Friday, March 9, 2012

3 giải pháp giúp giảm thiểu việc chặt phá rừng


8/3/2012

Những giải pháp có thể giúp bà con khắc phục, giảm thiểu việc chặt cây là trồng mít và một số loại rau ăn, sử dụng bếp chuyên dụng, gia tăng tuổi thọ cho tre, nứa khi xây nhà...

Cây, củi để đun nấu hàng ngày, làm nhà, làm bếp, chuồng trại cho bà con các dân tộc miền núi ngày càng trở nên quan trọng khi những cánh rừng dần thưa thớt, cằn cỗi. Khi việc sử dụng bếp ga, năng lượng mặt trời, hầm biogas vẫn còn là điều khó, thì đun bếp củi vẫn là việc bắt buộc của bà con. Mỗi gia đình ở miền núi vùng cao mỗi ngày phải đun hết 20 kg củi khô. Do đó, số củi khô của cả năm sẽ là: 20 kg x 365 ngày = 7.300 kg. Như vậy, một năm gia đình đó tiêu thụ khoảng trên 7 tấn củi khô. Nếu nhân số củi trên với 10.000 hoặc 100.000 gia đình thì số cây rừng phải chặt (mà đa số là cây còn nhỏ) sẽ là một con số khổng lồ.
Trước thực tại trên, tôi đưa ra một vài giải pháp giúp bà con khắc phục, giảm thiểu việc chặt cây. Trong đó, việc quan trọng nhất là trồng cây. Tất cả các vườn tạp, đồi trọc, ven đường, ven bờ sông suối, bờ ruộng, trên những nương rẫy canh tác kém nên được trồng cây. Những cây cho gỗ tốt, củi đun, quả ăn, dễ trồng, dễ thích nghi là mít, xoan, nhãn, xà cừ, phi lao và tre. Cây mít ươm trồng rất dễ, từ 5 đến 10 năm. Múi mít ngon, bổ, hạt và toàn bộ xơ cho gia súc ăn rất tốt. Sau mùa thu hoạch cần tỉa bớt cành, để năm sau mít ra trái nhiều hơn. Cành, lá loại cây này có thể sử dụng làm chất đốt. Gỗ mít từ 30 đến 50 năm tuổi rất có giá.
Chặt phá rừng bừa bãi khiến môi trường thiên nhiên bị hủy hoại. Ảnh minh họa
Nếu vườn của gia đình nào cũng trồng các loại cây trên, bà con sẽ có của ăn, của bán, của để dành, lại thêm củi đun (bằng cách tỉa cành) và gỗ, tre để làm nhà, công trình phụ. Một chú ý trong trồng trọt là nước. Với những nơi hay khô hạn, bà con nên đào hố có 4 cạnh, rộng chừng 2 mét, sâu 2 mét, lót 2 lần nilon chống thấm và phủ kín, có rào chắn xung quanh bảo vệ. Ngoài ra, người dân nên xây hố tích nước để sử dụng vào mùa khô.
Ngoài việc trồng cây lấy gỗ ở trên cao, sườn đồi, quanh nhà, những chỗ thấp bà con có thể trồng các loại rau ăn. Mô hình “vườn xanh” và “nương rẫy xanh” sẽ giúp người dân đỡ vất vả, có sức khỏe, tăng thêm nét đẹp bản làng, cùng hòa quyện với thiên nhiên.
Người dân miền núi hay có thói quen dùng bếp kiềng 3 chân. Điều này rất hao tốn củi. Bà con có thể tham khảo kiểu bếp sau: dùng đất sét nhào trộn kỹ, rồi đắp bếp hình thang cân, nhưng 2 đáy để rỗng. Đáy lớn để cho củi vào đun, đáy nhỏ để thoát khi tro bếp đầy. Hai cạnh hai bên dày chừng gần 1 gang tay, cao chừng 1 gang rưỡi (một gang tay người lớn khoảng 20 cm). Bếp được chia thành 3 ngăn, mỗi ngăn gác 2 đến 3 thanh sắt nhỏ bằng ngón tay. Ngăn phía trước đun nồi cơm, ngăn giữa và ngăn cuối để siêu nước hoặc nồi cơm khi đã cạn nước. Với bếp đun này sẽ tận dụng được nhiệt và không hao củi.
Giải pháp số 3 là làm nhà và các công trình phụ. Người dân nên chú ý tất cả tre, nứa, gỗ trước khi làm nhà đều phải được ngâm dưới nước (nếu có bùn phủ lên thì càng tốt) ít nhất là một năm. Vật liệu được ngâm kỹ sẽ rất bền, tuổi thọ đến vài chục năm. Các công trình bà con làm bằng gỗ, tre, nứa tươi không ngâm kỹ rất nhanh bị mọt, mối ăn, chừng 3 đến 5 năm là hỏng. Điều này gây tốn kém tiền của và công sức.
Điều cuối cùng là việc khai thác gỗ, tre, nứa phải có kế hoạch khoa học. Khi lấy củi, người dân không được chặt cả cây mà chỉ tỉa cành. Cây, củi khai thác về phải được bảo quản, tránh để mưa nắng làm mục sẽ rất lãng phí.
Trên đây là những điều tâm huyết của một người đã từng có 20 năm sống ở miền núi vùng cao. Những mắt thấy, tai nghe đã được tích lại thành những kinh nghiệm, mong bà con tham khảo, để chúng ta ngày một bớt khó khăn, trả lại màu xanh cho những cánh rừng, màu xanh cho quê hương, đất nước.
 
    •   
    • Tổng số: 28 lượt
    •  
 
Từ ngày 27/2 đến 27/8, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Bảo vệ môi trường" dưới dạng bài viết, chùm ảnh, video mô tả thực trạng môi trường hư ô nhiễm không khí, nước...; đề xuất các sáng kiến bảo vệ hoặc nâng cao chất lượng môi trường; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với bài dự thi là ảnh, độc giả gửi tối thiểu là 5 bức và tối đa 10 bức. Các bức ảnh cần có chú thích rõ ràng, dễ hiểu, có chú thích về địa danh, bối cảnh chụp. Chiều ngang của ảnh là 480 px. Dung lượng mỗi ảnh không vượt quá 10 MB. Đối với bài dự thi là clip, video, thời lượng tối thiểu 90 giây, thời lượng tối đa 3 phút, dung lượng dưới 100 MB.
Bài viết được thể hiện trên Word có độ dài không quá 1.500 từ, ảnh minh họa cho bài viết được gửi riêng, không “dán” vào Word và phải có chú thích rõ ràng cho ảnh.
Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây
Nguyễn Văn Mạnh


No comments:

Post a Comment