Chân dung | ||
|
Trong Ngày thơ VN lần 6, tác giả "Khát" sẽ hóa thân thành một nàng đang yêu trong những bài thơ của chính mình. Bạn diễn của chị là nghệ sĩ kịch câm Đào Kế Đoàn. Linh hứa hẹn xuất hiện trước khán giả như một ngọn lửa đắm say. Nhà thơ tiết lộ với VnExpress về phần trình diễn của mình trong ngày hội thi ca. - Ngày thơ Việt Nam (sẽ diễn ra vào ngày 21/2) có ý nghĩa như thế nào với chị? - Đó là ngày hội lớn nhất của các nhà thơ. Tôi coi đây là cơ hội để thơ ca tiếp thị hình ảnh. Công chúng yêu thơ bao giờ cũng muốn được chiêm ngưỡng nhà thơ. Hơn nữa, nghệ thuật đương đại thế giới đang chuyển động theo xu hướng đa phương tiện. Xuất hiện tại Ngày thơ là cách tôi khai thác những khả năng đa dạng của mình. Năm nay, tôi đánh giá cao Ban tổ chức khi họ táo bạo dành hẳn một sân khấu trình diễn thơ tại nơi cổ kính và trang nghiêm như Văn Miếu - Quốc tử giám. Tôi rất phấn khích và mong chờ được gặp gỡ độc giả, nhất là các bạn sinh viên - những người luôn nhiệt tình ủng hộ tôi.
- Vậy chị sẽ xuất hiện tại Ngày thơ như thế nào? - Đã xuất hiện là phải ấn tượng, không lặp lại ai, không lặp lại chính mình. Thơ tôi sẽ được cộng hưởng với kịch câm và kịch hình thể. Xin được bật mí đôi chút. Tôi sẽ mang đến hai bài thơ: Ngôi nhà - thể hiện khát khao tìm kiếm sự bình yên, tìm nơi trú ngụ và một bài thơ nữa về tình yêu. Bạn diễn của tôi là nghệ sĩ kịch câm Đào Kế Đoàn và anh Lê Tuấn Anh - bè trưởng dàn nhạc dây Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam. - Thơ là nghệ thuật của ngôn từ. Vậy nó sẽ kết hợp như thế nào với kịch câm? - Khán giả sẽ thấy Vi Thùy Linh xuất hiện như một ngọn lửa của đắm say. Tôi và anh Đào Kế Đoàn sẽ hóa thân vào hai nhân vật yêu nhau. Chúng tôi sẽ chạm vào nhau thật đẹp, lãng mạn và thánh thiện. Tuy nhiên, vì sân khấu dựng ở ngoài trời, trong ánh sáng ban ngày nên chúng tôi sẽ không có điều kiện thể hiện về hiệu quả trình diễn như ý muốn. Dựa theo phần biểu diễn đó, anh Lê Tuấn Anh sẽ chơi những khúc nhạc ngẫu hứng. - Chị đã chuẩn bị cho buổi biểu diễn như thế nào? - Khi tôi miêu tả ý tưởng của mình, nghệ sĩ Đào Kế Đoàn đã nhận lời ngay. Bản thân anh là người rất yêu thơ và mong muốn được làm sống dậy nghệ thuật kịch câm trên sân khấu. Trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ. Sau khi đọc tác phẩm, tìm hiểu cách thể hiện, nhà thiết kế La Hằng đã nhận lời thiết kế trang phục cho chúng tôi, với hy vọng giúp hai nhân vật đẹp như thiên thần. Được một nhà thiết kế có tay nghề cao và am hiểu về nghệ thuật như La Hằng dụng công lo phục trang là niềm hưng phấn và tự hào của chúng tôi. Nhưng để thể hiện tốt nhất hiệu quả thẩm mỹ của tác phẩm, tôi sẽ phải chịu lạnh trong bộ váy tay trần, chân trần, không có tất. Ngoài ra, tôi còn phải cắt tóc, còn anh Đoàn phải nhuộm tóc. Tất cả nỗ lực của nghệ sĩ chúng tôi đều để tạo cho công chúng thơ một bữa tiệc thị giác.
- Tại sao chị lại chọn một nghệ sĩ kịch câm phụ họa cho thơ mình? - Điều này xuất phát từ ước mơ thủa bé của tôi. Từ hồi lớp 6, tôi đã đăng thư kết bạn trên báo Thiếu Niên Tiền Phong với nội dung: "Tôi là Vi Thùy Linh, học sinh lớp 6G, trường PTCS Dịch Vọng. Tôi thích làm diễn viên, mong được kết bạn với các bạn cùng mơ ước". Sau đó, tôi nhận được hơn 500 lá thư hồi âm. Vì không có tiền mua tem, nên đôi lần, tôi đành phải dùng kem đánh răng, xóa dấu bưu điện trên những con tem cũ để gửi thư cho các bạn, theo "mẹo" của các anh chị lớn tuổi hơn sống cùng khu với tôi. Trình diễn thơ là cơ hội để tôi thực hiện ước mơ làm diễn viên từ thời còn bé của mình. Tôi hy vọng sẽ lập được một nhóm để đi trình diễn thơ ở nhiều nơi. Đây không phải là loại hình nảy sinh do sự quẫy đạp của đám trẻ, mà là sự thay thế cho cái kênh đơn tuyến và âm thầm kiểu sách gối đầu giường. - Năm mới, chị có ước mơ gì? - Tôi mong được trở lại Paris một lần nữa. Thực ra, trong suốt 5 tháng qua, tôi vẫn trở lại Paris hằng đêm, trong nỗi nhớ của mình, để sáng tạo những bài thơ hay, khác những bài tình trước đây (dùng bối cảnh Hà Nội là chủ yếu). Tôi thường phải xuất thần, "cân đẩu vân" đưa mình trở lại Paris, dùng không gian, hơi thở thành phố ấy, những triền hoa tím bạt ngàn, những đồng lúa miên man vàng, những vẻ đẹp đa chiều để tạo nên thế giới hiện thực của sự sống trong tập thơ thứ tư. Sau khi đọc xong tác phẩm Lòng ái quốc của văn hào Nhật Yukio Mishima, tôi cũng mơ được nhìn thấy tuyết rơi, được ngắm hoa anh đào trong một ngày tháng 4 ở Kyoto, Nhật Bản. Thu Hà thực hiện
|
No comments:
Post a Comment