Saturday, November 26, 2011

26/11 Cảnh báo hiện tượng hàng ngoại 'đội lốt' trong nước


Thứ bảy, 26/11/2011, 22:33 GMT+7


ừ đầu năm đến nay, có 1.561 vụ xâm phạm nhãn hiệu trên cả nước, cơ quan chức năng xử phạt hơn 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tượng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn xuất hiện tràn lan.

Hàng giả, nhái mở rộng lĩnh vực

Báo cáo tại Hội thảo Phòng chống hàng giả và gian lận thương mại tại TP HCM hôm nay, Cục Sở hữu trí tuệ văn phòng phía Nam cho biết đã xử lý 107 vụ vi phạm kiểu dáng công nghiệp, 4 trường vi phạm sáng chế, 39 vi phạm về chỉ dẫn địa lý, tổng số tiền phạt là hơn 300 triệu đồng.
Ngoài vi phạm sở hữu trí tuệ, báo cáo của cơ quan chức năng cũng cho thấy việc buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại đang ở mức báo động. Cụ thể, trong 10 năm qua (tính đến cuối tháng 8 năm nay), các lực lượng chức năng đã xử lý gần 2 triệu vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt hành chính hơn 4.568 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm lên tới hơn 5.747 tỷ đồng.
"Hiện nay hàng giả mạo, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện ở tất cả các địa bàn như cửa hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trong cơ quan, doanh nghiệp và gia đình", bà Trương Thị Tuyết Mai, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ văn phòng phía Nam cho biết.
Đại diện Quản lý thị trường TP HCM cảnh báo hiện tượng biến tướng của hàng giả. Theo đó, hàng giả được hợp thức hóa thành hàng nội địa bằng chiêu nhập khẩu linh kiện, để các cơ sở chế tác, gia công trong nước gắn bao bì, nhãn mác mới của thương hiệu nội có uy tín và bán ra thị trường.
Hàng giả, nhái vẫn tràn lan trên thị trường. Ảnh: Kiên Cường
Hàng giả, nhái tràn lan trên thị trường. Ảnh: Kiên Cường
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam gọi việc xâm phạm nhãn hiệu này là tội ác.
'Từ hàng thông thường đến cao cấp, tiêu dùng đến sản xuất, sản phẩm dịch vụ, ngay cả vàng, tiền, đặc biệt là thuốc liên quan đến sức khỏe, tính mạng, cũng đều bị làm giả", ông Hùng bức xúc.
Theo số liệu của Cảnh sát quốc tế Interpol thì Việt Nam là nước có số lượng mẫu thuốc giả đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, với tổng số bị phát hiện trong năm 2008 là 406 mẫu. Thuốc giả tại Việt Nam thường được làm bằng hai cách: một là dùng bột mì rồi làm bao bì giống hệt hàng chính hãng, hai là thuốc nhưng dược chất liều thấp hơn so với quy định.
Hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ... được xem là vấn nạn từ nhiều năm nay và có nhiều nguyên nhân. Theo các chuyên gia, vấn đề hiện nay là phải tìm mọi cách ngăn chặn và từng bước tiêu diệt hàng giả.
"Để tăng tính răn đe, mức phạt tiền cho hành vi giả mạo nên ít nhất bằng giá trị hàng hóa vi phạm giả mạo, nhiều nhất không vượt quá 5 lần giá trị hàng hóa", luật sư Phạm Mạnh Nam đề xuất.
Quản lý thị trường TP HCM thì cho rằng các doanh nghiệp phải tự kiểm tra, kiểm soát không để hàng giả lọt vào khâu sản xuất, phân phối của mình. Doanh nghiệp cũng cần tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn hàng giả lưu thông trên thị trường.
"Về lâu dài phải tăng cường vai trò của tòa án về xét xử các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, có thể tính đến việc thành lập tòa án chuyên trách xét xử vi phạm về sở hữu trí tuệ", đại diện Cục Sở hữu trí tuệ văn phòng phía Nam đề xuất biện pháp mạnh.
Kiên Cường

No comments:

Post a Comment