07:09 | 16/08/2011
Khi có những vấn đề đại biểu chưa hiểu, thì đại biểu hỏi ai? Hỏi cử tri. Cử tri đứng sau mỗi đại biểu, giúp làm nên bản lĩnh của đại biểu. PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG (PCN) LÊ QUANG HUY đã chia sẻ như thế và tin tưởng, QH Khóa XIII sẽ tiếp nối thành công QH Khóa XII.
Bắt nhịp và tiếp nối
PV: Thưa Phó chủ nhiệm, Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIII - nối tiếp những thành công của QH Khóa XII đã được thể hiện như thế nào?
PCN Lê Quang Huy: QH Khóa XII đã để lại những dấu ấn đậm nét đối với cử tri của cả nước; dấu ấn trong rất nhiều hoạt động của QH như: lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Cử tri kỳ vọng, mong đợi vào nhiệm kỳ QH Khóa XIII – sẽ tiếp nối mạch thành công của QH Khóa XII. Trải qua Kỳ họp thứ Nhất, một kỳ họp không dài, một số ĐBQH mới dường như đã bắt nhịp tốt với mạch hoạt động của QH. Tôi xin nêu một vài thí dụ minh chứng cho nhận định này.
Thứ nhất, liên quan đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, phát biểu của một số đại biểu mới được đánh giá cao, như việc thành lập các Ủy ban soạn thảo Hiến pháp, quy trình soạn thảo Hiến pháp đã được pháp luật quy định cụ thể hay chưa? Ví dụ nhỏ này cho thấy, nếu đại biểu không quan tâm, nghiên cứu sẽ khó có được những ý kiến mang tính xây dựng, bắt nhịp ngay với hoạt động QH.
Thứ hai, liên quan đến thảo luận kinh tế xã hội, một số đại biểu mới đã phân tích và đặt ra câu hỏi: liệu có mặt trái của gói kích cầu trong giai đoạn trước hay không và phải chăng hệ lụy của nó đang gây ra những khó khăn của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay?
Chất lượng hoạt động của từng ĐBQH đóng góp quan trọng cho hiệu quả hoạt động của QH. Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIII vừa kết thúc, thời gian chưa đủ để đưa ra những nhận định cụ thể, nhưng bước đầu, tôi nhận định, QH Khóa XIII đang kế tục, phát triển và tiếp nối thành công của QH Khóa XII.
PV: Đại biểu có tâm với hoạt động của QH, thì dễ bắt nhịp nhanh với phương thức hoạt động của QH có phải không, thưa Phó chủ nhiệm?
PCN Lê Quang Huy: Khi được cử tri tín nhiệm bầu ra mình, mỗi đại biểu đều ý thức sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ của đại biểu là đại diện cho cử tri, mang hơi thở của cuộc sống, của cử tri đến với QH. Để thực hiện tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, ĐBQH cần đặt mình vào vị trí của cử tri khi xây dựng luật pháp, khi quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, khi giám sát các hoạt động thực thi pháp luật của bộ máy nhà nước... Đại biểu luôn ghi nhớ phía sau mình là cử tri đã tin tưởng, gửi gắm, và phải hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, coi nghiệp dân cử là tâm huyết của mình.
Có thể đại biểu hiểu biết về một vài lĩnh vực nhất định, trong khi đó công việc của QH đòi hỏi ở nhiều lĩnh vực khác nhau. ĐBQH muốn có được các quyết định chính trị đúng đắn thì phải học hỏi, tìm tòi. Đại biểu có thể học hỏi từ cử tri, thông qua đó, vừa chuyển tải tâm tư, nguyện vọng, vừa lĩnh hội được trí tuệ từ cử tri. Điều đó giúp ích rất nhiều cho ĐBQH trong quá trình hoạt động của mình. Tôi cho rằng đây là một cách thể hiện tâm huyết của ĐBQH, một trong những nhân tố quan trọng để các đại biểu QH Khóa XIII tiếp nối được thành công của QH Khóa XII.
PV: Để tăng cường hiệu quả hoạt động của QH, số Phó chủ nhiệm; đại biểu chuyên trách trong các cơ quan của QH Khóa XIII được tăng thêm. Theo Phó chủ nhiệm, việc tăng ĐBQH chuyên trách cho các cơ quan của QH nói lên điều gì?
PCN Lê Quang Huy: Gần 70% ĐBQH hiện nay vẫn hoạt động kiêm nhiệm, thời gian thực tế dành cho hoạt động QH cũng chưa nhiều. Theo tôi, muốn tăng cường hoạt động của QH, một trong những biện pháp là tăng cường số đại biểu chuyên trách có chuyên môn, được đào tạo, kinh nghiệm công tác phù hợp và nên tập trung cho Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban. Số Phó chủ nhiệm các Ủy ban của QH Khóa XIII đã tăng. Tôi đồng tình với quan điểm cho rằng Hội đồng dân tộc, mỗi Ủy ban của QH như là một công xưởng của QH. Ở đó công việc chuẩn bị giúp QH thực thi các chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước được vận hành có chiều sâu. Những hoạt động như thảo luận, tranh luận giữa các ĐBQH, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo, các chuyên gia và cả đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật có thể tổ chức dễ dàng tại các Ủy ban. Hoặc thực hiện chức năng giám sát, Ủy ban có thể mời các cơ quan chức năng, các chuyên gia ... cùng thảo luận, làm rõ vấn đề một cách sâu sắc hơn, có nhiều phát hiện có giá trị hơn. Thảo luận tại Hội trường khó có thể có điều kiện như vậy. Chính vì thế tăng cường đại biểu chuyên trách giúp cho việc hiện thực hóa hướng đổi mới này.
