Thursday, February 16, 2012

Cái chết của Sử gia Phạm Văn Sơn (2)

Văn Nguyên Dưỡng – 
Cái chết của Sử gia Phạm Văn Sơn (2)
(Tiếp theo và hết)


Suốt ngày hôm đó tôi thẫn thờ vì những ý nghĩ miên man trong đầu óc tôi. Đêm đó cũng không thể ngủ được. Tôi suy nghĩ về ông và những ngày tù đày của chính bản thân tôi. Quả thật, trong lần đối thoại bằng mắt ở buổi gặp lại lạ lùng này, ông đã nói với tôi thật nhiều về thân phận của ông và của tôi. Tôi biết rõ ông đã vượt khỏi cái thân xác bệnh hoạn yếu đuối nhỏ nhoi của con người, dẫn phần tâm linh của ông đến một cõi an bình nào đó, như một tín đồ công giáo tin tưởng sự an bài của Đấng Tạo Hóa về định mệnh của mình. Hơn thế nữa, trong tư tưởng, ông không chỉ còn là một người viết sử bình thường, một sĩ quan bình thường, mà đã trở thành một triết gia lớn biết cả cội nguồn của dân tộc và tổ quốc. Tâm trí ông đã đi ra ngoài thân thể ông để đến một khung trời bao la nào đó, cao rộng, hay ít nhất cũng phủ trùm trên bờ cõi VN. Rõ ràng ông đã tìm được cho ông một lối thoát, sau khi đã trải qua đau khổ đến tột độ: thể xác nứt nẻ, nhức nhối vì bị gặm nhấm, rút tỉa bởi con máu độc hại của chứng bệnh nan y; bị bỏ đói khát lạnh lẽo, cô độc trong một nơi cách biệt đến trở thành câm nín. Bao nhiêu tháng ngày đau đớn oằn oại mà ông phải chịu đựng từng phút từng giây đó không đủ để ông trở thành một triết nhân hay sao, vả lại ông là một người thâm trầm, hiểu sâu học rộng... Dù sao thì ông cũng đã vượt thoát được đau khổ và tìm ra cho mình một con đường.


Một ngày nào thoát khỏi gông cùm CS, nếu tấm thân tàn phế của ông còn hơi thở, thì biết đâu khối óc phong phú và tĩnh đạt của ông sẽ không giúp ông trở nên bất tử trong lòng mọi người, vì những điều chứa đựng trong đó sẽ có thể cho chúng ta những hiểu biết về lịch sử Việt Nam -- trong thế hệ chúng ta -- một cách xác đáng nhất, tường tận nhất, đáng suy gẫm nhất vì sao chúng ta đã đau khổ triền miên trong cuộc chiến tranh tàn khốc dai dẳng vừa qua. Hay xa hơn nữa, biết đâu ông cũng có thể cho chúng ta một triết lý nhân sinh rút tỉa từ kinh nghiệm bản thân ông, khả dĩ giúp được nhiều người tìm ra sự an bình trong tâm hồn ở cuộc sống nhiều đau thương này.


Tôi yên tâm phần nào về ông, vì tôi biết, dù ông là kẻ chiến bại trong cuộc sống, nhưng lại là người chiến thắng chính bản thân mình.

Còn tôi, ông đã nói cho tôi biết bằng ánh mắt, là ông thương cảm cho tôi, vì hình như ông biết rõ tôi đã và đang còn mù mờ, quờ quạng trong đáy ngục, trong lưu đàỵ Tôi chưa nghĩ gì cho hôm nay và cho ngày mai hơn là phải sợ lao động nặng nhọc sáng nay hay sợ bị đói lạnh chiều nàỵ Tâm trí, tư duy của tôi là một thứ bòng bong.


