Tác giả: HUỲNH PHAN (THỰC HIỆN)
Bài đã được xuất bản.: 15/12/2011 05:00 GMT+7
Khi nói về quá trình hội nhập của Việt Nam mà bỏ qua sáng kiến "Jakarta Cocktail" là một điều đáng tiếc, bởi đó chính là sự khơi thông của dòng chảy hội nhập. Nghĩa gốc của từ "cocktail" là đuôi con gà trống, lông có nhiều màu khác nhau. Tức là "Jakarta Cocktail" là một sáng kiến để giúp các phái Campuchia, cũng như hai khối nước khác nhau về thể chế chính trị là ASEAN và Đông Dương, có thể ngồi lại được với nhau.
LTS: Khái niệm "học để hiểu nhau", như Tuần Việt Nam đã đặt vấn đề từ đầu, khi nói về hành trình Việt - Mỹ nói riêng, và tiến trình hội nhập của Việt Nam nói chung, đã được làm rõ một phần qua lời kể và những phân tích của một số nhân chứng mà tác giả loạt phỏng vấn này có điều kiện gặp gỡ, trao đổi.
Đó là cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Sài Gòn Lương Văn Lý, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt Virginia Foote, hay cựu Đại tá Lục quân Mỹ Andre Sauvageot.
Mục Gặp gỡ & Đối thoại tuần này của Tuần Việt Nam xin được giới thiệu thêm một câu chuyện khác, từ một góc nhìn khác, của một đại diện giới truyền thông.
Đó là cựu phóng viên quay phim chuyên trách đối ngoại của Đài Truyền hình Việt Nam và hãng Thông tấn Thomson Reuters, ông Nguyễn Văn Vinh - người có may mắn có mặt trong những sự kiện đối ngoại quan trọng của Việt Nam, cũng như có dịp trao đổi, phỏng vấn những nhân vật quan trọng liên quan đến tiến trình hội nhập này.
- Phóng viên Huỳnh Phan: Là phóng viên đối ngoại của Đài Truyền hình Việt Nam trong suốt hơn hai mươi năm, chuyên đi theo các vị lãnh đạo trong các sự kiện đối ngoại và quốc tế quan trọng, theo ông, cái mốc quan trọng nhất đánh dấu việc Việt Nam chủ động thoát khỏi thế bị bao vây cấm vận để hội nhập và phát triển là vào thời điểm nào? Liệu có phải Đại hội Đảng VI (12.1986)?
- Cựu phóng viên Nguyễn Văn Vinh: Vào mùa xuân năm 1983, tại Hội nghị Cấp cao Ba nước Đông Dương tại Viên Chăn (Lào). Tổng Bí thư Lê Duẩn đã tuyên bố sẽ dần rút quân tình nguyện Việt Nam khỏi Campuchia, và hoàn tất vào cuối năm 1989.
Phóng viên Nguyễn Văn Vinh đang tác nghiệp tại một sự kiên đối ngoại. |
Tuyên bố trong nội bộ ba nước hay ra toàn thế giới?
Ra thế giới chứ. Bởi tôi còn nhớ là hãng sản xuất chương trình truyền hình NDN (Nihon Denpa News) của Nhật Bản đã khai thác đầy đủ những thông tin liên quan đến hội nghị này.
Hơn nữa, bộ phim nhựa 16 li, màu, dài 25 phút với tựa đề "Viên Chăn - khi tiếng nói lịch sử cất lên", do Đài THVN chúng tôi làm, sau khi phát ở Việt Nam cũng được gửi ra nước ngoài chiếu.
Chính nhờ cái quyết định quan trọng ở Viên Chăn mà sau này mới có việc Indonesia gợi ý tổ chức "Tiệc rượu Jakarta", khi Ngoại trưởng Mochtar Kusumaatmadja thăm Việt Nam cuối tháng 7.1987. Đó cũng là xuất phát điểm của xu hướng "đối thoại thay đối đầu" trong khu vực.
Câu nói "đối thoại thay cho đối đầu" bắt đầu xuất hiện từ thời điểm nào, trong dịp nào?
Tôi nghĩ tinh thần đó bắt đầu từ năm 1983, khi Việt Nam lần đầu tiên tuyên bố sẽ rút quân khỏi Campuchia. Một cái nút đã được mở. Còn câu chữ chính thức được thể hiện trong văn kiện là sau Đại hội Đảng VI.
