Thứ năm, 2/6/2011, 11:48 GMT+7
Được chia cổ tức hoặc nhận tiền thưởng cuối năm bằng cổ phiếu, nhiều người hý hửng đợi giá tăng khi chứng khoán về tài khoản. Thế nhưng, do thị trường lâm vào khủng hoảng, thưởng biến thành “phạt”
Giữa năm 2010, hàng loạt công ty công bố thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng. Trong số này phải kể đến Công ty cổ phần Hoa Sen (HSG), Thép Việt Ý (VIS), Kinh Đô (KDC), Hà Đô (HDG), cao su Sao Vàng (SRC)… Lúc đó, thị trường chứng khoán đang ở thời kỳ thịnh vượng với những cơn sóng lớn về giá. Phần lớn cổ phiếu này đều bị giới hạn chuyển nhượng trong vòng một năm.
Thế nhưng, gần một năm sau, khi cổ phiếu thưởng đã về tài khoản các cổ đông thì tình hình thay đổi hoàn toàn. Anh Quỳnh, một nhà đầu tư từng được chia thưởng HDG tỷ lệ 2:1 chia sẻ: “Lúc giá lên thì được chia bằng cổ phiếu là món hời to nhưng là giá trị ảo vì mình có nhận được vào lúc đó đâu. Khi cổ phiếu thật về tài khoản của mình thì giá lao dốc thê thảm. Nếu mà 50% đó mà bằng tiền mặt thì tốt biết mấy”.
Thị trường lao dốc, cổ phiếu thưởng biến thành cổ phiếu phạt. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Không ít cổ đông của nhiều công ty khác cũng lâm vào tình cảnh như anh Quỳnh. Khi nhận tin được chia cổ phiếu thưởng vào lúc giá tăng, ai cũng mừng. Thế nhưng, khi cổ phiếu về tài khoản, giá lại đang trên đà tụt dốc, cổ đông méo mặt vì “món quà” mình nhận được.
Vào đầu năm nay, trong bối cảnh thị trường tiếp tục tụt dốc, nhiều công ty vẫn quyết định chia thưởng bằng cổ phiếu cho cổ đông để trả cổ tức. Tuy nhiên, không giống như 2010, thay vì đem đến tin vui ban đầu cho cổ đông, đây là một biện pháp bất đắc dĩ nhiều công ty phải thực hiện vì thiếu tiền mặt.
Chủ tịch hội đồng quản trị một công ty niêm yết vừa công bố chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông theo tỷ lệ 1:1 tâm sự: “Bây giờ mà trả cổ tức toàn bằng tiền mặt thì chắc đầu óc có vấn đề. Vốn phải dành cho đầu tư sản xuất kinh doanh chứ nếu cứ chia hết cho cổ đông thì năm sau lấy gì chia khi kết quả hoạt động không tốt vì thiếu vốn? Chia bằng cổ phiếu thì năm sau cổ đông vẫn được lợi thôi”.
Tuy nhiên, các cổ đông mà phần lớn là các nhà đầu tư “lướt sóng” thì chẳng mấy hài lòng với việc phát hành cổ phiếu thưởng. Anh Nguyễn Đức Hùng (một nhà đầu tư ở Hà Nội) nói: “Giờ cổ phiếu rẻ như rau mà lại chia thêm món đó thì nó càng xuống nữa. Bảo tôi thích thì thích ở điểm nào?”.
Bên cạnh các nhà đầu tư cá nhân, các tổ chức cũng không mấy hào hứng với việc chia thưởng bằng cổ phiếu. Một lãnh đạo cấp cao của Dragon Capital nhận xét: “Ngay cả khi thị trường tăng điểm chúng tôi cũng đã khuyến cáo các công ty không nên mạnh tay phát hành cổ phiếu để chia cho cổ đông. Đây là hành động pha loãng cổ phiếu lớn và có thể gây rủi ro cao cho cổ đông khi thị trường gặp tin xấu. Cổ phiếu thưởng không khéo lại thành cổ phiếu phạt”.
Không chỉ có các cổ đông mới buồn rầu về cổ phiếu thưởng mà nhiều cán bộ, nhân viên chủ chốt tại một số công ty được thưởng bằng cổ phiếu năm 2010 cũng âu sầu. Năm 2010, lãnh đạo cấp trung của một công ty niêm yết ở sàn TP HCM được thưởng 150 triệu thưởng vào dịp giữa năm nhưng được trả 50% bằng cổ phiếu, với giá bằng 75% thị trường. Cho đến khi cổ phiếu về tài khoản và được phép bán thì giá chỉ còn khoảng 50%.
Anh này tâm sự: “Giờ tôi đang ôm đống cổ phiếu 'phạt' mà không biết kêu ai. Nếu như cổ phiếu mà được bán luôn hoặc có thêm lựa chọn tiền mặt còn đi một nhẽ. Đằng này, mình cứ phải nhận cổ phiếu nên khi bị thiệt cũng tức mà không làm gì được. Đây là chưa kể đến việc trước đó được mua cổ phiếu ưu đãi với giá bằng 2 phần 3 thị trường giờ cũng đang lỗ chỏng gọng mà không được công ty hỗ trợ gì”.
Giám đốc đối ngoại của một công ty chứng khoán thuộc loại lớn nhất thị trường tiết lộ, do có nhiều kinh nghiệm về việc thưởng bằng cổ phiếu, đơn vị này chỉ phát hành ưu đãi bằng mệnh giá cho cán bộ công nhân viên có thành tích. Đối với thưởng kinh doanh hoặc cuối năm, công ty đều trả bằng tiền mặt chứ không ép nhân viên nhận cổ phiếu với giá cao hơn mức 10.000 đồng. “Điều này để tránh việc cổ phiếu thưởng biến thành cổ phiếu phạt”, vị này tâm sự.
Ba năm trước, khi thị trường tụt dốc thê thảm, Công ty chứng khoán APEC đã mua lại cổ phiếu từ cán bộ công nhân viên do giá giao dịch thực tế đã tụt xuống dưới mức ưu đãi. Một lãnh đạo cấp cao của APEC chia sẻ ngắn gọn: “Chúng tôi không muốn nhân viên của mình phải nhận cổ phiếu ‘ưu đãi’ mà giá lại cao hơn thị trường. Vì thế, việc mua lại nhằm giúp nhân viên cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc”.
Thanh Hoa – Khánh Linh
No comments:
Post a Comment