Tôi phải gặp lại ông, tôi phải học tấm gương của ông, phải biết nhận chịu cái đau buốt tận xương tủy, để nghiền ngẫm về lẽ sống và tìm cho mình một con đường thích hợp nhất mà bước đi. Từ ngày đó tôi định bụng hôm nào thuận tiện tôi sẽ đi tìm ông, vì ông ở phòng "cách ly" không phải lúc nào cũng tự tiện mà đến được. Cán bộ Công an trại giam cấm ngặt mọi tù nhân đến đó. Trong mấy ngày liền, sau các buổi lao động xong về trại, tôi đi theo các bạn lãnh cơm lên phạn xá, lảng vảng đến gần căn phòng cách ly mong nhìn thấy ông để đến gặp, nhưng lần nào cũng trở về không. Rồi một buổi chiều tôi trở lại đó, từ xa tôi đã thấy ông sau song cửa sổ, mắt đang nhìn ra xa xôi... cao hơn bờ tường rào của trại trước mặt ông. Tôi muốn nhìn ông cho rõ hơn nên bước thêm mấy bước nữa rồi dừng lại. Một chập rất lâu, ánh mắt ông vẫn thế, không thay đổi hướng. Ở hướng đó, mặt trời chiều đã xuống thấp, nắng đã nhạt, mấy áng mây thật mỏng, ráng hồng, còn vơ vẩn, rồi bỗng như bị gió giật xé, tan ra. Tôi chợt thấy ông rùng mình.

Tôi tự nghĩ: "Chẳng lẽ mình nhầm hay sao khi nhận xét về ông ở buổi đầu tiên?" Không do dự nữa, tôi bước đến gần, đứng ngoài sân, trước hành lang, chào ông và khẽ hỏi:
- "Chào Thầy, hôm nay Thầy có khoẻ hơn không?"

Ông quay lại nhìn tôi, nhẹ gật đầu nhưng không trả lời. Đôi mắt ông lại hướng về góc trời có một bóng mây vừa tan, một thoáng như mờ đi, như nghĩ ngợi, rồi chợt sáng hẳn ra nhìn thẳng hơn vào mắt tôi. Thầy.

Thầy ơi! Tôi đã hiểu rồi. Tôi đã hiểu trong lòng Thầy nghĩ gì và Thầy muốn gì ở tôi. Lòng tôi trong một phút cảm thấy đau điếng. Tôi có nên nói đến những điều này cho các bạn nghe hay không? Liệu các bạn có tin rằng tôi nói bằng sự thật, bằng tấm lòng của tôi hay không? Thôi thì tôi cứ nói.

Ông đã cảm nhận được định mệnh của ông rồi. Hơn ai hết, ông hiểu rõ tình trạng sức khoẻ của ông. Ông chỉ sợ mình như ráng mây mong manh kia, sẽ phải tan rã mất đi vội vàng. Thời gian quí báu không còn nữa đối với ông, ngọn đèn hắt hiu trong tim ông sắp tắt, nhưng ngọn lửa lớn trong óc ông, đang rực sáng, không có chỗ thoát ra. Bốn bức tường của nhà giam này thật cay nghiệt; cái hoài bão của ông, niềm ấp ủ đã hình thành trong tâm não ông cũng sẽ tan biến mà thôi.


Ông không sợ bản thân ông bị tiêu hủy, ông chỉ sợ những điều đó bị tiêu diệt, tôi nghĩ như vậy. Với ánh mắt nhìn thẳng vào mắt tôi, tôi nhận ra hình như ông muốn ủy thác cho tôi một việc gì đó sau này --khi tôi ra khỏi bốn bức tường của trại giam-- chẳng hạn như sẽ thay ông viết lên những gì mà ông muốn để lại cho những thế hệ tương lai. Nếu quả thật điều này tôi đoán đúng, tôi cam đành chịu sự thất lễ đối với ông. Dù tôi hiểu ông, nhưng làm sao tôi có thể hiểu tường tận những gì tách bạch định hình trong tư tưởng của ông. Ông đã nghĩ gì, ông đã biết những gì --hẳn nhiên là phải rộng lớn và khúc chiết-- ông muốn viết những gì, làm cách nào tôi có thể biết được. Vả lại, những thứ ấy là những điều mà ông phải phấn đấu thật cam go với bệnh tật, với chính mình bao nhiêu năm trời, chịu đựng vô vàn đau đớn tủi nhục từ thể xác đến tâm não mới có được. Nó là của riêng ông. Làm sao tôi có thể cảm nhận được hết, khi mức độ thương đau của tôi có hạn; làm sao tôi có thể viết những điều ấy thành lời.

