Thứ 5, 15/12/2011, 08:57
Hoạt động của VinaCapital bị ảnh hưởng không nhỏ do kinh tế vĩ mô và TTCK. Quỹ VOF có NAV giảm 6,9% trong 11 tháng năm 2011, trong khi VN-Index giảm 21,5%.
Dù chỉ số P/E (giá thị trường trên thu nhập mỗi cổ phiếu) trung bình trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện còn khoảng 8,7 lần, thấp hơn nhiều nước trong khu vực, và chỉ cao hơn Singapore, nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa mặn mà với thị trường Việt Nam, chủ yếu do các yếu tố kinh tế vĩ mô chưa ổn định.
TBKTSG Online: Vào năm ngoái, ông cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tăng trưởng trở lại từ nửa sau năm 2011. Nhưng điều này đến nay đã khó trở thành hiện thực?
Đây là nhận định của ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Công ty quản lý quỹ VinaCapital trong buổi trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều ngày 13-12.
TBKTSG Online: Vào năm ngoái, ông cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tăng trưởng trở lại từ nửa sau năm 2011. Nhưng điều này đến nay đã khó trở thành hiện thực?
Ông Andy Ho: Đúng vậy! Thực tế hoạt động của thị trường chứng khoán là kết quả tác động của các yếu tố vĩ mô và sở dĩ thị trường chứng khoán vẫn trầm lắng trong 6 tháng cuối năm 2011 là do ảnh hưởng của cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan.
Tình hình vĩ mô của Việt Nam bất ổn kể từ đầu năm 2011 đến nay. Mặc dù lạm phát có xu hướng giảm từ những tháng cuối quí 2-2011 nhưng tỷ lệ lạm phát tính chung cho cả năm 2011 vẫn duy trì ở mức cao 18%/năm. Lãi suất huy động và cho vay tăng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn.
Thống kê cho thấy, nhiều công ty niêm yết, đặc biệt là những công ty kinh doanh bất động sản, có lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2011 giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặt khác, lãi suất huy động ở mức 14%/năm, (thậm chí có lúc lên đến 16-18% thời điểm đầu năm 2011) khiến tiền gửi trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn và cũng góp phần làm hạn chế dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Trong khi đó, thị trường tài chính thế giới cũng đã có những chuyển biến xấu, đặc biệt là những mối quan ngại về tình hình nợ công của khu vực đồng tiền chung châu Âu và những yếu kém trong hệ thống ngân hàng của khu vực này là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm. Đây là yếu tố khách quan ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư trong nước và hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây.
Theo ông, những điều trên đã ảnh hưởng như thế nào đến niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam? Và họ đã có động thái gì trong năm qua?
Trong bối cảnh tình hình thị trường tài chính thế giới gặp nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm, nhà đầu tư nước ngoài có nhiều chọn lựa đầu tư hơn, như thị trường chứng khoán Mỹ với mức định giá tương đối hấp dẫn hay thị trường bất động sản toàn cầu.
Trong thời điểm hiện nay, dòng tiền đổ vào các thị trường đang phát triển nhìn chung sẽ giảm. Nhà đầu tư nước ngoài trở nên kỹ hơn trong lựa chọn giải ngân nguồn vốn đầu tư vào các thị trường đang phát triển như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Philippines.
Tuy thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang có mức định giá rất hấp dẫn, chỉ số P/E toàn thị trường thấp hơn so với những thị trường đang phát triển khác. Nhưng những khó khăn trong kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tỷ giá cũng khiến nhà đầu tư nước ngoài mới quan ngại khi muốn đầu tư vào Việt Nam trong năm 2011.
Mặc dù vậy, dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam trong năm 2011 vẫn tương đối tốt. Xu hướng các công ty đa quốc gia được thành lập hoặc mở rộng hoạt động tại Việt Nam để nắm bắt cơ hội từ thị trường bán lẻ đầy tiềm năng và chi phí nhân công thấp. Ngoài ra, làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) của các doanh nghiệp, ngân hàng để gia tăng quy mô vốn, mở rộng thương hiệu, hệ thống phân phối, cũng là một trong những điểm sáng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong thời gian gần đây.
