Friday, July 29, 2011

29/07 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khóa 12: “Tôi tiếc nuối!”


picture
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền trao đổi với một đại biểu Quốc hội.
▪  NGUYÊN THẢO
10:35 (GMT+7) - Thứ Sáu, 29/7/2011

Quốc hội khóa 13 đang bỏ phiếu bầu các chức danh chủ chốt của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.

Vẫn chủ trì thẩm tra về tình hình kinh tế, xã hội, vẫn gửi kiến nghị về ổn định kinh tế vĩ mô đến Quốc hội khóa mới…, Ủy ban Kinh tế khóa 12 vẫn giữ mạch nghị trường. Trong khi, người đứng đầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đang tỉ mỉ chuẩn bị bàn giao công việc cho người kế nhiệm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu.

Tại căn phòng làm việc quen thuộc trên tầng 4 nhà 37 Hùng Vương, ông Hiền đã dành ít phút trao đổi với VnEconomy.

Họp nhiều, mà lạm phát vẫn cao

Rất xin lỗi vì đã làm phiền Chủ nhiệm vào thời điểm mà chắc ông đang có những bâng khuâng, tiếc nuối…

Đúng là tôi có những điều tiếc nuối.

Bởi khi trúng cử Quốc hội khóa 12, lần đầu tiên làm đại biểu Quốc hội, cũng là lúc tôi nhận ngay nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế.

Đây là cơ quan mới được tách ra từ Ủy ban Kinh tế - Ngân sách, hoạt động nhiệm kỳ đầu tiên nên chưa có người tiền nhiệm truyền kinh nghiệm cho mình. Trong khi bản thân tôi trước đó chưa hề có khái niệm về chức năng, nhiệm vụ của ủy ban này.

Thú thực là mất thời gian đầu tôi bị hẫng, chưa bắt nhịp được với công việc. Nhưng sau đó xác định đã nhận vai thì phải vào vai cho tốt chứ tuyệt nhiên không có suy nghĩ là cứ túc tắc, làm được đến đâu hay đến đó và tôi cảm thấy đã vào cuộc khá nhanh.

Từ những bỡ ngỡ ban đầu đến nay mình đã thấm, đã yêu công việc, tìm thấy nhiều điều thú vị thì cũng là lúc phải chia tay…

Quả thật là tôi có tiếc nuối. Vì còn nhiều việc muốn làm mà không có điều kiện để thực hiện.

Xin được chia sẻ với tâm trạng của Chủ nhiệm. Nhìn lại nhiệm kỳ qua, công việc nào với ông là khó nhất?

Nhiệm kỳ 4 năm đầu tiên của Ủy ban Kinh tế diễn ra trong một giai đoạn kinh tế có nhiều biến động. Mà theo quy định thì báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế, xã hội do ủy ban chủ trì thẩm tra phải trình bày tại phiên khai mạc các kỳ họp Quốc hội, được truyền hình trực tiếp đến cử tri cả nước.

Vì vậy, các nhận định, đánh giá tại báo cáo không chỉ phải thuyết phục được cả Chính phủ mà còn phải được đại biểu và cử tri đồng tình nữa. Do đó, công việc chuẩn bị, thẩm tra phải hết sức cẩn thận và công phu.

Điều rất mừng là thực tế đã cho thấy các quan điểm và kiến nghị của Ủy ban Kinh tế đều rất đúng đắn, phù hợp.

Vậy đã có đại biểu hay cử tri nào nhận xét là báo cáo thẩm tra kỳ  này nhạt quá hay tỏ  ý “chê” trực tiếp khi ông còn đương nhiệm không?

Tôi còn nhớ tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 12, tôi trình bày báo cáo thẩm tra dài 14 trang, mà lúc đầu 17 trang, cắt đi cắt lại cuối cùng vẫn dài như thế. Sau đó có ý kiến góp ý là cần gọn hơn và mạnh mẽ hơn. Điều đó rất đúng, nên mình phải tiếp thu và sau này thì đã làm tốt hơn nhiều.

Có  vấn đề nào mà Ủy ban đã dày công theo đuổi suốt cả nhiệm kỳ không, thưa ông?

Có chứ. Đặt ra và theo đuổi từ đầu nhiệm kỳ đến nay chính là mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, giữa ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.