Sở năng của ông là viết sử. Ngay ở công việc này, nếu tôi có hiểu biết một đôi điều, thì với khả năng của tôi, tôi cũng không thể thay ông mà viết nổi hết cái cao xa rộng lớn của ông, cái sâu sắc phong phú của ông, cái chiết trung tinh túy của ông, cái kinh nghiệm dồi dào của ông về những gì phức tạp nhất, nhiêu khê nhất, khuất lấp nhất của lịch sử ở thời đại nhiễu nhương này. Nếu tôi cần thời gian để có được những ưu điểm trên đây như ông, thì sẽ bao lâu. Có lẽ suốt đời đến khi nhắm mắt, tôi cũng không có được. Hôm trước tôi gọi ông bằng "Thầy" để tránh tiếng gọi cấp bậc đã trở thành "không thích hợp" nữa. Hôm nay, tôi cũng gọi ông bằng chữ đó, cùng nghĩa. Xét cho cùng, tôi chưa đáng là học trò của ông trên nhiều phương diện. Tôi đành cam chịu sự bất lực rồi. Cái hy vọng giữ được cuộc sống của ông thật mong manh, cái hy vọng giữ sự hiểu biết trong trí não ông cũng không thể có... Rồi cát bụi sẽ trở về với cát bụi mà thôi... Bỗng nhiên tôi nghe mấy giọt nước mắt lăn trên má tôi.

Ông nhìn tôi lặng lẽ thở dài rồi quay đi...

Tôi trở về phòng giam của mình với tâm trạng buồn bã, mệt mỏi. Tôi muốn làm vui lòng cố nhân, muốn làm tròn bổn phận với một cấp chỉ huy tôi quí trọng, nhất là khi ông đang ở trong hoàn cảnh khốn cùng, nhưng tôi biết tôi kém tài, thiếu khả năng để khả dĩ hoàn thành sự ký ủy của ông.

Sau buổi chiều đó, lại một đêm và nhiều đêm khác nữa tôi mất ngủ. Dù ông muốn hay không, tôi cũng thương cảm cho ông, xót xa cho ông. Niềm trắc ẩn của tôi không ngoài việc tôi biết ông cảm thấy sức khoẻ của ông đã cạn, ông biết ông sẽ không thể -- bằng cách nào đó, phổ cập được những gì đó thật hữu ích đã kết tinh trong não tủy của ông qua những tháng ngày đau khổ. Niềm hy vọng cuối cùng là ký thác những điều đó cho một ai đó có khả năng, cũng đã bị giập tắt. Sự cô đơn của ông bây giờ đã hoàn toàn. Tất cả đã quay lưng lại với ông. Bên ông có lẽ chỉ còn Thượng Đế là vị an ủi, là vị cứu tinh cuối cùng mà thôi. Con người đã không còn trong tầm mắt và niềm hy vọng của ông nữa, mãi mãi...

