Sunday, May 29, 2011

28/05 Cuộc đua vào lớp 1 trường điểm


Thứ bảy, 28/5/2011, 15:06 GMT+7

Tìm thầy luyện thi vào lớp 1, rèn tư duy, tiếng Anh để con có thể thi tốt, nhiều ông bố, bà mẹ ở Hà Nội đã mất ăn, mất ngủ lo con không đỗ khi biết tỷ lệ chọi vào trường dân lập Đoàn Thị Điểm là 1/3.

*Clip: Các bé chạy đua vào lớp 1

Là trường nổi tiếng ở Hà Nội về chất lượng đào tạo, được ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia) bảo trợ, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 của trường tiểu học Đoàn Thị Điểm chỉ 400, nhưng hồ sơ đăng ký lên đến hơn 1.300. Sáng 28/5 trường đã tổ chức kiểm tra đầu vào cho các bé.

Do số trẻ đăng ký quá lớn, trường phải tổ chức 3 đợt kiểm tra, đợt 1 lúc 7h, đợt 2 lúc 8h30 và đợt 3 lúc 10h. Sân trường phân chia khu vực dành cho phụ huynh, cho trẻ chuẩn bị vào phòng thi và khu vực trả thí sinh. Giống như kỳ thi đại học, các khâu đều có giám thị hướng dẫn và giám sát. Trẻ không được mang bất cứ thứ gì vào phòng, tất cả đồ dùng sẽ được phát sau khi nhận thẻ dự kiểm tra.

Từ sáng sớm, các thí sinh nhí với váy áo đẹp đẽ được người thân đưa đi, dặn dò trước khi vào phòng thi. Có em được cả bố mẹ, chị gái đi cùng cổ vũ. Gương mặt trẻ thơ ngơ ngác vì lần đầu được dự tuyển, cũng có em cười đùa thích thú khi được đeo thẻ trên ngực. Một số cô cậu khóc nhè, nhất định không vào phòng thi vì không nhìn thấy mẹ. Các giám thị phải dỗ dành, đưa bé ra gặp phụ huynh rồi nhẹ nhàng thuyết phục em trở lại phòng.

Từ sáng sớm, hàng nghìn phụ huynh đã đưa con đến trường để tham dự buổi kiểm tra đầu vào lớp 1 trường Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Hoàng Thùy.
Đợi cháu ở bên ngoài, bà Nguyễn Thị Hải Đường (CT1 sông Đà, Mỹ Đình) hết ngóng vào phòng thi lại quay sang nói chuyện ôn luyện với những người bên cạnh. Bà cho biết, chỉ cầu mong cháu bình tĩnh, tự tin làm bài thật tốt, đủ điểm vào học Đoàn Thị Điểm. "Tôi có đứa cháu từng học ở đây, giờ đã kiếm được học bổng du học nên đến đứa em này cũng cho thi vào, hy vọng sẽ được như chị nó", bà nói.
Theo bà Đường, cô cháu gái trước khi thi vào lớp 1 đã tham gia câu lạc bộ tuổi thơ để ôn luyện. Ở nhà, gia đình thay nhau kiểm tra bài để cháu làm quen với những hình vẽ và câu hỏi mang tính tư duy sáng tạo. Nhiều câu trắc nghiệm IQ khó bà không giải được, phải nhờ đến anh chị của cháu. "Ngoài Đoàn Thị Điểm, chúng tôi còn đăng ký cho cháu thi thêm tiểu học Lê Quý Đôn và Lomonoxop để không đỗ trường này còn có trường khác, may mắn đỗ cả ba thì chọn trường tốt nhất", bà Đường chia sẻ.

Chọn tiểu học Đoàn Thị Điểm cho con vì gần nhà, anh Phạm Tuấn Nam (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, trước khi con gái đi kiểm tra đầu vào lớp 1, cả gia đình anh đã mất ăn mất ngủ đến nửa tháng. Cho bé đi ôn thi rồi vẫn chưa yên tâm, về nhà hai vợ chồng anh lại tìm mua thêm sách IQ, truyện tranh để dạy cháu.