Cá nhân tôi cho rằng trong dài hạn, Việt Nam vẫn luôn là một điểm đầu tư hấp dẫn với tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự kiến tăng 5- 7%/năm trong vòng 10 năm tới. Và khi các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định hơn, dòng tiền đầu tư từ nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khôi phục và tăng trưởng trở lại
Vào năm sau, một loạt quỹ đóng sẽ phải xin ý kiến nhà đầu tư về việc có tiếp tục tham gia đầu tư tại thị trường Việt Nam. Theo ông, khả năng các nhà đầu tư đồng ý ở lại đầu tư ở Việt Nam có cao không và vì sao?
Việc nhà đầu tư có quyết định ở lại thị trường Việt Nam hoặc kéo dài thời gian hoạt động của quỹ hay không phụ thuộc vào hiệu quả của từng quỹ.
Đối với các quỹ hoạt động hiệu quả, tôi nghĩ khả năng nhà đầu tư đồng ý ở lại thị trường Việt Nam là tương đối cao. Nhìn chung, tiềm năng tăng trưởng là yếu tố hàng đầu mà nhà đầu tư nhìn tới, và Việt Nam vẫn là một trong những nước tăng trưởng mạnh nhất khu vực trong vòng 5- 10 năm nữa.
Một số yếu tố vĩ mô gần đây đã cho thấy dấu hiệu ổn định trở lại, như dự trữ ngoại tệ, tăng trưởng công nghiệp đạt 9-12%, tỷ giá ổn định dưới 21.200 đồng và lãi suất có xu hướng giảm. Ông có cho rằng Những điều này có giúp cho chứng khoán khởi sắc và thu hút dòng vốn mới của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam?
Sự ổn định vĩ mô trong thời gian 4 tháng trở lại đây là một dấu hiệu tích cực, phản ánh những chính sách đúng đắn của Nhà nước trong thời gian gần đây. Nếu lạm phát được kiểm soát ở mức 10% trong năm sau, lãi suất giảm, đồng thời tỷ giá được duy trì ổn định, chúng tôi nghĩ rằng thị trường chứng khoán có khả năng phục hồi vào 6 tháng cuối năm 2012.
Khi các yếu tố vĩ mô ổn định hơn, chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và muốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam có tăng trưởng hay không, ngoài yếu tố vĩ mô trong nước, còn phụ thuộc vào tình hình chung của thế giới.
Trong năm qua, tình hình thị trường chứng khoán khó khăn, tình hình hoạt động các quỹ của VinaCapital ra sao? Ông kỳ vọng gì cho năm 2012?
- Trong năm 2011, hoạt động của VinaCapital bị ảnh hưởng không nhỏ do kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán. Chúng tôi chỉ có quỹ VOF (Viet Nam Opportunity Fund) hoạt động tương đối tốt nếu so sánh với các quỹ khác và VN-Index. Tổng tài sản ròng (NAV) của VOF giảm 6,9% trong 11 tháng năm 2011, trong khi VN-Index giảm 21,5%.
Tôi cho rằng cuối năm nay đến đầu năm sau, mức định giá của thị trường tương đối thấp ở cổ phiếu một số doanh nghiệp với các điều khoản đầu tư hấp dẫn. Chúng tôi tập trung vào các doanh nghiệp niêm yết và tư nhân có ban lãnh đạo có năng lực, thuộc các ngành có tiềm năng tăng trưởng như tiêu dùng, giáo dục, dược và y tế, tài chính ngân hàng.
Tôi hy vọng tình hình kinh tế vĩ mô sẽ ổn định trong năm 2012, với các chỉ số vĩ mô được cải thiện, đặc biệt là lạm phát, lãi suất và tỷ giá, sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục.
Xin cảm ơn ông!
Theo Thảo Nguyên
TBKTSG
TBKTSG
http://cafef.vn/20111215083856178CA31/ong-andy-ho-chung-khoan-se-phuc-hoi-vao-6-thang-cuoi-nam-2012.chn
No comments:
Post a Comment