Thursday, December 15, 2011

15/12 Hãy tính đến phương án T+0

Thứ 5, 15/12/2011, 09:47


Tại CTCK Bảo Việt, gần đây BVSC đã nhận được đề nghị từ một số CTCK nhỏ đặt vấn đề mua lại hoặc sáp nhập vào BVSC.
Ông Nhữ Đình Hòa Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt cho rằng, nếu UBCK đã nghĩ đến phương án T+2 thì hãy tính đến phương án T+0 để chỉ phải cải tổ một lần là TTCK Việt Nam có thể cạnh tranh với các TTCK quốc tế.

Trước những khó khăn ngoài dự đoán trên TTCK, cơ quan quản lý đang nỗ lực để xây dựng giải pháp để vực dậy thị trường. Quản lý một CTCK lớn trong ngành, theo ông, điều mà thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư, cần nhất trong các giải pháp này là gì?
Cùng với việc hoàn thiện khung pháp lý để hướng TTCK đến hoạt động minh bạch và chuyên nghiệp hơn, thì mong muốn thiết thực nhất của các thành viên thị trường cũng như nhà đầu tư là giảm thời gian giao dịch.
Ý tưởng giảm thời gian giao dịch từ T+3 xuống T+2 đã từng được bàn luận nhiều, nhưng theo tôi, nếu đã đặt vấn đề giảm đến T+2 thì nên tính đến việc giảm xuống T+0, vì về kỹ thuật, hai phương án này có độ phức tạp tương đương, thậm chí phương án T+0 có thể sẽ đỡ phức tạp hơn là T+2.
Nhiều TTCK lớn đã và đang áp dụng thời gian giao dịch T+0, tức là cho phép nhà đầu tư khi lệnh mua được xác định thực hiện thành công, là có quyền đặt bán chứng khoán mà họ vừa mua được ngay trong phiên.
Nếu phương án T+0 được thực hiện, sẽ không chỉ làm cho dòng tiền chu chuyển nhanh hơn, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, tăng tính thanh khoản, tăng hiệu quả hoạt động trên thị trường cổ phiếu, mà còn có thể khích lệ các dòng vốn lớn đầu tư vào thị trường trái phiếu, giúp TTCK Việt Nam hoạt động cân bằng hơn.
Nhưng không phải nhà quản lý không muốn giảm thời gian giao dịch, mà thực tế là hạ tầng công nghệ tại nhiều CTCK không đáp ứng được yêu cầu này. Hơn nữa, TTCK Việt Nam chưa có một quỹ đủ lớn để xử lý những vấn đề lỗi giao dịch phát sinh nếu giảm thời gian giao dịch, thưa ông?
Rõ ràng rất thiệt thòi cho nhà đầu tư khi họ mua chứng khoán phải có tiền ngay ngày T+0, nhưng để bán lại lượng chứng khoán đã mua, thì phải chờ đến 4 ngày sau đó. Vì thế, trong vấn đề này, tôi nghĩ cơ quan quản lý buộc phải chọn 1 mục tiêu, chứ không thể thỏa mãn tất cả các điều kiện (mục tiêu) khi tính đến bước cải tiến lớn trên TTCK là giảm thời gian giao dịch.
Thực tế, phương thức giao dịch T+4 hiện nay cũng vẫn phát sinh lỗi, nhưng hệ thống thị trường đã có những biện pháp để xử lý. 
Nếu áp dụng thời gian giao dịch T+0 và chu trình thanh toán T+3 thì quá trình xử lý lỗi vẫn thực hiện như bình thường, các CTCK có thể thực hiện việc theo dõi vị thế số dư trong tài khoản của khách hàng, thực hiện thanh toán bù trừ ngay tại CTCK trong ngày T+0 và sau đó, CTCK sẽ thực hiện các thủ tục thanh toán theo đúng thời gian T+3 với Trung tâm Lưu ký.
Một chuyển động quan trọng khác sắp diễn ra trên TTCK là việc từ 12/1/2012, ngành dịch vụ tài chính, trong đó có dịch vụ chứng khoán Việt Nam sẽ hội nhập toàn diện theo các cam kết WTO. Theo ông, sự kiện này sẽ mang lại điều gì mới mẻ cho TTCK Việt Nam?
Nói đến ngưỡng hội nhập toàn diện ngành dịch vụ chứng khoán, điều đầu tiên là áp lực cạnh tranh với khối CTCK, công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, theo tôi, áp lực này sẽ không rõ ràng trong bối cảnh thị trường tài chính không chỉ trong nước mà thị trường quốc tế cũng còn rất ảm đạm.
Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam có những điểm khác biệt mà nhà ĐTNN không dễ vượt qua được và bản thân các nhà đầu tư quốc tế cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nên nhu cầu mở rộng hoạt động còn hạn chế.
Tuy nhiên, sự kiện TTCK Việt Nam bước vào hội nhập toàn diện có thể sẽ tạo nên một điểm nhấn tích cực, khi các nhà môi giới nước ngoài có điều kiện tốt hơn để kết nối vốn ngoại với các cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Trong ngành tài chính, bản thân sản phẩm tài chính chưa phải là giá trị, nhưng nếu biết sử dụng đúng người, đúng việc thì sẽ mang lại giá trị cho các chủ thể tham gia.
Thực tế lượng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam đã và đang suy giảm trong 2 năm gần đây. Theo ông, làm thế nào để dòng vốn này tìm đến Việt Nam và ở lại Việt Nam?
Nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm đến 2 vấn đề là mức độ ổn định kinh tế vĩ mô và rủi ro tỷ giá. Bên cạnh đó là số DN tốt của Việt Nam, đủ sức hấp dẫn dòng vốn ngoại.
Gần đây, một số tổ chức đầu tư Nhật Bản tỏ ra quan tâm đến các cơ hội đầu tư gián tiếp khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vì tại nước họ, lãi suất đầu tư rất thấp. Tuy nhiên, dòng tiền này có chảy vào TTCK Việt Nam hay không vẫn là một câu hỏi ngỏ.
Bản thân Công ty chúng tôi cũng đặt mục tiêu sẽ đẩy mạnh mảng tư vấn đầu tư, trong đó có mảng tư vấn phát hành và tìm đối tác chiến lược nước ngoài cho DN Việt Nam, nhưng nhiệm vụ này không dễ dàng trong bối cảnh hiện tại.
Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam còn một số hạn chế cần sớm khắc phục, như thời gian giao dịch T+3, hay chưa có khung pháp lý cho phép triển khai các dịch vụ tài chính hiện đại hơn…
Ngoài ra, để TTCK Việt Nam có thể hội nhập với thị trường quốc tế, các quy chế, thể chế và đặc biệt là tính minh bạch của thị trường còn cần nhiều cải thiện thì mới có thể thu hút được các dòng vốn nước ngoài.
Cùng với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, ngành chứng khoán đã bước chân vào quá trình tái cấu trúc, trong đó tái cấu trúc khối CTCK được quan tâm đặc biệt. Ông có bao giờ tính đến việc BVSC sẽ đứng ra nhận sáp nhập với một số CTCK yếu khác để góp phần vào công tác tái cấu trúc của ngành này?
Tôi rất đồng ý với quan điểm TTCK Việt Nam hiện nay đang rất cần một "bàn tay sắt" để lấy lại lòng tin của nhà đầu tư và hoạt động tái cấu trúc thị trường đang là một trong những hành động tích cực.
Hoạt động của CTCK có đặc thù khác với hoạt động của khối ngân hàng, nên tái cấu trúc các CTCK sẽ phải thực hiện theo hướng tự chủ, tự nguyện là chính.
Trong dự thảo Đề án tái cấu trúc CTCK cũng đã nêu rõ, UBCK sẽ không làm thay việc này cho CTCK, mà phải xuất phát từ sự tự nguyện của các bên. Tại CTCK Bảo Việt, gần đây chúng tôi đã nhận được đề nghị từ một số CTCK nhỏ đặt vấn đề mua lại hoặc sáp nhập vào BVSC, nhưng câu hỏi đầu tiên đặt ra là các đơn vị này mang lại giá trị gia tăng gì cho BVSC?
Xét tất cả các yếu tố (công nghệ, con người, khách hàng) thì đều thấy, giá trị khó có thể gia tăng khi một CTCK này nhận sáp nhập hay mua lại một CTCK khác yếu hơn.
Trong bối cảnh triển vọng năm 2012 chưa thực sự sáng sủa, quá trình tái cấu trúc CTCK cần nhìn thẳng vào sức khỏe của các DN, những thực thế yếu kém cần có giải pháp mạnh. Đặc biệt, quá trình này cần minh bạch thông tin, để nhà đầu tư bớt rủi ro khi chọn CTCK mở tài khoản.
Theo Tường Vi
ĐTCK

No comments:

Post a Comment