Friday, July 29, 2011

29/07 Tái cơ cấu nền kinh tế, mệnh lệnh không thể thoái thác


(Tamnhin.net) - Những động lực như tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên... đang cạn dần. Nếu không đi vào phát triển chiều sâu, nâng hiệu quả, năng suất lao động, phát triển công nghệ, Việt Nam sẽ khó có thể phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Đình Cung, viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương
Khẳng định ý kiến trên, ông Nguyễn Đình Cung - Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho rằng tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng... đã thành một yêu cầu khách quan, một mệnh lệnh không thể thoái thác, xuất phát từ thực tế phát triển kinh tế Việt Nam. Bởi nếu không tái cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam sẽ khó có thể phát triển bền vững. Sự đồng thuận xã hội trong yêu cầu tiếp tục đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế (thực chất là đổi mới kinh tế lần 2) là rất cần thiết.

Tái cơ cấu thực chất là thay đổi động lực tăng trưởng. Động lực cũ chỉ có thể giúp chúng ta phát triển đến như ngày hôm nay. Muốn có dư địa để giàu hơn, phát triển hơn thì phải thay đổi.

Giải pháp để tái cơ cấu có rất nhiều, nhưng trọng tâm cần thực hiện ngay là: ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước...

Đặc biệt về ổn định vĩ mô, không nên thấy có hiệu quả một chút rồi lại làm như cũ. Ổn định phải vững chắc, theo tiêu chuẩn thế giới chứ không phải định tính. Ví dụ lạm phát không phải “một con số” mà phải cụ thể.

Chính phủ cần tạo cho được niềm tin của người dân vào đồng tiền, để người dân bỏ tiền ra đầu tư tạo ra năng lực sản xuất mới, giá trị gia tăng mới chứ không phải chủ yếu là đầu cơ hoặc tích trữ vào vàng, đôla, bất động sản để không bị lạm phát tước đoạt tài sản.

Ông Cung cho rằng tái cơ cấu kinh tế, ổn định vĩ mô phải có tầm nhìn dài hạn. Cán bộ quản lý cũng nên hiểu việc vốn vào chỗ này hay chỗ kia là việc của thị trường chứ không phải việc của bộ này, bộ kia. Việc của Nhà nước lúc này là thắt chặt vốn, chặn khả năng vốn “lách” vào khu vực nhiều rủi ro, còn vốn thị trường sẽ phải tự biết cách đưa vào chỗ nào hiệu quả. Cần kiên trì mới ổn định được đồng tiền, tạo cơ sở cho tái cơ cấu nền kinh tế.

Đề xuất 10 điểm của Ủy ban Kinh tế cho rằng không nên đầu tư vào khu vực doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả. Vì vậy, để tăng hiệu quả vốn đầu tư nhà nước, Chính phủ phải thay đổi cách tiêu tiền, phân bổ nguồn lực. Chúng ta đã công nhận vốn đầu tư nhà nước còn kém hiệu quả và đã nói điều này từ lâu rồi. Đầu tư nhà nước phải khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, không đồng bộ, cả vào dự án không cần thiết, không hiệu quả.

Cần thay đổi cả cơ chế đầu tư vốn nhà nước. Một trong những cái cần thay đổi trong đầu tư là trung ương phải làm nhiều hơn, cần có những dự án ưu tiên với những tiêu chí đặt hiệu quả lên hàng đầu.

Ông Cung viện dẫn có hàng trăm dự án hạ tầng mà ai cũng nói là cần cả. Nhưng không thể vì tắc hàng ở Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh mà xây dựng thêm 10-20 cảng biển trên toàn quốc hay làm hàng loạt sân bay. Có thể chỉ xây dựng 3-4 cảng mà thôi, thậm chí không hiệu quả thì kiên quyết không làm.

Đầu tư công chiếm số lượng vốn rất lớn. Vì vậy, nếu nâng cao được hiệu quả nó sẽ cải thiện được rất nhiều về môi trường kinh doanh và hiệu quả kinh tế.

