Wednesday, August 24, 2011

24/08 Đằng sau sự mềm mỏng hơn của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông

Thứ tư, 24 Tháng 8 2011 00:00 dinh tuan anh
EmailInPDF.
Theo tạp chí “Asia focus” gần đây, bước tiến nhỏ mới đạt được giữa ASEAN và Trung Quốc tại Bali cuối tháng 7 vừa qua chưa làm thay đổi cục diện tình hình. Mặc dù Trung Quốc đưa ra một số tuyên bố mang tính hòa giải nhưng trên thực tế nước này vẫn tìm cách né tránh mọi cam kết thực sự với các nước tranh chấp khác và chưa từ bỏ yêu sách chủ quyền trên hầu hết Biển Đông

Với việc Trung Quốc và ASEAN nhất trí các nguyên tắc thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tại Bali, Inđônêxia vừa qua, dường như Trung Quốc biểu lộ sự điều chỉnh mềm mỏng hơn trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông, hai bên giờ đây có thể bắt tay thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin và hợp tác trong các dự án chung tại Biển Đông. 
1/ Trung Quốc mềm mỏng hơn? 
Bước tiến trên đạt được sau khi Trung Quốc từ bỏ lập trường vốn cản trở mọi cuộc đàm phán về Biển Đông. Trước đây, một số nước có tranh chấp như Việt Nam muốn ASEAN tham gia giải quyết tranh chấp và thảo luận tập thể mọi vấn đề trước khi đàm phán với Trung Quốc. Công thức này bị Trung Quốc kiên quyết bác bỏ và coi giải quyết tranh chấp là công việc giữa Trung Quốc với từng quốc gia hữu quan. Tại cuộc gặp ASEAN - Trung Quốc trước thềm Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vừa qua, Trung Quốc đã từ bỏ lập trường này, nhờ đó khai thông bế tắc thực thi DOC sau gần một thập kỷ qua kể từ khi văn kiện này được thông qua năm 2002. Trung Quốc biểu lộ sự điều chỉnh mềm mỏng này xuất phát từ các lý do sau: 
- Thứ nhất, bối cảnh chính trị ở khu vực hiện đã thay đổi đáng kể từ năm 2009 khi Mỹ khởi đầu tái can dự với khu vực bằng cách tham gia Hiệp ước hợp tác và thân thiện Đông Nam Á (TAC). Các nước khác như Nga và Ấn Độ cũng thúc đẩy ảnh hưởng tại khu vực. Trung Quốc giờ đây đã mất đi vị thế độc tôn điều phối quan hệ với ASEAN. Tại Hội nghị cấp cao Đông Á tháng 11 tới, chắc chắn các nước lớn sẽ biểu lộ lợi ích chiến lược của họ trong các vấn đề mà họ sẽ nêu ra, chẳng hạn như trong vấn đề an toàn hàng hải các nước sẽ nêu ra các thách thức tương lai đối với việc duy trì khu vực tranh chấp tự do đi lại và an toàn. Nước chủ nhà Inđônêxia cũng sẽ giải quyết các vấn đề cốt yếu liên quan đến nhu cầu hàng hải nội khối ASEAN, trong đó có Biển Đông. Vì thế sớm muộn Trung Quốc không thể tiếp tục phủ nhận ASEAN với tư cách là một bên tham gia giải quyết tranh chấp. 
- Thứ hai, việc Trung Quốc nhất trí với vai trò của ASEAN trong xây dựng các nguyên tắc thực thi Tuyên bố ứng xử ngay trước thềm hội nghị ARF là một chiến thuật ngoại giao, nhằm tránh ASEAN đẩy tranh chấp Biển Đông vào chương trình nghị sự của ARF, một diễn đàn quốc tế rộng rãi hơn, trong đó có sự tham gia của Mỹ. Với động thái này, Trung Quốc đã khiến ARF không thể làm gì khác ngoài việc ra tuyên bố ủng hộ kết quả đạt được giữa Trung Quốc và ASEAN, dù kết quả đó không mang lại một giải pháp lâu dài cho vấn đề an ninh Biển Đông. 