Quan điểm xuyên suốt của Ủy ban là phải giải quyết những bất ổn vĩ mô từ gốc, coi ổn định vĩ mô là nền tảng cho tăng trưởng bền vững nên có những thời điểm chúng tôi đã kiến nghị giảm tăng trưởng để tập trung nhiều cho ổn định vĩ mô. Bây giờ thì ưu tiên ổn định vĩ mô đã được đặt lên hàng  đầu, với thông điệp mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Nhưng bất ổn vĩ mô vẫn đang được coi là thách thức lớn nhất, và chất lượng tăng trưởng vẫn đang là hạn chế không nhỏ?

Đúng là như vậy. Cũng không thể không nói đến trách nhiệm của Ủy ban Kinh tế trong tình hình khó khăn hiện nay.

Ngay như nơi tôi ở, mấy bác mấy chị nói với tôi là là các anh họp hành nhiều mà lạm phát cứ tăng mãi, chúng tôi đi chợ như là bị mất cắp ấy anh ạ.

Trên thực tế thì có nhiều vấn đề mình cứ  đề cập mãi nhưng giải pháp không mang lại hiệu quả ngay, điển hình như việc chống lạm phát. Nên nếu nói là không có trách nhiệm của Ủy ban thì cũng không đúng.

Tuy nhiên nếu chiểu theo hoạt động của các cơ quan của Quốc hội là giám sát và đưa ra khuyến nghị thì chúng tôi đã làm được nhiều việc.

Hơn nữa, nhiều vấn đề không thể nóng vội mà phải có quá trình. Ưu tiên ổn định vĩ mô cũng là một quá trình, trước đây mình đề cập khác, mức độ khác, còn bây giờ thì quyết liệt hơn nhiều.

Một ví dụ, kỳ họp đầu năm nay khi bàn về bội chi ngân sách thì Chính phủ đề nghị 5,5% GDP, còn Ủy ban thì đề nghị dưới 5% GDP. Lúc đó quan điểm của chúng tôi có vẻ hơi cực đoan nhưng bây giờ thì Nghị quyết 11 của Chính phủ đã nêu rõ là giảm bội chi xuống dưới 5% GDP.

Nhiều vấn đề khác chúng tôi nêu cũng được Quốc hội đồng tình, và đó cũng là kết quả đáng ghi nhận khi bộ máy của Ủy ban chỉ có 8 nhân sự chuyên trách ở Trung ương (sau này chỉ còn có 5) và tất cả chỉ có 36 thành viên.

Điều quan trọng là phải làm theo cái đúng

Ý ông là nguồn nhân lực của Ủy ban quá mỏng?

Đúng vậy. Dù Ủy ban Kinh tế cũng có các chuyên gia giỏi, đóng góp rất tích cực cho công việc chung song nếu chỉ dựa vào nội lực thì chúng tôi khó có thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ.

Vì vậy, điều tôi tâm đắc nhất trong nhiệm kỳ qua là chúng tôi đã xây dựng được mô hình hoạt động mở, tập hợp được ý kiến rất đa chiều và tranh thủ được sự đóng góp của đông đảo đội ngũ chuyên gia kinh tế trên cả nước.

Bên cạnh các cộng tác viên là những nhà kinh tế nổi tiếng, Ủy  ban còn phối hợp với Viện khoa học xã hội tổ chức nhiều hội thảo ở quy mô lớn với sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, các trường đại học, nhiều chuyên gia giỏi kể cả các chuyên gia kinh tế độc lập. Ý kiến của họ là kênh thông tin cực kỳ quý giá, còn nếu chỉ gói gọn ý kiến trong Ủy ban thì có thể đánh giá không đầy đủ, không kết hợp được lý luận và thực tiễn nhất là khi đánh giá các vấn đề mang tầm vĩ mô.

Thưa ông, bên cạnh những thành công, liệu có thể dùng thẳng hai chữ "thất bại" để nói về công việc cụ thể nào đó của Ủy ban không?

Theo tôi thì hạn chế là có, nhưng thất bại thì không hẳn.

Ví dụ khi giám sát về quy hoạch điện thì Ủy ban làm rất tốt, song kiến nghị không thấm nên trên thực tế đã không chuyển biến là bao.

Nhưng có những giám sát khác thì có chuyển biến rất rõ, ngay từ khi bắt đầu thực hiện, như giám sát về sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chẳng hạn.

Bên cạnh giám sát thì việc thẩm tra các dự  án luật cũng được cho là  rất gian nan. Có khi nào Ủy ban gặp phải những vận  động hành lang hoặc áp lực khi thực hiện việc này, thưa Chủ nhiệm?