Ủy ban Kinh tế cho rằng cần cải cách doanh nghiệp nhà nước, không nên thành lập thêm tập đoàn. Để việc cải cách này phát huy hiệu quả và đặt các doanh nghiệp này dưới áp lực cạnh tranh, Nhà nước cần để các doanh nghiệp này  bình đẳng trên thực tế về cơ hội kinh doanh, về tiếp cận vốn, đất đai... Họ phải đối mặt với rủi ro của thị trường và họ phải thay đổi cách ứng xử.

Nếu làm tốt các doanh nghiệp nhà nước sẽ được hưởng. Nếu không cố gắng, làm không tốt, các doanh nghiệp này sẽ bị thị trường trừng phạt và phải trả giá, bị phá sản như những doanh nghiệp bình thường khác.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa gửi kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII cho thấy các tập đoàn, tổng công ty có vấn đề trong việc kê khai, nộp thuế. Vì vật cần công khai hơn nữa về các tập đoàn. Việt Nam có quy định các doanh nghiệp niêm yết phải đáp ứng những nhu cầu về công khai, cáo bạch, kiểm toán rất khắt khe. Mà công ty niêm yết chỉ là của vài chục ngàn cổ đông. Các tập đoàn là sở hữu của toàn dân, hàng triệu người, nên đáng ra phải công khai hơn.

Trước mắt, cần quy định các tập đoàn phải công khai, đáp ứng các tiêu chuẩn minh bạch thông tin như các công ty niêm yết. Khi đó sẽ có thị trường, hàng triệu con mắt giám sát giúp Nhà nước phát hiện, ngăn chặn kịp thời những sai sót, khả năng đổ vỡ như Vinashin.

Việc này nghe thì đơn giản và cũng không có gì khó làm, nhưng  nếu làm được sẽ là cú nhảy vọt, cuộc cách mạng đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài cải cách doanh nghiệp nhà nước, để tăng hiệu quả, cần phải tăng cường hỗ trợ khu vực tư nhân với hiệu quả đầu tư cao hơn. Nhưng muốn phát triển khu vực kinh tế tư nhân thì hỗ trợ nó chỉ là một phần mà phần quan trọng hơn phải cải tạo khu vực doanh nghiệp nhà nước để khu vực này không chèn lấn. Hiện khu vực doanh nghiệp nhà nước đang chiếm dụng tỉ lệ vốn, tài nguyên, cơ hội kinh doanh rất lớn trong khi các nguồn lực trên là hữu hạn.

Nhiều khu vực tư phải tìm cách chui vào vỏ bọc nào đó để tiếp cận được các cơ hội trên hoặc chỉ là để được nhận lại các cơ hội do doanh nghiệp nhà nước ban lại.

Trong quan hệ với Nhà nước, khu vực tư nhân luôn yếu thế, thậm chí “thấp cổ bé họng”. Vì vậy, nên thành lập tổng cục hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân. Các cơ quan quản lý hành chính, dù pháp luật quy định thế nào nhưng thực tế luôn ở thế “bề trên” doanh nghiệp. Quan hệ đôi bên không thể bình đẳng.

Vì vậy, cần một đối trọng đủ mạnh, cũng trong Nhà nước để bảo vệ khu vực tư nhân. Vai trò tòa án hành chính, hiệp hội còn chưa lớn nên để một tổng cục giải quyết với các cơ quan nhà nước khác những vướng mắc vốn rất lớn của doanh nghiệp tư vẫn là cách làm nhanh gọn, hiệu quả nhất.

Ông Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng nhiệm vụ 5 năm tới trọng tâm phải là tái cơ cấu nền kinh tế. Năm năm có thể chưa xong nhưng những hành động, kết quả ban đầu thì hoàn toàn có thể đánh giá được. Tôi cho rằng cần có cơ quan điều phối việc tái cơ cấu vì đây là nhiệm vụ cả một giai đoạn.

Cần có một cơ quan trung ương đủ mạnh về thẩm quyền, có thể là bộ hoặc ủy ban phát triển kinh tế để điều phối, tổ chức thực hiện, đánh giá việc tái cơ cấu để điều chỉnh, tránh chệch hướng.

Theo báo Tuổi trẻ

No comments:

Post a Comment