Sau đó không lâu, một buổi tối, bọn cán bộ trại tổ chức buổi chiếu bóng ngoài trời cho tất cả tù nhân xem ở cái sân rộng lớn giữa trại. Đêm ấy, trời đầy trăng sáng trong sương đêm loang loáng của mùa Đông. Hơn một nghìn tù nhân được xếp hàng ngồi theo đội của mình trong sân. Tuy nhiên, mọi người khi cần thiết cũng có thể tách ra đứng lên đi tiểu ở một vài nơi mà cán bộ trại giam CS đã chỉ định trước. Một nơi như vậy nằm bên trong bờ tường của phạn xá. Đây là cơ hội may mắn cho tôi. Khi phim chiếu được chừng một giờ --phim gì đó, tôi không còn nhớ-- tôi đứng lên đi về phía ở bờ tường vào phạn xá, đến chỗ đi tiểu. Nhìn không có ai, tôi bước thêm mấy bước nữa, dừng lại. Chỗ tôi đứng chỉ còn cách căn phòng nơi ông ở không đầy mươi bước. Tôi không có ý định gặp ông, chỉ muốn nhìn thấy ông mà thôi, và tôi đã nhìn thấy. Ông đứng bên trong cửa sổ, ở đó có ánh đèn le lói hắt ra, đang nhìn lên khung trời đầy ánh trăng bàng bạc trong sương. Giờ đó cũng gần khuya, ông vẫn thức, đứng nhìn trăng, nhìn trời. Tôi đã hiểu rõ hơn tâm sự của ông. Tôi đứng nhìn ông một lúc khá lâu, rồi sợ bị bọn cán bộ bắt gặp, tôi quay trở ra về chỗ ngồi của các bạn cùng đội và không xem gì được nữa ở những thước phim tuyên truyền còn lại. Tôi lơ đãng ngắm nhìn những vì sao xa xa, ngắm vần trăng nhàn nhạt trên nền trời nhiều sương lành lạnh, diệu vợi, buồn man man.


Đêm trăng là khung trời của Hàn Mặc Tử, vầng trăng và ánh trăng là thơ của Hàn Mặc Tử, không phải của ông. Ông không là một thi nhân, ông là một nhà viết sử. Trăng đã thức trong máu để Hàn Mặc Tử làm thơ và ngâm thơ. Trăng đã thức trong máu của ông, chỉ để ông thấy nỗi cô đơn của ông thấm đậm hơn mà thôi. Hàn Mặc Tử, ở những ngày cuối cùng của cuộc đời, còn nói lên được, còn viết lên được những điều muốn nói, những điều muốn viết, trong sự yêu chìu an ủi của một người đẹp yêu ông. Ông ta thật có diễm phúc so với nhà viết sử Phạm Văn Sơn. Vị sử gia của tôi trong những giờ phút cuối cùng này còn có ai đâu. Ông bị cách ly thân thể, bị chối bỏ tình cảm, tuyệt nguồn tâm sự đến trơ trọi cả linh hồn. Ngày xưa, vua Hezekiah của Do Thái --trong Thánh Kinh-- hơn mười mấy năm bị phong hủi cũng không cô đơn bằng ông, vì ông vua này vẫn sống trong hoàng cung lộng lẫy với hằng trăm cung tần mỹ nữ hầu hạ. Có lẽ chỉ một người chịu sự cô đơn như ông là một vị bác sĩ nào đó --một nhân vật có thật -- trong tác phẩm "Kẻ Độc Hành" (Man Who Walks Alone) của một nhà văn Mỹ, tôi đã quên tên, đã hy sinh suốt quãng đời đẹp đẽ nhất của mình, tình nguyện đến một phương trời xa, phục vụ một trại hủi để chữa trị bệnh nhân bằng sự hiểu biết và lòng tận tâm của mình, cho đến một ngày chính ông ta bị truyền nhiễm chứng bệnh nan y này. Khi trở lại quê hương, ông lại bị hất hủi, bị bỏ quên, cô đơn như một kẻ độc hành trong cõi đời tưởng chừng như hoang vắng. Dù sao vị bác sĩ đó cũng đã làm tròn thiên chức của mình, đã hưởng được sự tự do để suy gẫm về cái triết lý của cuộc sống và đã không uổng công viết lại được hồi ký về cuộc đời nghiệt ngã của mình. Còn ông, nhà viết sử của chúng ta, ông đã cô đơn bốn bề ở kiếp con người. Loài người dưới đất quên lửng ông, trăng sao trên trời xa lạ với ông.

