hoặc vì sự yêu thích của các dịch giả đối với bản thân tác phẩm hoặc với tác giả viết nên tác phẩm đó. Một NXB lớn và hoạt động lâu năm như NXB Trẻ mà mới đầu năm vừa qua cũng lần đầu phát hành bản dịch tiếng Anh cho cuốnVừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (tác giả Nguyễn Ngọc Thuần). Buồn thay đây lại được coi là cuộc thử nghiệm đầu tiên của một NXB "nội" trong chặng đường mò mẫm dò đường xuất khẩu "văn học Việt Nam" ra nước ngoài.
Bìa phiên bản tiếng Anh của cuốn 'Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ'.
Bìa phiên bản tiếng Anh của cuốn "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ".
Tôi từng có cơ hội được làm việc nhiều với giới xuất bản Trung Quốc nhưng rất buồn khi không một NXB nào của nước bạn hay biết bất kỳ thông tin về tác phẩm văn học nào của Việt Nam cũng như bất kỳ tên tuổi một nhà văn Việt Nam nào. Tại sao lại như vậy? Câu trả lời từ phía bạn rất đơn giản: Không có NXB hoặc đơn vị xuất bản nào của Việt Nam chào mời tác phẩm văn học Việt Nam, không có lấy một nội dung tóm tắt bằng tiếng Hoa hoặc tiếng Anh về các nhà văn và tác phẩm văn học đương đại Việt Nam. Trong khi đó số lượng các tác phẩm văn học Việt Nam đã được các NXB phương Tây dịch và xuất bản cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay và không được quảng bá rộng rãi trên một trang web hoặc bất kỳ phương tiện truyền thông chính thống nào để giới xuất bản nước ngoài tham khảo và so sánh khi cần tìm hiểu.
Điều này tạo nên một rào cản quá lớn trong việc tìm hiểu bức tranh xuất bản văn học Việt Nam nói riêng và bức tranh toàn cảnh về xuất bản Việt Nam nói chung. Vì vậy khi một đơn vị xuất bản nào của phía Trung Quốc muốn tìm hiểu và lựa chọn tác phẩm văn học Việt Nam để hỏi mua bản quyền và dịch ra tiếng nước họ, họ không biết căn cứ vào đâu và công cuộc tìm kiếm này chẳng khác nào "mò kim đáy biển". Bởi nếu chỉ trông cậy vào sự thẩm định của dịch giả biết tiếng Việt nhưng thiếu vốn kiến thức chung về văn học Việt Nam cũng khó có thể tiến cử ra nhà văn Việt Nam cũng như tác phẩm văn học Việt Nam xứng đáng để giới thiệu. Trong khi trên thị trường xuất bản ở Trung Quốc luôn đầy kín tác phẩm văn học dịch mới nhất của rất nhiều nước như Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Hàn, Thái... được dịch ra tiếng Hoa.
Chính vì việc "chưa mở cửa" cho tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài này, khiến các nhà văn Việt Nam và giới xuất bản Việt Nam chịu rất nhiều thiệt thòi cả về kinh tế, tinh thần và vị thế trên thị trường xuất bản quốc tế. Bên cạnh việc các độc giả nước ngoài không có cơ hội tiếp cận tới văn chương Việt Nam, hoàn toàn mờ mịt kiến thức về đất nước, con người, văn hóa, du lịch, lịch sử... Việt Nam mà lẽ ra họ có thể tiếp cận được qua những trang sách; việc thiếu hụt hoàn toàn tác phẩm văn học Việt Nam trên thị trường xuất bản quốc tế vô hình trung đã khiến giới xuất bản nhiều nước cứ ngỡ rằng văn chương Việt là một khoảng trắng không đáng nói, không đáng để chính giới xuất bản Việt Nam giới thiệu ra bên ngoài. Con đường tìm tới dân tộc Việt Nam để làm quen, kết bạn hoặc thậm chí để đầu tư, tìm kiếm các cơ hội hợp tác... qua đó cũng gián tiếp bị hẹp lại. Đó là chưa kể thiếu hụt một lượng lớn vốn phải có của các tác phẩm văn học Việt trên thị trường xuất bản quốc tế sẽ tạo nên một khoảng trống lớn, khiến văn học của nhiều nước được dịp nhảy vào lấp chỗ và cạnh tranh. Tự mình đánh mất cơ hội để thể hiện mình (thể hiện cả nền văn hóa, lịch sử của cả một dân tộc) thông qua các trang sách văn học Việt là một việc làm vô cùng đáng tiếc và đáng trách.
