14:08 | 20/09/2011
Gần 3 năm triển khai Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), đến nay khoảng 63% dân số tham gia BHYT và số người nghèo, trẻ em hầu như 100% được hưởng BHYT, đã mang lại thực sự lợi ích về sức khỏe cho người dân. PHÓ CHỦ NHIỆM (PCN) ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI NGUYỄN VĂN TIÊN cho rằng, trong thời gian tới, ngoài việc sửa đổi những vướng mắc trong Luật, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị Về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới của Ban bí thư Trung ương Đảng vì đây là chính sách an sinh xã hội rất lớn.
- Ủy ban Về các vấn đề xã hội đảm nhận nhiều lĩnh vực xã hội rộng lớn, trong đó có lĩnh vực y tế. Đây là lĩnh vực quan trọng thưa Phó chủ nhiệm?
PCN Nguyễn Văn Tiên: Đúng vậy, vì tính chất quan trọng của vấn đề y tế, ngay từ khi mới thành lập từ trước năm 1993, Ủy ban đã mang tên là Ủy ban Y tế xã hội. Sau này do Ủy ban phải đảm nhiệm nhiều lĩnh vực xã hội nên gọi chung là các vấn đề xã hội, nhưng y tế luôn là lĩnh vực rất quan trọng.
Thực tế, hiện nay khi mà cuộc sống ngày càng được cải thiện, nhu cầu của người dân ngày càng lớn thì vấn đề y tế ngày càng cấp thiết. Đối với ngành y tế thì nhiệm vụ ngày càng tăng lên, do dân số tăng, nhu cầu khám, chữa bệnh tăng, rồi môi trường sống thay đổi nên dẫn đến rất nhiều các loại bệnh, dịch mới phát sinh, đặc biệt do lối sống chưa được lành mạnh, do thức ăn, chế độ dinh dưỡng, do đó rất nhiều bệnh như huyết áp, đái đường, ung thư, tim mạch… tăng so với nhưng năm trước rất nhiều. Nhưng nếu đánh giá về những tiến bộ trong y tế hiện nay, có thể khẳng định những bệnh chết vì nhồi máu cơ tim cách đây 10-15 năm trước do không chữa được thì hiện nay chữa rất đơn giản. Điều đó có thể khẳng định việc chăm sóc sức khỏe ngày càng đa dạng, phức tạp và tốn kém nhưng ngược lại ngành y tế càng hiện đại hơn, cứu sống được nhiều người, chính vì vậy tuổi thọ của người dân Việt Nam hiện nay là 73 tuổi. Ngành y tế rất quan trọng khi xã hội đã phát triển, khi mà nền kinh tế thị trường chúng ta đã có cơ chế, pháp luật tương đối hoàn chỉnh.
- Qua giám sát việc tổ chức và triển khai thực hiện Luật BHYT trong thời gian tại một số địa phương, Phó chủ nhiệm đánh giá như thế nào?
PCN Nguyễn Văn Tiên: Luật BHYT có hiệu lực đến nay đã gần 3 năm, ngay từ khi có hiệu lực, đã gặp phản ứng rất dữ dội trong xã hội đó là việc người dân cùng chi trả. Trong thời gian vừa qua, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã đi giám sát rất nhiều địa phương, phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan Trung ương đã đi giám sát và tìm hiểu về tình hình triển khai Luật. Cho đến nay, vấn đề cùng chi trả đã thuận lợi nhiều. Gần 3 năm triển khai Luật, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng, khoảng 63% dân số tham gia BHYT và số người nghèo và trẻ em hầu như 100% được hưởng BHYT; sự phối hợp giữa các ban, ngành triển khai Luật cũng đã thuận lợi, BHYT đã mang thực sự mang lại lợi ích về sức khỏe cho người dân. Qua cuộc đi tiếp xúc cử tri, hầu hết các ý kiến đề nghị muốn được hưởng BHYT, điều đó chứng tỏ BHYT rất quan trọng. Nhưng ngược lại, cũng còn nhiều ý kiến chê trách BHYT, do giá viện phí thấp, cơ quan BHYT chi trả cho cơ sở y tế còn ít, viện phí thấp cho nên chất lượng phục vụ chưa cao. Qua đi giám sát thực tế cho thấy, Luật BHTY thực sự đã đi vào cuộc sống. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn những vướng mắc như: các cơ quan chức năng chưa thống nhất chi trả cho trường hợp tai nạn giao thông hay các địa phương thực hiện cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi còn chậm quá… Luật đã có hiệu lực gần 3 năm, ngay sau đó Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 38 - CT/T.Ư Về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới nhưng thực tế tại một số địa phương, các cấp chính quyền vẫn chưa quan tâm chỉ đạo cho nên phong trào huy động xã hội, vận động người dân tham gia mua thẻ BHYT còn hạn chế.