Cũng có chứ, nhưng không nhiều. Điều quan trọng là phải làm theo cái đúng, chứ nếu mình nghiêng ngả, thỏa hiệp thì rất dở, cuộc sống sẽ không chấp nhận.

Cái khó ở đây là mình không thuần túy thẩm tra cái cơ quan soạn thảo đưa ra mà phải nêu được cái họ chưa đưa ra được mà cuộc sống thì lại đòi hỏi.

Ví dụ làm luật khoáng sản thì ban đầu dự thảo đâu có đưa ra quy định thu tiền cấp quyền khai thác mỏ đâu. Nhưng thực tế vì không có quy định này mà thất thoát rất lớn, vì có anh chỉ đi xin quyền khai thác rồi chuyển nhượng, người không có năng lực thì lại được nhận và ngược lại. Chúng tôi đã kiên trì vấn đề này và được Quốc hội ủng hộ.

Trên diễn đàn Quốc hội cũng có ý  kiến cho rằng kinh phí để xây dựng luật quá  ít, và chế độ cho đại biểu Quốc hội - kể cả chuyên trách - cũng rất thấp. Vậy khi đương nhiệm, ông có phải lo đến cả việc này không?

Lương của tôi hệ số 10,4 thì có ý kiến bảo còn cao hơn cả bộ trưởng. Với anh em thì tôi cũng phải nghĩ cách để họ có thêm thu nhập hợp pháp. Và tôi nghĩ nhiệm kỳ qua cũng không đến nỗi nào.

Nếu bây giờ có ý kiến nhận xét rằng đa số các chủ nhiệm ủy ban khóa 12, trong đó có cả Chủ nhiệm Hiền đã quá “tròn” trong nhiệm kỳ qua, ông sẽ trả lời thế nào?

Tôi sẽ hỏi lại xem thế nào là “tròn”? Tôi cho đó có thể là do phương pháp thôi. Bạn đã ra biển nhiều chưa, và có hiểu thế nào là sóng lừng không?

Không gay gắt khi không cần thiết nhưng không bao giờ dễ dãi với bất cứ cái gì, đó là Ủy ban Kinh tế, bạn à.

Tôi tin anh Nguyễn Văn Giàu

Dù tiếc nuối bao nhiêu thì cũng chỉ nay mai thôi công việc cũng sẽ được bàn giao cho người kế nhiệm, thưa ông. Ông có tin rằng điểm mạnh “không dễ dãi” sẽ được phát huy ở nhiệm kỳ này?

Tất nhiên là tôi tin, tôi cũng đang chuẩn bị thật chu đáo việc bàn giao cho chủ nhiệm mới đây.

Về nhân sự cụ thể, thì đã biết rõ ràng là Thống đốc Nguyễn Văn Giàu. Anh Giàu rất am hiểu về lĩnh vực tiền tệ, mà hoạt động ngân hàng chi phối nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, lại đã qua công tác địa phương rồi nên cũng có nhiều kinh nghiệm.

Hơn nữa nếu nội dung bàn giao tôi chuyển cho anh Giàu mà anh ấy chấp nhận được thì tôi hy vọng góp phần rút ngắn thời gian làm quen với công việc mới của anh Giàu.

Tôi sẽ cố gắng trao đổi thật tỉ mỉ với anh Giàu, và tin tưởng chắc chắn là người kế nhiệm sẽ làm tốt nhiệm vụ của người đứng đầu ủy ban.

Cá nhân tôi rất mong muốn Ủy ban sẽ tiếp tục mô  hình hoạt động mà chúng tôi đã công phu xây đắp nên trong nhiệm kỳ qua. Đó là huy động sức mạnh của nội tại và mở rộng hợp tác với bên ngoài, tiếp tục để lại dấu ấn qua các công việc cụ thể.

Việc nhiều thành viên Ủy ban tái cử nhiệm kỳ này chắc hẳn cũng là thuận lợi không nhỏ, thưa Chủ nhiệm?

Rất mừng là bên cạnh gần 50% thành viên ủy ban tái cử đều có nguyện vọng tiếp tục làm thành viên thì số đại biểu mới đăng ký vào ủy ban cũng rất đông. Đây cũng là thuận lợi với chủ nhiệm mới.

