Tuesday, September 20, 2011

20/09 Người anh hùng làng chài



TT - Tại xóm chài nghèo, anh hùng Nguyễn Trung Trực đã tuyên bố: “Tôi ra đi đánh Sài Lang cứu quốc, bao giờ thành công mới trở về. Anh em ai có lòng thì theo tôi. Nếu việc lớn không thành, thì hằng năm gia đình cứ lấy ngày này làm mâm cơm để anh em sum họp...”.
Hơn 150 năm trước, ông đã nêu khí phách can trường của người Việt trước nạn ngoại xâm. Loạt bài này để tưởng nhớ người anh hùng xuất thân từ dân chài, nhân kỷ niệm lễ giỗ lần 143 của ông.
Kỳ 1: Lời thề cứu nước
Câu chuyện về lời thề cứu nước này đã diễn ra trong buổi lễ cầu ngư ngày 10-3 năm Canh Thân (1860). "Cố Nguyễn đã gọi anh em bạn bè lại tuyên bố như vậy!" - ông Nguyễn Văn Bảy, cháu đời thứ năm của Nguyễn Trung Trực ở xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức (Long An) - thuật lại từ những lời kể truyền đời của dòng họ.
Dâng hương tại đình anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá, Kiên Giang- Ảnh: Tấn Đức
Những "biến cố bi thảm" của quân Pháp
Chúng tôi trở lại vàm sông Nhựt Tảo với mong ước tìm chút dấu xưa tích cũ về trận đánh tàu Esperance cách nay gần 150 năm. Nơi đây, trưa 10-12-1861 Nguyễn Trung Trực đã dùng kế “điệu hổ ly sơn”, cho một toán nghĩa quân ra mặt quấy phá một địa điểm cách tàu Esperance đậu chừng 2km. Trung úy Parfait, chỉ huy tàu, mắc mưu dẫn một số lính rời tàu đi bắt “quân phiến loạn”.
Lúc này Nguyễn Trung Trực cùng hơn 59 nghĩa quân đi trên năm ghe, giả làm một đoàn rước dâu, cập vào chiếc Esperance để trình diện. Khi lên tàu, “cô dâu chú rể và sui gia hai họ” nhất loạt tuốt vũ khí giấu trong người tấn công quân giặc. Bị tấn công bất ngờ, 17 sĩ quan và lính Pháp, 23 lính Ma Ní và lính tập đã bị tiêu diệt.
Chiếc Esperance bọc đồng được trang bị vũ khí hiện đại như một pháo đài nổi nhanh chóng bị nghĩa quân đốt cháy, nổ tung và chìm hẳn xuống lòng sông. Khi hay tin tàu bị tấn công, trung úy Parfiat gọi thêm viện quân quay lại tiếp ứng thì chỉ thấy những mảnh ván tàu trôi bập bềnh. Thua đau, Parfiat ra lệnh đốt hơn 300 căn nhà. Triều đình Huế khi hay tin đã thưởng cho binh lính 1.000 quan tiền, phong chức cai đội cho hơn 20 người khác.
Riêng bốn nghĩa quân hi sinh, gia đình được hưởng tiền tuất gấp đôi, con và em ruột cũng được phong ấm, chiêu, hưởng bổng lộc cả đời. Về trận đánh này, sử gia người Pháp Alfred Schreiner nhận xét đây là “một biến cố bi thảm, gây xúc động sâu sắc nơi người Pháp và kích thích một cách lạ lùng trí tưởng tượng của người An Nam”.
Ảnh: Trần Lam
Đánh thành Kiên Giang
Trận công thành Kiên Giang diễn ra ngày 16-6-1868, cũng với yếu tố bất ngờ cộng với tinh thần xướng nghĩa, huy động nhiều thành phần tham gia. Từ cô Điều, cô Đỏ, vốn là hai chị em sinh đôi Thạch Thị Son và Thạch Thị Sên, con nhà điền chủ Thạch Danh ở Sóc Ruộng (gần chợ Rạch Giá ngày nay).
Hai bà vừa làm trinh sát, vừa làm tham mưu và kiêm luôn công việc mà ngày nay ta gọi là binh vận - lôi kéo, giác ngộ binh lính người Việt, người Khmer theo Pháp, ngả về phía nghĩa quân. Từ Quản Cầu, Xã Lý tới các hương hào địa phương đều theo về Nguyễn Trung Trực để làm nên trận kiếm bạt Kiên Giang, diệt trưởng đồn Sauterne và hàng chục sĩ quan, binh lính trú ngụ trong đồn, làm chủ tỉnh lỵ Rạch Giá trong sáu ngày.