"Có hôm đi làm về mệt, nhưng nghĩ đến kỳ thi của con vợ chồng tôi lại cố ngồi dạy thêm cho cháu. Những kiến thức này phải học nhiều, làm nhiều thì trẻ mới quen và nhớ cách làm", anh Nam nói. Sợ con không đỗ, anh Nam đã dự phòng cho con gái dự tuyển vào 2 trường tiểu học khu vực Cầu Giấy. Anh tâm sự: "Chưa đi học đã phải thi. Mà các con thi cũng chẳng kém mình thi đại học ngày xưa".

Các thí sinh nhí được tham dự kỳ kiểm tra gay cấn như thi đại học. Ảnh: Hoàng Thùy.
Đưa con từ khu đô thị Pháp Vân lên dự kiểm tra, anh Đặng Tiến Dũng cho biết, hai bố con anh phải dậy từ năm giờ sáng. "Cháu kiểm tra đợt đầu tiên, phải vào phòng thi lúc 7h nên chúng tôi đi sớm, chẳng kịp ăn sáng", anh nói. Anh Dũng cho hay, anh và một gia đình hàng xóm rất thích cách thi tuyển của trường Đoàn Thị Điểm nên cho con thi như một cách giúp bé cọ xát với môi trường tri thức.

Nhưng không giống các thí sinh, bé Đặng Nam Anh (con trai anh) và cháu Nguyễn Minh Nhật (nhà bên cạnh) không học các lớp luyện thi. Hai gia đình cùng nhau tìm hiểu đề thi các năm trước của trường, hướng dẫn cháu cùng học. Hai nhà phân chia nhau dạy, hướng dẫn trẻ tự học trên truyền hình. "Đề thi khó, nhưng nếu các cháu được làm nhiều thì sẽ quen vì nó phù hợp với tư duy của trẻ", anh Dũng nói.

Giải thích về hình thức tuyển sinh vào lớp 1, Hiệu trưởng tiểu học Đoàn Thị Điểm, bà Nguyễn Thị Hiền cho hay, do số lượng đăng ký đông nên nhà trường mới tổ chức kiểm tra kiến thức, tư duy của trẻ để đảm bảo việc tuyển sinh được công bằng. "Nếu chỉ có 300-400 hồ sơ đăng ký thì chúng tôi sẽ nhận tất cả mà không phải tổ chức kiểm tra. Mọi trẻ 6 tuổi đều có thể đào tạo thành những học sinh giỏi mà không cần qua dự tuyển", bà Hiền nói.

Trước phản ứng của nhiều phụ huynh cho rằng đề thi vào lớp 1 của trường khó, đến thạc sĩ còn nhăn nhó, bà Hiền khẳng định: "Trường chỉ đi sau Bộ GD&ĐT. Trước đó hình thức thi tuyển đầu vào của học sinh thuộc dự án tăng cường tiếng Pháp của Bộ cũng phải trải qua kỳ thi với đề bài tương tự. Trường Đoàn Thị Điểm chỉ học tập, đi theo".
Hoàng Thùy


Ý kiến bạn đọc ()Sắp xếp theo: 
Số lượng ảo
Tôi nghĩ trong 1.300 hồ sơ dự thi thì có khoảng 300-400 là có nhu cầu muốn cho con vào học thật. Còn lại đa số là thi thử cho biết không khí mà thôi.
(Ngoc Anh)

Đừng bắt tội trẻ thơ
Trẻ con kể cả đi học lớp 5 vẫn chưa cần thiết phải đầu tư như thế này. Xét lại từ trước đến giờ, bao nhiêu ông lãnh đạo hoặc giám đốc các công ty được học ở các trường điểm, mà họ vẫn làm việc, điều hành tốt đấy thôi. Nên đừng bắt tội trẻ con, hãy cho các cháu được vui chơi theo lứa tuổi thần tiên của mình. Tham vọng của bố mẹ không thể bắt trẻ con tham gia được đâu.
(Vinh Nguyen)