Tuy nhiên, làm chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế hay bất cứ  ủy ban nào của Quốc hội cũng không thể nói là dễ được. Để vừa được Quốc hội và cử tri thừa nhận, Chính phủ cũng thấy thuyết phục là rất khó.

Điều cần nhất là biết tổ chức, tập hợp và phát huy thế mạnh của từng thành viên Ủy ban cũng như sự hợp tác của các chuyên gia, cơ quan khác, tôi xin được chia sẻ như vậy.
 
Thảo luận (1 ý kiến)
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
 
pvd 08:48 (GMT+7) - Thứ Bảy, 30/7/2011
Trong khóa 12, chính phủ đưa ra triển khai thực hiện hết sức quyết liệt một loạt chính sách nhằm bình ổn nền kinh tế. Tuy nhiên vẫn chưa sớm đạt được hiệu quả chưa được như mong muốn.

Đúng là kinh tế vĩ mô rất khó. Tiến độ chưa thuận nên làm báo cáo thẩm tra rễ làm sao được.

Nhân đây này, mạn phép nêu ra một số ý kiến nhận xét cá nhân dưới đây; Đó là những boăn khoăn, rằng tại sao “độ trễ” chính sách lại lâu đến vậy để mọi người phân tích thêm.

1) Dư hưởng của “tập quán” thị trường thời “quan liêu bao cấp” còn quá lớn.

Cho đến giờ, đôi khi các biện pháp điều hành còn quá nặng tính mệnh lệnh hành chính. Điều này khiến các chính sách mới mâu thuẫn với nguyên lý “tự điều tiết” – đặc tính cơ bản của nền kinh tế thị trường – khiến nhiều khi kinh tế chở nên bất ổn, các cú sốc lớn nhỏ thường sảy ra, kèm theo sau mỗi chính sách kinh tế. Nó khiến “mạo hiểm chính sách” trở nên tiềm tàng và luôn là một trong những yếu tố đầu tiên, không thể không quan tâm đối phó của mọi cá nhân, tổ chức kinh tế đã đầu tư hoặc đang toan tính tham gia đầu tư KDSX.

Cách điều hành này là môi trường tốt cho các tập quán kinh doanh thời bao cấp. Do vậy, tuy đã qua nhiều năm đổi mới các tập quán này vẫn chưa bị đào thải triệt để. Hậu quả là trên thị trường vẫn tồn tại nhiều tiêu cực. Cơ chế “xin cho” vẫn còn; Các mánh “lách luật” nhằm chốn tránh chính sách, gian lận đầu tư thương mại vẫn phổ biến và đa dạng; Phát triển của hệ thống thông tin kinh tế thị trường không theo kịp tốc độ chuyển biến của nền kinh tế.

Những tiêu cực nói trên tạo thành những chướng ngại “bất cập” khiến hiệu quả của các chính sách đưa ra bị hạn chế rất nhiều. Trong đó, nguy hiểm nhất là sự yếu kém của hệ thống tin kinh tế thị trường.

Thông tin mập mờ, thiếu minh bạch là “lá chắn chắc chắn nhất” dành cho sự cố thủ của lề thói quan liêu bao cấp. Do đó đổi mới, xây dựng hệ thống thông tin kinh tế thị trường lành mạnh hơn, minh bạch hơn là hết sức cần thiết và cấp bách.
Đổi mới hệ thống thông tin kinh tế thị trường không phải việc rễ làm. Nên tránh các biện pháp thái quá, su thế quá tả để hạn chế tối đa những bất cập có thể phát sinh.

Đổi lại, tiến trình thực hiện phải rứt khoát được đảm bảo. Chất lượng thông tin phải cao hơn, minh bạch hơn từng bước một. Trước hết, phải xóa bỏ thói quen báo cáo “nói chung - năm sau cao hơn năm trước”; Đồng thời cải tiến và nâng cấp dần hệ thống quy tắc thống kê báo cáo và hệ thống quy tắc công bố thông tin định kỳ. Tiến tới chất lượng hệ thống thông tin kinh tế thị trường phải luôn được coi là yếu tố quan trọng trong đánh giá chất lượng của nền kinh tế, chất lượng của tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, các ngành cũng như đánh giá chất lượng của mọi thành phần, tổ chức, cá nhân tham gia nền kinh tế.

Một chính sách thông tin chất lượng cao cao sẽ giúp cho nền kinh tế luôn “tự hiểu mình” và tất yếu sự “tự sửa mình” sẽ là liên tục, không ngừng và ...không nhiều khó khăn, bất cập.