Trong thời gian tới, ngoài việc sửa đổi những vướng mắc trong Luật, theo tôi tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 38 có hiệu quả hơn, vì đây là chính sách an sinh xã hội rất lớn. Bên cạnh đó, Chính phủ đang đề nghị, tiếp tục thay đổi viện phí để Quỹ BHYT chi trả chi phí cho người đóng BHYT với giá viện phí phù hợp thì họ được phục vụ tốt và chất lượng khám, chữa bệnh được tốt hơn. Điểm quan trọng nữa, theo lộ trình, hướng tới đến năm 2014 triển khai BHYT toàn dân, QH và Chính phủ tiếp tục thực hiện lộ trình bằng cách cấp ngân sách để hỗ trợ cho các đối tượng mua thẻ BHYT cho một số đối tượng như nông dân, những người làm lâm nghiệp, cho học sinh và một số đối tượng khác.
- Đánh giá sự phối hợp giữa các ngành y tế, ngành lao động, thương binh và xã hội và ngành BHXH trong việc triển khai Luật BHYT, Phó chủ nhiệm còn thấy những bất cập gì?
PCN Nguyễn Văn Tiên: Sự phối hợp giữa các ngành y tế, ngành lao động, thương binh và xã hội và ngành BHXH là điểm mấu chốt để Luật BHYT có hiệu lực và hiệu quả. Ngoài sự chỉ đạo của Chính phủ, các ban, ngành trung ương đã ban hành các chính sách, thông tư hướng dẫn rất thuận lợi, nhưng tại một số địa phương chưa triển khai hiệu quả. Chính những tỉnh triển khai chưa hiệu quả thì lại hay gặp rắc rối, hay gặp tranh chấp phát sinh từ giữa cơ sở y tế, giữa bệnh viện và cơ quan BHXH. Một số vấn đề hiện nay còn vướng mắc là làm thế nào để thẻ BHYT trẻ em dưới 6 tuổi và người nghèo nhận được đúng ngày 1 hàng năm và đúng đối tượng, vì thực tế hiện thẻ BHYT cho trẻ em thường chậm. Hiện nay quản lý nhà nước về trẻ em do ngành lao động, thương binh và xã hội quản lý, từ việc việc in, cấp thẻ đều rất tốt, nhưng khi thẻ BHYT về đến xã không có người phát, có khi thẻ nằm ở UBND xã vài tháng, khi gia đình có người ốm đau mới lên xã lấy thẻ BHYT. Điều này khác xa với thời còn Ủy ban Dân số gia đình trẻ em, khi có thẻ đã có đội ngũ cộng tác viên dân số xã đưa trực tiếp đến tận gia đình, còn bây giờ mỗi xã chỉ có một biên chế đảm nhiệm công tác này. Đây là điều còn vướng tại cơ sở, do đó cần tăng cường, phối hợp giữa các các ban, ngành để triển khai công tác này được hiệu quả hơn. Được biết, Quỹ BHYT năm 2010 đã kết dư khoảng 5.000 tỷ đồng, đã trả nợ về âm khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, đây là những thành tựu rất lớn chúng ta đã định hướng tốt được chính sách này.
- Hướng tới đến năm 2014 triển khai BHYT toàn dân sẽ gặp không ít khó khăn, theo Phó chủ nhiệm cần có những giải pháp gì để thực hiện được điều này?
PCN Nguyễn Văn Tiên: Đây là định hướng rất đúng đắn. Cơ chế BHYT là cơ chế chi trả trước nên rất hiệu quả, bảo đảm cho con người không rơi vào hoàn cảnh khó khăn, có những trường hợp đã được BHYT chi trả đến 100 triệu đồng khám, chữa bệnh. Vì vậy trong Luật BHYT cũng như Chỉ thị 38 cũng đề ra việc vận động đến năm 2014 để toàn dân tham gia BHYT, hiện nay chúng ta đã đạt được 63%, còn hơn 30% còn lại cần phải kế hoạch.
Theo tôi điều quan trọng nhất là QH chuyển đổi việc phân bổ ngân sách từ cấp việc cấp tiền cho ngành y tế chuyển sang cấp tiền mua BHYT cho người dân; thứ hai, QH cần tăng kinh phí cụ thể cho ngành y tế để ngành tài chính mua BHYT cho một số đối tượng, Nhà nước nên hỗ trợ bao nhiêu phần trăm cho các đối tượng như người nông dân, những người làm lâm nghiệp, học sinh, hay khi Pháp lệnh Người có công được sửa đổi cũng cần được hỗ trợ cho đối tượng này. Thứ ba, điều chỉnh giá viện phí, bởi vì một vấn đề rất vô lý là khi đã mua BHYT cho người dân, chúng ta vẫn để viện phí thấp như vậy rất nghịch lý; đồng thời những chính sách cũng phải cần điều chỉnh lại cho hợp lý thì mới đạt được, nếu không sẽ rất khó khăn. Với các biện pháp đó, đồng thời cũng phải chấn chỉnh y đức của đội ngũ y, bác sỹ trong việc phục vụ bệnh nhân, chấn chỉnh cách quản lý, thanh toán BHYT… Hy vọng sau một vài ba năm nữa, đạt được 80-90% như vậy đã là một thành công quá mỹ mãn, vì 10% dân số số còn lại họ đã có BHYT khác bao phủ, họ sẽ tự đủ tiền để lo cho bản thân.
- Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!
Vi Hoa thực hiện
No comments:
Post a Comment