Tuesday, August 16, 2011

16/08 Thu phí bảo trì đường bộ có tạo thêm gánh nặng cho người dân không?

07:11 | 16/08/2011
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa hoàn thành các phương án về tài chính cho Quỹ bảo trì đường bộ. Dự kiến, sau khi thành lập, quỹ sẽ thu được khoảng 12.200 tỷ đồng/năm nhằm phục vụ cho công tác duy tu, sửa chữa bảo vệ đường sá. Nhưng trong bối cảnh cuộc sống có nhiều khó khăn hiện nay có nên tạo thêm gánh nặng cho người dân hay không, nhất là khi chất lượng hạ tầng giao thông chưa được bảo đảm?

Nguồn: vietbao.vn
Hiện nay có nhiều ý kiến băn khoăn về việc sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ ra sao để đáp ứng chất lượng đường sá tương ứng với nguồn phí được đóng góp. Ngoài ra, đối với các cá nhân trực tiếp tham gia kinh doanh vận tải thì việc thêm một loại phí sẽ tăng gánh nặng. Bởi nguyên liệu cho vận hành xe nhiều do hạ tầng giao thông nước ta còn hạn chế. Trong khi đó, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng từ đầu năm và các khoản phí cầu đường phải đóng hiện nay đã tạo áp lực với người chạy xe. Hiện doanh nghiệp vận tải phải đang oằn lưng với nhiều loại thuế, phí như phí trước bạ, đăng kiểm hàng năm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự… Điều này khiến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng. Theo lẽ thường, chi phí cho vận chuyển tăng thì giá hàng hóa, sản phẩm cũng phải tăng theo để bảo đảm lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, hai phương án thu phí như thu trực tiếp từ đầu phương tiện, thu qua xăng dầu được Tổng cục đường bộ đề xuất vẫn còn những bất cập. Trong đó, việc thu phí qua đầu phương tiện sẽ gây khó khăn cho người dân và nhà quản lý, có thể gây thất thoát nếu không quản lý tốt hoặc phải nuôi bộ máy cồng kềnh này. Phương án thu qua nhiên liệu được cho là khả thi hơn và được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Nhưng nhiều ý kiến đề nghị, Nhà nước cần lược bỏ một số loại phí với xăng dầu để tránh tình trạng phí chồng phí; cần nghiên cứu lại việc thành lập Quỹ bảo trì đường bộ do người dân đã chịu nhiều loại phí khi lưu thông trên đường. Hơn nữa, với xu hướng xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông hiện nay thì nên để các doanh nghiệp tự điều tiết nguồn kinh phí tu bổ, sửa chữa đường. 
Có thể thấy, chất lượng thi công, kể cả xây dựng mới và sửa chữa bảo trì không bảo đảm khiến cầu đường xuống cấp nhanh. Thất thoát trong trường hợp này chủ yếu do tiêu cực, chưa quản lý hiệu quả. Và theo nguyên tắc, khi con đường mới làm xong đã hỏng thì nhà đầu tư phải tự bỏ tiền lo sửa chữa. Nhà nước không phải trích ngân sách để thực hiện khi hiệu lực giấy phép đầu tư vẫn còn. Vì vậy, nếu người dân phải tiếp tục chịu thêm một loại phí sẽ tạo gánh nặng vô lý.
Theo lý giải của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ngân sách cấp cho bảo trị đường bộ trong nhiều năm qua chỉ đạt khoảng 50% nhu cầu đối với quốc lộ. Lượng kinh phí do ngân sách địa phương cần còn thấp hơn nhiều. Do vậy, để giảm gánh nặng ngân sách, phương án thu phí bảo trì đường bộ đang chuyển sang phía người tiêu dùng. Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý giao thông Khuất Việt Hùng đề nghị, cần cân nhắc áp dụng vào thời điểm nào để tránh nguy cơ tạo áp lực lớn về tăng giá.
Việc mỗi người dân chung tay chia sẻ gánh nặng kinh phí phát triển giao thông là cần thiết. Nhưng trong thời gian qua, người dân đã phải đóng góp nhiều loại thuế, phí khi tham gia giao thông. Do đó, nếu cần đóng góp thêm cũng phải tính toán trên tinh thần công bằng, hợp lý và đúng đối tượng. Sẽ là không công bằng khi người dân gánh nhiều khoản phí trong khi chất lượng cầu đường được thụ hưởng không tương xứng. Và trong thời điểm giá cả tăng cao như hiện nay thì có nên tạo thêm áp lực cho người dân nữa hay không? Chúng ta đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Mong muốn chung của người dân là Chính phủ cân nhắc và xem xét mức phí và thời điểm để tránh tác động kép tới đời sống, thu nhập của người lao động.
Hà Nho

No comments:

Post a Comment