2) Hiệu suất sử dụng vốn không thể cải thiện ngay. Và trông cậy trọng tâm vào “xiết” tín dụng là chưa đủ.

So với năm 1990, hệ số ICOR của VN đã tăng khoảng hai lần, hiệu quả sử dụng vốn chỉ còn một nửa. Nghĩa là với cùng một chỉ tiêu tăng trưởng, nay VN phải cần tới số vốn ngấp đôi. Tuy vậy tăng trưởng KT hàng năm của ta vẫn tăng đều đặn.

Chứng tỏ tăng trưởng đầu tư của VN quá nóng.

Kỳ vọng lợi nhuận cao bằng đầu tư kém hiệu quả (ICOR cao) chỉ có thể đạt được khi đầu tư với số lượng vốn rất cao. Như vậy để tồn tại, các đầu tư kém hiệu quả tất yếu phải dựa vào những ưu đãi, đặc biệt là các ưu đãi về vay vốn tín dụng: lượng vốn vay và lãi xuất vay.

Loại hình đầu tư này tăng trưởng cao sẽ làm tổn hao lượng vốn lớn của nền kinh tế.

Như vậy việc kinh tế tăng trưởng nóng, hệ số ICOR cao và lạm phát ngày càng trầm trọng là hậu quả trực tiếp của các chính sách ưu đãi bất hợp lý và chắc chắn có sự đóng góp tích cực của các hoạt động tín dụng: huy động vốn quá bạo dạn, cung ứng vốn quá rễ rãi, trong một thời gian kéo dài. Cho nên việc CP “xiết” tín dụng là rất đích đáng, chẳng có gì là oan ức cho khối ngành này cả.

Nhưng “xiết” tín dụng lại không thể mạnh tay với các đầu tư hiệu xuất sử dụng vốn kém nếu đang còn dở dang. Thậm trí còn phải chủ động hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đầu tư này để nhanh tróng thu hồi nợ và tránh đẩy kinh tế xa vào khủng hoảng. Nghĩa là nhanh nhất thì cũng phải sau trung bình một chu kỳ kinh tế chỉ số ICOR mới có thể bắt đầu được cải thiện.

Tuy nhiên “xiết” tín dụng hoàn toàn có thể ngăn chặn ngay, không cho dòng tín dụng đổ vào các dự án mới. Ngừng cho vay triển khai các đầu tư kém hiệu quả để cải thiện chỉ số ICOR và tạm thời dãn, giảm các dự án mới, chưa cấp bách nhằm giảm tổng chi trong ngắn hạn, qua đó giảm nhanh lạm phát.

Các nội dung này đều đã có trong “xiết” tín dụng. Nhưng nếu như các biện pháp này có hiệu quả thì tăng trưởng đầu tư tài chính tính tại thời điểm hiện tại lẽ ra đã phải có sự giảm tốc rõ ràng so với giai đoạn trước. Đáng tiếc, trên các thông tin đại chúng chưa thấy có thống kê nào cho thấy rõ điều này.

Phải trăng một mình ngành NH với “xiết” tín dụng chưa đủ lực để giải quyết vấn đề, cần có thêm sự hỗ trợ từ các ngành khác với những biện pháp bổ xung hữu hiệu hơn?

3) Cơ cấu lại mô hình kiến trúc nền kinh tế chưa đạt tiến độ khả quan.

Rõ nhất là tỷ khối cơ cấu giữa khu vực KTNN với khu vực KTTN vẫn còn quá cao.

Theo các chuyên gia kinh tế, khối DNNN được ưu đãi nhiều hơn nhưng hiệu quả các hoạt động đầu tư lại không bằng khối DNTN dẫn đến hậu quả đầu tư chung của toàn nền kinh tế kém hiệu quả.

Nguyên nhân này còn tác động tiêu cực đối với cơ chế vận động của nền kinh tế “kinh tế thị trường”. Nó tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh lành mạnh giữa hai khu vực trên thị trường kinh tế, hạn chế tiềm năng và tăng trưởng của khu vực KTTN nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung.

Thực tế đã có nhiều đề xuất cắt giảm những ưu đãi bất hợp lý đối với khối DNNN và chính phủ cũng đã đề ra phương hướng cụ thể cho việc CPH các DNNN nhưng việc triển khai thực hiện chưa đạt kết quả khả dĩ. Nguyên nhân và bất cập thì có nhiều.

