Thursday, June 2, 2011

31/05 Thời 'mất mùa' của công ty chứng khoán


Thứ ba, 31/5/2011, 11:12 GMT+7

Doanh thu môi giới giảm, tự doanh thua lỗ trong khi phải đối mặt với áp lực giải chấp tài khoản của khách hàng… các công ty chứng khoán vẫn phải cố gắng cầm cự để chờ ngày thị trường chứng khoán hồi phục.

Chiêu tồn tại của công ty chứng khoán thời khủng hoảng

Trong vài phiên giao dịch gần đây, Vn-Index đang trên đà tăng điểm và ở trên mốc 410. Tuy nhiên, thanh khoản của sàn TP HCM chỉ đạt trung bình 560 tỷ đồng mỗi phiên, thấp hơn nhiều so với con số gần 2.200 tỷ đồng của tháng 5/2010.
Bên cạnh đó, về mặt thực chất, giá nhiều loại cổ phiếu thậm chí đã thấp hơn so với thời kỳ khủng hoảng trước đó (Vn-Index chỉ còn 273 điểm vào tháng 2/2009). Hiện tại, trên sàn có tới hàng chục mã chứng khoán có giá dưới 4.000 đồng, và cả trăm cổ phiếu đã xuống dưới mệnh giá.
Thanh khoản èo uột khiến doanh thu môi giới của công ty chứng khoán giảm mạnh. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Thanh khoản èo uột khiến doanh thu môi giới của công ty chứng khoán giảm mạnh. Ảnh minh họa:Hoàng Hà

“Với người môi giới, ít giao dịch chẳng khác nào gặp hạn”, tổng giám đốc một công ty chứng khoán có trụ sở ở TP HCM nhận định. Vị này cho biết nghiệp vụ môi giới mang lại 70% doanh thu cho công ty và góp phần quan trọng cho khoản lãi vài tỷ đồng trong năm 2010. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nguồn thu này giảm tới 60%, dẫn tới khoản lỗ gần 10 tỷ đồng trong quý I.

"Hiện tại, công ty gần như cầm chắc lỗ trong quý II, bởi kinh doanh mấy tháng nay hết sức ngặt nghèo", ông than vãn. Hoạt động tư vấn doanh nghiệp vẫn có nhưng không nhiều, trong khi mảng tự doanh phải tạm dừng do liên tiếp thua lỗ.

Nguồn thu sụt giảm, công ty này phải cắt giảm tối đa chi phí để cầm cự qua ngày. Chi phí hàng tháng khoảng 2 tỷ đồng gồm lương nhân viên, mặt bằng, khấu hao máy móc thiết bị..., nay đã cắt bớt 30%. Một văn phòng mới mở cũng vừa đóng cửa, nhân viên tại đây được điều về chi nhánh làm việc để giảm chi phí.

Việc đóng cửa bớt phòng giao dịch, chi nhánh, thậm chí cắt giảm nhân sự đã được nhiều công ty chứng khoán áp dụng trong bối cảnh khó khăn. Theo thông tin được công bố, kể cả các đại gia như Công ty chứng khoán Thăng Long, ACB, Vietinbank... đều phải đóng cửa bớt chi nhánh, phòng giao dịch do doanh thu môi giới xuống dốc.

Kết thúc quý I, số liệu từ Ủy ban Chứng khoán cho thấy có 24 công ty chứng khoán đang hoạt động báo lỗ với tổng giá trị lên tới 574 tỷ đồng. Bên cạnh việc sụt giảm doanh thu môi giới, một nguyên nhân quan trọng khác dẫn tới lỗ lớn là nghiệp vụ tự doanh.

“Dù được coi là những nhà đầu tư chuyên nghiệp nhưng do lượng cổ phiếu nắm giữ nhiều trong khi thanh khoản thị trường thấp nên các công ty chứng khoán cũng rất khó xoay sở khi mặt bằng giá xuống nhanh như giai đoạn vừa qua”, tổng giám đốc một công ty chứng khoán có trụ sở tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) giải thích.

Vị lãnh đạo này cho biết, phương án được hầu hết các công ty chứng khoán lựa chọn tại thời điểm này là mạnh tay cắt giảm mạnh danh mục tự doanh. “Nhiều công ty lớn đã chuyển hẳn danh mục tự doanh của mình sang cho các quỹ. Số còn lại giảm tới 70% lượng cổ phiếu nắm giữ”, ông này cho biết.

Theo vị lãnh đạo trên, mục đích chính của việc chuyển danh mục đầu tư là giúp các công ty chứng khoán không phải ghi nhận lỗ tự doanh trong ngắn hạn. “Tất nhiên, đây chỉ là thủ pháp tạm thời. Nếu muốn thoát lỗ, đương nhiên doanh nghiệp vẫn phải kỳ vọng vào khả năng thị trường khởi sắc vào cuối năm”, vị này nhận định.

Một vấn đề khác mà các công ty chứng khoán gặp phải trong giai đoạn thị trường khủng hoảng là áp lực giải chấp cổ phiếu bị thua lỗ của các khách hàng sử dụng đòn bẩy tài chính. Khẳng định một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến đợt sụt giảm mạnh của thị trường vừa qua là do việc giải chấp, lãnh đạo công ty chứng khoán có thị phần môi giới nằm trong Top 3 của sàn Hà Nội cho rằng áp lực này vẫn chưa kết thúc.

“30/6 tới sẽ là thời điểm mà các ngân hàng phải đảm bảo tín dụng phi sản xuất xuống dưới 22% tổng dư nợ. Họ sẽ tiếp tục phải rút tiền về. Năng lực tài chính của các công ty chứng khoán sụt giảm cũng đồng nghĩa với áp lực giải chấp các tài khoản thua lỗ của khách hàng tăng lên. Thị trường khi đó, sẽ tiếp tục chịu nhiều thử thách”, ông này nhận định.

Lãnh đạo một công ty có trụ sở quận I, TP HCM chia sẻ: "Công ty cố gắng cầm cự đến hết năm. Nếu tình hình không khả quan hơn, sẽ kêu gọi vốn từ chính cổ đông nội bộ, chứ không dám vay ngân hàng". Hiện tại, để duy trì hoạt động, công ty đang "ăn lạm" vào phần lợi nhuận để lại từ những năm trước chứ chưa thể tìm ra các nguồn thu mới khả quan hơn và không chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn tại Hà Nội tâm sự: "Thời điểm này là lúc 'mất mùa' của ngành chứng khoán, ai cũng phải nằm chờ cơ hội thị trường phục hồi. Với những người đã trải qua nhiều sóng gió, đặc biệt là năm 2003 (Vn-Index chỉ còn 137 điểm) và 2008 - đầu 2009 (Vn-Index 273 điểm) thì cú sốc sẽ nhẹ hơn nhưng cũng phải rất kiên nhẫn".

Nhật Minh - Bạch Hường

No comments:

Post a Comment