Ông là kẻ cô đơn nhất trong loài người... ở những giờ phút sau cùng của đời người. Đêm trăng này hay bao nhiêu đêm trăng nữa sẽ cho ông nhìn thấy gì, hay ông chỉ nhìn thấy sự hoang mạc đến tận cùng của cuộc đời ông trong những ngày còn lại. Hay hơn thế nữa, ông sẽ nhìn thấy nỗi tuyệt vọng vừa nhen nhúm trong tâm sự ông, về sự không thể làm tròn thiên chức của mình, sẽ lớn dần lên, sẽ còn đày đọa ông không biết bao lâu nữa. Đêm không ngủ dưới trăng kia có ích lợi gì cho ông không?

Thì ra tâm sự con người thật phức tạp trước những sự kiện tưởng chừng như vô tình nhất, giản dị nhất. Lần đầu tiên sau khi gặp lại ông, tôi tưởng ông đã yên tâm vì đã tìm cho mình được một con đường, một chân lý, đến độ khi nhìn ông tôi cũng cảm thấy yên tâm. Hôm nay, bởi những sự kiện mới mẻ tưởng như vô tình, tôi mới biết ông vẫn còn ưu tư khoắc khoải, nên lòng dạ tôi xốn xang vô cùng. Tôi đã ngu muội và thật thà ở buổi chiều hôm trước, vì vô ý thức, tôi đã đẩy tình trạng cô đơn của ông đến cao độ nhất, bởi sự phản ứng tự nhiên, chân tình bằng mấy giọt nước mắt dại khờ, non nớt, rơi không đúng chỗ, đúng lúc... Một giọt nước đã làm tràn miệng bát.

Đáng lẽ tôi phải tế nhị giữ nó lại, tìm cách an ủi ông. Biết đâu niềm hy vọng vẫn còn là ngọn lửa, tuy nhỏ nhoi, cũng sưởi ấm lòng ông để ông cảm thấy mình vẫn còn người tri kỷ, không cô đơn, còn có ý nghĩa với mọi người. Biết đâu như vậy sẽ làm cho ông yên tâm hơn. Dù cái chết có đến với ông, bằng cách nào đi nữa, ông cũng cảm thấy ấm cúng trong tâm hồn. Niềm trắc ẩn xốn xang này đã trở thành sự hối hận triền miên trong tôi suốt nhiều năm qua, chưa có dịp bộc lộ cùng ai. Tôi thật khổ tâm.

Lúc đó, tôi thầm cầu nguyện Thượng Đế xui khiến cho những người CSVN thấy rõ chứng bệnh vô cùng hiểm nghèo, nguy ngập của ông mà tha cho ông ta, cho ông được trở về với gia đình. Đó là con đường duy nhất cứu được ông, cứu được cái hoài bão mà ông từng ôm ấp bao nhiêu năm qua. Tôi đã thất vọng, ý trời không phải là ý người. CSVN chỉ hủy diệt những nhân tài đối lập, không bao giờ nhẹ tay với một ai...

Rồi việc gì phải đến, đã đến.

Một ngày, chưa hết mùa đông, đầu năm 1980 (tôi không nhớ chính xác ngày tháng), buổi sáng sớm lất phất một cơn mưa phùn nhỏ, trời lạnh và đục, người ta đã đánh kẻng tập hợp tù nhân các đội ra ngoài sân để tuần tự cho xuất trại đi lao động như thường l. Bấy giờ tôi ở trong đội cưa xẻ gỗ súc của Trại K2/Tân Lập. Đội chúng tôi ra hiện trường làm việc --là hai dãy nhà lợp tranh, chỉ cách cổng trại vài mươi bước-- trong vòng mấy phút. Mỗi cặp cưa gồm 2 người, tự động vào giàn cưa của mình và xẻ những thân gỗ lớn thành những tấm ván dày hoặc mỏng dùng để đóng bàn ghế, vách nhà, sàn nằm trong trại, hay đóng hòm chôn tù nhân, chết bởi nhiều cách, đa số là chết vì bệnh và kiệt sức. Chừng chín giờ rưỡi hay mười giờ hôm đó, tôi đến nhận phần sắn phụ trội (đội cưa xẻ thuộc loại lao động nặng, có thêm một phần ăn phụ trội ở giờ giải lao, nhưng bất thường) vừa định quay về giàn cưa mình thì anh bạn hôm trước đi lãnh cơm với tôi, hôm nay vừa đi lãnh sắn ở nhà bếp, nói nhỏ vào tai tôi:
- "Tin buồn!"