Nhưng có thể nguyên nhân sâu nhất xa lại nguồn gốc chính từ phía các nhà quản lý, quản trị đương chức trong khối DNNN. Họ có quyền lực quá lớn và không thực sự nhiệt tình hưởng ứng việc thực thi các biện pháp, chính sách này của chính phủ.
Hy vọng chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ kiên quyết và đủ sức mạnh giải quyết được vấn đề này.

4) Tỷ xuất đầu tư vào khu vực kinh tế “phi sản xuất” hiện vẫn là quá cao so với khu vực “sản xuất”.

Khu vực phi sản xuất tăng trưởng nhanh hơn khu vực sản xuất và phá vỡ cân bằng cơ cấu của nền kinh tế. Nó làm cho các chi phí “phi sản xuất” trong cấu thành giá giá trị tổng sản phẩm của nền KTQD trở nên bất hợp lý; Thậm trí chi phí “phi sản xuất” (chi phí lập dự án, chi phí vốn, chi phí lưu thông phân phối, hao phí cho đầu cơ và các dịch vụ phi SX khác) có khi còn cao hơn chi phí “sản xuất” (chi phí lao động, khấu hao công cụ sản xuất, chi phí quản lý sản xuất).

Khi khu vực kinh tế “phi sản xuất” chiếm tỷ trọng quá cao, ngoài hậu quả là sự gia tăng chi phí cấu thành giá giá tổng sản phẩm, làm lạm phát tăng; Nó còn gia tăng tiềm năng chiếm hữu vốn đầu tư của khu vực phi sản xuất, làm hạn chế lượng vốn cung ứng cho khu vực sản xuất khiến tổng sản phẩm giảm, dẫn tới tăng trưởng kinh tế giảm.

Chính phủ đã yêu cầu các NHTM hạn chế tối đa dòng tiền vào “phi sản xuất” là nhằm giải quyết vấn đề này.

Nhưng trong thực tế một nhà đầu tư hay một tổ chức kinh tế, khách hàng của các NHTM không phải bao giờ cũng chỉ hoạt động trong một khu vực hoặc sản xuất hay phi sản xuất, mà nhiều khi đồng thời cả hai; Đặc biệt một dự án hoàn chỉnh vận hành từ khi hình thành đến lúc kết thúc luôn bao hàm cả các hoạt động sản xuất và các hoạt động phi sản xuất. Nghĩa là không có hoạt động “phi sản xuất” thì cũng không thể có hoạt động “sản xuất”.

Cho nên các NHTM dù muốn “nghiêm chỉnh” chấp hành chính sách thì cũng rất lúng túng trong tác nghiệp. Đấy là chưa tính đến trường hợp các nhà đẩu tư phi sản xuất sẵn sàng vay tín dụng với lãi xuất cao hơn thị trường; Chưa tính đến việc dòng tiền cung ứng đến với khu vực phi sản xuất không nhất thiết chỉ qua kênh tín dụng, và có qua kênh tín dụng cũng còn một thị trường khác nữa, thị trường “đen”...

Thành thử, dường như biện pháp “xiết” tín dụng chưa đạt được kết quả khả quan. Các DNSX vẫn đói vốn và kêu gọi sự hỗ trợ nhưng chưa được đáp ứng đủ.

Quy luật tự nhiên của nền “kinh tế thị trường” là: ở đâu lợi nhuận cao hơn, dòng tiền đổ vào đó.

Thiết nghĩ, biện pháp của chính phủ nên thay vì “điều tiết vốn”, quay sang “điều tiết thu nhập”; Làm sao cho lãi xuất cơ bản khu vực sản xuất được cải thiện hơn so với khu vực phi sản xuất. Điểm đúng cái “huyệt” lãi xuất này, chắc chắn dòng cung tín dụng nói riêng và dòng tài chính đầu tư nói chung sẽ nhanh tróng, chủ động và “hoàn toàn tự giác” chuyển hướng sang khu vực sản xuất ngay lập tức.

5) Nhận thức để đánh giá, phân định giữa sự “cống hiến” chung cho nền KT với “thành quả” riêng của bộ phận trong thành phần kinh tế chưa được đúng đắn.

“Thành quả” riêng của thành phần kinh tế là tăng trưởng cục bộ của nó. Còn “cống hiến” chung cho nền kinh tế là khối lượng nhiệm vụ chức năng mà nó hoàn thành, đem lại những lợi ích chung với toàn bộ nền kinh tế.

