07:17 | 24/08/2011
Nền kinh tế nước ta có độ mở cao nên không tránh khỏi việc chịu ảnh hưởng từ diễn biến trên thị trường thế giới. Nhưng một câu hỏi đặt ra là tại sao các nước lân cận có một số điểm tương đồng với kinh tế nước ta như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, giá thực phẩm cũng tăng cao nhưng lại thấp hơn so với tỷ lệ tăng tại Việt Nam?
Một số hàng lương thực, thực phẩm đã điều chỉnh giá bán theo diễn biến của thị trường thế giới, nhưng chủ yếu là tăng giá. Với một quốc gia có vai trò cung cấp lương thực cho thế giới thì diễn biến này dường như đi ngược với nguyên tắc cung – cầu quyết định giá bán hàng hóa. Hơn nữa, giá lương thực, thực phẩm trên thị trường tăng cũng không phải do tác động của gói kích cầu được thực hiện từ năm 2009 – 2010. Việc tăng giá các mặt hàng lương thực xảy ra muộn hơn rất nhiều so với các mặt hàng công nghiệp khác. Thực tế, giá cả hàng hóa công nghiệp tăng nhanh ngay sau khi sản lượng công nghiệp của thế giới chạm đáy vào tháng 2.2009. Còn giá lương thực trong cả năm 2009 gần như không có biến động mạnh. Tuy nhiên, giá lương thực bắt đầu tăng nhanh vào tháng 8.2010 ngay sau khi thời tiết xấu ảnh hưởng lớn đến các vụ mùa tại các quốc gia cung cấp lương thực lớn trên thế giới.
Giá lương thực, thực phẩm trên thị trường thế giới tăng do nguồn cung thấp hơn nhu cầu sử dụng. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tổng sản lượng ngũ cốc giảm gần 3%, nếu tính luôn cả lượng tăng dân số thế giới thì sản lượng ngũ cốc trên đầu người giảm gần 5%. Vấn đề là tại sao sản lượng giảm chỉ có 5% mà giá cả của một số lương thực lại tăng gần gấp đôi? Một phần có thể được giải thích do nhu cầu về lương thực tăng nhanh hơn tốc độ tăng của dân số. Cụ thể là một số quốc gia tăng nhập khẩu lương thực để phục vụ nhu cầu của người dân, cũng như chăn nuôi, chế biến hàng hóa xuất khẩu. Đặc biệt là hệ số co giãn của mặt hàng ngũ cốc thấp, đòi hỏi phải tăng giá 24% mới có thể giảm 1% nhu cầu sử dụng.
Diễn biến trên thế giới phần nào lý giải cho tình trạng quyền của người tiêu dùng không có tác động nhanh đến giá lương thực, thực phẩm tại nước ta. Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng trong nước chững lại chỉ giúp giá các loại lương thực, thực phẩm tăng chậm hoặc giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, tại sao các nước lân cận có một số điểm tương đồng với kinh tế Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, giá thực phẩm cũng tăng cao nhưng với tỷ lệ thấp hơn so với Việt Nam? Tại sao số lượng lương thực xuất khẩu tăng cao trong những tháng đầu năm mà giá mặt hàng này trong nước tăng cao hơn gấp 2 - 3 lần các nước lân cận. Như vậy, dường như ảnh hưởng của thị trường thế giới không tác động mạnh đến giá lương thực, thực phẩm trong nước như lý do điều chỉnh giá được các doanh nghiệp đưa ra.
Có thể thấy, giá lương thực, thực phẩm chịu sự điều tiết của thị trường, chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh. Thực tế, chính sách tài khóa thắt chặt, tiền tệ thận trọng không có tác động mạnh đến diễn biến giá của mặt hàng này. Điều này cũng lý giải việc ở hầu hết các nước, nhất là những nước có nhóm giá lương thực, thực phẩm chiếm quyền số cao trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), khi tính lạm phát cơ bản thì chỉ số giá lương thực, thực phẩm được loại ra. Vì vậy, yếu tố tiền tệ và tài khóa không phải là nguyên nhân làm cho giá lương thực, thực phẩm của Việt Nam tăng cao hơn các quốc gia lân cận.
Các chuyên gia cho rằng, lạm phát chưa được kiềm chế hiệu quả do cấu trúc thị trường có nhiều hạn chế. Thể hiện qua việc giá bán lẻ tăng liên tục từ đầu năm bất chấp giá thu mua có nhiều giai đoạn chững lại hay giảm. Cụ thể là giá thịt lợn bán lẻ đã tăng 82% so với đầu năm, trong khi, giá mua thịt hơi chỉ tăng 51%. Trong khi đó, lương thực, thực phẩm là nhóm hàng hóa có quyền số cao trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng. Hơn nữa, sự yếu kém của cấu trúc thị trường thường chỉ biểu hiện mạnh khi kỳ vọng lạm phát cao. Thực tế này đòi hỏi cơ chế điều hành, quy mô chăn nuôi, hệ thống thu mua phân phối, hệ thống hàng tồn kho cũng như vận chuyển, các tầng lớp trung gian… cần được đổi mới đồng thời, để thị trường vận hành theo đúng quan hệ cung - cầu, không bị các đối tượng đầu cơ làm lũng loạn.
Như vậy, kỳ vọng lạm phát cao cùng với sự yếu kém của cấu trúc thị trường là nguyên nhân chính dẫn đến mức tăng bất thường của giá lương thực, thực phẩm ở nước ta. Việc kiểm soát lạm phát đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ các chính sách và một chiến lược dài hơi để kiểm soát lạm phát trong trung và dài hạn, không nên chỉ tập trung nguồn lực vào kiểm soát lạm phát ngắn hạn.
Hải Thanh
No comments:
Post a Comment