Thương cho các cháu, buồn cho giáo dục nước nhà
Ở nước ngoài, trẻ trước khi vào lớp 1 chủ yếu được giáo dục và làm quen với môi trường của cộng đồng, tham gia các hoạt động vui chơi tập thể với các bạn cùng lớp, tìm hiểu thiên nhiên thú vật môi trường sống chung quanh... Tuổi của các cháu là tuổi vui chơi không phải là lúc để nhồi nhét kiến thức.
Khi con bạn 4 tuổi +, nếu bạn xem các tạp chí cộng đồng của thành phố nơi bạn ở, bạn sẽ thấy rất nhiều hoạt động mà con bạn có thể tham gia: các hoạt động thể thao như đá bóng, bơi lội, trượt tuyết, tập võ..., các lớp học âm nhạc, các buổi đọc truyện cho trẻ nhỏ... Nếu bạn có thời gian thì đây là lúc để bạn khám phá khả năng đặc biệt nhất của con bạn bằng cách cho thử tất cả hoạt động có thể (học thử không mất tiền.
Ở nước mình, cái tật học vẹt, học tủ đã được nhồi nhét vào đầu các cháu từ khi chưa vào lớp 1. Thật tội cho các cháu. Nếu trường nào cũng giống trường nào, ở khu nào học khu đó thì bố mẹ các cháu sẽ nhẹ đầu, chăm lo hết sức vào công việc xã hội. Tốt biết bao. Từ mẫu giáo đến vào lớp 10, 3-4 cuộc thi, tốn biết bao tiền của công sức của xã hội, thời gian của phụ huynh và của chính các cháu. Thật là buồn.
(Quang)

Thi vào lớp 1?
Các cháu nhỏ mới bắt đầu học mới phải vào lớp 1. Đừng đánh đố các cháu nhỏ như vậy chứ. Tôi chả hiểu giáo dục kiểu gì. Xin đừng đánh mất sự ngây thơ của các cháu nhỏ.
(Vuong Nguyen)

Biết đến khi nào hết lo
Khổ sở ngay từ lớp 1! Khổ con, khổ bố, khổ mẹ, ông bà, cô gì chú bác... Tất cả vì con em chúng ta! Nhưng nguyên nhân nào làm cho chúng ta khổ? Đông con cháu hay vì các chính sách giáo dục của chúng ta?
(Cao Hien)

Sao lại phải thi tuyển
Tại sao phải thế? Lớp 1 là tuổi trẻ bắt đầu đến lớp, tập làm quen với những chữ cái và con số đầu tiên trong đời vậy tại sao phải thi tuyển. Nếu thi tuyển để chọn những trẻ đã được đào tạo rồi thì vào trường làm gì nữa? Có thể nếu cứ đà này thì trẻ em Việt Nam sau này cũng không cần thiết phải đến lớp nữa mà chỉ cần học ở nhà và học thêm tại nhà các thầy cô rồi trải qua các kỳ thi để lên lớp rồi vào đại học thôi.
(Đào Việt Anh)

VN đang đi ngược với thế giới
Trẻ con thế giới cấp 1, 2 thì là tuổi chơi tuổi ăn tuổi ngủ thì VN mình bắt học ngày học đêm. Khi trưởng thành lên đại học các sinh viên thế giới bắt đầu lao vào học hành nghiên cứu thì sinh viên VN lại chỉ toàn thấy chơi thấy ăn thấy ngủ.
(hung)

Tội nghiệp tuổi thơ
Các bé chưa vào lớp 1, vẫn còn tuổi ăn tuổi chơi mà sao người lớn lại thúc ép bắt các bé "chín" sớm thế này? Việc vào trường điểm hay trường nổi tiếng không thể quyết định được trí thông minh hay sự thành công của một người sau này. Phải chăng là do tâm lý ảo của nhà trường và xã hội về thành tích quá lớn, vô hình chung đè áp lực lên vai các bậc phụ huynh và các bé là người cuối cùng gánh chịu.
(enan)

Góc nhìn từ phía phụ huynh
Tôi chia sẻ khó khăn với các phụ huynh. Tuy nhiên do số lượng học sinh dự tuyển vào trường quá đông nên chắc chắn phải có biện pháp hạn chế. Biện pháp minh bạch nhất là thi tuyển đầu vào công khai.

(Hoài Thu)

No comments:

Post a Comment