Khi phân tích hay nghiên cứu tình hình KT vĩ mô thì sự phân định này rất cần thiết. Bởi quan điểm vĩ mô là: đặt lợi ích chung của nền kinh tế lên trước quyền lợi cục bộ của mỗi thành phần kinh tế. Khi đánh mức độ hoàn thành nhệm vụ của một thành phần kinh tế thì “cống hiến” cho cái chung phải được coi trọng hơn “thành quả” riêng của nó. Nếu không thận trọng trong vấn đề này, kết quả đánh giá có thể ngược lại hoàn toàn.

Nhiều khi một thành phần của nền kinh tế có tăng trưởng riêng rất khả quan nhưng chưa chắc đã đóng góp tương xứng cho nền kinh tế. Ví dụ: BĐS tăng trưởng riêng rõ ràng là mạnh, “cực mạnh”; Nhưng “cống hiến” chung cho nền kinh tế đã tương sứng hay chưa, lại phải cân nhắc kỹ càng mới kết luận được.

Xin đơn cử một số đánh giá, theo cách nhìn nhận này.

*Ngành NH.

Trong hai năm vừa rồi ngành này tăng trưởng vượt bậc lượng vốn đầu tư; Cải thiện mức độ thỏa mãn cao hơn các chỉ tiêu, tiêu chí an toàn tín dụng; Lợi nhuận ngành luôn ổn định và ở mức cao hơn nhiều ngành khác. Nhưng tất cả thành tích trên chỉ là “thành quả” riêng của ngành, các “thành quả” này ảnh hưởng rất ít đến kinh tế vĩ mô.

Đế thấy được tác động đến kinh tế vĩ mô từ phía ngành NH thì phải xem – cuối cùng - ngành này đã cung ứng được bao nhiêu tín dụng cho KDSX và lãi xuất tín dụng có ổn định, phù hợp với điều kiện thực tiễn hay không. Kết quả này mới thực là thước đo sự “cống hiến” của ngành cho nền KT. Ngoài ra, việc ngành có cạnh tranh hiệu quả, lấn lướt và dẹp được loạn “chợ đen” tín dụng hay không cũng là nhiệm vụ “nhiệm vụ chính trị” của ngành. Vì sự tồn tại một “chợ đen” tín dụng chắc chắn cũng sẽ ảnh hường không ít đến kinh tế vĩ mô.

Thoáng qua có thể thấy hiện tại ngành ngân hàng vẫn tiếp tục đạt nhều thành quả riêng. Nhưng “cống hiến” của ngành cho nền kinh tế lại chưa đáp ứng sự trông cậy của toàn xã hội.

Cũng cần xem lại xem cái lỗi chưa cung ứng đủ tín dụng cho nền kinh tế và lãi xuất tín dụng quá cao có bao nhiêu phần trách nhiệm thuộc về ngành này. Thêm nữa, tuy tăng trưởng đầu tư ngành là quan trọng nhưng nhằm lúc nền kinh tế đang khó khăn về vốn, ngành (ngành NH thuộc khu vực phi sản xất) lại ráo riết tăng vốn liệu có ích kỷ quá hay không?

*Ngành BĐS.

Rất có thể ngành này đứng đầu bảng về tăng trưởng so với các ngành khác. Tăng trưởng đầu tư, tăng trưởng sản xuất và lợi nhuận ngành, các chỉ tiêu đều cao vời vợi. Như vậy nói về “thành quả” riêng thì ngành này không nhất nhì thì cũng nằm ở bảng trên so với các ngành khác.

Còn “cống hiến” của ngành, phải xem đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ chức năng, nhiệm vụ chính trị của nó.

Nhiệm vụ chức năng ngành BĐS là tạo ra lượng hàng hóa BĐS với giá cả phù hợp với các điều kiện thực tiễn và tương ứng với lượng đầu tư của XH cung ứng cho nó; Nhiệm vụ chính trị của ngành là không để sản phẩm hàng hóa BĐS tồn đọng làm lãng phí tài nguyên; Hàng hóa phải đảm bảo chất lượng và đến được nơi người tiêu dùng, góp phần cải thiện đời sống dân sinh xã hội của nền kinh tế.

Trong những năm qua “thành quả” mà ngành BĐS có được là rất cao. Thậm trí nói rằng ngành BĐS VN trong những năm qua đã đạt được những “thành tựu” rất lớn cũng không ngoa. Nhưng nói đến sự “cống hiến”, về công, tội của ngành này – đang còn rất nhiều ý kiến trái chiều nhau trong dư luận XH.