Tin buồn có nghĩa là trong anh em của chúng tôi có thêm một người vĩnh viễn nằm xuống, cũng có nghĩa là đội của chúng tôi phải xẻ thêm những tấm ván để đóng chiếc hòm tạm bợ bọc xác bạn bè, một điều không ai muốn, nhưng ai cũng tình nguyện làm để biểu lộ lòng thương xót với người đã ra đi. Biết đâu rồi ngày nào cũng đến lượt mình. Tâm lý trái ngược đa đoan là thế đó.

Tôi nghe anh nói xong, định hỏi xem là ai, nhưng anh đã bảo tôi:
- "Đi đi..!"

Trở về chỗ, vừa ngồi xuống đã thấy anh theo đến, ngồi sát bên, nói vừa đủ cho tôi nghe:
- "Đại tá Sơn, "boss" cũ của anh, chết rồi!"

Tôi sững sờ, tưởng chừng như ai tạt một gáo nước lạnh vào mặt, hỏi lại anh: - "Anh nói... ai chết rồi, tại sao, hồi nào?" Anh buồn bã thuật lại câu chuyện anh vừa nghe ở nhà bếp: -"Sáng nay, sau khi các đội đã xuất trại hết, 'tụi nó' ra lệnh cho ông đem giỏ ra sân mang than đá vào bếp trại như những ngày trước. Không biết ông bưng vác đến giỏ thứ mấy thì kiệt sức, hộc máu tươi, ngất xỉu bất tỉnh. Khi chúng hay được cho mang ông lên bệnh xá thì chỉ mấy phút sau ông mất; cả người nhầy nhụa máu me, hình như bao nhiêu máu mủ trong các phần thân thể lở lói tuôn tràn ra hết..."

Anh nói tiếp:
- "Giờ này có lẽ họ đã đem ông xuống nhà xác rồi!"

Anh lặng lẽ bỏ đi, không nói thêm gì nữa. Tôi như một kẻ mất hồn.

Tôi đã hiểu...

Từ lâu nay, thỉnh thoảng chúng tôi thấy một chiếc xe tải chở vào trại loại than đá vụn vo thành viên tròn to như những trái "poids" lớn, dùng làm chất đốt ở bếp. Mỗi lần như vậy, họ đổ than đá ở phần sân ngoài bức tường, trước cửa vào nhà bếp. Bọn cán bộ ra lệnh cho ông hằng ngày dần dà chuyển hết những đống than đá đó vào bếp, trừ trường hợp trời mưa, phải chuyển gấp, chúng cho người phụ. Như vậy, một người bệnh trầm kha như ông vẫn bị chúng vắt sức lao động đến giọt máu cuối cùng. Hôm nay ông đã ngã xuống như trăm ngàn nạn nhân khác dưới chủ trương giết người siêu dã man này trong các trại giam CSVN.

Sau buổi giải lao, tất cả anh em trong đội cưa xẻ đều biết về cái chết thảm thương của ông. Ông đã mất rồi, đã về cõi thiên đường, đã mang theo sự chịu đựng và sự hiểu biết của ông vốn dĩ không hề tưởng là đã có trong con người mang nhục thể. Cái gì của Thượng Đế trả về cho Thượng Đế.

Người ta ra lệnh xẻ gỗ đóng quan tài cho ông. Tôi nhận việc ấy với những giọt nước mắt chảy dài trên má. Chỉ còn một chút đáp đền này thôi, cố nhân ơi...

Văn Nguyên Dưỡng



----- Forwarded Message -----
From: Bu`i Ba?o So+n <sonbui@yahoo.com>
To:
Sent: Thursday, February 16, 2012 7:47 AM
Subject: [Exryu-ww-Forum] Cái chết của Sử gia Phạm Văn Sơn (2)



From: nguyen phong quang <nguyen_phongquang@yahoo.fr> 



No comments:

Post a Comment