Paulin Vial, một sĩ quan cao cấp của Pháp tại Nam kỳ,  từng giáp mặt Nguyễn Trung Trực trên chiến trường và là tác giả quyển Những năm đầu của Nam bộ thuộc Pháp, xuất bản năm 1874 tại Pháp, đã viết về trận tập kích đồn Kiên Giang như sau: “Người ta biết rằng hồi 4 giờ sáng 16-6-1868, trong suốt đêm tối tăm, đồn bị công hãm. Binh số khoảng 30 người ở trong một cái nhà xịt sạt, giữa một vòng rào rộng bao bọc bằng vách đất và cửa lớn làm chưa rồi. Một bọn đông đặc người cướp đồn, tên lính gác bị hạ sát và phần nhiều lính gác ở riêng rẽ với các sĩ quan, không đủ thời gian lấy súng gươm để chống trả lại. Sauterne, trưởng đồn, bị thác lúc kế đó sau khi chống chọi kịch liệt. Bị bao vây bởi đám đông người bản xứ, viên thanh tra bị tàn sát. Khoảng 10 người lính tự giữ mình vài chặp, rồi mở một đường thoát ra trong làng, lính bị bắn chết, trừ một mống là Duplessis trốn dưới bụi lùm, ngoài bưng”.
Với lời thề cứu nước, Nguyễn Trung Trực đã làm nên những chiến công vang dội ở Nam kỳ trong buổi đầu chống Pháp.
Không thể ươn hèn
Có nhiều nguyên do về sự thất bại của anh hùng Nguyễn Trung Trực, nhưng dễ thấy nhất là sự chênh lệch quá lớn về vũ khí, phương tiện, kỹ thuật và nghệ thuật quân sự giữa một bên là quân đội viễn chinh của một cường quốc hùng mạnh với một bên là nông dân “chưa quen cung kiếm”.
Những tài liệu mô tả khí giới của hai bên trong trận chiến cuối cùng ở Phú Quốc (Kiên Giang) cho thấy điều đó: “Từ ngoài khơi tàu Pháp bắn đại bác vào, mỗi phát đạn gồm hai quả cầu bằng sắt. Trên bờ nghĩa quân dùng súng gỗ bắn trả lại. Súng này làm bằng cây mù u, được đẽo mắc xung quanh cho láng, cưa thành hai miếng theo chiều dọc, khoét rỗng ở bên trong rồi dùng mây rả (một loại dây rừng có nhiều ở Phú Quốc) niền lại. Sau đó lấy miếng gỗ thật chắc bịt lấy một đầu, rồi khoét lỗ nhỏ dùng để làm ngòi súng. Kế đó là lớp vải hay mồi lửa, trên cùng là viên đạn. Đạn làm bằng đất sét vò viên đem phơi khô rồi nhào với dầu rái!".
Đó là một thế trận không tương xứng, nhưng có lẽ, vận mệnh lịch sử không thể nào dừng lại được, nói như cách nhà văn Sơn Nam thì: "“Ông Nguyễn Trung Trực là viên tướng trẻ tuổi đầu tiên từ Tân An đến Rạch Giá, dùng xương máu để dạy cho dân bài học cụ thể về lòng yêu nước. Cuộc tấn công đồn Rạch Giá quả là hành động táo bạo, chớp nhoáng, được chuẩn bị khá chu đáo về nội ứng, thấy có thể làm được là cứ làm, không do dự. Do dự là bỏ qua thời cơ, thời cơ chỉ thoáng hiện. Chờ đợi cho thiên thời, địa lợi, nhân hòa đầy đủ trăm phần trăm thì chỉ là thái độ ươn hèn. Ông Nguyễn tiếp tục việc chống ngoại xâm của tiền nhân mà sau này con cháu vẫn nối tiếp. Nét độc đáo của ông là thanh niên tính”. (Trích Đất khởi nghĩa và vài giai thoại về Nguyễn Trung Trực - Sơn Nam,Tập san Sử - Địa 12-1968).
TẤN ĐỨC
_______________________
Trở lại với dòng sông Nhật Tảo, điều gì đã làm nên tinh thần và khí phách của chàng thanh niên Nguyễn Trung Trực ngày xưa?

No comments:

Post a Comment