Tại sao lại có có chủ trương đó của Việt Nam? Do ảnh hưởng của những biến động ở Đông Âu?
Không phải. Câu chuyện Đông Âu và Liên Xô chỉ rộ lên vào nửa cuối của những năm '80.
Tôi nghĩ quyết định đó của Việt Nam xuất phát từ thực tiễn của mình. Việt Nam ở thế bị bao vậy về kinh tế, bị cô lập về chính trị, , khó khăn đủ đường. Và để phá thế bị bao vây, cô lập đó, không còn giải pháp nào ngoài việc dùng đối thoại thay cho đối đầu, đầu tiên là Đông Nam Á, rồi sau đó với các nước khác, như Trung Quốc, hay Mỹ.
Tại sao lại gọi là "Tiệc rượu Jakarta"?
Việc dịch ra tiếng Việt của cụm từ "Jakarta Cocktail" là "Tiệc rượu Jakarta" đã không nhấn mạnh được cái ý nghĩa mang tính biểu tượng của sáng kiến này. Thực ra, nghĩa gốc của từ "cocktail" là đuôi con gà trống, có nhiều màu lông khác nhau. Tức là "Jakarta Cocktail" là một sáng kiến để giúp các phe phái đối địch, hoặc bất đồng, ở Campuchia, cũng như hai khối nước ASEAN và Đông Dương, khác nhau về thể chế chính trị, có thể ngồi lại được với nhau, để bàn về giải pháp hoà bình cho Campuchia.
Vào cuối tháng 7.1988, đại diện bốn phái của Campuchia gồm Hoàng thân Ranariddh, Sonsann, Khieu Samphan và Hunsen đã gặp nhau, theo hình thức bàn tròn. Kết thúc cuộc gặp đó, ngày hôm sau, nhóm các nước ASEAN và nhóm ba nước Đông Dương gặp nhau tại JIM1 (The First Jakarta Informal Meeting). Đó là bước đầu tiên của tiến trình giải quyết vấn đề Campuchia một cách toàn diện.
Sang năm 1989 lại tổ chức tiếp JIM2. JIM2 đã có tiến bộ, tập trung cho giải pháp về Campuchia, sau khi Việt Nam hoàn tất việc rút quân (9.1989). Từ đó mới có tổng tuyển cử 1991, và UNTAC vào Campuchia.
Ông tham dự cả JIM1 và JIM2?
Đúng vậy. Nhưng tôi chỉ còn giữ được những thước phim về JIM1, khoảng hai phóng sự mỗi cái dài mười mấy phút. Hồi đó, phóng viên nước ngoài đưa tin đông lắm, chờ kín bên ngoài phòng họp. Còn tôi may có thẻ "delegate" của đoàn Việt Nam nên mới vào được bên trong từ rất sớm, và quay được tất cả.
Ai là nhân vật được báo giới săn đón nhiều nhất tại hội nghị đó?
Tất nhiên là Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch - một tâm điểm. Người ta coi ông là đầu mối chủ yếu để gỡ mọi rắc rối. Tuy vấn đề Campuchia được đặt ra là chính, nhưng ai cũng hiểu là phải giải quyết vấn đề của Việt Nam.
Hơn nữa, lúc đó Đông Nam Á có cái gì đáng quan tâm đâu, ngoài câu chuyện Campuchia và mối quan hệ giữa ba nước Đông Dương với các nước ASEAN sẽ được giải quyết thế nào.
Tôi đi theo chuyên cơ cùng ông Thạch, và chứng kiến ông bị vây ngay từ sân bay lúc xuống. Ông tổ chức họp báo ngắn ngay tại sân bay, nói rõ nội dung và ý nghĩa của cuộc gặp.
Ông đánh giá thế nào về sáng kiến "Jakarta Cocktail" và kết quả của JIM1 và JIM2?
Theo tôi, khi nói về quá trình hội nhập của Việt Nam, trước hết với Đông Nam Á, mà bỏ qua sáng kiến "Jakarta Cocktail" với hai sự kiện JIM1 và JIM2 là một điều đáng tiếc. Bởi đó chính là sự khơi thông của dòng chảy hội nhập, và sự mềm dẻo trong quan hệ mới được bắt đầu từ đó. Việt Nam quan hệ với Đông Nam Á là để tháo ngòi nổ, khiến cho việc quan hệ Mỹ và Trung Quốc, dễ dàng hơn.
