07:11 | 16/08/2011
Phát triển công nghiệp chế tạo và công nghiệp phụ trợ được xác định là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Chính phủ đã đưa ra chính sách phát triển đối với 6 ngành công nghiệp hỗ trợ và nhiều chính sách cụ thể để doanh nghiệp trong nước phát triển chế tạo và sản xuất, tiến tới là nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Tuy nhiên, ngành công nghiệp phụ trợ nước ta vẫn còn nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết nhanh chóng.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, ngành công nghiệp chế tạo và phụ trợ của nước ta có nhiều thách thức như: thông tin còn ít, chính sách chưa đáp ứng kịp cho ngành. Chủng loại sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn nghèo nàn. Trong khi đó, các đối tác Nhật Bản đòi hỏi cung cấp những sản phẩm phụ tùng, linh kiện chất lượng cao phục vụ cho ngành điện - điện tử, lắp ráp ôtô, da - giày, công nghệ cao… Vì vậy, ngành này chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của đối tác nước ngoài. Khả năng đáp ứng yêu cầu thấp do doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực vốn hạn chế. Bên cạnh đó, trình độ quản lý và công nghệ chưa được quan tâm đúng mức, dù là khâu then chốt trong chuỗi sản xuất. Và do thiết bị, công nghệ lạc hậu, nên doanh nghiệp gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm của đối tác.
Để phát triển công nghiệp phụ trợ, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội Hirokazu Yamaoka chia sẻ kinh nghiệm, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để nâng cao khả năng sản xuất của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp này. Các doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ với nhau để cung ứng đúng chất lượng, chủng loại mà đối tác cần. Ông Hirokazu Yamaoka cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu các yêu cầu chất lượng của đối tác. Doanh nghiệp Nhật Bản sẽ kiểm tra từ các khâu trong quy trình sản xuất, không chỉ với sản phẩm đầu ra. Nhưng nhiều doanh nghiệp đề nghị, để sản phẩm phụ trợ đến được nơi lắp ráp rất cần sự hợp tác hơn nữa của đối tác. Cụ thể là nêu rõ hơn yêu cầu về chất lượng, nguồn nguyên liệu, thậm chí là hỗ trợ về công nghệ để sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn.
Theo các chuyên gia, muốn phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cần có những chính sách cụ thể hơn từ phía Chính phủ. Giám đốc Công ty Reed Tradex của Thái Lan Chainarong Limpkittin cho rằng, cần ban hành các chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất sản phẩm phụ trợ. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ và dành quỹ đất thích hợp cho các dự án sản xuất sản phẩm phụ trợ; hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuyển dụng, đào tạo lao động... Ngoài ra, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng cần sự nỗ lực từ phía các Sở, ban, ngành, nhất là vai trò của địa phương. Theo Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lưu Tiến Long, thành phố đã chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Ví dụ ban hành cơ chế cho doanh nghiệp để tiếp cận với hạ tầng đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể giao thương, xúc tiến với các doanh nghiệp, tổ chức khác trong khu vực và thế giới để có khả năng tiếp cận với môi trường kinh doanh mới, cùng với các ngành khác để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất.
Ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta còn nhiều vấn đề cần giải quyết, cụ thể là vốn, trình độ quản lý, công nghệ và nhân lực. Bên cạnh những hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp cần chủ động để tìm ra thế mạnh và lợi thế so sánh của sản phẩm, từ đó chiếm lấy phân khúc trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Xuân Lan
No comments:
Post a Comment