Monday, May 30, 2011

30/06 Cấm uống rượu bia trong cơ quan, kể cả liên hoan


Ngày 30.06.2011, 17:31 (GMT+7)
  • Tăng cường xử phạt qua hình ảnh
  • Ban hành lộ trình quy định xử phạt qua tài khoản ngân hàng trước năm 2012.
SGTT.VN - Chiều 30.6, bộ Giao thông vận tải cho biết, bộ này vừa có tờ trình lên Chính phủ về ban hành Nghị quyết mới “Tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông”.
Tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia ở mức độ khá lớn. Ảnh mang tính minh họa.
Trong dự thảo nghị quyết này, vấn đề tăng cường phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia được đặt lên hàng đầu.
Nghị quyết mới sắp được ban hành yêu cầu các cơ quan đoàn thể ban hành quy định cấm uống rượu bia trong cơ quan, đơn vị trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa, kể cả trong liên hoan, tiếp khách; xử lý kỷ luật nghiêm người vi phạm không phân biệt là cán bộ hay nhân viên.
Dự thảo nghị quyết yêu cầu bộ Công an huy động lực lượng, tăng cường trang thiết bị kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện; tổ chức các chiến dịch cưỡng chế chuyên đề phát hiện và xử lý nghiêm người điều khiển xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, người điều khiển xe ô tô, xe gắn máy vi phạm quy định về nồng độ cồn; tập trung phát hiện và xử phạt tại khu vực và thời gian có nhiều người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ uống rượu, bia.
Dự thảo nghị quyết yêu cầu: Trong quý 4 năm 2011 bộ Y tế và bộ Công an xây dựng xong thông tư liên tịch quy định việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm quy định về nồng độ cồn; Bộ Công an tích cực chỉ đạo triển khai việc xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh bằng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, hệ thống camera giám sát giao thông; bộ Công an phối hợp với bộ Tài chính xây dựng lộ trình quy định xử phạt qua tài khoản ngân hàng và đề xuất việc rút gọn các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, ban hành trước năm 2012.
Tờ trình của bộ Giao thông vận tải cho biết, sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007, Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ, tai nạn giao thông đã được kiềm chế. Đặc biệt việc thực hiện thành công quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy trên toàn quốc và thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp khác của Nghị quyết đã kiềm chế và giảm tai nạn giao thông trong 03 năm liên tiếp từ năm 2008 đến năm 2010, cụ thể: giảm 791 vụ tai nạn giao thông (giảm 5,4%), giảm 1.744 người chết (giảm 13,2%), giảm 407 người bị thương (giảm 6%).
“Tuy nhiên, kết quả kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông trong thời gian qua chưa thực sự bền vững, số người bị chết, bị thương do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, vẫn còn xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa”, bộ Giao thông vận tải nhìn nhận, “những tồn tại trên là do sự lơi lỏng trong công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa thường xuyên liên tục và mạnh mẽ; ý thức tự giác chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn rất yếu kém”.
Bộ này cho rằng, các hành vi vi phạm: đi không đúng phần đường, làn đường; điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ quá tốc độ cho phép; lái xe ô tô sử dụng rượu, bia; điều khiển mô tô, xe gắn máy có nồng độ cồn vượt quá quy định; người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm… là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông và làm tai nạn giao thông tăng cao. “Để kịp thời khắc phục những tồn tại, bất cập và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cần ban hành Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, bộ Giao thông vận tải kiến nghị.
CHÍ HIẾU

No comments:

Post a Comment