- Thứ ba, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và ASEAN từ lâu đã cam kết là đối tác đối thoại của nhau, hợp tác để kiến tạo hòa bình và thịnh vượng chung của khu vực. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của ASEAN và tháng 4 vừa qua ASEAN đã vượt Nhật Bản để trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2010 đạt 293 tỷ USD, tăng gấp đôi so với 141 tỷ USD năm 2009 và trong 6 tháng đầu năm nay, thương mại song phương tiếp tục tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên trong 9 năm qua, hai bên không có những tiến triển trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông mà còn khiến vấn đề này xấu đi, đặc biệt là các va chạm gần đây giữa Trung Quốc với Philíppin và Việt Nam. Trung Quốc hiểu rằng các nước có tranh chấp như Việt Nam và Philíppin sẽ tiếp tục đòi giải quyết tranh chấp và ASEAN tất yếu sẽ bị kéo vào các cuộc tranh cãi với Trung Quốc. Vì thế để tránh gây tổn hại cho mối quan hệ có nhiều lợi ích với ASEAN, Trung Quốc không còn cách nào khác là tỏ tín hiệu hữu hảo bằng thái độ sẵn sàng giải quyết mọi bất đồng với ASEAN, trong đó có vấn đề Biển Đông, vào thời điểm hai bên kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ. 
- Thứ tư, Trung Quốc hiểu rằng Biển Đông sẽ trở thành cuộc chơi chính trị kể từ khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm ngoái nhưng các cuộc vận động hành lang của Trung Quốc tại các nước ASEAN trong một năm qua không gây được ảnh hưởng đáng kể. Trước đó, khi Thái Lan là chủ tịch ASEAN năm 2009, Trung Quốc đã tránh được áp lực tranh cãi về vấn đề Biển Đông khi Thái Lan tìm cách né tránh vấn đề này với lập luận rằng đây là vấn đề song phương giữa các nước hữu quan với Trung Quốc. Dấu ấn này khiến Trung Quốc có niềm tin rằng việc nhất trí với ASEAN các nguyên tắc thực thi DOC giúp Trung Quốc tránh được áp lực quốc tế không chỉ trước mắt mà còn trong vài năm nữa khi các chủ tịch ASEAN tương lai đều không muốn căng thẳng với nước này. Với quan hệ song phương Trung Quốc - Campuchia phát triển mạnh từ năm 2000 đến nay, Campuchia khi làm chủ tịch ASEAN năm 2012 sẽ thận trọng tránh để Trung Quốc coi là kẻ tiếp tay cho việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Trong năm 2013, Brunây làm Chủ tịch ASEAN, dù là một bên tranh chấp nhưng Brunây sẽ chủ trương “ngư ông đắc lợi” thay vì có các động thái gây trở ngại cho quan hệ với Trung Quốc. Nếu năm 2014 Mianma làm Chủ tịch ASEAN thì môi trường khu vực càng thuận lợi cho Trung Quốc. Trong những năm này, Trung Quốc có thể tái định hình quan hệ mới với ASEAN. 
- Thứ năm, căng thẳng dịu đi trong quan hệ với Mỹ cũng là một nhân tố khiến Trung Quốc bày tỏ thái độ hợp tác với ASEAN. Năm ngoái Việt Nam và Philíppin nhờ thái độ cứng rắn của Mỹ đã hướng trọng tâm các hội nghị ASEAN vào giải quyết tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, bước sang năm nay cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều thấy cần phải tránh đối đầu để hợp tác giải quyết các vấn đề chiến lược quan trọng hơn đối với lợi ích của hai nước, như thương mại và tài chính. Những khó khăn kinh tế hiện nay đang làm suy yếu vị thế của Mỹ tại khu vực và đây là lý do Mỹ mềm mỏng hơn so với năm 2010 về vấn đề Biển Đông. Để đáp lại theo cách có lợi nhất, Trung Quốc bày tỏ thái độ tích cực với ASEAN bằng việc xây dựng các quy tắc thực thi DOC. Với động thái này, Trung Quốc đã khéo léo cổ vũ Mỹ tiếp tục xu hướng hợp tác với Trung Quốc. Nhân tố khiến Trung Quốc lo ngại nhất là Mỹ dính líu vào giải quyết tranh chấp. Biển Đông không chỉ tiềm tàng nhiều trữ lượng nhiên liệu hóa thạch mà còn là tuyến vận tải huyết mạch nuôi sống nền kinh tế Trung Quốc. Nếu căng thẳng với Mỹ, Mỹ có thể điều tàu chiến phong tỏa tuyến vận tải qua eo biển Malắcca và khiến Trung Quốc điêu đứng chứ chưa cần phải có mặt ở Biển Đông. Đây cũng là lý do Trung Quốc sẽ luôn tìm cách cam kết với Mỹ về tự do và an toàn hàng hải nhằm loại bỏ lý do mà Mỹ đã tuyên bố là có lợi ích trong việc duy trì tự do an toàn hàng hải trong khu vực này. 
