SGTT.VN - Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo điện hạt nhân được tổ chức chiều 15.8 tại Hà Nội, thứ trưởng bộ Khoa học công nghệ Lê Đình Tiến cho biết: "Trong khi vòng đời một nhà máy nhiệt điện chỉ 20 - 30 năm thì điện hạt nhân là 60 năm, thậm chí lâu hơn. Sau 20 năm, nhà máy điện hạt nhân sẽ hết khấu hao thì có giá rẻ hơn. Nên nhìn về tổng thể, điện hạt nhân có giá thành rẻ hơn nhiệt điện".
Thưa ông, việc chuẩn bị cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của ta ở Ninh Thuận vào năm 2014 đang được tiến hành đến đâu và có khó khăn gì không?
Thứ trưởng bộ Khoa học công nghệ Lê Đình Tiến. Ảnh: Chí Hiếu |
Ta đang đàm phán với Nga, Nhật để chuẩn bị ký kết lựa chọn đối tác xây dựng FS (nghiên cứu khả thi). Phải xong FS, khi có thiết kế, mới tính ra chi phí.
Vì là nhà máy đầu tiên nên cái gì cũng mới, cái gì cũng thách thức: từ đào tạo nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở pháp lý về an toàn, cơ sở về an toàn.
Sau sự cố hạt nhân ở Nhật Bản (tháng 3.2011), mình có tổ chức đánh giá lại lựa chọn công nghệ?
Sau sự cố tại Nhật Bản, hiện nay cộng đồng quốc tế, IAEA (Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế) có tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng về an toàn điện hạt nhân vào tháng 6 vừa qua tại Áo.
Tại đây họ nâng cấp tiêu chuẩn an toàn để làm sao đảm bảo cho cả lò đang hoạt động phải nâng cấp. Thứ nữa là tiêu chuẩn an toàn cũng được nâng cấp với các nhà máy xây dựng mới.
Nhưng nếu chọn công nghệ cao nhất thì hiệu quả và chi phí lớn?
Đấy là ý kiến thôi chứ hiệu quả thì nó phải so sánh toàn diện, Ví dụ công nghệ thấp, không chỉ đối với điện hạt nhân mà các lĩnh vực khác cũng vậy, thì chi phí vận hành cao, chi phí bảo dưỡng tốn kém, độ an toàn thấp. Còn công nghệ cao thì hoạt động bền vững, hiệu quả chính là vậy.
Sự cố điện hạt nhân vừa qua khiến nhiều nước thay đổi chiến lược về phát triển điện hạt nhân, thậm chí như Đức họ đã tính tới dừng hoàn toàn điện hạt nhân, còn chúng ta thì sao?
Phối cảnh nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. |
Đấy là cả một chiến lược lâu dài của họ cho nên mình cũng chỉ biết vậy. Nhưng nhiều nước vẫn sử dụng vì đấy là phương án khả thi để đảm bảo an ninh năng lượng của các quốc gia. Mình nói như nước mình, thiếu điện đang căng thẳng, tương lai thiếu điện thì không phát triển được.
Theo quy hoạch điện VII và quy hoạch điện hạt nhân thì ta phấn đấu chiếm 4,5% vào năm 2020. Tất nhiên trong quá trình phát triển thì mình cũng có điều chỉnh.
Hiện theo quy hoạch hai nhà máy này thì mỗi nhà máy có 2 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất khoảng 1.000MW, như vậy mới có tổng cộng 4.000 MW.
Nhưng ít ra sau sự cố, dù chỉ mới là giai đoạn nghiên cứu FS nhưng mình có đặt ra hay lưu ý họ điều gì chứ?
Có chứ, nhất là các tiêu chuẩn thiết kế an toàn phải nâng cao hơn ví dụ tiêu chuẩn an toàn trước đây dự phòng cho an toàn không cao, thì giờ đây theo khuyến cáo nhiều nước phải nâng cao độ dự trữ an toàn cho thiết kế. Như động đất chẳng hạn, khảo sát thì ở ta khu này chỉ động đất 7 độ richter, mình để mức dự trữ 8 độ richter thôi, nhưng các nước khuyến cáo mình phải đưa lên cao hơn nữa là 9 độ.
Đang có rất nhiều chuyên gia về điện hạt nhân đến Việt Nam, có chuyên gia nào khuyên không nên phát triển điện hạt nhân?
Tôi chưa gặp chuyên gia nào khuyên tôi như thế.
Dù chưa có chi phí chính thức nhưng nhiều chuyên gia cũng nói chi phí điện hạt bỏ ra lớn, vậy bài toán kinh tế ở đây liệu có hiệu quả?
Vòng đời một nhà máy điện hạt nhân khoảng 60 năm, sau đó nếu các nhà chế tạo có thể kéo dài hơn, nên thời gian khấu hao 20 năm, hết khấu hao còn đến 40 năm, khi đó điện hạt nhân trở nên rẻ. Trong khi nhiệt điện chỉ 20-30 năm nên giá thành cao hơn nhìn về tổng thể.
Thứ 2, với điện hạt nhân, khi người ta đầu tư ban đầu như vậy nhưng nhiêu liện sau này chiếm tỷ trọng thấp, ví dụ sau này chỉ 15% khi hết thời gian khấu hao, vì thế mà người ta ví điện hạt nhân như gà đẻ trứng vàng, chi phí ít, lợi nhuận cao.
Xin cảm ơn ông!
TRUNG ĐỨC (GHI)
CÁC Ý KIẾN (3)
No comments:
Post a Comment