Tôi còn nhớ tại JIM1, ngoại trưởng Singapore, là một người gốc Ấn, đã thể hiện thái độ rất cứng rắn. Ông ta công kích Việt Nam rất mạnh, về đủ mọi vấn đề.
Trong khi đó, chủ nhà là Ngoại trưởng Ali Alatas, mới lên thay ông Mochtar, lại rất mềm mỏng, khéo léo. Sự lạc quan về triển vọng của "đối thoại thay đối đầu" của ông Alatas được thể hiện rất rõ trong cuộc phỏng vấn của Đài THVN do ông Tổng Giám đốc Phạm Khắc Lãm thực hiện.
Tôi nhớ là sang tới JIM2, ông Sihanouk đã được Tổng thống Suharto mời đến thăm Indonesia, nhằm tạo cơ hội cho ông gặp gỡ bên lề với các phái còn lại của Campuchia.
Lúc đó, Việt Nam phải định lượng được kết quả đối thoại đẩy lùi được đối đầu tới đâu trong quan hệ với các nước trong khu vực, rồi với Trung Quốc, hay Mỹ. Cả quyết định bình thường hoá quan hệ với ai trước là cả một bài toán khó. Tất nhiên, Việt Nam cuối cùng cũng đã có sự chọn lựa của mình.
Lúc đó, Việt Nam vẫn dựa vào Comecon (Hội đồng Tương trợ Kinh tế), và quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc đầy sóng gió. Chiến tranh đã để hậu quả lớn hơn rất nhiều so với mọi người hình dung lúc đầu, trước hết bởi vì lý do dẫn tới cuộc chiến, thay vì giải quyết hoà bình. Tại sao lại dẫn tới chiến tranh, trong khi trước đó có cả một quá trình khá dài giúp đỡ lẫn nhau, cùng xây dựng lòng tin?
Rồi điều gì khiến Trung Quốc phải tuyên bố với thế giới là sẽ dạy cho Việt Nam một bài học. Thế còn họ, liệu có rút được bài học gì không, và bài học đó là cái gì?
Phóng viên Nguyễn Văn Vinh đang quay cảnh chuẩn bị cho JIM1, cuối tháng 7.1988, tại Indonesia. (Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch ngồi ở giữa). |
Ông vừa nhận xét rằng quan hệ với Đông Nam Á chính là tháo ngòi nổ để dễ dàng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Tại sao, Việt Nam không bình thường hoá với ASEAN sớm hơn so với bình thường hoá với Trung Quốc?
Vấn đề vẫn là lòng tin. Họ vẫn theo dõi xem quan hệ Việt Nam với các nước lớn như Trung Quốc, Nga, hay Mỹ, như thế nào. Vả lại, Trung Quốc luôn chủ động đi trước chúng ta. Với Mỹ, với ASEAN, họ đều đi trước.
Vậy tại sao chúng ta lại không bình thường hoá quan hệ với ASEAN ngay sau khi thống nhất đất nước? Năm 1976, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có đi thăm một số nước Đông Nam Á cơ mà.
Nên nhớ rằng, trong suốt một quá trình dài, nỗi ám ảnh của Đông Nam Á là liệu những người cộng sản Việt Nam có tiếp tục "bành trướng", theo cách nói của họ, ở khu vực Đông Nam Á hay không. Chính vì vậy, sau khi Việt Nam thống nhất, họ đã có một chính sách khôn khéo là muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam. Tôi theo dõi và thấy tiếc là chúng ta đã không nắm cơ hội này ngay từ lúc đó.
Tại sao? Hào quang chiến thắng?
Tôi nghĩ vậy. Lúc đó, Việt Nam, nói một cách hình tượng, như một thiếu nữ đến thì, xinh tươi, long lanh lắm. Ai mà chẳng muốn làm quen, làm thân.
Nhưng, ngoài hào quang chiến thắng, chúng ta phải nhớ rằng lúc đó cái chủ thuyết "Giải quyết câu hỏi ai thắng ai giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội" vẫn đang ngự trị. Vấn đề này được đưa vào sách giáo khoa, và vấn đề của hệ tư tưởng, của ý thức hệ, chứ không phải sự lựa chọn của xã hội, hay từng cá nhân nữa.
Rồi đến khi chúng ta đưa quân vào Campuchia thì thời cơ đã trôi qua. Và chúng ta lại phải khó khăn làm lại từ đầu.
Cô gái đó đã bắt đầu lỡ thì...?