PV: Theo Phó chủ nhiệm, phương thức, phương pháp làm việc ở các công xưởng của QH nên được đổi mới theo hướng nào?
PCN Lê Quang Huy: Tôi không có nhiều thông tin về phương thức, phương pháp làm việc tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của QH. Tuy nhiên, là Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Khóa XII, tôi nhận thấy, Thường trực Ủy ban Khóa XII đã có nhiều đổi mới phương thức làm việc, cần tiếp tục phát huy ở Khóa XIII. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, các Ủy ban nên tăng cường tính chủ động, phát huy khả năng của các Ủy viên thường trực và các thành viên Ủy ban; mở rộng, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cơ quan của QH, Chính phủ, trường đại học, Viện nghiên cứu, doanh nhân, nhà khoa học, nhà quản lý... coi đây như những mạng lưới cộng tác cơ hữu trong quá trình hoạt động; nâng cao chất lượng Vụ chuyên môn, giúp việc. Như, việc phân chia tiểu ban trong Ủy ban thực chất là phát huy tính chủ động của lãnh đạo Ủy ban và các thành viên trong tiểu ban đó. Tuy nhiên, các tiểu ban phải có quy chế làm việc, chương trình, phân công cụ thể... và phải được thực hiện nghiêm túc thì mới hiệu quả. Để thẩm tra một dự án luật hay một công trình quan trọng quốc gia, Ủy ban rất cần những thông tin mang tính phản biện từ các chuyên gia, nhà khoa học... Khi đó, nếu huy động được mạng lưới cộng tác của Ủy ban hoặc phát huy ứng dụng công nghệ thông tin, thì đó sẽ là những địa chỉ, công cụ hữu hiệu có thể trông cậy, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban. Ngoài ra Vụ tham mưu, giúp việc phải có đủ năng lực về chuyên môn, khả năng tổ chức, quản lý thực hiện công việc thì mới có thể tham mưu cho Thường trực Ủy ban. Đó là một vài minh chứng cho quan điểm của tôi về việc đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban.
Cử tri - điểm tựa vững chắc cho ĐBQH
PV: Nhận nhiệm vụ mới - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có cảm thấy trách nhiệm và gánh nặng hơn?
PCN Lê Quang Huy: Tôi đã có một nhiệm kỳ QH Khóa XII làm việc tại UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường với tư cách là Ủy viên chuyên trách. Kinh nghiệm học tập được từ tập thể thường trực Ủy ban Khóa XII thật sự có ích đối với tôi. Trong nhiệm kỳ QH Khóa XIII, phát huy những kinh nghiệm tích lũy được, tôi cố gắng tới mức cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Thường trực Ủy ban giao và tuân theo quy định của pháp luật.
PV: Theo Phó chủ nhiệm, điều gì sẽ làm nên dấu ấn của đại biểu dân cử?
PCN Lê Quang Huy: Quan trọng nhất là bản lĩnh của đại biểu. Người đại biểu được cử tri tin yêu, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, nhưng nếu không có bản lĩnh thì rất dễ làm cử tri thất vọng và đem lại dấu ấn không mấy tốt đẹp đối với cử tri. Đơn cử như các hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri, hoạt động chất vấn trong giám sát tối cao, hoạt động lập pháp, nếu đại biểu hiểu biết nhưng thiếu bản lĩnh thì liệu đại biểu có dám va chạm, dám nói, dám theo đuổi đến cùng để bảo vệ quan điểm của mình, mà thực chất là ước nguyện của cử tri trao gửi hay không?
PV: Và cử tri chính là điểm tựa cho bản lĩnh của ĐBQH, thưa Phó chủ nhiệm?
PCN Lê Quang Huy: Trước hết có thể nói rằng, cử tri đã góp phần không nhỏ làm cho đại biểu của mình trưởng thành hơn trong quá trình hoạt động. Với kinh nghiệm của bản thân, khi tôi cần những kiến thức mà mình chưa hiểu biết sâu sắc, khi muốn tham vấn để có thêm thông tin trước khi thể hiện quyết định của mình, tôi tìm đến cử tri bằng nhiều phương thức khác nhau. Và khi đó, tôi cảm thấy mình có thêm sức mạnh, sự tự tin. Cử tri luôn đứng sau mỗi ĐBQH, là yếu tố quyết định làm nên bản lĩnh của đại biểu đó.
PV: Bản thân mỗi ĐBQH cần phát huy được sức mạnh điểm tựa của mình, thưa Phó chủ nhiệm?
PCN Lê Quang Huy: Hoàn toàn đúng. Đại biểu phải ý thức được sức mạnh của cử tri và phải biết khơi nguồn sức mạnh cử tri, cộng với kiến thức, trải nghiệm của mình, đại biểu sẽ phát huy và thể hiện được bản lĩnh.
PV: Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!
Hoàng Ngọc thực hiện
No comments:
Post a Comment