Đã tới lúc giới xuất bản Việt Nam và các cơ quan chức năng cần dành nhiều thời gian quan tâm tới việc xuất khẩu tác phẩm văn học Việt Nam. Việc quảng bá văn học Việt ra nước ngoài cần có một lộ trình dài và cẩn thận, cần tập hợp được một đội ngũ các dịch giả giỏi và chuyên tâm với nghề, hoạt động dưới một Quỹ quảng bá văn học Việt hoặc một Quỹ dịch thuật chuyên nghiệp để họ yên tâm làm việc trong khi đã đảm bảo được về đời sống kinh tế cho gia đình. Hình ảnh về con người, văn hóa, đất nước, lịch sử Việt Nam có được truyền bá một cách đầy đủ, phong phú, sinh động và giàu sức thuyết phục hay không bên cạnh nhờ vào văn phong tài hoa, khéo léo của các nhà văn Việt Nam cũng còn phải nhờ vào khả năng chuyển ngữ chính xác, tinh tường và sinh động của đội ngũ dịch giả.
Đã tới lúc giới xuất bản Việt Nam và các cơ quan chức năng cần dành nhiều thời gian quan tâm tới việc xuất khẩu tác phẩm văn học Việt Nam. Việc quảng bá văn học Việt ra nước ngoài cần có một lộ trình dài và kĩ lưỡng, cần tập hợp được một đội ngũ các dịch giả giỏi và chuyên tâm với nghề, hoạt động dưới một Quỹ quảng bá văn học Việt hoặc một Quỹ dịch thuật chuyên nghiệp để họ yên tâm làm việc trong khi đã đảm bảo được về đời sống kinh tế cho gia đình. Hình ảnh về con người, văn hóa, đất nước, lịch sử Việt Nam có được truyền bá một cách đầy đủ, phong phú, sinh động và giàu sức thuyết phục hay không bên cạnh nhờ vào văn phong tài hoa, khéo léo của các nhà văn Việt Nam cũng còn phải nhờ vào khả năng chuyển ngữ chính xác, tinh tường và sinh động của đội ngũ dịch giả.
Hãy quan tâm đúng mức tới văn chương Việt. Hãy để người Việt được ngẩng cao đầu cùng văn chương Việt, để bạn bè quốc tế biết tới dân tộc và đất nước Việt Nam qua các tác phẩm văn học Việt. Giành lại vị thế cho văn chương Việt trên trường quốc tế là một đòi hỏi không hề quá cao và ngoài tầm với. Nó không chỉ đơn thuần chỉ mang tính chất giải trí, là bài toán kinh tế, giành lại thị phần xuất bản... mà nhiều khi còn chính là con đường tìm lại và khẳng định sự tự tôn và niềm tự hào dân tộc, xác lập vị thế và chỗ đứng vững chắc của người Việt trên trường quốc tế. Đã tới lúc chúng ta không thể xem thường giá trị và chức năng to lớn của việc: Quảng bá văn học qua các tác phẩm dịch.
TP HCM, ngày 24/5
Ý kiến của bạn
Tên :
E-mail :
Tiêu đề :
 Đề nghị gõ tiếng Việt có dấuOff Telex VNI VIQR 
Các bài khác:

No comments:

Post a Comment