(Cười lớn) Đây là anh nói chứ không phải tôi nói nhé.
Nhưng rất may là với việc gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam mới khẳng định niềm tin rằng bất kể chế độ chính trị thế nào vẫn có thể sống chung với nhau. Kể từ đó, chúng ta mới hiểu ra rằng ý thức hệ không quan trọng bằng lợi ích. Các quốc gia với những thể chế trịnh trị khác nhau phải kết nối với nhau để cùng tồn tại, và cùng phát triển.
Thế còn tiến trình bình thường hoá quan hệ với Mỹ được khởi động trước, nhưng tại sao lại đến đích sau, so với việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc?
Câu chuyện chọn bình thường hoá với Trung Quốc trước vẫn là câu chuyện ý thức hệ, hơn là câu chuyện lợi ích.
Còn với Mỹ thì hậu quả của cuộc chiến tranh vẫn còn đó. Lại còn cộng thêm hậu quả nặng nề của sự cấm vận kinh tế do Mỹ áp đặt nữa.
Hơn nữa, ưu tiên lớn nhất của Mỹ là giải quyết vấn đề POW/MIA, rồi mới đến những thứ khác.
Ông có đưa tin nhiều về POW/MIA không?
Hồi còn làm ở Đài THVN, tôi đi quay về MIA rất nhiều, đầu tiên là cuộc khai quật ở Yên Thường (Gia Lâm) năm 1986. Lần đó, có một đoàn truyền hình rất lớn của Mỹ tường thuật tại chỗ luôn.
Rồi liên quan đến POW, ngoài vụ tài liệu Nga, từ ảnh vệ tinh, hay nguồn tin tình báo, ở Mỹ có rất nhiều tin đồn rằng Việt Nam còn giam giữ nhiều phi công Mỹ. Họ còn đưa cả những bức ảnh có người nước ngoài chơi bóng bên Lào, và nói đó là tù binh Mỹ...
Việt Nam phải thể hiện sự hợp tác đến mức đã hứa với phía Mỹ rằng, nếu có nguồn tin nào từ phía Mỹ về một địa điểm nào đó nghi có người Mỹ còn sống, phía Việt Nam sẵn sàng cho đoàn Mỹ lên trực thăng đi ngay. Tôi đã theo một nhóm công tác của Mỹ lên Lạng Sơn vào khoảng 1990-1991 gì đó, vì có một nguồn tin mô tả rằng trên đó có người nước ngoài.
Nói chung lúc đó phía lãnh đạo Việt Nam có nhiều quyết định táo bạo lắm. Tôi đã chứng kiến TBT Nguyễn Văn Linh trả lời phỏng vấn Đài NHK (Nhật Bản) tại Văn phòng Trung ương Đảng năm 1987, khi được nhờ giúp họ quay. Trong buổi đó, ông Linh khẳng định rằng Việt Nam không có lý do gì để tiếp tục giam giữ người tù binh Mỹ cả.
Thậm chí, ông còn nói vui rằng một khi Mỹ đã treo giải thưởng một triệu USD cho ai tìm thấy người Mỹ mất tích còn sống, nếu còn thật và ông biết, ông cũng báo với phía Mỹ để lấy thưởng.
Tôi nghĩ đòi hỏi của phía Mỹ, một phần, cũng là một phép thử về lòng tin, xem Việt Nam có thực tâm bình thường hoá hay không, hay vẫn muốn giữ những con bài để mặc cả.
Họ đã có trải nghiệm về sự thất bại của nỗ lực bình thường hoá lần đầu tiên, vào những năm 1977-1978, phải không ạ?
Đúng. Nói cho cùng, cả hai bên đều chưa tin tưởng lẫn nhau, cùng do đã trải qua một cuộc chiến tranh với những tổn thất quá lớn cho cả hai phía.
Thử thách lòng tin luôn luôn là một vấn đề quan trọng trong mọi mối quan hệ.
(Còn tiếp...)
*Phần cuối cùng của bài phỏng vấn cựu Đại tá Lục quân Mỹ Andre Sauvageot về những hoạt động vận động hành lang của cá nhân ông cho tiến trình bình thường hoá quan hệ bang giao và giao thương Mỹ - Việt, đối với cả hai nhánh hành pháp và lập pháp của chính phủ Mỹ, sẽ được đăng vào một dịp khác, vì lý do kỹ thuật. Xin chân thành cáo lỗi với độc giả.
No comments:
Post a Comment