Thursday, June 9, 2011

04/06 Gian hàng Mỹ ở Viet Arc lần thứ ba

SGTT.VN - Triển lãm kiến trúc Việt Nam (Viet Arc) 2011 từ 1 – 4.6.2011 có một dấu nhấn khá đặc biệt: gian hàng triển lãm của các công ty Hoa Kỳ (U.S. Pavillion). Gian hàng đó gồm 15 đơn vị và chiếm 20 gian trong triển lãm. Đặc biệt hơn nữa là gian B16b: sự tham gia của Thương vụ lãnh sự quán Hoa Kỳ.
Khách đến triển lãm đang hỏi thông tin tại gian B16b của Thương vụ lãnh sự quán Hoa Kỳ. Ảnh: Phan Quang
Trong số các đơn vị Mỹ tham gia triển lãm lần này có ít nhất năm đơn vị chuyên về tư vấn quy hoạch và thiết kế. Xác nhận việc tìm kiếm thị trường về các dịch vụ này, ông Kevin D. Gordon, đại diện cho công ty TVS Design, đơn vị lần đầu tiên xuất hiện chính thức tại Việt Nam qua gian triển lãm A2b: “Chúng tôi là công ty toàn cầu, nên cần phải tìm kiếm thị trường khắp thế giới. Chúng tôi từng có mặt ở những thị trường châu Âu, Trung Quốc, Dubai, v.v. Tôi nhận thấy Việt Nam đang là một thị trường mở mà sự cạnh tranh còn rất ít khốc liệt”.
TVS Design, hãng nổi tiếng với thiết kế Tallest Tower ở Dubai, là một trong bốn đơn vị Mỹ lần đầu tiên chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam, với địa chỉ liên lạc nằm ở nước ngoài hoặc tại chính quốc. Những đơn vị còn lại đều có văn phòng tại Việt Nam.
Trước khi có sự ra mắt chính thức, TVS Design của ông Kevin đã tham gia nhiều cuộc thi, góp ý, tư vấn cho một số công ty địa phương ở những đô thị lớn.
Fentress Architects là một công ty danh tiếng của Mỹ chuyên về thiết kế sân bay, cảng hàng không và các dự án công cộng với hàng loạt công trình quy mô nổi tiếng thế giới cũng đang hướng đến thị trường xây dựng và kiến trúc Việt Nam. Dấu ấn về sự lừng danh của công ty này là giải Thomas Jefferson 2010, giải thưởng cao quý nhất về kiến trúc công cộng của viện Kiến trúc Mỹ, được trao cho KTS Curtis Fentress, chủ tịch công ty và công trình sân bay quốc tế Incheon ở Seoul, Hàn Quốc.
Fentress Architects cho rằng Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh tại châu Á, để tạo ra một công trình thật sự nổi trội có thể mang tính biểu tượng lâu dài đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ với các nhà chuyên môn về kiến trúc và văn hoá địa phương. Công ty đang tham gia vào quá trình này bằng một số dự án công cộng lớn tại khu vực TP.HCM ở giai đoạn mở đầu và đang trong khâu trình bày ý tưởng.
Chuyên về phát triển và tạo hình những thành phố mới cũng như chỉnh trang lại các khu vực trong thành phố đã và đang phát triển, công ty William Hezmalhalch Architects cũng đang nhắm đến phân khúc thị trường này ở Việt Nam.
U.S. Pavillion như một dấu hiệu cho thấy xu hướng tìm kiếm của các công ty Mỹ tại thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực thiết kế các công trình lớn, các dự án đa năng mang tầm cỡ lớn, tiếp thị dự án – một thị trường mà ông Kevin cho rằng “nhiều công ty toàn cầu của Mỹ đang nhắm đến, vì ở đây đang là một cơ hội mở”.
VietArc lần thứ ba, theo Danh bạ triển lãm kiến trúc Việt Nam, có 95 đơn vị tham gia, trong đó các công ty nước ngoài đến từ hơn 20 quốc gia, chiếm khoảng 60%.
K.T

No comments:

Post a Comment