Thursday, December 15, 2011

15/12 Mất thanh khoản, công ty chứng khoán phải tự 'bán' mình

15/12/2011 | 10:00

Thua lỗ liên tục, các công ty chứng khoán đành chuyển giao một số nghiệp vụ cho đối thủ.

Chưa bao giờ khái niệm mua bán, sáp nhập công ty chứng khoán lại rộ lên như gần đây, nhất là khi có đề án tái cấu trúc trên rất nhiều lĩnh vực. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà
Sáng 14/12, Chứng khoán Đông Dương thông báo với khách hàng sẽ tạm dừng nghiệp vụ môi giới và chuyển mảng này qua Chứng khoán Kim Eng. Đây không phải lần đầu tiên một công ty chứng khoán buộc phải cắt bớt nghiệp vụ để giảm chi phí.

Trước sức ép tăng vốn của cơ quan quản lý, không ít công ty chứng khoán phải chủ động cơ cấu lại hoạt động. Tuy nhiên, tình trạng này càng trở nên phổ biến khi càng nhiều công ty vào thua lỗ, cụt vốn. Ngay với Chứng khoán Đông Dương, một phó tổng giám đốc của công ty này cũng thừa nhận trong bối cảnh thị trường khó khăn, công ty rơi vào tình trạng thiếu vốn nên không thể duy trì các hoạt động kinh doanh không mang lại nhiều doanh thu nhưng lại tốn chi phí lớn.
Trước Chứng khoán Đông Dương, SME đã lâm vào tình trạng mất thanh khoản, buộc phải 'bán' khách sang cho một công ty chứng khoán khác. SME hiện phải lo xoay tiền để trả khách hàng và rất có thể cũng đang tìm kiếm đối tác rót thêm vốn.
Dù vậy, thị trường vẫn chưa xuất hiện cảnh công ty chứng khoán phá sản bởi hệ lụy của việc phá sản lên hệ thống và các khách hàng là quá lớn. Thu hẹp nghiệp vụ, dòng tiền kiếm được không đủ bù cho chi phí hoạt động, công ty chứng khoán đang tự thâm dụng chính vốn chủ và tiền gửi của khách hàng.
Giải pháp cho tình trạng này là tiến hành sáp nhập hoặc bán cho đối tác ngoại, những tổ chức muốn nhảy vào thị trường Việt Nam khi lộ trình cam kết WTO trong lĩnh vực chứng khoán được mở hết cỡ. Thị trường có thể chờ đợi những tín hiệu tích cực từ những cải cách này, tuy nhiên, hiệu quả đến đâu thì chưa ai nắm rõ.
(Theo VnEconomy)

No comments:

Post a Comment