Cập nhật: 14:04 GMT - thứ ba, 16 tháng 8, 2011
Phó Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden, bắt đầu vòng công du châu Á trong nỗ lực nêu cao sự hiện diện của Hoa Kỳ và để làm quen với lãnh đạo tương lai của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm bốn ngày tới Trung Quốc ông Biden dự kiến sẽ hội đàm với các lãnh đạo cao cấp như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo về các vấn đề thương mại song phương.
Các bài liên quan
Theo ông Antony Blinken, cố vấn an ninh của Phó Thủ tướng Biden thì chuyến thăm "là một phần của nỗ lực trong vòng hai năm rưỡi qua nhằm đổi mới và tăng cường vai tr̀o của Hoa Kỳ ở châu Á".
Nhưng dư luận chú ý vào lịch trình của ông với Phó Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc.
Chuyển giao quyền lực
Dự kiến sau các hội đàm ở Bắc Kinh, ông Biden sẽ đến vùng Tây Nam Trung Quốc và có cuộc nói chuyện với sinh viên đại học Tứ Xuyên.
Sau đó, ông sẽ cùng ông Tập Cận Bình đến thăm một trường học được xây lại sau động đất 2008.
Hai ông Biden và Tập Cận Bình cũng sẽ có bữa ăn chung tại một nhà hàng ở Thành Đô trước khi vị khách Trung Quốc sang Mông Cổ rồi đến Nhật Bản.
"Chuyến thăm là một phần của nỗ lực trong vòng hai năm rưỡi qua nhằm đổi mới và tăng cường vai trò của Hoa Kỳ ở châu Á"
Báo chí Trung Quốc rất hào hứng với chuyến thăm của Phó Tổng thống Trung Quốc chính thức bắt đầu ngày thứ Tư 17/8 theo giờ Trung Quốc.
Theo lịch "chuyển giao quyền lực" bắt đầu vào kỳ đại hội Đảng Cộng sản năm 2012, ông Tập Cận Bình sẽ dần lên thay Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Nhưng một nhân vật cao cấp khác, phó Thủ tướng Lý Khắc Cường đã không có mặt để dự các lễ đón ông Joe Biden mà đi thăm Hong Kong bốn ngày trong tuần.
Về thủ tục ngoại giao, ông Lý không phải là người tương nhiệm với ông Biden và chuyến thăm Hong Kong cũng có ý nghĩa nêu cao vai trò của ông như thủ tướng tương lai của Trung Quốc.
Về chuyến thăm của ông Joe Biden, chuyện một Phó Tổng thống Mỹ bỏ công sức làm thân với một lãnh đạo tương lai của Trung Quốc là chuyện gây chú ý.
Truyền thông Trung Quốc tin rằng ông Tập Cận Bình sẽ bàn với vị khách cao cấp của Mỹ về Đài Loan.
Tuy nhiên, theo báo Washington Times, phái đoàn Hoa Kỳ sẽ không đến để "đàm phán về hợp đồng bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan" với Trung Quốc.
Quan chức Tòa Bạch Ốc nói hôm 15/8 rằng luật về quan hệ với Đài Loan (Taiwan Relations Act) vẫn là nền tảng của quan hệ giữa Washington với Đài Bắc.
Trung Quốc liên tiếp phản đối vụ bán vũ khí lên kế hoạch từ mấy năm trước, theo đó, Đài Loan được phép mua 66 phi cơ F-16 C/D của Hoa Kỳ để nâng cấp không lực của họ.
Nhưng các nhà bình luận cũng chú ý đến quan hệ thương mại Trung - Mỹ và tỷ giá đồng tiền của Trung Quốc.
Lâu nay, các giới làm ăn tại Hoa Kỳ than phiền rằng tỷ giá đồng nhân dân tệ gây bất lợi cho cán cân mậu dịch của Mỹ trong làm ăn với Trung Quốc.
Ngược lại, gần đây, truyền thông chính thức của Trung Quốc không tiếc lời phê phán Hoa Kỳ về khoản nợ công khổng lồ của nước này và đặt câu chuyện vào bối cảnh quân sự.
Hôm 8/8,Tân Hoa Xã có bài nói sau khi Liên Xô sụp đổ, "Hoa Kỳ, cường quốc số một thế giới, đã dùng sức mạnh quân sự của mình để nhúng tay vào chính trị quốc tế khắp nơi, và thúc đẩy chủ nghĩa bá quyền mà không để ý lấy đâu ra sức lực kinh tế nhằm hỗ trợ cho chính sách đó".
Thông tấn xã của Trung Quốc khuyến cáo Hoa Kỳ đổi ngay chính sách "can thiệp ra nước ngoài".
Về mặt ngoại giao, Hoa Kỳ khẳng định chuyến thăm châu Á của ông Biden là nhằm thúc đẩy chiến lược của Tổng thống Obama "nhằm tăng sự hiện diện và ảnh hưởng của Hoa Kỳ" trong khu vực.
Tại Mông Cổ, ông Biden dự kiến sẽ khen ngợi các thành tích của nước chủ nhà chuyển từ hệ thống kiểu Liên Xô sang nền dân chủ.
Các quan chức Mỹ cũng nói khi đến thăm Nhật Bản, ông Biden muốn nêu bật quan hệ "vừa là bạn, vừa là đồng minh" với chính phủ ông Naoto Kan.
Tòa Bạch Ốc cho hay Hoa Kỳ duy trì niềm tin về vai trò của Mỹ như một cường quốc vùng Thái Bình Dương mà các quyền lợi gắn liền với ổn định kinh tế và trật tự chính trị của châu Á.
No comments:
Post a Comment