*Thị trường CK.

Sự thăng giáng chỉ số lượng vốn hóa toàn thị trường (dòng tiền vào ra), cũng như các biến động chỉ số Idex (giá cả) trên TTCK được các NĐT CK rất quan tâm. Đây là lẽ đương nhiên. Bởi các chỉ số này liên quan đến chốn làm ăn, lỗ lãi của chính họ. Và các nhà quản lý TTCK cũng vậy. Bởi các chỉ số này chứng tỏ “thành quả” được mất của TTCK.

Nhưng với các nhà quản lý vĩ mô thì khác, dù có cho rằng TTCK là “thước đo” sức khỏe nền kinh tế thì cái “thước đo” này cũng chỉ cho thấy “hậu quả” của sự vận động kinh tế vĩ mô trước đó mà thôi. Điều các nhà điều hành vĩ mô cần quan tâm là ở chỗ: TTCK “đã làm được gì” và sẽ “có thể làm được gì” cho kinh tế vĩ mô.

Vậy, cuối cùng TTCK đã làm được gì cho nền kinh tế? Đó là vốn TTCK cung ứng cho khối các CTĐC. Số lượng lượng vốn này hoàn toàn có thể tính được một cách chính sác (Vốn huy động được trong kỳ bằng: Tổng giá trị các loại CK phát hành thêm thành công và trừ đi cổ tức, tín tức trả lại cho chủ sở hữu CK); Chất lượng huy động vốn qua kênh này cũng có thể đánh giá được bằng cách so sánh với các kênh huy động vốn khác (So sánh tỷ số: Vốn do kênh cung ứng thành công/ Chi phí duy trì kênh).

Nếu nói rằng còn tồn tại sự thiếu khoa học trong cách đánh giá thành phần của nền kinh tế thì với TTCK nó thể hiện rõ nhất.

Đánh giá về ngành này. Cái thứ yếu, tình hình nội cục của TTCK luôn được nhiều người quan tâm tính toán đo đếm và thông tin bình luận hàng ngày, “nóng bỏng” đến từng giờ thậm chí từng phút. Ngược lại, cái chính yếu là TTCK đã đóng góp cho nền kinh tế như thế nào thì chẳng ai quan tâm cả. Thậm chí có thể nghi ngờ rằng chính nhiều nhà quản lý trong ngành CK cũng không đánh giá ngành mình một cách đúng đắn; Họ không biết rõ sau từng ấy năm và hàng năm, số vốn kênh TTCK đã cung ứng cho nền kinh tế là “bao nhiêu tỷ”; Họ đã quên cái “bao nhiêu tỷ” ấy mới thực là nhiệm vụ của TTCK, là yếu tố tiên quyết để nền kinh tế cần một TTCK.

Cũng có vẻ như các nhà quản lý đang TTCK thua xa các nhà quản lý TT BĐS trong cách tiếp cận các nhà điều hành vĩ mô.
Muốn TTCK được “cứu”, họ phải nói rằng – nếu TTCK được khôi phục thì trong bao lâu, lượng vốn là bao nhiêu sẽ phục hồi và tiếp tục được cung ứng tới các DNĐC qua kênh này. Rõ ràng, rứt khoát như vậy, thì làm sao các nhà điều hành vĩ mô có thể “tạm quên” TTCK cho đặng. Tiếc rằng thay vì cách đó, họ suốt ngày kêu ra rả rằng CK thế này, thế kia. Liệu ai sẽ “cứu” họ đây và tại sao phải “cứu” !

Cũng xin nói thêm rằng, theo cảm nhận cá nhân. Tôi cho rằng trong tình hình này, nếu có một giải pháp hợp lý, kịp thời và đủ mạnh – không có kênh nào đưa tiền vào KDSX nhanh hơn kênh CK. Số liệu thống kê không có nhưng xin luận lý thế này: khi ổn định thì nền kinh tế sẽ ưu tiên trông vào dòng tiền đầu tư cẩn trọng và bền vững; Khi bất ổn nền kinh tế sẽ ưu tiên trông vào dòng tiền mạo hiểm và linh hoạt.

Ngoài ra, mời mọi người vào tham khảo mục “bình trọn” ngay trên VnEconomy này để khảo cứu sẽ thấy rõ hơn nhiều vấn đề!

No comments:

Post a Comment