2/ Thái độ của Trung Quốc có đưa tới chuyển biến tích cực? 
Với việc Trung Quốc cùng ASEAN ra tuyên bố chung tại cuộc họp vừa qua ở Bali, Inđônêxia, chủ trương đa phương hóa mà Việt Nam và Philíppin muốn thúc đẩy đã có thêm một bước tiến. Nỗ lực vận động các nước ASEAN của Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu cao nhất là cản phá sự can dự tập thể của ASEAN và sự dính líu sâu hơn của Mỹ vào giải quyết tranh chấp. Các nước ASEAN dù có tính toán lợi ích khác nhau trong quan hệ với Trung Quốc nhưng đã bị ràng buộc nhiều hơn vào tiếng nói tập thể trong vấn đề Biển Đông. Phần lớn các nước ASEAN và các đối tác từ chỗ né tránh đã tiến tới bày tỏ ở các mức độ khác nhau thái độ phản đối đòi hỏi chủ quyền vô lý trên toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc. Mỹ tiếp tục thể hiện lập trường bênh vực ASEAN và chủ trương can dự sâu hơn vào tranh chấp Biển Đông. Nhật Bản cũng tỏ rõ quan điểm đứng về phía Việt Nam và Philíppin với mục tiêu thiết lập một mặt trận rộng rãi chống Trung Quốc. Các đối tác lớn khác của ASEAN như Nga, Ấn Độ, EU, Canađa, Niu Dilân và Ôxtrâylia ngày càng can dự thực chất hơn với ASEAN và xu hướng này cộng với việc Nga và Mỹ sắp trở thành thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á giúp ASEAN có tiếng nói trọng lượng hơn, giảm bớt ảnh hưởng độc tôn của Trung Quốc trong khu vực và điều này đưa tới kết quả một số nước ASEAN giảm bớt xu hướng dựa vào Trung Quốc và dễ đồng thuận hơn trong các vấn đề liên quan tới Trung Quốc. Bên cạnh đó, hầu hết các thành viên ASEAN và các nước đối tác đều thống nhất tầm quan trọng bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông và thống nhất được các cơ sở và nguyên tắc cơ bản để giải quyết tranh chấp là giải quyết giữa các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), thúc đẩy thực hiện DOC bằng việc xây dựng các quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC để xây dựng lòng tin và hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Chuyển từ xây dựng lòng tin sang ngoại giao phòng ngừa vì hòa bình, ổn định và hợp tác. Các nhận thức chung này là nền tảng rất quan trọng cho việc đưa ra các sáng kiến kiềm chế xung đột quân sự. 
Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là Trung Quốc ít nhiều đã tạo được tác động nhất định, buộc ASEAN phải nhất trí một nội dung tuyên bố chung lỏng lẻo về Biển Đông trước thềm hội nghị ARF. Mỹ vốn được coi là nhân tố hậu thuẫn quan trọng cho các nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc, đã tỏ ra mềm mỏng hơn so với năm 2010 vì cần hợp tác hơn với Trung Quốc. Hầu hết các đối tác lớn khác của ASEAN, trừ Mỹ và Nhật Bản, cũng tránh đưa ra một lập trường mạnh mẽ hơn bênh vực ASEAN. Bản thân nội bộ ASEAN vẫn tồn tại nhiều khác biệt quan điểm về mức độ can dự của ASEAN vào giải quyết tranh chấp cũng như đường hướng giải quyết tranh chấp. Các nước như Philíppin, Việt Nam và Inđônêxia kiên định ủng hộ vai trò lớn hơn của ASEAN vào giải quyết tranh chấp nhưng Mianma và Campuchia có xu hướng ủng hộ Trung Quốc, trong khi đó Malaixia, Xinhgapo, Thái Lan và Brunây đều không muốn bị tổn hại lợi ích song phương với Trung Quốc. Về đường hướng giải quyết, Inđônêxia và một số nước cho rằng nên đẩy mạnh các hình thức hợp tác đa phương thăm dò tài nguyên, bảo vệ môi trường, chống tội phạm xuyên quốc gia để giảm thiểu nguy cơ xung đột. Philíppin đòi quốc tế phân xử chủ quyền, sau đó mới tính đến hợp tác khai thác chung tại các khu vực khó phân định và lập trường này được Mỹ ủng hộ. Việt Nam chưa bày tỏ quan điểm về vai trò trọng tài quốc tế nhưng cũng không đặt nhiều hy vọng vào đàm phán song phương với Trung Quốc. 
Một thực tế khác là thành quả cụ thể mới đạt được giữa Trung Quốc và ASEAN chỉ là một bản tuyên bố chung về xây dựng các quy tắc hướng dẫn thực thi DOC. Tuyên bố này chung chung, chưa đề cập đến các vấn đề quan trọng như khung thời gian hoàn tất soạn thảo các quy tắc, bổn phận thực thi của các nước sau khi có các quy tắc và không đề cập tới các vấn đề nóng bỏng hiện nay trên Biển Đông là hoạt động thăm dò, khai thác của các bên, sự ứng xử và cơ chế hợp tác của hải quân các nước nhằm giảm thiểu va chạm. Kết quả này cho thấy điểm yếu trong chính sách đồng thuận của ASEAN đối với các vấn đề an ninh khu vực, ít có tác dụng kiểm soát khủng hoảng trong thời gian trước mắt và cho thấy chưa thể sớm xây dựng các quy tắc hướng dẫn thực thi DOC để tiến tới xây dựng COC trong tương lai gần. 
Như vậy, bước tiến nhỏ mới đạt được giữa ASEAN và Trung Quốc chưa làm thay đổi cục diện tình hình và chưa tạo được áp lực khiến Trung Quốc nhượng bộ hơn nữa trong các đòi hỏi chủ quyền. Mặc dù Trung Quốc đưa ra một số tuyên bố mang tính hòa giải nhưng trên thực tế nước này vẫn tìm cách né tránh mọi cam kết thực sự với các nước tranh chấp khác và chưa từ bỏ yêu sách chủ quyền trên hầu hết Biển Đông. Trong thời gian tới, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục thể hiện mềm mỏng, nhưng mặt khác sẽ đẩy mạnh các hoạt động thăm dò tài nguyên và ngăn cản các nước khác tiến hành thăm dò. Động thái này dễ dẫn tới tranh cãi ngoại giao và các va chạm mới trên biển vì ngoài Việt Nam, Philíppin cũng đang đẩy mạnh các kế hoạch thăm dò khai thác tài nguyên. Trong một bối cảnh mà Trung Quốc vẫn ở thế lấn lướt, giải pháp đảm bảo hòa bình hợp lý nhất đối với các nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc trong thời gian trước mắt là gác lại các đòi hỏi chủ quyền, tận dụng triệt để những gì Trung Quốc đã nhất trí từ trước đến nay để sớm biến các cam kết đó thành công cụ áp dụng vào ngăn ngừa xung đột trước khi có thể đạt tới một Bộ quy tắc ứng xử mang tính pháp lý (COC). Nếu không có những bước đi thích hợp, sóng ngầm tại Biển Đông có thể bất ngờ nổi lên tại bất cứ thời điểm nào./.
  Theo Asia focus (ngày 11/8)
 Mỹ Anh (gt)

No comments:

Post a Comment